Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Văn hóa Đông Sơn và trao đổi thương mại cổ khu vực Đông Nam Á

Trong suốt quá trình hình thành, tồn tại và phát triển, văn hóa Đông Sơn đã để lại một kho tàng di sản văn hóa vật chất đồ sộ. Di sản ấy trước hết được cư dân Đông Sơn tạo dựng trên nền tảng sức mạnh nội sinh, với những tri thức, kinh nghiệm về đúc đồng, làm thuyền, canh tác nông nghiệp được tích lũy qua hàng nghìn năm. Song, với vị trí “ngã ba đường”, là nơi hội tụ, gặp gỡ giữa các nền văn minh, văn hóa lớn, Đông Sơn nằm trong mối quan hệ nhiều mặt với các nền văn hóa khác. Trong đó, trao đổi thương mại là khía cạnh quan trọng, góp phần làm cho văn hóa hóa vật chất Đông Sơn trở nên phong phú và đa dạng hơn. Bài viết này đóng góp một vài ý kiến về tương tác giữa văn hóa Đông Sơn và các khu vực khác từ góc nhìn trao đổi thương mại, qua đó thấy được vị trí quan trọng của văn hóa Đông Sơn, và những tác động trở lại của các hoạt động thương mại cổ đối với văn hóa Đông Sơn.

Vài nét về trao đổi thương mại khu vực Đông Nam Á giai đoạn sắt sớm
Khu vực Đông Nam Á từng là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi thương mại cổ sầm uất nhất thế giới, đặc biệt là từ giai đoạn sắt sớm, khoảng 500 TCN - 100 SCN (Hsiao-chun Hung et al 2013). Trước đó, tại đây cũng diễn ra các đợt chuyển dịch cư dân hết sức mạnh mẽ, dẫn đến sự đa dạng về tộc người, ngôn ngữ và văn hóa vật chất, với sự lan tỏa của cư dân nói tiếng Nam Đảo ở Đông Nam Á Hải đảo và cư dân nói tiếng Nam Á ở Đông Nam Á Lục địa. Song, phải bước vào giai đoạn sắt sớm, những tiếp xúc văn hóa, thông qua trao đổi thương mại, mới thực sự tạo nên những tương tác mạnh mẽ giữa các văn hóa lớn. Theo đó, quá trình trao đổi thương mại cổ diễn ra mạnh mẽ cả ở lục địa và trên biển với vị trí đặc biệt quan trọng của Biển Đông, vùng biển mà bờ phía tây phần lớn thuộc về bờ biển Việt Nam hiện nay. Mạng trao đổi thương mại biển qua Biển Đông cũng đã được W. Solhem II đề xuất và nghiên cứu từ những năm 50 của thế kỷ trước (Hsiao-chun Hung 2012: 48).
Trao đổi thương mại cổ ở Đông Nam Á, từ sau đề xuất của Solhem, đã thu hút sự quan tâm của nhiều học giả quốc tế cũng như Việt Nam. Qua nhiều thập kỷ nghiên cứu, các nhà tiền sử học dần xác lập được những mối liên hệ, tương tác văn hóa như: tương tác Đông Sơn - Hán, tương tác Sa Huỳnh - Kalanay, tương tác Đông Sơn - Sa Huỳnh... Những tương tác này lại có những tiếp xúc qua lại, đan xen, tạo nên một mạng trao đổi thương mại mang tính phức hợp. Nhưng, dựa vào đâu để chúng ta có thể xác định được những tiếp xúc văn hóa này? Từ những cứ liệu khảo cổ học thu được từ các di tích, với những tương đồng của các di vật, đặc biệt là các sưu tập đồ gốm, đồ đồng, đồ sắt... những tiếp xúc văn hóa được xác lập. Hơn nữa, các cứ liệu về ngôn ngữ học lịch sử (historical linguistics), ngôn ngữ học so sánh (comparative linguistics), những ghi chép lịch sử sớm của Trung Quốc cũng hỗ trợ cho việc xác định các tiếp xúc văn hóa này. Và vấn đề nữa đặt ra là, cư dân cổ đã sử dụng phương tiện gì để thực hiện và duy trì hoạt động trao đổi thương mại qua những không gian rộng lớn và khoảng thời gian dài như thế? Theo các tư liệu dân tộc học và khảo cổ học, có lẽ cư dân cổ đã sử dụng thuyền gỗ lớn và nhỏ để chuyên chở các sản phẩm qua biển và di chuyển dọc hệ thống các con sông lớn. Cho đến gần đây, các nhóm cư dân Nam Đảo vẫn sử dụng bè gỗ nhỏ để trao đổi các sản phẩm giữa các đảo nhỏ cách xa nhau hàng trăm km. Đáng chú ý, những phát hiện, khai quật mộ quan tài hình thuyền ở văn hóa Đông Sơn cho thấy kỹ thuật làm thuyền gỗ lớn của cư dân Đông Sơn tương đối phát triển. Từ đó, có quan điểm cho rằng với những thuyền gỗ lớn như thế, cư dân Đông Sơn có thể đã sử dụng để vượt biển thay vì đơn thuần di chuyển quanh những hệ thống sông ngòi ở Bắc Bộ Việt Nam.
Tương tác Đông Sơn - Hán diễn ra khá mạnh mẽ trên nền tảng những tiếp xúc văn hóa từ trước đó, gần nhất là giai đoạn tiền Đông Sơn. Đến giai đoạn sắt sớm, sự tiếp xúc đó càng trở nên mạnh mẽ hơn với sự tương đồng về các loại hình hiện vật khảo cổ. Trong đó, đáng kể nhất là sự tương đồng ở mức độ nào đó giữa trống Đông Sơn và trống Nam Trung Hoa, các loại vũ khí bằng đồng, đồ trang sức... Rất khó để có thể đánh giá được rằng nơi nào chịu ảnh hưởng từ nơi nào. Thậm chí, nếu nhìn nhận dưới góc độ địa-văn hóa, thì có lẽ việc đó cũng chẳng mang nhiều ý nghĩa. Bởi vì, Bắc Việt Nam và Nam Trung Hoa có sự tương đồng về địa lý tự nhiên và văn hóa (Trình Năng Chung 2009: 13 - 30).
Trong khi đó, ở chiều không gian khác, sự tiếp xúc giữa Đông Sơn - Sa Huỳnh trong suốt nhiều thập kỷ của thế kỷ trước các nhà khảo cổ học không tìm thấy quá nhiều những cứ liệu khảo cổ học rõ ràng nào cho thấy có sự trao đổi mạnh mẽ giữa hai nền văn hóa lớn này (những loại hình trang sức thủy tinh ở Làng Vạc, Xuân An được cho là bằng chứng đầu tiên về mối quan hệ văn hóa giữa Đông Sơn và Sa Huỳnh (Phạm Minh Huyền 1996)). Tuy nhiên, những cuộc khai quật gần đây ở Bãi Cọi (Hà Tĩnh), Gò Quê (Quảng Ngãi), và Hòa Diêm (Khánh Hòa) đã cho thấy, có một sự trao đổi văn hóa tương đối giữa Đông Sơn và Sa Huỳnh. Điều đó trước hết thể hiện rõ nhất ở sưu tập gốm, kim loại...ở Bãi Cọi với nhiều loại hình mang đậm nét phong cách Đông Sơn. Hay ở Hòa Diêm và Gò Quê là sự có mặt của loại hình lao chuôi đồng - mũi sắt giống với tiêu bản đã tìm thấy ở di tích Làng Cả (Phú Thọ) (Trịnh Sinh 2011). Tóm lại, dù một số nhà khoa học cho rằng văn hóa Đông Sơn ở phía bắc và Sa Huỳnh ở phía nam có những đặc trưng văn hóa khá khác biệt và những mối quan hệ văn hóa và trao đổi với bên ngoài khác nhau (Hsiao-chun Hung 2012: 50-51), song những phát hiện khảo cổ học gần đây dần cho thấy có một sự tương tác văn hóa ở mức độ không nhỏ giữa Đông Sơn và Sa Huỳnh.
Trong khi đó, văn hóa Sa Huỳnh lại có sự tương tác mạnh mẽ với Đông Nam Á Hải Đảo, Ấn Độ, Đài Loan, Nam Thái Lan... Đáng chú ý nhất đó là sự tương đồng giữa các sưu tập gốm mà các nhà khoa học thường gọi là phức hệ gốm Sa Huỳnh - Kalanay (Sahuynh-Kalanay Pottery Complex). Hơn nữa, các sưu tập đồ trang sức như khuyên tai ba mấu, hai đầu thú, khuyên tai bằng gốm, các loại hình hạt chuỗi thủy tinh màu Indo - Pacific tìm thấy phổ biến ở các di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh cũng cho thấy cư dân Sa Huỳnh có sự trao đổi thương mại nhiều chiều trên phạm vị rộng lớn. Các nghiên cứu về nguồn (nguyên liệu đá nephrite) còn cho thấy, cư dân Sa Huỳnh không chỉ là những người tiêu thụ trong mạng trao đổi đường dài, mà còn là những người chế tác tài ba và đem các sản phẩm của mình trao đổi với các khu vực khác.
Có thể thấy rằng, ở khu vực Đông Nam Á giai đoạn Sắt sớm có sự tiếp xúc mạnh mẽ và đa chiều giữa các văn hóa lớn. Những tiếp xúc này có thể được nhìn nhận là các trao đổi về văn hóa vật chất và kỹ thuật chế tác các chất liệu khác nhau. Những trao đổi này là những mối quan hệ phức hợp, mà đôi khi khiến một số nhà khoa học bối rối, những người cố gắng phân định các di tích khảo cổ học vào phạm trù các nền văn hóa này hay văn hóa kia. Cũng cần nhấn mạnh rằng, chính sự trao đổi đan xen giữa các trung tâm lớn đã tạo thành các điểm “nốt/nút” (contact nodes) trong mạng lưới ấy, mà các di tích kiểu Hòa Diêm, Bãi Cọi...thể hiện rất rõ tính chất ấy.
Tuy nằm trong những tiếp xúc văn hóa đan xen, phức tạp như thế, song văn hóa Đông Sơn, với nền tảng nội sinh mạnh mẽ đã thể hiện được vị trí đặc biệt, trở thành gam màu nổi bật trong bức tranh mosaic Đông Nam Á giai đoạn này. Không những thế, văn hóa Đông Sơn còn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ ở khu vực Đông Nam Á, cả lục địa và hải đảo. Vậy, những ảnh hưởng đó được thể hiện như thế nào qua những cứ liệu khảo cổ học? Phần dưới đây sẽ góp phần trả lời cho câu hỏi này...
Vị trí của văn hóa Đông Sơn
Như chúng ta đã biết, với vị trí địa lý tự nhiên nằm ở giữa các nền văn hóa khác, văn hóa Đông Sơn cố nhiên là một trung tâm giao lưu giữa các nền văn hóa ấy. Tuy vậy, có thể thấy rằng, chính sự phát triển rực rỡ trên nền tảng nội sinh của Đông Sơn mới khiến Đông Sơn trở thành một trong những nền văn hóa giai đoạn sắt sớm rực rỡ bậc nhất, lan tỏa rộng và có sức sống mạnh mẽ. Sức sống mạnh mẽ ấy cũng chính là nền tảng cơ bản, vững chắc để văn hóa Đông Sơn thể hiện được những đặc trưng khác biệt trong những tương tác văn hóa đa chiều và phức tạp trong khu vực. Những đặc trưng ấy chính là những chỉ thị văn hóa riêng biệt, là những tinh túy khó phai mờ hay bị ảnh hưởng bởi những yếu tố văn hóa bên ngoài. Hơn nữa, những tinh hoa Đông Sơn còn được lan tỏa trong cả chiều không gian và thời gian thông qua những hiện vật khảo cổ mà rất dễ nhận ra chúng thuộc về Đông Sơn hay mang phong cách Đông Sơn.
Nhiều phát hiện khảo cổ học đã cho thấy ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn đến các vùng khác ở Việt Nam và Đông Nam Á. Những ảnh hưởng ấy cũng đã được giải thích qua cách tiếp cận mạng trao đổi thương mại (trade network). Chẳng hạn, nhà tiền sử học Sieveking cho rằng kỹ nghệ chế tác đồ sắt ở bán đảo Malaysia có nguồn gốc từ truyền thống đồ đồng có họng tra cán phổ biến trong văn hóa Đông Sơn. Đồng thời, ông cũng tin rằng kỹ nghệ chế tác ấy truyền đến bán đảo Malaysia qua Nam Việt Nam (Seiveking 1956). Hay ở di tích Ongbah Cave các nhà khảo cổ học cũng đã từng phát hiện các hiện vật sắt cùng với các quan tài hình thuyền và trống đồng Heger loại I có niên đại C14 vào 200BC. Ngoài ra, một số di tích ở Java (Indonesia) đã tìm thấy các mộ táng trẻ con được trôn trong trống Heger I cùng với đồ gốm và các đồ trang sức khác (Bellwood 2007: 292). Cũng liên quan đến trống đồng và táng tục, ở di tích Prohear (Campuchia) một số mộ táng (của các chủ nhân giàu có) được trôn với phần đầu nằm trong trống đồng. Và cho đến nay táng tục như vậy mới chỉ thấy có ở các di tích văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa, di tích Kele ở Quí Châu (Trung Quốc) và Prohear. Bên cạnh đó, có nhiều nét tương đồng giữa các hiện vật đồng tìm thấy ở 3 khu vực này (Reinecke và nnk 2010: 34).
Ngoài những phát hiện từ những cuộc khai quật khảo cổ học, những phát hiện rải rác cũng ghi nhận được hàng chục trống đồng Đông Sơn ở Đông Nam Á lục địa và hải đảo. Cần phải nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh khung thời gian trước và đầu Công nguyên, bất chấp những ảnh hưởng mạnh mẽ từ Ấn Độ, Địa Trung Hải vào Đông Nam Á thì văn hóa Đông Sơn vẫn khẳng định được tầm ảnh hưởng rộng lớn trong khu vực. Điều này được thể hiện rõ nhất qua sự phân bố rộng của trống và đồ sắt mang phong cách Đông Sơn (chỉ thị văn hóa đặc trưng, khác hẳn phong cách Địa Trung Hải và Ấn Độ) ở Sumatra, Java, Bali và lan tỏa tới cả Molucas (Indonesia).
Tóm lại, có thể thấy rằng, trong mạng trao đổi thương mại sầm uất ở Đông Nam Á giai đoạn sắt sớm, Đông Sơn vẫn nổi lên như một thực thể văn hóa có nội lực mạnh, sức ảnh hưởng và lan tỏa trong khu vực. Và khi xem xét Đông Sơn trong bức tranh trao đổi thương mại cổ ở Đông Nam Á, ở đây, có lẽ cần nhấn mạnh đến hai yếu tố quan trọng, là cơ sở cho sự khẳng định tầm ảnh hưởng của cư dân Đông Sơn trong mạng trao đổi thương mại vực Đông Nam Á giai đoạn Sắt sớm. Hai yếu tố đó là: kỹ thuật luyện kim; kỹ thuật đóng thuyền và đi thuyền. Ai cũng biết rằng kim loại và kỹ thuật luyện kim quan trọng như thế nào đối với nhân loại, đặc biệt trong các xã hội cổ đại. Và như đã biết, cư dân Đông Sơn đã nổi lên như là một trong những cộng đồng có kỹ thuật chế tác kim loại điêu luyện, với nền tảng kinh nghiệm hình thành từ giai đoạn Phùng Nguyên hơn một ngàn năm trước đó. Trong khi đó, nhiều nơi, chẳng hạn như Đông Nam Á hải đảo, thiếu vắng giai đoạn Đồng thau (Bronze Age) mà chỉ được du nhập (từ lục địa) kỹ thuật luyện sắt khá muộn. Trong bối cảnh như thế, với việc có được trình độ luyện kim cao hơn, cư dân Đông Sơn ắt hẳn có sức ảnh hưởng mạnh hơn đến những khu vực khác, như được thể hiện qua một số phát hiện khảo cổ học đã đề cập ở trên.
Về vấn đề kỹ thuật làm thuyền và đi thuyền. Có lẽ rằng, với những phát hiện khảo cổ học về văn hóa Đông Sơn, chúng ta có thể thấy, ít có nền văn hóa khảo cổ nào cùng thời trong khu vực mà dấu ấn về con thuyền lại đậm nét như trong văn hóa Đông Sơn. Nó được thể hiện trước hết qua những phát hiện về mộ thuyềnquan tài hình thuyền, nhiều trong số đó có kích thước khá lớn, dài trên 5m. Với những con thuyền độc mộc như vậy, có người cho rằng, người Đông Sơn “có khả năng vượt biển, chiến đấu và ngang dọc giang hồ...” (Phan Cẩm Thượng 2011: 48). Quả thực, đây là một nhận xét khá thú vị và cần được chú ý nghiên cứu thêm, vì bên cạnh những “con thuyền” đã biết, hình ảnh thuyền cùng với các vũ sĩ vốn dĩ đã được thể hiện rất phổ biến và sinh động trên các trống và thạp đồng Đông Sơn. Điều này phần nào thể hiện vai trò to lớn của thuyền và kỹ thuật đi thuyền (vượt sông, biển?) trong đời sống cư dân Đông Sơn, trở thành một trong những chủ đề mỹ thuật của các nghệ nhân đúc đồng.
Hình ảnh con thuyền và các vũ sĩ phổ biến trên trống đồng Đông Sơn (Bảo tàng KTT Choang Quảng Tây, Viện Nghiên cứu Văn vật KCH Quảng Tây, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam 2011: Bản ảnh LBS 5722).
 Một vài nhận xét bước đầu
Trước hết cần phải lưu ý rằng, với giới hạn của bài viết nhỏ này khó có thể đề cập hết được các khía cạnh của trao đổi thương mại ở Đông Nam Á giai đoạn sắt sớm, giai đoạn bản lề cho sự hình thành một loạt các quốc gia cổ ở Việt Nam và khu vực. Ở đây cũng chưa thể đề cập hết được những cứ liệu khảo cổ học liên quan, một công việc dường như bất khả thi, bởi khảo cổ học Đông Nam Á nói chung là một trong những chủ đề nghiên cứu quan trọng, hấp dẫn và phức tạp bậc nhất của khảo cổ học thế giới. Song, ở đây, cũng cần tóm lại những nhận xét bước đầu về văn hóa Đông Sơn và trao đổi thương mại cổ ở Đông Nam Á.
Thứ nhất, trong giai giai đoạn sắt sớm ở Đông Nam Á trao đổi thương mại diễn ra hết sức sầm uất, thể hiện qua những tương tác văn hóa ở các cấp độ xa gần, tạo thành một mạng lưới đan xen, phức hợp. Tính phức hợp của nó được thể hiện qua những tương đồng về văn hóa vật chất giữa các văn hóa khảo cổ ở các khu vực khác biệt về địa lý tự nhiên và không gian. Tất nhiên, những tương đồng ấy còn được lý giải dưới góc độ các đợt dịch chuyển của các cư dân (nói tiếng Nam Đảo, Nam Á...). Song, bản thân những cuộc di dân cũng vẫn kéo theo và thúc đẩy sự trao đổi thương mại cổ. Vả lại, những tiếp xúc văn hóa là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các nền văn hóa, có nghĩa là thông qua trao đổi thương mại, các văn hóa lớn vừa thể hiện được vị trí và tầm ảnh hưởng của mình, vừa tiếp nhận các sản phẩm và kỹ thuật mới từ bên ngoài. Không nằm ngoài quỹ đạo ấy, cư dân Đông Sơn đã tham gia vào trao đổi thương mại ở Đông Nam Á một cách khá mạnh mẽ.
Thứ hai, với sự trội vượt về kỹ thuật luyện kim (đồng thau, sắt) và kỹ thuật làm thuyền và đi thuyền, cư dân Đông Sơn đã khẳng định được ưu thế và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến những khu vực khác. Ở khía cạnh ngược lại, chính nhờ tham gia trao đổi thương mại trên phạm vi rộng giúp văn hóa Đông Sơn có điều kiện tiếp thu, lĩnh hội những kỹ thuật mới (chẳng hạn như làm thủy tinh), những sản phẩm mới... Điều này mặc nhiên khiến cho văn hóa Đông Sơn vỗn dĩ đa dạng, phong phú lại càng trở nên đa sắc màu hơn trong một bức tranh Đông Sơn thống nhất.
Đinh Văn Mạnh (Phòng Nghiên cứu- Sưu tầm)
 Tài liệu tham khảo:
Peter Bellwood 2007The prehistory of Indo-Malaysian Archipelago. Revised Edition, ANU E-press, pp. 292.
Trình Năng Chung 2009Mối quan hệ văn hóa thời tiền sử giữa Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc. NXB KHXH, Hà Nội 2009, tr. 13 - 30.
Hsiao-chun Hung 2012. Tương tác Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh - Kalanay qua Biển Đông. Thông Báo Khoa học số 1 năm 2012. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội.
Hsiao-chun Hung et al 2013. Coastal connectivity: Long-term trading network across the South China SeaThe Journal of Island and Coastal Archaeology 8, pp. 384 - 404.
Phạm Minh Huyền 1996Văn hóa Đông Sơn: tính thống nhất và đa dạng. NXB KHXH, Hà Nội 1996, tr. 192.
Reinecke, Vin Laychour, Heng Sophady, Seng Sonetra 2010The first golden civilization of Cambodia: Unexpected archaeological discoveriesPhnom Penh, pp. 34.
Sieveking 1956. Recent archaeological discoveries in MalayaJMBRAS 29, pp. 200 - 211.
Trịnh Sinh 2011. Sự hình thành các nhà nước sơ khai ở miền Bắc Việt Nam (qua tư liệu khảo cổ học). NXB KHXH, BA 22.
Phan Cẩm Thượng 2011Văn minh vật chất của người Việt. NXB Trí Thức, Hà Nội, tr. 48.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét