Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỘC NGƯỜI & DÂN TỘC Ở VIỆT NAM


MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỘC NGƯỜI & DÂN TỘC Ở VIỆT NAM

                                                                                                TRẦN BÌNH - Đại học Văn hóa Hà Nội                               

Tóm tắt: Để thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu về các dân tộc, văn hóa các dân tộc, trước tiên phải nắm chắc những vấn đề then chốt  trong hệ thống lý thuyết tộc người và bắt buộc phải phân loại được các tộc người/dân tộc. Khâu then chốt này vừa là mục tiêu, nhiệm vụ, lại vừa là cơ sở, nền tảng quyết định đến sự thành công của nhà nghiên cứu.  
Dân tộc học là khoa học nghiên cứu về các cộng đồng tộc người. Nếu Dân tộc học Âu - Mỹ xưa kia chỉ nghiên cứu các dân tộc lạc hậu (ở thuộc địa), thì Dân tộc học Mác - xít lại nghiên cứu tất cả các cộng đồng tộc người, không phân biệt dân tộc lạc hậu hay đã phát triển, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là nghiên cứu văn hóa các dân tộc. Để thực hiện tốt nhiệm vụ và mục đích nghiên cứu, trước tiên Dân tộc học phải giải quyết những vấn đề về lý thuyết tộc người và bắt buộc phải phân loại được các tộc người. Khâu then chốt này vừa là mục tiêu, nhiệm vụ, lại vừa là cơ sở, nền tảng quyết định đến sự thành bại của Dân tộc học.
Vậy những vấn đề cơ bản về lý thuyết tộc người và phân loại tộc người là gì. Quan điểm của các nhà nghiên cứu thuộc các trường phái khác nhau về những vấn đề này như thế nào. Ở Việt Nam lý thuyết tộc người và phân loại tộc người đã và đang diễn ra như thế nào; thế nào là một dân tộc, thế nào là một tộc người; văn hóa tộc người là gì, văn hóa dân tộc là gì,... Những vấn đề nêu trên đã tác động như thế nào đến thực tiễn công tác dân tộc, xác định thành phần dân tộc và nghiên cứu văn hóa các dân tộc.Dưới đây là một vài bàn luận nhỏ về những câu hỏi nêu trên.
1. Dân tộc và Tộc người
Thực tiễn ở Việt nam cho thấy, các khái niệm dân tộc và tộc người đều đã, đang và sẽ đồng thời tồn tại. Khái niệm dân tộc được dùng để chỉ Dân tộc Việt Nam (tất cả những người là công dân Việt Nam, sinh sống trên đất Việt Nam và Việt kiều ở nước ngoài). Tuy thế, dân tộccũng được dùng để chỉ các cộng đồng tộc người cụ thể như dân tộc Chăm, dân tộc Tày, dân tộc Việt (Kinh), dân tộc Mảng, dân tộc Sán Dìu,…Như vậy trong thực tiễn Việt Nam, dân tộc có hai nội hàm: chỉ dân tộc ở cấp độ quốc gia - Nation (Dân tộc Việt Nam); chỉ cộng đồng tộc người cụ thể - Ethnic/Ethnie (Dân tộc Chăm,…). Để hiểu rõ các khái niệm trên, buộc phải xem xét khái niệm chỉ các loại hình cộng đồng người trong lịch sử cũng như các khái niệm dân tộc(Nation) và tộc người (Ethnie/Ethnic).
Các kết quả nghiên cứu của Sử học, Khảo cổ học, Ngôn ngữ học, Xã hội học, Dân tộc học,... cho thấy, từ khi hình thành, nhân loại đã từng trải qua các hình thái cộng đồng như sau:
* Bộ lạc (xã hội Nguyên thuỷ), gồm hai loại hình: Bộ lạc giai đoạn sớm (Loại hình cộng đồng người cổ nhất của những con người hiện đại, hình thành từ các bào tộc (cũng có thể là từ bầy người nguyên thủy) thông qua sự tự phân chia; các đặc trưng văn hoá, tổ chức xã hội cơ bản là trùng khớp nhau; có tên gọi riêng, truyền thuyết về nguồn gốc riêng, lãnh thổ riêng, cung cách sinh sống riêng; các bộ lạc cùng liên minh thường ít có sự cách biệt về ngôn ngữ (thổ ngữ), đặc trưng văn hoá, kinh tế và xã hội,...); Bộ lạc giai đoạn muộn (là tiền thân của các cộng đồng người của xã hội có giai cấp; đã hình thành các tổ chức tiền thân của bộ máy hành chính; đã hình thành các liên minh bộ lạc, hội đồng liên minh các thủ lĩnh quân sự; ...).
* Bộ tộc (các xã hội có giai cấp tiền Tư bản). Đó là cộng đồng gồm những người có mối liên hệ về văn hoá, kinh tế, lãnh thổ, láng giềng. Bộ tộc bao gồm bộ phận thống trị xã hội và bộ phận bị trị (phụ thuộc), tức là, đã có sự phân biệt rõ ràng về địa vị kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá. Bộ tộc có phải là loại hình cộng đồng người của thời kỳ xã hội có giai cấp tiền Tư bản hay không? Dân tộc học Xô Viết trước đây và Dân tộc học Việt Nam thừa nhận: Bộ tộc chiếm nô là loại hình cộng đồng người thuộc xã hội Chiếm hữu nô lệ; Bộ tộc phong kiến là loại hình cộng đồng người thuộc xã hội Quân chủ chuyên chế.
Bộ tộc Chiếm nô, chủ yếu gồm những người sinh sống bằng nông nghiệp trồng trọt, gồm: chủ nô, các thành viên tự do và nô lệ. Ở giai đoạn Chiếm nô muộn, nô lệ được cấp công cụ sản xuất, được trả tự do, cho phép kết hôn và lập gia đình…(ví như ở La Mã cố đại).
Bộ tộc phong kiến, chủ yếu gồm nông nô và thị dân; tầng lớp thống trị như địa chủ (cả phú ông…) có xu hướng thoát ly khỏi cộng đồng của những người lao động, và nó đứng ngoài thành phần của bộ tộc. Đặc điểm nổi bật của thời kỳ này là sự cát cứ phong kiến, dẫn đến sự hình thành nhiều thể chế khác nhau (các tổ chức Nhà nước sơ khai: Mường ở Việt Nam, các công quốc ở Châu Âu,...). Tuy vậy ý thức liên minh về văn hoá, kinh tế, chính trị và cộng đồng người trong một vùng lãnh thổ lớn hơn vẫn được duy trì.
* Dân tộc (xã hội Tư bản và xã hội Xã hội chủ nghĩa), gồm Minority Ethnic groupe và Etat Ethnic/Nation - Loại hình cộng đồng người của xã hội hiện đại. Cở sở của sự hình thành loại hình cộng đồng Dân tộc bao gồm: mối quan hệ kinh tế, mối liên hệ văn hoá, mối liên hệ ngôn ngữ, mối liên hệ lãnh thổ, mối liên hệ ý thức tự giác tộc người, rất chặt chẽ trong nôi bộ cộng đồng. Như vậy, Dân tộc là cộng đồng thống nhất bền vững về kinh tế, ngôn ngữ, lãnh thổ, văn hoá và ý thức tộc người.
Mỗi dân tộc có thể bao gồm nhiều nhóm địa phương khác nhau; song song và đồng hành bên cạnh dân tộc, là các loại hình cộng đồng người tiền dân tộc (bộ tộc, bộ lạc,..). Thường thì các loại hình tiền dân tộc này tồn tại ở các khu vực, các quốc gia có trình độ kinh tế – xã hội kém phát triển hơn. Trong các xã hội hiện đại, các cộng đồng dân tộc mới vẫn có thể đang trong quá trình hình thành. Đó là quá trình tộc người ở xã hội hiện đại.
Dân tộc (Etat Ethnic/Nation) là gì
Ở Liên Xô, các nước Đông Âu, Trung Quốc, Cu Ba và Việt Nam,... đã từng tồn tại trong thời gian khá dài, cách hiểu về Dân tộc tư bản chủ nghĩa của J.V. Stalin: Dân tộc là khối cộng đồng người ổn định, hình thành trong lịch sử, dựa trên cơ sở cộng đồng về tiếng nói, về lãnh thổ, về sinh hoạt kinh tế và về hình thành tâm lý, biểu hiện trong cộng đồng về văn hóa (1).Gần đây, do nhiều biến cố chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,... khái niệm dân tộc  đã được hiểu như sau:
Thuật ngữ Dân tộc (Nation) xuất hiện, bắt nguồn từ tiếng Latinh: Natio là cộng đồng người có chung một thể chế chính trị, được thiết lập trên một lãnh thổ nhất định, được điều khiển bởi một nhà nước (Nation - Etat). Cũng có thể hiểu đó là một cộng đồng nhân dân (people) ổn định được phát triển trong lịch sử, với một lãnh thổ riêng, với một nền kinh tế thống nhất, với các đặc trưng văn hóa thống nhất, cùng có tiếng mẹ đẻ thống nhất và được chỉ đạo bởi một nhà nước (Quan điểm này đã được đại đa số tán đồng, kể cả Liên hợp quốc).
Thực tế, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác (trước J.V. Stalin) cũng tán đồng quan điểm trên khi cho rằng, có dân tộc Tư bản chủ nghĩa, đồng thời có dân tộc Tiền Tư bản chủ nghĩa. Như vậy, theo các nhà Mác - xít, Dân tộc là một cộng đồng người hình thành từ các bộ lạc, mà liên minh bộ lạc là bước khởi đầu. Dân tộc ra đời cùng với sự xuất hiện của nhà nước. Theo đó, rõ ràng có nhiều loại dân tộc: dân tộc Chiếm nô, dân tộc Phong kiến, dân tộc Tư bản, dân tộc Xã hội chủ nghĩa,…
Trong giới khoa học, đã từng tồn tại nhiều ý kiến cho rằng, dân tộc hình thành từ thời Chiếm nô hoặc Phong kiến (các xã hội có giai cấp Tiền Tư bản). Ở Việt Nam, sau năm 1954, dựa theo định nghĩa Dân tộc của J.V. Stalin, thảo luận về sự hình thành Dân tộc Việt Nam được khởi đầu từ 1955 và kéo dài suốt hàng chục năm (đến 1965). Các quan điểm đều xoay quanh vấn đề: ở Việt Nam, khi nào cộng đồng dân tộc hình thành; dân tộc Việt Nam có phải là một cộng đồng tộc người thuộc loại hình dân tộc hay không? Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: dân tộc ở Việt Nam hình thành từ thời kỳ Hùng Vương, tức là nó hình thành ngay từ trong xã hội Chiếm nô (trước xã hội Phong kiến). Về việc dân tộc Việt Nam có phải là một cộng đồng tộc người thuộc loại hình dân tộc hay không, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đó là loại hình cộng đồng người thuộc Etat Ethnic/Nation. Theo cách hiểu này, Dân tộc ngoài các yếu tố cấu thànhngôn ngữ, văn hoá, tự giác tộc người,… còn bao hàm cả các yếu tố chính trị, thể chế. Khái niệmdân tộc, trong trường hợp này còn bao gồm cả các yếu tố: cộng đồng chính trị, thể chế xã hội.
Như vậy, Dân tộc Việt Nam (Etat Ethnic/Nation) bao gồm nhiều tộc người khác nhau liên kết lại, hay nói cho đúng hơn, Dân tộc Việt Nam là khối cộng đồng quốc gia bao gồm nhiều dân tộc/tộc người (Minority Ethnic groupe ) hợp lại. Cần chú ý thêm, vào những năm trước 1975 ở miền Nam Việt Nam đã từng tồn tại khái niệm Sắc tộc. Vậy sắc tộc là gì. Trước tiên phải khẳng định thuật ngữ này chỉ tồn tại dười thời chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam. Khi đó nó được dùng để chỉ các dân tộc thiểu số ở khu vực Trường Sơn -Tây Nguyên là chính (2).  
Tộc người (Ethnie/Ethnic) là gì
Thuật ngữ tộc người xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XIX, ban đầu nó được dùng để chỉ các nhóm tộc người (groupe ethnie), hay đơn vị tộc người (unité Ethnie). Trong Dân tộc học, khi đó Ethnie tương ứng như ethnic, ethnos, ethikum, ethnea,… Cho đến khoảng những năm Sáu mươi của thế kỷ XX, thuật ngữ Ethnie mới được sử dụng rộng rãi, kể cả ở Liên Xô (Hiến pháp Liên Xô 1977 dùng Ethnos thay cho bộ tộc, bộ lạc,…).  Tuy vậy, trong thực tiễn cũng như khoa học Nation  Ethnie/Ethnic không thể là một, mà đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Trong khi Dân tộc (Nation) phải là một cộng đồng chính trị, bao gồm cư dân của một quốc gia có chung một nhà nước, một chính phủ, có luật pháp thống nhất,…thì Tộc người(Ethnic/Ethnielà cộng đồng mang tính tộc người, không nhất thiết phải cư trú trên một cùng lãnh thổ, có chung một nhà nước, dưới sự quản lý điều hành của một chính phủ với những đạo luật chung thống nhất.
Mặc dù các trường phái Dân tộc học có nhiều quan điểm khác nhau về tộc người, xong tất cả đều thống nhất: Tộc người chỉ các cộng đồng mang tính tộc người bất kỳ, kể cả các cộng đồng tộc người chủ thể của các quốc gia, và các cộng đồng tộc người thiểu số trong các quốc gia, vùng miền, không phân biệt đó là cộng đồng tộc người tiến bộ, hay cộng đồng tộc người còn đang trong quá tình phát triển.
Với nhận thức trên, trong thế giới hiện đại của chúng ta ngày nay, đang tồn tại các loại hình cộng đồng dân tộc và cộng đồng tộc người,...(3)Trên thế giới, đa số các quốc gia đều làQuốc gia đa dân tộc, tức là cộng đồng cư dân ở đó gồm nhiều tộc người. Trong những trường hợp này, khái niệm dân tộc và tộc người trùng khớp nhauTuy vậy cũng có quốc gia chỉ có một tộc người (Triều Tiên,…), trong trường hợp này dân tộc được hiểu là tộc người cũng không sai.
2. Tiêu chí xác định dân tộc (tộc người)
Để hiểu hơn về tộc người và dân tộc, có thể xem xét các tiêu chí khác đã được sử dụng để xác định  đã được sử dụng trên thế giới và Việt Nam. Thế giới nói chung, đã từng tồn tại việc sử dụng 5 tiêu chí để xác định dân tộc: cùng  tiếng mẹ đẻ (có ngôn ngữ tộc người thống nhất); cùng một khu vực lãnh thổ (có lãnh thổ tộc người thống nhất); có nền kinh tế tộc người thống nhất; có các đặc trưng văn hoá thống nhất/văn hoá tộc người; có Ý thức tự giác tộc người thống nhất.
Các nhà Dân tộc học Xô Viết đã dùng bốn tiêu chí để xác định thành phần dân tộc ở Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết: 1. Cùng cư trú trên một phạm vi lãnh thổ nhất định; 2. Cùng nói một ngôn ngữ3. Có chung các đặc điểm văn hóa4. Có cùng ý thức dân tộc hay là tự giác dân tộc.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc rất chú trọng đến vấn đề nguồn gốc và lịch sử của dân tộc trong xác định thành phần dân tộc ở đất nước của mình. Từ những năm cuối thập kỷ năm mươi của thế kỷ XX, các nhà khoa học Trung Quốc đã xác định ở nước này có 56 dân tộc, từ đó đến nay không có gì thay đổi. Trong một thời gian dài, các nhà khoa học Trung Quốc vẫn kiên trì theo định nghĩa dân tộc của J. V. Stalin: Dân tộc là một cộng đồng người ổn định được hình thành trong lịch sử có chung ngôn ngữ, lãnh thổ, đời sống kinh tế, cùng chung một tố chất tâm lý biểu hiện trong cùng một văn hóa. Trong đó có hai vấn đề tiên quyết: 1. Dân tộc là một phạm trù lịch sử của thời đại Tư bản chủ nghĩa đang lên, trước Chủ nghĩa Tư bản không thể có dân tộc; 2. Thiếu một trong 4 yếu tố (lịch sử, ngôn ngữ, lãnh thổ, tâm lý)  trên cũng không thể xác định đó là một dân tộc.
Ở Việt Nam, tiêu chí xác định dân tộc bắt đầu được đề cập từ 1960.  Năm 1973 tại Hà Nội đã tiến hành hai cuộc Hội thảo khoa học (vào tháng 6 và tháng 11). Các hội thảo đã thống nhất lấy dân tộc (tộc người) làm đơn vị cơ bản trong xác định thành phần dân tộc ở Việt Nam. Ba tiêu chí để xác định dân tộc/tộc người, được thống nhất sử dụng:
(1). Có chung tiếng nói (ngôn ngữ mẹ đẻ)
(2). Có chung những đặc điểm sinh hoạt văn hóa (đặc trưng văn hóa)
(3). Có cùng ý thức tự giác, tự nhận cùng một dân tộc
Với các tiêu chí này, thành phần dân tộc ở Việt Nam khi đó được xác định bao gồm 59 dân tộc. Trong đó ở miền Bắc có 36 dân tộc và ở miền Nam có 23 dân tộc. Bảng danh mục này đã được đăng trong Các dân tộc ít người ở Việt Nam, các tỉnh phía Bắc (NXB. KHXH, Hà Nội, 1978) và đăng trong tạp chí Dân tộc học, số 1/ 1974.
Nhằm phục vụ Tổng điều tra dân số cả nước 1979, vào tháng 12/1978 bảng danh mục 54 dân tộc trong cả nước được Ủy ban KHXH Việt Nam và Hội đồng Dân tộc trình Chính Phủ. Danh mục này được công nhận và sử dụng từ đó đến nay. Theo danh mục này, các dân tộc Giẻ, Ve, Triêng (kết hợp làm một), Hà lăng (nhập vào Xơ đăng), Xrê (nhập vào Cơ ho), Pú nà (nhập vàoGiáy), Thủy (nhập vào Pà thẻn), Tống (nhập vào Dao), Chăm hroi (nhập vào Chăm). Trong khi đó, tách Ngái ra khỏi Hoa, thành hai dân tộc là Hoa và Ngái, thêm 3 dân tộc mới là Chơ ro, Brâuvà Rơ măm, đồng thời xác định lại một số tên gọi của các dân tộc: Pa cô thành Tà Ôi, Ca tuthành Cơ tu, Cao lan - Sán chỉ thành Sán chay, Mèo thành Hmông(3).
3. Một vài nhận xét
Tộc người và dân tộc là hai khái niệm khác nhau, với thực tế Việt Nam nhiều khi nó được dùng chung cho các khái niệm khác nhau: Cộng đồng người Việt Nam (Dân tộc Việt Nam); hoặc cộng đồng tộc người chỉ là một trong 54 dân tộc ở Việt Nam (Dân tộc Kinh, Dân tộc Ba na, Dân tộc Tày, Dân tộc Chăm,…). Vì thế phải xác định rõ nội hàm của thuật ngữ Dân tộc trong các trường hợp cụ thể. Việc xác định rõ nội hàm của thuật ngữ này sẽ là điều kiện tiên quyết khi xem xét những vấn đề lý luận và thực tiễn của Công tác dân tộc ở Việt Nam hiện nay.
Với các tiêu chí xác định và danh mục các dân tộc đã được công bố, có thể thấy: 1- Mặc dù chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nền dân tộc học Xô Viết và Trung Quốc, nhưng chúng ta đã không dùng các tiêu chí không phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam để xác định thành phần các dân tộc (lãnh thổ, nguồn gốc, dân số). 2- Cho đến nay, danh mục các dân tộc ở Việt Nam đã được công bố vào năm 1979, là kết quả nghiên cứu nghiêm túc, khách quan, và chính xác, nên nó hoàn toàn phù hợp với việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, mặc dù, vẫn còn một vài nhóm địa phương cần được xem xét lại. 
Không chỉ trong xã hội truyền thống mà ngay cả trong xã hội hiện đại, quá trình tộc người vẫn liên tục diễn ra, dưới sự tác động của các điều kiện lịch sử, kinh tế, xã hội,… nhất định. Ở Việt Nam (cũng như trên Thế giới), thông qua tiếp xúc tộc người về mọi phương diện, văn hóa của các tộc người bị biến đổi. Sự biến đổi ấy có thể làm cho văn hóa các tộc người phát triển phong phú thêm, nhưng cũng có thể bị mai một. Các hiện tượng trên đã dẫn đến các xu hướng phát triển tộc người, biến đổi văn hóa tộc người ở nước ta hiện nay như sau:
- Hòa hợp tộc người và  văn hóa
- Bảo lưu, duy trì văn hoá truyền thống và cố kết tộc người
- Mai một văn hoá, mất bản sắc văn hóa tộc người.
Ngay từ khi ra đời, Dân tộc học Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc làm sáng tỏ các vấn đề lý luận và thực tiễn tộc người, thành phần dân tộc và nghiên cứu văn hóa các dân tộc ở nước ta. Bằng chứng cụ thể là việc xác định và lập danh mục thành phần dân tộc ở Việt Nam qua các thời điểm cụ thể; cung cấp các luận chứng khoa học cho việc xây dựng và triển khai các chính sách dân tộc, chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc, ở các giai đoạn cụ thể. Thực tiễn cho thấy, tộc người, dân tộc là các khái niệm có tính lịch sử, bởi thế mỗi giai đoạn cụ thể có thể nó sẽ được nhận thức khác nhau đôi chút. Vì thế, danh mục thành phần dân tộc ở Việt Nam ở từng giai đoạn cũng có thể có những điều chỉnh. Nhưng rõ ràng, nó đang được nhận thức ngày càng toàn diện, đầy đủ và chính xác.   
T.B
Chú thích:
1. J.V. Stalin, Chủ nghĩa Mác và vấn đề dân tộc, NXB. Sự thật, Hà Nội, 1957
2. Tài liệu số 3, tr.32-33.
3. Tài liệu số 8, tr. 35
4. Tài liệu số 5.

Tài liệu tham khảo:

1.      Iu. V. Bromley (1973), Tộc người và Dân tộc học, Maxcơva,  (Bản dịch tiếng Việt, TLTV Viện Dân tộc học).
2.      S.I. Bruc (1962), Các quá trình phát triển tộc người và những phân loại tộc người (trong Dân số và phân bố dân tộc trên thế giới), NXB.Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, Maxcơva,  (Bản dịch tiếng Việt, TLTV Viện Dân tộc học).
3.      Phan Hữu Dật (và các tác giả) (2001), Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách liên quan đến mối quan hệ dân tộc hiện nay, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
4.      Phan Hữu Dật (1972), Cơ sở Dân tộc học, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
5.      Khổng Diễn (1995), Dân số và dân số tộc người ở Việt Nam, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội.
6.      Mạc Đường (1997), Dân tộc học và vấn đề xác định thành phần dân tộc (lý thuyết - nghiên cứu - tư liệu),NXB. KHXH, Hà Nội.
7.      Trần Ngọc Thêm (1997), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB. TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét