Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong mối quan hệ giao lưu văn hóa với các dân tộc thuộc cộng động ASEAN

Ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong mối quan hệ giao lưu văn hóa với các dân tộc thuộc cộng động ASEAN

                                                                                                                        PGS.TS. Thành Phần*
TÓM TẮT
Bài viết trình bày sơ lược về về văn hoá - ngôn ngữ ở Đông Nam Á, trong đó nhấn mạnh đến các ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam là đa dạng, là bức tranh thu nhỏ của ngôn ngữ Đông Nam Á. Vì thế ngôn ngữ chiếm một vị trí quan trọng trong việc học tập và nghiên cứu văn hoá đối với ngành Nhân học. Cuối cùng bài viết đề nghị ngành Nhân học nên chú ý đào tạo ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam trong chương trình đào tạo ngành Nhân học trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay.
Đông Nam Álà một khu vực nằm phía Đông châu Á, phân bố ở phía Nam Trung Quốc, phía Đông Ấn Độ và phía bắc của Úc, bao gồm 10 quốc gia: Việt Nam, Lào. Campuchia, Thái Lan, Myanma, Indonesia, Malaysia, Singapore, Brunei và Philippines.Trong đó, Indonesia là quốc gia có dân số đứng đầu Đông Nam Á (khoảng 240 triệu dân), Philippines xếp thứ hai (92 triệu) và Việt Nam đứng thứ ba (88 triệu).
Trong quá trình phát triển lịch sử, Đông Nam Á đã ảnh hưởng bởi hai nền văn minh Ấn Độ và Trung Hoa là chủ yếu. Tuy chịu nhiều ảnh hưởng các nền văn minh bên ngoài, nhưng không bị “Ấn hóa” hay “Hán hóa”, mà các nước Đông Nam Á đã biết lựa chọn những gì thích hợp với văn hóa bản địa của mỗi nước, phù hợp với từng nền văn hóa dân tộc, chứ không tiếp thu những gì xa lạ với phong tục tập quán của từng nước.
Vì vậy, khi nói đến văn hóa ở khu vực Asian, chúng ta thường hay liên tưởng đến một vùng văn hóa phong phú, đặc sắc và đa dạng phát triển trên cơ tầng của một nền văn hóa bản địa Đông Nam Á. Trong đó, có 5 quốc gia thuộc hải đảo và 5 quốc gia thuộc lục địa nằm trên bán đảo Trung Ấn. Hay nói cách khác, vùng Đông Nam Á là nơi gặp gỡ nhiều dòng văn hóa.
Ở vùng lục địa gồm có hai dòng văn hóa: Dòng văn hóa Trung Hoa từ phía Bắc gồm có Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên, Nhật Bản đi xuống ảnh hưởng đến Việt Nam đã để lại nhiều ấn qua dạng kiến trúc, chữ viết, tư tưởng Khổng giáo và Phật giáo Bắc tông Đại thừa. Bên cạnh đó, dòng văn hóa Ấn Độ từ Trung Á đi qua Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia tạo nên một lối kiến trúc mái cong, hình thành chữ viết theo Phạn ngữ, văn tự Sanskrit, Phật giáo Nam tông Tiểu thừa và múa rối theo cốt truyện Ramayana và Mahabharata. Trong khi đó, vùng hải đảo thì lại gặp dòng văn hóa từ Tây Á theo đường biển mang theo Islam giáo phủ lên trên Ấn độ giáo và Phật giáo mà trước đó đã ảnh hưởng từ nền văn hóa Ấn độ, góp phần tạo nên phong phú hóa và đa dạng hóa nền văn hóa Đông Nam Á.
Sau khi, Việt Nam chính thức gia nhập vào Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations, viết tắt là ASEAN), việc đẩy mạnh mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội giữa Việt Nam và nước Đông Nam Á càng trở nên quan trọng hơn. Để thúc đẩy mối quan hệ này, việc tăng cường mối giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong các khu vực Đông Nam Á là rất cần thiết. Trong đó, ngôn ngữ là một trong những thành tố quan trọng để cấu thành nên bản sắc văn hóa của các dân tộc trong khối Asian.
Mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ chính được sử dụng trong khối ASEAN, nhưng trong mỗi nước vẫn luôn sử dụng ngôn ngữ của quốc gia mình để giao tiếp, kinh doanh và giáo dục.
Theo phân loại hiện nay, ở Đông Nam Á có 5 hệ ngôn ngữ chính: Nam Đảo, Nam Á, Tày Thái, Hán Tạng và Mèo Dao. Các hệ ngôn ngữ này không hoàn toàn có cùng một nguồn gốc, nhưng nhìn chung họ lại có cùng một cấu trúc ngữ pháp gần nhau.
Các dân tộc có tiếng nói thuộc ngữ hệ Nam Đảo chủ yếu tập trung ở các quốc gia hải đảo. Còn các ngữ hệ còn lại như Nam Á, Tày Thái, Hán – Tạng và Mèo Dao đa phần phân bố ở các quốc gia lục địa, một số ít cũng có mặt ở các quần đảo, nhưng chiếm tỉ lệ không đáng kể. Nhìn chung, hệ ngôn ngữ chiếm tỉ lệ cao nhất là hệ ngôn ngữ Nam Đảo (Austronesian family) và Nam Á (Austro – Asian family) phân bố tập trung ở hai vùng khác nhau: Hải đảo và Lục địa.
Về chính trị, hiện nay các quốc gia Đông Nam Á đang tập hợp và đoàn kết trong một khối hướng tới sự thống nhất về kinh tế gọi là khu vực Asean. Đứng ở khía cạnh ngôn ngữ, khu vực Đông Nam Á đã từng có những mối liên hệ với nhau khá chặt chẽ từ xa xưa, từ đó, đã góp phần làm cho sự tương đồng về mặt văn hoá giữa các quốc gia trong khu vực càng bền chặt. Nhưng trên thực tế, cho đến nay, việc nghiên cứu, trao đổi, học hỏi ngôn ngữ lẫn nhau vẫn chưa được xem là quan trọng.
Đặc biệt, Việt Nam là một trong những quốc gia đa dân tộc ở khu vực Đông Nam Á, trong đó, có tới 53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Với 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam, hầu như có mặt đầy đủ các nhóm dân tộc thuộc các hệ ngôn ngữ khác nhau ở khu vực Đông Nam Á. Có thể nói, đứng về phương diện nhân học và dân tộc học ở góc độ ngôn ngữ, Việt Nam là bức tranh thủ nhỏ hình ảnh của khu vực Đông Nam Á cả phần đất liền và hải đảo. Hiểu biết đầy đủ về vấn đề ngôn ngữ ở đây cũng chính là có được những hiểu biết đầy đủ hơn về khu vực “Lịch sử - Văn hóa Đông Nam Á”.
So với Đông Nam Á, Việt Nam cũng có 5 hệ ngôn ngữ chính: Nam Đảo, Nam Á, Tày Thái, Hán Tạng và Mèo Dao. Các hệ ngôn ngữ này phân bố trãi dài từ Bắc đến Nam Việt Nam. Các dòng ngôn ngữ chính ở Việt Nam được phân chia thành những nhóm ngôn ngữ như sau:

1. Hệ ngôn ngữ Nam Á gồm hai nhóm ngôn ngữ:

- Nhóm ngôn ngữ Việt-Mường: Việt, Mường, Thổ, Chứt.
- Nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer: Khmer, Bahnar, Sơ đăng, K’ho, Hrê, Stiêng, Bru - Vân Kiều, Cơ tu, Gié Triêng, Mạ, Khơmú, Co, Tà-ôi, Chơro, Kháng, Xinh mun, Mảng, Brâu, Ơ Đu, Rơnam, M’nông.
2. Hệ ngôn ngữ Tày Thái:
- Tày, Thái, Nùng, Sán Chay (Cao Lan – Sán Chỉ), Giáy, Lào, Lự, Bố Y.
3. Hệ ngôn ngữ Mèo Dao:
- H’mông (Mèo), Dao, Pà-Thẻn.
4. Hệ ngôn ngữ Nam Đảo:
- Chăm, Jarai, Êđê, Raglai, Churu.

5. Hệ ngôn ngữ Hán Tạng gồm hai nhóm:

- Nhóm ngôn ngữ Hán: Hoa (Hán), Ngái, Sán Dìu.
- Nhóm ngôn ngữ Tạng Miến: Hà Nhì, La Hủ, Phù lá, Lô Lô, Cống, Si La.
6. Ngôn ngữ khác: La Chí, La Ha, Cờ Lao, Pupéo.
***
Ngôn ngữ và văn hóa luôn có mật thiết với nhau. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp xã hội thông qua tiếng nói và văn tự. Nhờ ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết mà văn hóa được truyền thụ từ thế hệ này sang thế hệ khác và cũng nhờ ngôn ngữ mà văn hóa được chuyển tải từ quốc gia này sang quốc gia khác. Vì vậy, cần nên khuyến khích, đầu tư, tăng cường mở rộng các lớp học ngôn ngữ - văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và các dân tộc ở các nước Đông Nam Á. Nó sẽ tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và các dân tộc trong khối ASEAN dễ dàng giao lưu văn hóa với nhau hơn, gần gủi, hiểu biết nhau một cách sâu sắc hơn và thắt chặt mối quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội một cách lâu dài và bền vững hơn.
Trên thực tế hiện nay, những người nhà nghiên cứu Việt Nam thường hay sử dụng tiếng Việt để giao tiếp và thực hiện các cuộc phỏng vấn đối với dân tộc thiểu số là thông tín viên ở tại địa bàn nghiên cứu. Điều này dễ bị ngộ nhận, sai lệch và thiếu chân thực khi phiên dịch, giải nghĩa hay diễn đạt theo tiếng Việt. Qua các kinh nghiệm của các nhà dân tộc học và nhân học cho thấy, độ tin cậy của dữ liệu thu thập trên thực tế tùy thuộc vào việc thành thạo tiếng địa phương hay không.
Trong chương trình đào tạo của Khoa Nhân học từ trước đến nay hầu như ít quan tâm đến việc trang bị những kiến thức cần thiết về ngôn ngữ nói và viết cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh trước khi thực hiện đề tài nghiên cứu liên quan đến dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói riêng và các dân tộc ở các nước Đông Nam Á nói chung. Hơn nữa, chương trình đào tạo cũng không đòi hỏi sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh cần phải thông thạo ngôn ngữ nói và viết của cộng đồng mà mình chọn làm đối tượng nghiên cứu.
Xét về phương pháp tiến hành điền dã dân tộc học, việc đầu tiên cần nên cân nhắc là khả năng am hiểu tiếng nói và chữ viết của một cộng đồng mà nhà dân tộc học sẽ tiếp xúc, trao đổi, phỏng vấn và được xem là kỷ năng của một người quan sát tham dự.
Vì vậy, việc đòi hỏi sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh cần nên thông thạo ngôn ngữ nói và viết của cộng đồng mà mình chọn làm đối tượng nghiên cứu là cần thiết. Việc thành thạo tiếng địa phương phải được xem như là một trong những điểm đánh giá khóa luận tốt nghiệp đại học, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ của sinh viên, học viên hay nghiên cứu sinh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bernard H. R. (2007). Các phương pháp nghiên cứu trong nhân học – Tiếp cận định tính và định lượng (Bản dịch sang tiếng Việt), Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
2. Bộ Ngoại giao – Vụ Asian (1995): “Hiệp hội các nước Đông Nam Á” (ASIAN), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
3. Cao Xuân Phổ - Ngô Văn Doanh - Trần Thị Lý – Trần Văn Khê (1983), Những vấn đề lịch sử - văn hóa Đông Nam Á – Nghệ thuật Đông Nam Á, Nxb Viện Đông Nam Á.
4. Condominas. G. (1998), Không gian xã hội vùng Đông Nam Á, Nxb Văn hóa.
5. Đinh Gia Khánh (1993), Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á, Nxb Khoa học Xã hội.
6. Coedès G. (2008), Cổ sử học các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Nxb Thế giới.
7. Hall D.Y.E. (1998), Lịch sử Đông Nam Á, Nxb Chính trị Quốc gia.
8. Jacques Dumarcay (1987), The house in South – East Asia, Singapore Oxford University Press – Oxford New York.
9. Lê Vinh Quốc – Hà Bích Liên (1997), Các nhân vật lịch sử Trung Đại – Tập I: Đông Nam Á, Nxb Giáo dục.
10. Ngô Văn Doanh – Vũ Quang Thiện (1997), Phong tục các dân tộc Đông Nam Á, Nxb Văn hóa Dân tộc.
11. Ngô Văn Doanh (1998), Danh thắng và kiến trúc Đông Nam Á, Nxb Văn hóa – Thông tin.
12. Nguyễn Đình Khoa (1983), Nhân chủng học Đông Nam Á, Nxb Đại học và Trung học Chuyên nghiệp.
13. Ngô Văn Lệ (2003), Một số vấn đề về văn hóa tộc người ở Nam Bộ và Đông Nam Á, Nxb Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
14. Phan Ngọc – Phạm Đức Dương (1983), Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á, Nxb Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia.
15. Ngô Văn Doanh (1999), Từ điển văn hóa Đông Nam Á, Nxb Văn hóa – Thông tin.
16. Viện Dân tộc học Nga (1976), Những quá trình tộc người ở các nước Đông Nam Á (tiếng Nga). Nxb Khoa học.
17. Viện Dân tộc học Nga (1978), Các dân tộc thế giới – các dân tộc Đông Nam Á (tiếng Nga). Nxb Khoa học.
18. Viễn Đông Nam Á (1995), Một số luật tục & luật cổ ở Đông Nam Á, Nxb Văn hóa – Thông tin.
19. Viện Đông Nam Á (1995), Việt Nam – Đông Nam Á, quan hệ lịch sử - văn hóa, Nxb Chính trị Quốc gia.



* Khoa Nhân học - Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Bài viết này đã được in trong Kỷ yếu Tọa đàm khoa học “Nhân học trong bối cảnh toàn cầu hóa” được tổ chức ngày 26 tháng 4 năm 2013 tại Trường ĐHKHXH&NV-TPHCM.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét