Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

CHUỘT TRONG VĂN HÓA THẾ GIỚI

CHUỘT TRONG VĂN HÓA THẾ GIỚI
 
ThS. Nguyễn Ngọc Thơ
(Đại học Quốc gia Tp.HCM)

(Đã đăng trên Báo Tuổi Trẻ Xuân Mậu Tý, phát hành ngày 16/1/2008)
 
Không ai biết được loài chuột xuất hiện trên hành tinh này từ bao giờ. Chúng sinh sôi nảy nở nhanh đến mức nhiều lúc con người không kiểm soát được. Chuột có ở ngoài đồng, ở trong bếp, ở trên mái nhà, ở trên cây, ở dưới hang…, đâu đâu cũng có thể là thiên đường của chúng. Trong trường kì lịch sử nhân loại, con người không ít lần “chạm trán” với loài chuột, từng bị đói do chúng gặm nhấm hết lương thực, từng bị rét do chúng phá nát nhà cửa, quần áo, từng bị chết cho chúng mang mầm bệnh gây ra. Còn nghi ngờ gì nữa, chuột chính là kẻ thù của con người. Song, câu chuyện giữa người và chuột không đơn giản như vậy. Con người ghét chuột, thù chuột, song cũng quý chuột, thậm chí là sợ chuột và thờ chuột. Văn hóa nhân loại hầu như khắp nơi đều thể hiện tính nước đôi ấy đối với loài gặm nhấm này. 
    Trong văn hóa Việt Nam, chuột tồn tại sóng đôi với nghề nông nghiệp lúa nước. Ở đâu có lúa, ở đó có chuột. Người Việt Nam xưa sống thành cộng đồng làng xã, cốt để bảo vệ an ninh, bảo vệ mùa màng, trong đó có lý do đồng lòng diệt chuột cứu lúa. Từ đó, chuột đi vào văn hóa thành một biểu tượng tiêu cực (cháy nhà ra măt chuột, chuột sa hũ nếp, đầu voi đuôi chuột, chuột chạy cùng sào, ướt như chuột lột, nhà ổ chuột v.v.), đồng thời còn được vay mượn để ám chỉ những thành phần gặm nhấm của công trong xã hội. Tuy nhiên, ghét chuột là vậy, người Việt Nam vẫn dành cho sự hiện diện của loài vật này một chỗ đứng nhất định trong văn hóa. Trong 12 con giáp, chuột hiên ngang chiếm vị trí đầu tiên, trước cả hổ lẫn rồng. Dân gian bấy lâu thêu dệt nên nhiều lối giải thích về sự ưu ái này, song vẫn chư có lời giải nào thống nhất. Có lẽ nó bắt nguồn từ sự thật chuột gắn liền với sự sinh sôi nảy nở (mùa màng bội thu; bản thân loài chuột cũng sinh sản nhanh). Các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ xưa vay mượn quan hệ tự nhiên giữa chuột và mèo để phản ánh quan hệ xã hội phong kiến xưa trong bức tranh “Đám cưới chuột” đầy ý nghĩa. Đêm giao thừa miền Tây Nam Bộ - vựa lúa của cả nước, tiếng chuột kêu lít chít đâu đó quanh nhà cũng đủ làm không ít người mừng rỡ, bởi lẽ họ tin rằng đó là dấu hiệu của một năm mới sung túc, mùa màng bội thu.
Image   Image
                 Chuột hiện diện khắp nơi                                      Tranh Đám cưới chuột (Tranh dân gian Đông Hồ)
 
   Những người anh em với chúng ta, các dân tộc Đông Nam Á vốn cũng là các cư dân nông nghiệp lúa nước. Họ vẫn ghét chuột và quý chuột. Dân tộc Kammu miền bắc Thái Lan vẫn răm ran kể chuyện thần thoại chuột trúc đã báo hiệu cho hai anh em (một nam một nữ) về cơn đại hồng thủy sắp sửa diễn ra. Họ thoát nạn nhờ nấp vào chiếc thuyền mộc, sau tự kết hôn để tái sinh nhân loại. Các câu chuyện kể của cư dân Indonesia ngày nay vẫn không bỏ quên chi tiết chuột báo hiệu mùa lũ dâng cao, và vì thế chúng trở thành “ân nhân” của con người. Lật lại lịch sử, chúng ta hẵn sẽ không ngạc nhiên khi khoa học ngày nay dần hồi bóc tách dưới những cánh rừng nhiệt đới, dưới những lớp bùn tận đáy đại dương để tìm lại một thời quá khứ huy hoàng của nền văn minh Đông Nam Á cổ xưa đã chìm đắm, chỉ để lại những dấu vết nhiều sắc màu ở phần lục địa và ở hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ trong vùng. Không ai chối bỏ một sự thật rằng, nước dâng lên đến đâu, chuột kéo lên đến đấy. Chuột xuất hiện từng đàn báo tin cho người xưa chuẩn bị hành trang cho những chuyến vượt biển đi tìm vùng đất mới để tiếp tục sinh tồn. Hơn thế, thịt chuột từ lâu đã là một món ăn đặc biệt, không chỉ riêng người Việt mà một số dân tộc Đông Nam Á khác vẫn coi thịt chuột đồng là món đặc sản đồng nội.
 
   Theo dấu vết của những bậc thầy đi biển Đông Nam Á xưa kia, bất kì ai đó đến với những quần đảo xa xôi giữa Thái Bình Dương cũng sẽ được đắm mình trong muôn vàn thần thoại hồng thủy, thần thoại tái sinh – bất tử, về sự đụng độ giữa người bản địa và những cư dân Đông Nam Á từ phía Tây đến khi nước biển dâng tràn. Chuột góp mặt không ít trong các thần thoại ấy. Vùng bắc New Guinea và quần đảo Melanesia hiện vẫn còn lưu truyền nhiều mô típ khác nhau về hai anh em Kulabob và Manup vì ghen tuông mà đánh nhau, người em Kulabob biến thành một con chuột đồng chạy mất, nhờ thế thoát mạng, sau đóng thuyền vượt biển di cư về phía đông. Người Fiji còn coi trọng vai trò của chuột hơn nữa, theo đó loài người đã quá một lần bị loài chuột định đoạt số phận của mình. Thần thoại bất tử của họ kể rằng Diêm vương quyết định cho con người tái sinh mãi mãi, Mặt trăng và thần chuột bàn bạc nhau để trao cho loài người món quà bất tử. Thần chuột kịch liệt phản đối, song cuối cùng cũng bị Mặt trăng thuyết phục. Từ đó, người Fiji tin rằng người chết sẽ được tái sinh nhiều kiếp sau, giống như trên chín tầng cao kia trăng tàn rồi lại mọc. Dân đảo Tonga mượn hình ảnh chuột để nói lên sự khôn lanh, khéo léo. Một con chuột nằm tắm nắng trên chiếc thuyền mộc, thuyền trôi ra khơi, chuột khóc. Bạch tuộc giúp đưa chuột vào bờ, đổi lại chuột sẽ tặng một món quà. Đến bờ, chuột nhanh nhảu chạy đi, bạch tuộc đòi quà, chuột bảo đã để lại trên đầu bạch tuộc. Người Tonga mượn câu chuyện này để giải thích vì sao trên đầu loài bạch tuột đều có chóp đen. Đối với người dân Polynesia và đảo Haiwai thì thịt chuột là một trong những món khoái khẩu của họ. Và có lẽ không ai trong chúng ta lại không biết đến loài chuột túi kanguru vùng vẫy khắp một vùng sa mạc rộng lớn trên lục địa Úc Châu.
 
   Trở lại đất liền, có lẽ người Trung Hoa là dân tộc gắn cho loài chuột nhiều màu sắc nhất. Văn hóa Trung Hoa mang trong mình đủ các loại hình của văn hóa thế giới, từ chất du mục trên thảo nguyên, đến chất nông nghiệp cạn (kê, mạch, ngô) miền bắc và nông nghiệp lúa nước miền nam. Chính vì thế, văn hóa của họ từ khắp mọi miền, đâu đâu cũng có dấu ấn của chuột. Họ giải thích về vị trí đầu tiên của chuột trong dãy 12 con giáp rằng “thuở hỗn độn, Ngọc hoàng hạ lệnh loài vật nào đến cổng thiên đình trước sẽ được chọn trước. Trâu vốn thức dậy ra đi từ hừng sáng. Chuột cũng lém lĩnh không kém. Biết mình chạy chậm, chuột bày trò hát cho trâu nghe nên được ngồi trên lưng trâu. Gần đến cổng thiên đình, chuột lao về trước nên được Ngọc hoàng chọn đứng vào chi tý đầu tiên trong thập nhị địa chi, trước hết thảy các loài vật khác”. Trong văn hóa Hán, chuột được xem là biểu tượng của sự trung thực, lòng vị tha, óc cầu tiến, tính cách dễ dãi và sự hào phóng. Các dân tộc thiểu số khác như Di, Tạng, Thái Vân Nam, Choang, Nasi (Nạp Tây), Uigur (Duy Ngô Nhĩ) v.v. vẫn chọn chuột đứng đầu trong dãy 12 con giáp, dù sau chuột, các con vật khác được chọn thay đổi theo quan niệm của từng tộc người. Ngoài Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên cũng chọn chuột đứng đầu dãy Hoàng đạo của mình.
Image    Image
                          Tượng chuột ở Nhật Bản                                              Rồng chuột Trung Hoa thời Đường 
 
 
  Nông dân một số vùng Bắc Trung Hoa ngày nay vẫn còn tục “chuột lấy chồng”.  Những ngày diễn ra phong tục, người ta phải tắt đền đi ngủ sớm để tránh làm kinh động đến chuột với hy vọng chúng sẽ không phá hoại mùa màng. Một số gia đình mang cơm rang hoặc bánh đặt dưới gầm giường cho chuột ăn với ý nghĩa ngày chuột “lấy chồng” ít nhất phải no cái bụng. Dân vùng Thanh Hải thì chọn ngày 14 tháng giêng hàng năm làm lễ Chưng hạt chuột, dùng bột mì nặn thành 12 con chuột, đem hấp chín để dâng cúng tổ tiên với hy vọng mùa màng trong năm sẽ không bị chuột “viếng thăm”. Ám ảnh về sự phá hoại của loài chuột cũng như khả năng dự báo thiên tại của chúng là nguyên nhân chính khiến người Trung Hoa tôn thờ chuột. Nhiều vùng dựng miếu bái chuột. Trong tiếng Trung Hoa, chỉ có chuột và hổ mới được gọi tên một cách kính cẩn bằng cách gắn thêm từ “lão” phía trước: lão thử (cụ chuột) và lão hổ. Trong tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, chuột còn được khắc họa thành những con yêu tinh, không ít lần quấy rối thầy trò Tam Tạng trên con đường thiên lý về với đất Phật. Trong đại gia đình rồng Trung Hoa, người ta tìm thấy có cả rồng chuột xuất hiện từ thời Đường. Một số vùng miền nam Trung Hoa coi thịt chuột là đặc sản đắt đỏ trong nhà hàng. Một nhạc sĩ Trung Hoa còn lãng mạn hơn khi nói về tình yêu kiểu “anh yêu em như chuột yêu thóc…” trong bài hát Chuột yêu thóc dạo gần đây.
Image   Image
                        Hóm hỉnh, lanh lợi                                                                          Đón giao thừa năm Tý
 
Xứ sở kim chi thì hình ảnh mượn lũ chuột háo ăn để nói về lòng tham của con người. Lũ chuột nhắt và một con chuột già sống bám vào một kho thóc có một chú mèo canh giữ. Lũ chuột háo ăn, chẳng bao lâu kho thóc vơi đi thấy rõ dù lần nào lân la đến kho thóc đều bị chú mèo đuổi bắt. Chúng lập mưu định lén cột vào cổ mèo một cái chuông to để không còn bị quấy rối nữa. Chỉ mỗi lão chuột già từ chối, bảo “đó là việc làm ngu ngốc, là tự hại thân mình”. Lũ chuột con vẫn giữ nguyên kế hoạch. Lão chuột già khôn ngoan đã chạy vào rừng. Chính chiếc chuông cột vào cổ mèo đã báo động cho người chủ kho thóc biết được sự có mặt của lũ chuột, và vì thế chúng bị tiêu diệt sạch, chỉ mỗi lão chuột già được sống thảnh thơi trên núi.
 
   Người dân xứ Phù Tang cũng góp mặt với câu chuyện Chiếc bánh gạo. Chiếc bánh vô tình rơi xuống và lăn xuống một cái hang, lão nông dân lần theo tìm, phát hiện ra một cộng đồng nhà chuột cư ngụ đông đúc. Ăn xong chiếc bánh, lũ chuột cảm ơn ông lão, bày một buổi tiệc linh đình và còn tặng ông lão một món bảo vật. Ngoài xã hội, người Nhật Bản vẫn thường nhắc tên trộm lừng danh Jirokichi sống vào thế kỷ 18-19 mang biệt hiệu Nezumi Kozo (Thử Tiểu Tăng) chuyên đánh cắp tiền của giới quý tộc để phân chia cho dân nghèo, đã khiến triều đình Edo thời bấy giờ phải dùng đến hàng trăm võ sĩ samurai mới bắt được.
Image   Image
        Tiền vàng kỷ niệm năm Tý 2008 ở Trung Quốc                           Thần Ganesha trên lưng chuột
 
   Trong văn hóa Ấn Độ, mặc dù người Ấn không quá đề cao loài chuột nhưng chuột vẫn hiện diện trong dãy 12 con giáp của họ, bên cạnh trâu, sư tử, dê, khỉ, chim cánh vàng v.v. Trong thần phả Hindu giáo, chuột là vật cưỡi của thần Ganesha, do vậy người ta có thể tìm thấy ít nhiều tượng chuột thần trong các ngôi đền bản địa. Đôi khi chuột còn là đối tượng chính được thờ trong đền, như tại đền thờ nữ thần Karni Mata ở thành phố Deshnoke (bang Rajasthan, Tây Bắc ấn Độ). Truyền thuyết kể rằng, vị tổ mẫu thần bí Karni Mata là hóa thân của Durga (Nữ thần Sức mạnh và Chiến thắng), từ thế kỷ XIV vì quyết tâm đưa đứa trẻ trong dòng tộc mình đã chết trở lại với dương thế bằng cách thỏa thuận với Thần chết Yama, và từ đấy trở đi, tất cả mọi người trong bộ lạc của bà sẽ tái sinh làm chuột cho đến khi được sinh ra một lần nữa trong dòng tộc. Hẳn vì thế mà loài chuột tại đây được tự do sinh sống, hàng ngày được các tín đồ mang thực phẩm và sữa đến nuôi nấng. Người dân một số vùng Nam Ấn (người Tamil chẳng hạn) vẫn quen ăn thịt chuột đồng.
Image   Image
             Lễ bái chuột trong đền Karni                                                               Dâng sữa
 
   Vùng Trung Cận Đông xưa là một trong những chiếc nôi của văn minh nhân loại. Văn minh Lưỡng Hà phát sinh từ vùng châu thổ sông Tigris và Euphrate, mọi ghi chép đều thể hiện dưới dạng những phiến đất sét nên họ chỉ ghi nhận những vấn đề cốt lõi, vì thế dấu vết về loài chuột trong văn hóa rất hiếm thấy. Gần đó, người Do Thái có ghi trong quyển thứ ba của bộ kinh Cựu Ước (Leviticus) rằng “nghiêm cấm ăn thịt chuột”. Người Philistines, người Semite coi chuột là một trong những loài vật linh thiêng theo niềm tin vật tổ của họ. Từ bán đảo Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ) sang đến tận Trung Á, Nam Nga và Mông Cổ là vùng đất tung hoành của nhiều dân tộc du mục trong lịch sử, cuộc sống rày đây mai đó trên mình ngựa với bầy gia súc đông đúc không cho phép họ quan tâm đến loài gặm nhấm bé nhỏ này. Người Hồi giáo coi chuột là thứ dơ bẩn, con người phải tránh xa chúng.
 
   Ở đất nước Kim tự tháp, chuột giữ một vị trí đáng kể trong tín ngưỡng – tôn giáo cổ đại. Theo đó, thần mặt trời Ra có một con chuột ngọc. Dân Ai Cập tôn thờ thần Ra, do đó cũng quý trọng chuột thần. Niềm tin ấy về sau trở thành tục cấm kỵ. Sử gia Hy Lạp cổ đại Herodotus có nêu câu chuyện về vua Sethos đối xử tệ bạc với quân lính của mình, cuối cùng khi người Assyria đến xâm lược mới giật mình vì xung quanh ông không có lấy một tên lính. Một hôm vua ngủ quên trong một ngôi đền, thần hiện ra mách sẽ có thiên thần phù trợ. Đêm trước trận chiến, đám chuột đồng xuất hiện thay phiên nhau cắn nát vũ khí của kẻ địch, giúp Sethos giành chiến thắng. Cũng theo Herodotus, trong đền Hephaestus có bức tượng vua Sethos trên tay cầm một con chuột đá. Nhiều sản phẩm đồ gốm được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ cũng có khắc hình chuột thần. Hiện nay, tại nhiều vùng khác của châu lục đen này, chuột đã từ lâu trở thành món ăn đầy dinh dưỡng. Người Ghana vùng Tây Phi nuôi loài chuột mía trong vườn nhà để cung cấp lượng thịt tươi quan trong trong các buổi chợ địa phương. Người Zambia, Malawi ở phía nam châu lục cũng có thói quen ăn thịt chuột.
 
   Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, cộng đồng thổ dân châu Mỹ (Toltec, Aztec, Maya..) với nền văn minh trồng trọt (chủ yếu là bắp) cũng đã từng “chạm trán” với loài chuột. Tại đây, chuột gắn liền với ý nghĩa phá hoại. Dù thế, người ta vẫn gắn chuột với những công đức nhất định. Câu chuyện phát minh ra trò chơi bóng nhựa của người Maya là một thí dụ. Hai anh em phát rẫy trồng ngô, không ngờ số cây bị đốn ngã đều mọc trở lại như cũ chỉ sau một đêm. Tức tối, họ rình mò, biết được các loài động vật tụ tập quấy phá. Họ chộp hụt loài báo và sử tử, chộp đứt đuôi loài nai và thỏ (vì thế nai và thỏ ngày nay không mọc đuôi dài), cuối cùng thì chộp được một con chuột nhắt. Họ đốt đuôi chuột, và vì thế đuôi chuột ngày nay không có lông mao. Chuột van này, nếu tha sống, chuột sẽ chỉ quả bóng giấu trên mái nhà. Cuộc ngã giá thành công, chuột chỉ ra quả bóng đã được giấu kín từ nhiều đời trước đó. Hai anh em mang bóng ra chơi, dân gian thấy thế hưởng ứng theo, từ đó phát minh ra trò chơi bóng truyền thống. Ở lục địa Nam Mỹ, người Inca cổ cho rằng con người là hậu duệ của loài vật, do vậy họ đưa tượng chuột vào thờ chung trong các đền thờ thần Mặt trời và xem chuột là loài vật cấm kỵ. Một số dân tộc khác cũng liệt chuột vào loài cấm kỵ, như người Shipibo ở Peru và người Sirionĩ ở Bolivia, cư dân quần đảo Man, Bermuda và Shetland ở Đại Tây Dương. Song, thổ dân vùng Amazon ngày nay vẫn thường săn chuột làm thịt trong các bữa ăn hàng ngày.
 
   Trong văn hóa phương Tây, chuột gắn liền với những ý nghĩa xấu xa: kẻ phá hoại, kẻ cướp, kẻ gieo rắc tai họa (bệnh tật). Tín ngưỡng thờ chuột được cho là ra đời ở Hy Lạp từ thế kỷ 15 trước CN, được Homer ghi chép trong Sử thi Iliad. Tương truyền thời ấy có một con chuột bạch linh thiêng từng sống dưới bàn thờ thần Apollo (thần nghề y, thần sánh sáng, thần Sự thật, đồng thời cũng là thần gieo mầm bệnh dịch) trên đảo Tenedos. Trong điêu khắc, thần Apollo thường được thể hiện trên thân một con chuột. Và cũng từ đó, chuột thần có tên gọi là Apollo Smintheus, được nhiều cộng đồng tôn thờ. Người Hy Lạp cổ còn lưu truyền nhiều câu chuyện ly kỳ về chuột và sư tử, chuột và voi v.v.. Nhiều bộ lạc thời ấy coi chuột là vật tổ, lấy tên chuột để đặt tên thành thị hay tên thị tộc của mình. Họ còn in hình chuột trên các đồng tiền hay các biểu tượng cộng đồng khác. Người Đông Âu thời cổ trung đại đã từng ăn thịt chuột. Hẳn người châu Âu còn nhớ những cơn đại dịch làm chết nhiều người trong lịch sử, đặc biệt là vào thế kỷ 14. Tuy nhiên, họ vẫn không quên lưu luyến đến loài chuột. Không biết từ bao giờ, nuôi chuột làm vật cảnh đã trở thành thú tiêu khiển thời thượng. Người ta chăm chuột rất chu đáo, thậm chí tổ chức sinh nhật hay giáng sinh cho chúng hay đi bát phố với chuột trên vai. Trong điện ảnh, hình ảnh chú chuột Jerry thông minh, lanh lợi, lãng mạn và có phần láu cá trong bộ phim hoạt hình Tom và Jerry phần nào cho thấy một đặc trưng quan trọng trong văn hóa phương Tây. Mèo ăn thịt chuột là điều tự nhiên, song sự sắp đặt ấy của tạo hóa không phải là tuyệt đối, và rằng con người có thể cải tạo được tự nhiên ở một phần nào đó. Cũng tại phương Tây, loài chuột cuối cùng cũng tìm thấy giá trị nhất định trong khoa học hiện đại như các ngành sinh học, hóa học, y dược học v.v..
 
 Image  Image
                     Tom và Jerry                                                                                          Ngây ngất 
 
  Vậy đó, dường như nhân loại mâu thuẫn trong chính quan niệm của mình khi nghĩ về loài chuột. Dù muốn dù không, loài chuột vẫn cứ hiện diện cùng với loài người như đã tồn tại bao đời nay và dù con người có tìm tất cả mọi phương cách để tiêu diệt chúng. Ở góc nào đó của quả đất này, người ta vẫn cứ quý chuột, vẫn thờ chuột, vẫn nuôi chuột dù ai cũng biết rằng nhân loại cần phải nói “không” với chúng.
 
13/12/2007
 
 

 
Trân trọng cảm ơn PGS. YIM, JU TAK, Khoa Ngôn ngữ Korea, ĐH Quốc gia Pusan, Hàn Quốc đã giúp chúng tôi hoàn thành bài viết này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét