Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Bàn thêm về nguồn gốc người Việt


Bàn thêm về nguồn gốc người Việt
(bài mang tính tham khảo)
Phải nói rằng, công trình nghiên cứu Ða dạng di truyền người Hán (Chinese Human Genome Diversity Project) của nhóm nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ do giáo sư Y. Chu chủ trì, được công bố cuối năm 1998 đã làm đảo lộn nhận thức của giới khoa học về nguồn gốc của người Ðông Á.
Một số nhà nghiên cứu người Việt ở nước ngoài đã mau chóng chuyển tải thông tin này. Hai bài viết của luật sư Cung Ðình Thanh và giáo sư Nguyễn Văn Tuấn sống tại Úc là những khảo cứu có giá trị. Tuy nhiên, nếu nhìn lại, cả hai bài viết đó, bên cạnh những ưu điễm rất lớn vẫn còn những lý giải chưa thuyết phục, dễ gây ngộ nhận.
Trong chuyên khảo "Nhờ tiến bộ của di truyền học (DNA), phải chăng đã đến lúc chúng ta có thể khẳng định được nguồn gốc dân tộc Việt Nam?" đăng trên tập san Tư Tưởng, sau đó được lưu giữ tại mạng Linhnam, tác giả Cung Ðình Thanh viết: "Câu hỏi cần được đặt ra là: Tại sao cũng từ Ðông Nam Á ra đi mà người ra hải đảo thì da sậm, tóc xoăn; trong khi người ngược phía Bắc lại thuộc da vàng, tóc đen? Cần phải có sự nghiên cứu về di truyền học và có thêm tài liệu khảo cổ để trả lời câu hỏi này cho xác đáng. Trong hoàn cảnh tài liệu hiện có, chỉ có thể giả thiết, người Phi châu đến Ðông Nam Á rồi tiện đường (lúc này nước biển thấp nên có nhiều cầu nối liền Ðông Nam Á đến hải đảo) ra hải đảo Thái Bình Dương trước. Trong khi trụ lại Ðông Nam Á, họ đã hội đủ các yếu tố khoa học để có được một cấu trúc di truyền lần hai, biến từ giống da đen sang giống da vàng trước khi họ tiến lên phia Bắc. Vậy phải chăng người Hắc chủng từ Phi Châu đến Ðông Nam Á rồi nhờ hội đủ yếu tố khoa học, đủ cơ duyên, đã biến đổi thành người da vàng mà sau này nhân chủng học gọi bằng tên Mongoloid. Từ đó họ đã tỏa lên phía Bắc vượt sang châu Mỹ tạo thành người Da Ðỏ."
Còn trong bài viết: Nguồn gốc người Việt theo di truyền học, đăng tên Tập san Tư Tưởng rồi được đưa lên mạng Linhnam, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nghi ngờ phát hiện rất quan trọng của Ballinger(1): "Người Ðông Á là người Mông Cổ phía Nam." Ông cho rằng nghiên cứu này do thực hiện trên quá ít mẫu nên không đủ độ tin cậy. Và ông đề nghị phải có công trình nghiên cứu di truyền học lớn hơn để có kết luận thỏa đáng.
Chính sự "trục trặc" ở những người tiên phong trong việc giới thiệu quan điểm mới này ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức và tâm lý của người đọc.
Chúng tôi, trong khả năng hạn chế của mình muốn thử bàn lại chuyện này.
VỀ BÀI VIẾT CỦA LUẬT SƯ CUNG ÐÌNH THANH
"Tại sao cũng từ Ðông Nam Á ra đi mà người ra hải đảo thì da sậm, tóc xoăn; trong khi người ngược phía Bắc lại thuộc da vàng, tóc đen?" Câu hỏi đặt ra là đúng, nhưng cho rằng: "Trong khi trụ lại Ðông Nam Á, họ đã hội đủ các yếu tố khoa học để có được một cấu trúc di truyền lần hai, biến từ giống da đen sang giống da vàng trước khi họ tiến lên phia Bắc." là lời giải khó thuyết phục. Lời giải như vậy, chỉ có giá trị như một suy đoán. Muốn cho suy đoán này chấp nhận được, cần phải rất nhiều chứng minh, ít nhất hai điều: 1, Thực sự đã xảy ra đột biến (mutation) đối với người tiền sử Ðông Nam Á và 2, Những nhân tố thực sự đã tạo ra đột biến đó? Cho đến nay khoa học chưa tìm ra bằng chứng về một đột biến di truyền như vậy đồng thời cũng không tìm được trong môi sinh Ðông Nam Á những yếu tố đặc biệt như phóng xạ, hóa chất có thể gây ra cuộc đột biến khoảng 50.000 năm trước. Nếu theo ý tác giả thì, để chứng minh được giả thiết trên, "cần phải có sự nghiên cứu về di truyền học và có thêm tài liệu khảo cổ để trả lời câu hỏi này cho xác đáng." Như vậy có nghĩa là còn cần phải bỏ ra rất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc mới có thể xác định được chắc chắn nguồn gốc người Việt! Thông tin như vậy dễ làm nản lòng người từng quá lâu chờ đợi. Thật may mà sự việc lại không như tác giả đoán định.
Sở dĩ vị luật sư đáng kính lấn cấn ở chỗ này vì những lẽ sau:
1- Khi khảo sát công trình của nhóm giáo sư Y Chu, Li Jin. ông đã bỏ qua chi tiết "Người tiền sử dừng lại ở đây trong khoảng 10.000 năm, họ lai giống với nhau. 50.000 năm trước, người từ Ðông Nam Á đến châu Úc." Như vậy, trong lộ trình thiên di, không phải người tiền sử đến Ðông Nam Á rồi chia tay nhau ngay: một bộ phận ở lại còn bộ phận khác thì tiếp tục hành trình sang châu Úc. Thực tế là, họ có sự dừng chân chung đụng lai giống trên lục địa Ðông Nam Á rồi 10.000 năm sau mới chia tay nhau! Kết quả là, ở thời điểm chia tay ấy, cấu trúc di truyền của phần lớn (HVT nhấn mạnh) dân cư Ðông Nam Á đã gần như hòa đồng và không còn giống với tổ tiên họ khi đặt chân tới đây. Người đi sang Úc cũng có bộ genes giống với người ở lại. Chính điều này giải thích sự gần gũi về di truyền giữa thổ dân châu Úc và người Ðông Nam Á hiện đại như phát hiện của nhóm giáo sư Y. Chu.
2- Thứ hai: Trong công trình của mình, các tác giả của Dự án đa dạng di truyền người Hán đã không đề cập vấn đề rất quan trọng: người tiền sử đến Ðông Nam Á gồm một hay nhiều chủng người? Chính vì không có thông tin này khiến cho những người khảo cứu dựa trên công trình của họ bị bối rối, đưa ra những lý giải thiếu thuyết phục. Thực ra vấn đề này từ lâu đã được nhân chủng học phát hiện. Bằng nghiên cứu hình thái học hàng loạt sọ cổ Ðông Nam Á, nhà nhân chủng học Nguyễn Ðình Khoa cho thấy: "Người tiền sử đến Ðông Nam Á gồm hai đại chủng Australoid và Mongoloid. Trong quá trình chung sống đã có sự lai giống giữa họ thành hai chủng Indonesien, Melanesien cùng những chủng lai giữa chúng với nhau là Negritoid, Vedoid"(2).
Khi kết hợp giữa phát hiện mới của di truyền học với những kiến thức vốn có về nhân chủng học Ðông Nam Á như trên, vấn đề về thành phần nhân chủng của người tiền sử Ðông Nam Á trở nên rõ ràng:
Ðặt chân tới Ðông Nam Á, hai đại chủng tiền sử Australoid và Mongoloid lai nhau tạo ra các chủng Indoneisen và Melanesien, Vedoid, Negritoid. Tài liệu từ thống kê sọ cổ cũng như di truyền học cho thấy ưu thế vượt trội tới mức lấn át của yếu tố Australoid trong thành phần dân cư Ðông Nam Á. Sau 10.000 năm là thời gian đủ cho họ tăng về số lượng, tràn khắp Ðông Nam Á lục địa. Do sự tăng nhân số mà nhu cầu di cư nảy sinh. Từ đây họ tỏa ra châu Úc, Newguinea cùng các hải đảo Ðông Nam Á.
Khoảng 40.000 năm trước, nhờ băng hà tan, thời tiết ấm lên, người Ðông Nam Á đi lên khai phá lục địa Trung Hoa rồi tiếp đó vượt eo Bering sang chiếm lĩnh châu Mỹ. Suốt trong thời gian này không hề có bất kỳ đột biến (mutation) nào mà chỉ có hòa huyết tự nhiên giữa những thành phần người có mặt ở Ðông Nam Á. Hoàn toàn không hề có chuyện người da sậm tóc xoăn đột biến chuyển hóa thành người tóc đen da vàng như ông Cung Ðình Thanh giả định.
Có thể khẳng định: suốt thời gian này, thành phần chủ yếu, đa số tuyệt đối trong dân cư Ðông Á, châu Úc là Australoid với những chủng Indonesien, Melanesien, Vedoid.
Vậy người Mongoloid đi đâu? Vì sao sau này lại chiếm đa số trong dân cư Ðông Á? Tôi xin trình bày ở phần sau
VỀ BÀI VIẾT CỦA G.S NGUYỄN VĂN TUẤN
Trong bài viết của mình, G.s Nguyễn Văn Tuấn trình bày sáng rõ và thuyết phục nguồn gốc người Việt theo những phát hiện mới nhất về di truyền học. Tuy vậy, tác giả hình như không thỏa đáng khi phản bác ý kiến của Ballinger cho rằng người Ðông Nam Á có nguồn gốc Mông Cổ phương Nam (were observed in the Vietnamese suggesting a Southern Mongoloid origin of Asians). Phát hiện của Ballinger là rất quan trọng, nó như cái chìa khóa giải quyết vấn đề nhân chủng học Ðông Nam Á. Bác bỏ ý kiến của Ballinger cũng có nghĩa chặn đứt con đường tìm ra lời giải về nhân chủng Ðông Nam Á. Tuy nhiên, theo ý chúng tôi thì Ballinger hoàn toàn chính xác: đúng là người Ðông Nam Á có nguồn gốc Mông Cổ phương nam.
Chúng tôi cho rằng, trong điều kiện tự nhiên và xã hội lúc đó, người tiền sử tới Ðông Nam Á một cách riêng biệt theo từng nhóm chủng tộc khác nhau, trong hành trình dài dằng dặc. Chỉ khi tụ lại trên đồng bằng Sundaland, Nanhailand và miền Trung miền Bắc Việt Nam, hai đại chủng người tiền sử mới có sự chung đụng và lai giống (cố nhiên, không loại trừ sự lai giống ngẫu nhiên trên đường đi). Kết quả là hình thành một cộng đồng lai chiếm tuyệt đại đa số cư dân. Ðấy là bức tranh chung. Nhưng đó không phải là tất cả mà bên cạnh còn những ngoại lệ: Có thể một số nhóm Mongoloid hay Australoid suốt trên đường thiên di không hề có sự gặp gỡ nào với chủng người khác. Tới Ðông Nam Á, họ cứ sống biệt lập như vậy. Một vài nhóm Mongoloid vượt lên tây bắc Ðông Nam Á sau đó theo đường Ba Thục lên định cư ở vùng tây bắc Trung Quốc. Ở đây họ sống cách biệt với phần còn lại của nhân loại và hình thành chủng Mongoloid phương Bắc. Suốt trong nhiều ngàn năm, họ từ săn bắt rồi chuyển sang phương thức du mục trên thảo nguyên Thiểm Tây, Cam Túc và nước Mông Cổ.
Cuộc thiên di của những nhóm người biệt lập như trên được nhiều học giả xác nhận.
Gs. Ranjan Deka Ðại học Cincinnati Hoa Kỳ, một trong những người tham gia Dự án Ða dạng di truyền người Hán công bố: "Những quần thể từ Ðông Á tới luôn luôn bắt nguồn từ một dòng riêng rẽ, điều này tạo nên nguồn gốc riêng biệt của những quần thể đó"(3). Sự kiện này cũng tìm được dẫn chứng trong khảo cổ học: "Ðiều khó khăn nhất là rất ít sọ người được tìm ra ở đấy, dù có di chỉ đồ đá ở Mông Cổ (văn hóa Hetao) và ở bắc Trung Hoa vào hậu kỳ đá cũ. Ngoài ba sọ thuộc lớp khảo cổ trên ở trong hang Zhoukoudian xem như thuộc chủng tiền (proto) Mongoloid, người ta chỉ tìm được sọ Liujiang (Quảng Tây). Sọ này có tuổi định khá trẻ (10.000 năm trước), nhưng di vật trong Bailiandong (Bạch Liên động) gần đó lại có tuổi 30.000 năm trước(4). Dù rất hiếm hoi nhưng những dấu vết trên cho thấy: người Mongoloid từ Ðông Nam Á theo hành lang phía tây lên tây bắc Trung Quốc. Việc nghèo nàn di vật cũng nói lên một điều: nhóm người này tuy đi làm nhiều đợt nhưng vì số lượng không nhiều nên chỉ tạo được quần thể thiểu số Mongoloid phương Bắc.
Luật sư Cung Ðình Thanh cho rằng: "Người ở lại Ðông Nam Á có sự chuyển hóa di truyền thành da vàng, đi lên trung Quốc rồi sang châu Mỹ." Ý kiến này là sự phỏng đoán không có cơ sở. Các tư liệu khảo cổ cũng như di truyền học xác nhận: cho đến thiên niên kỷ thứ III TCN, dân cư trên toàn vùng Ðông Á tuyệt đại đa số thuộc về Australoid. Chính những người Indonesien, Melanesien này đã vượt eo Bering sang châu Mỹ.
Quá trình Mongoloid hóa chỉ xảy ra vào thiên niên kỷ thứ III TCN khi người Hán Mông Cổ vượt Hoàng Hà xuống chiếm đất của người Bách Việt. Chính người da vàng từ Tây Bắc xuống đã lai với người da sậm màu tại chỗ tạo thành chủng Mongoloid phương nam. Ðó là quá trình lai tạo chuyển hóa lâu dài mà dấu vết còn đậm ở đời nhà Thương và sau nữa: "Thang, ông vua đầu tiên của Trung Hoa được mô tả là có nước da đen bóng. Triết gia nổi tiếng Lão tử cũng có màu da đen”(5).
Khoảng 2800 năm TCN, khi thấy những người da ngăm đen, tóc xoăn trồng lúa nước phía Nam sông Hoàng Hà có cuộc sống sung túc, ý thức thực dân trong đầu những người Hán Mông Cổ nổi lên. Họ kiên trì cuộc lấn chiếm với vó ngựa và cung nỏ, dáo mác. Khoảng 2600 năm TCN, bằng chiến dịch lớn Trác Lộc trên sông Hoàng Hà, người Hán Mông Cổ toàn thắng, tràn xuống vùng đất vừa chiếm được. Cuộc gặp gỡ này phải chăng là định mệnh đã tạo ra một chủng người mới trên địa bàn Ðông Á: chủng Mongoloid phương Nam. Phải chăng cũng là định mệnh việc một nhóm người sống tách biệt với bầy đoàn ở tận vùng Tây Bắc xa vời đã giữ gìn vốn genes Mongoloid để khi gặp những người Indonesien, Melanesien, vedoid từ phương Nam đi lên thì xảy ra phản ứng dây chuyền của cuộc hòa huyết vĩ đại tạo nên tuyệt đại dân số Ðông Á hôm nay? Lịch sử chứng kiến một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục: trên toàn địa bàn Ðông Á có một quá trình Mongoloid hóa mạnh mẽ. Thành phần Australoid đang là chủ thể suốt 50.000 năm thì trong ba thiên niên kỷ cuối cùng gần như biến mất khỏi địa bàn Ðông Á, nhường chỗ cho thành phần Mongoloid!
Giáo sư Nguyễn Ðình Khoa của Ðại học Tổng hợp Hà Nội trình bày trong sách Nhân chủng học Ðông Nam Á: "Thời đại Ðá Mới, cư dân trên lãnh thổ Việt Nam thuộc hai đại chủng Australoid và Mongoloid cùng các loại hình hỗn chủng giữa chúng cộng cư với nhau, trong đó có Indonesien và Melanesien là hai thành phần chủ yếu... Sang thời Ðồng-sắt, người Mongoloid đã là thành phần chủ thể trong khối cư dân Việt Nam, người Australoid mất dần đi trên đất nước này, hoặc do thiên cư hoặc do đồng hóa."(Nguyễn Ðình Khoa, Sđd). Ðó cũng chính là bức tranh toàn cảnh dân cư Ðông Nam Á hiện đại.
Như vậy là, một cách nông cạn, chúng tôi tưởng đã hóa giải những điều còn ngờ vực, những điều còn chưa rõ ràng trong hai công trình khảo cứu của những tác giả đi trước. Vấn đề về nguồn gốc người Việt nói riêng và người Ðông Á nói chung đã được xác định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét