Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

CHỦ THỂ VĂN HÓA VIỆT NAM


CHỦ THỂ VĂN HÓA VIỆT NAM
* Hệ tọa độ ba chiều
Giống như một điểm trong không gian, vị trí của một nền văn hóa trong xã hội phải được xác định bởi một hệ tọa độ. Một hệ tọa độ ba chiều: Thời gian văn hóa, Không gian văn hóa và Chủ thể văn hóa.
Thời gian văn hóa được xác định từ khi một nền văn hóa hình thành cho đến khi tàn lụi. Nói chung, thời gian văn hóa không thể có ranh giới rạch ròi, nó là một khái niệm mờ. Thời điểm khởi đầu của một nền văn hóa là do thời điểm hình thành dân tộc (chủ thể văn hóa) quy định.
Không gian văn hóa có phần phức tạp hơn : bởi lẽ văn hóa có tính lịch sử, cho nên trong văn hóa đã có cả yếu tố thời gian. Vì có tính thời gian cho nên không gian văn hóa liên quan đến lãnh thổ nhưng không đồng nhất với không gian lãnh thổ. Nó bao quát tất thảy những vùng lãnh thổ mà ở đó dân tộc đã tồn tại qua các thời đại. Do vậy, không gian văn hóa bao giờ cũng rộng hơn không gian lãnh thổ. Không gian văn hóa cũng là một khái niệm mờ : không gian văn hóa của hai dân tộc ở cạnh nhau thường có phần chồng lên nhau, có miền giáp ranh. Để có được hình dung đầy đủ về không gian văn hóa của một dân tộc cụ thể, cần nắm được nguồn gốc và quá trình hình thành của dân tộc. Nghĩa là, cả thời gian văn hóa lẫn không gian văn hóa đều phụ thuộc vào việc xác định trục thứ ba của hệ tọa độ - chủ thể văn hóa.
* Nguồn gốc dân tộc Việt Nam - chủ thể văn hóa
Căn cứ vào những kết quả nghiên cứu gần đây, người ta đã chia nhân loại thành hai khối quần cư lớn: Phi-Âu và Úc-Á , đó cũng chính là hai trung tâm hình thành chủng tộc cổ xưa nhất của loài người : Trung tâm phía Tây ở miền Đông-Bắc Phi và Tây-Nam Á, và Trung tâm phía Đông ở miền Đông Nam Á.Trung tâm phía Tây có hai đại chủng : Âu (Europeoid) và Phi (Negroid). Trung tâm phía Đông cũng có hai đại chủng : Á (Mongoloid) và Úc, hay phương Nam (Australoid, tiếng La-tinh Austra = phương Nam). Hai trung tâm này xuất hiện không đồng thời : trung tâm phía Tây có trước. Không loại trừ khả năng là từ đó, loài người nguyên thủy đã tiến dần sang phía Đông để rồi phát triển thành trung tâm thứ hai ở đây.
Như vậy, có thể nói rằng chủ thể của văn hóa Việt Nam ra đời : (a) trong phạm vi của trung tâm hình thành loài người phía Đông: và (b)trong khu vực hình thành của đại chủng phương Nam. "Ngay từ buổi bình minh của lịch sử - Ja. V. Chesnov (1976) viết - Đông Nam Á đã là một trong những cái nôi hình thành loài người. Đây chính là địa bàn hình thành đầu tiên của đại chủng phương Nam".
Những kết quả khai quật ở hàng loạt địa điểm khác nhau như hang động Bình Gia (Lạng Sơn), núi Đọ (Thanh Hóa), vùng Hàng Gòn - Dầu Giây (Đồng Nai)... đã tìm thấy những răng hàm của người vượn cổ, những công cụ đá như mảnh tước, nạo thô, rìu tay,... có niên đại vào khoảng 30-40 vạn năm tr. CN (sơ kì đồ đá cũ), tức là chính vào khoảng thời gian hình thành trung tâm phía Đông- cái nôi thứ hai của loài người. Muộn hơn, khi người nguyên thủy phân hóa dần thành các chủng tộc, sống trên địa bàn Đông Dương là những người thuộc đại chủng phương Nam (các chủng Negrito, Melanésien). Vào khoảng gần 20.000 năm tr. CN. mực nước biển ở các đại dương đã hạ xuống tới mức thấp nhất (thấp hơn mực nước biển hiện nay khoảng 100-200 mét), bán đảo Đông Dương và vùng các quần đảo trở nên gần như nối liền nhau; ở vùng châu thổ sông Cửu Long đã hình thành một "cầu lục địa". Nhờ đó, những dòng người và động vật có điều kiện di chuyển từ đất liền ra các hải đảo, rồi đi tiếp tới vùng lục đia úc châu và những nơi xa xôi khác.
Trên nền của những sự kiện trên, trong những giai đoạn tiếp theo, quá trình hình thành các dân tộc Việt Nam có thể được hình dung theo ba giai đoạn :
a) Vào thời đồ đá giữa (khoảng 10.000 năm về trước), có một dòng người thuộc chủng Mongoloid từ vùng Tây Tạng thiên di về phía đông nam, tới vùng nay là Đông Dương thì dừng lại. Tại đây đã diễn ra sự hợp chủng giữa họ với cư dân Melanésien bản địa (thuộc đại chủng úc), dẫn đến kết quả là sự hình thành chủng lndonésien (còn gọi là cổ Mã Lai). Từ đây lan tỏa ra, người Indonésien cư trú trên toàn bộ địa bàn Đông Nam Á cổ đại. Đó là một vùng rộng lớn, phía bắc tới sông Dương Tử, phía tây tới bang Assam của ấn Độ, phía đông tới vùng quần đảo Philippin và phía Nam tới các hải đảo lnđônêxia.
b) Từ cuối thời đá mới, đầu thời đại đồ đồng (khoảng gần 5.000 năm về trước), tại khu vực mà hiện nay là Nam Trung Hoa và Bắc Đông Dương (từ phía nam sông Dương Tử đến lưu vực sông Hồng Hà), trên cơ sở sự chuyển biến từ loại hình lndonésien bản địa dưới tác động của sự tiếp xúc thường xuyên với chủng Mongoloid từ phía Bắc, đã hình thành một chủng mới là chủng Nam Á (Austro-asiatique). Với chủng Nam-Á, các nét đặc trưng Mongoloid lại càng nổi trội, do vậy nó được xếp vào ngành Mongoloid phương Nam.
c) Thời kì sau đó, chủng Nam-Á được chia tách thành một loạt các chủng tộc mà trong cổ thư Việt Nam và Trung Hoa được gọi bằng danh từ Bách Việt. Tuy "Bách" chỉ là một cách nói biểu trưng, nhưng đó thực sự là một cộng đồng cư dân hùng hậu, bao gồm nhiều tộc người Việt như  Điền Việt, Dương Việt, Mân Việt, Đông Việt, Nam Việt, Lạc Việt sinh sống khắp khu vực phía Nam sông Dương Tử cho tới tận bắc Trung bộ ngày nay, họp thành những khối cư dân lớn (mà ban đầu mỗi khối có một tiếng nói riêng) như Môn-khmer, Việt-Mường, Tày-Thái, Mèo-Dao. Quá trình chia tách này tiếp tục diễn tiến, dần dần đã dẫn đến sự hình thành các dân tộc cụ thể (cùng với sự chia tách ngôn ngữ), trong đó người Việt đã tách ra từ khối Việt- Mường chung vào khoảng cuối thời Bắc thuộc (tk. VII-VIII).
Trong khi đó, ở phía Nam dọc theo dải Trường Sơn, vẫn là địa bàn cư trú của người lndonésien. Cuộc sống biệt lập khiến cho khối người này lưu giữ được nhiều hơn những đặc điểm của truyền thống văn hóa cổ gần gũi với cư dân các hải đảo. Đó là tổ tiên của người Chàm, Raglai, Êđê, Giarai, Churu, v.v. Ngôn ngữ của khối người (mà Chàm có thể xem là đại diện) này (gọi là Nam Đảo, Austronésien) cũng duy trì được nhiều nét tương đồng với ngôn ngữ của cư dân các hải đảo. Kết hợp các cứ liệu nhân chủng học với các cứ liệu ngôn ngữ học, có thể sơ bộ hình dung bức tranh về nguồn gốc các dân tộc Đông Nam Á như sau :
 Chủng INDONÉSIEN
(= Cổ Mã Lai, Đông Nam Á tiền sử)
AUSTRONÉSIEN(nói ngôn ngữ Nam Đảo)
Chủng NAM Á(= Austro-asiatique; Bách Việt)
Nhóm CHÀM
Nhóm
MÔN - KHMER
Nhóm
VIỆT - MƯỜNG
Nhóm
TÀY - THÁI
Nhóm
MÈO - DAO
Chàm
Raglai
Êđê
Churu
Mnông
Khmer
Kơho
Xtiêng
........
Việt
Mường
Thổ
Chứt
Tày
Thái
Nùng
Cao-lan
.........
Mèo
Dao
Pà-thẻn
Bảng 4 : Sự hình thành các dân tộc Đông Nam Á
Như vậy, người Việt và tuyệt đại bộ phận các dân tộc Việt Nam đều xuất phát từ cùng một nguồn gốc chung là nhóm loại hình Indonésien, chính điều đó đã tạo nên tính thống nhất - một tính thống nhất trong sự đa dạng - của con người và văn hóa Việt Nam, và rộng hơn là toàn vùng Đông Nam Á. Trong sự đa dạng chung đó lại luôn có tính thống nhất bộ phận : của người Việt-Mường và các dân tộc cùng gốc Nam-Á - Bách Việt,...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét