Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

MỐI QUAN HỆ GIỮA "NHẬP THẾ" CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM VỚI SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC CỔ ĐIỂN VIỆT NAM

MỐI QUAN HỆ GIỮA "NHẬP THẾ" CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM VỚI SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC CỔ ĐIỂN VIỆT NAM
Vu Tại Chiếu
Đại học Trịnh Châu - Trung Quốc
Phật giáo truyền vào Việt Nam khoảng thế kỉ II sau công nguyên. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Phật giáo có ảnh hưởng sâu rộng và to lớn. “Nhập thế” của Phật giáo Việt Nam không những thúc đấy sự phát triển của xã hội, văn hoá Việt Nam, mà còn góp phần vào sự hình thành và phát triển của văn học cổ điển Việt Nam, nhất là văn học chữ Hán Việt Nam.
 I. Đặc trưng “nhập thế” của Phật giáo Việt Nam
 Phật giáo thông thường chủ trương về “xuất thế”: cuộc đời của con người là một kiếp khổ sở, cho nên cách làm tốt nhất của con người là “xuất thế”, giải thoát. Nhưng trong một giai đoạn khá dài trên lịch sử Việt Nam, nhất là thế kỷ X-XIV, Phật giáo Việt Nam có một đặc trưng rất rõ rệt là “nhập thế”. Từ nhà Đinh, nhà tiền Lê cho đến nhà Lý và nhà Trần, các vị thiền sư thông thạo cả Phật giáo lẫn chữ Hán. Họ “đức tính siêu quần, giỏi cả việc nhập thế và xuất thế”(1). Các thiền sư từ Vạn Hạnh cho đến Minh Không đã “nhập thế” chẳng khác nhà nho để giúp vua làm việc nước. “Nhập thế” của họ đã góp phần vào việc xây dựng chế độ xã hội phong kiến và sự nghiệp văn hoá giáo dục của Việt Nam lúc bấy giờ.
 1. Các nhà sư Phật giáo Việt Nam tham gia giải quyết nhiều công việc về mặt chính trị, ngoại giao
 Trong thời kỳ nhà Đinh(968 - 980) và nhà tiền Lê (980 -1009), những người trí thức và nhân tài quản lý nhà nước thiếu thốn nghiêm trọng, các vua chúa đều trọng dụng các vị thiền sư Phật giáo, giao cho họ những đặc quyền, để cho họ làm những việc quan trọng về mặt chế định luật pháp, xử lý công việc quân sự, ngoại giao. Trong thời kỳ nhà Lý (1010 -1225) và nhà Trần (1225 -1400), tầng lớp tăng lữ Phật giáo là một thế lực lớn mạnh. Chế độ tổ chức của họ chặt chẽ từ các cấp tăng lục, tăng thống đến quốc sư. Họ có một địa vị rất cao trên xã hội lúc bấy giờ. Các vị quốc sư có thể tự do ra vào cung đình, địa vị ngang như vương hầu, tể tướng. Các thiền sư tiêu biểu như Khuông Việt, Đỗ Pháp Thuận, Vạn Hạnh,Mãn Giác, Viên Thông và Huyền Quang... đã góp phần lớn vào công việc chính trị, ngoại giao của nhà nước trên lịch sử thế kỷ X-XIV của Việt Nam.
 Khuông Việt (933 -1011) tên thật là Ngô Chân Lưu. Ông là một vị thiền sư đầu tiên tham gia giải quyết nhiều công việc chính trị nhà nước trên lịch sử Việt Nam. Ông đã phụ trợ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành. Ông thuở nhỏ học Nho, lớn lên quy y đạo Phật. Năm 40 tuổi, danh tiếng vang dội đến triều đình. “Vua Đinh Tiên Hoàng (968 - 979) vời ông về kinh đô hỏi chuyện. Sư đối đáp hợp ý, được vua phong làm Tăng Thống. Năm thứ 2 hiệu Thái Bình được ban hiệu Khuông Việt đại sư”(2). Sau khi lên ngôi, Lê Đại Hành lại trọng dụng Khuông Việt đại sư. “Vua Lê Đại Hành (980 -1005) đối với sư càng đặc biệt kính trọng, phàm các việc quân quốc triều đình, sư đều được tham dự.”(3)    
 Cùng thời với Khuông Việt, thiền sư Đỗ Pháp Thuận (Đỗ Thuận) (915? - 990) cũng làm cố vấn cho vua Lê Đại Hành. “Trong buổi đầu, khi nhà tiền Lê mới sáng nghiệp, sư có công dựng bàn hoạch định sách lược”(4). Đỗ Pháp Thuận là một người học vấn uyên bác và có tài ngoại giao. Ông được cử ra giao thiệp với đoàn sứ thần nhà Tống Trung Quốc: “Năm Thiên Phúc thứ bảy (968 ) nhà Tống sai Lý Giác sang sứ. Bấy giờ pháp sư Đỗ Thuận cũng có danh tiếng lớn. Vua sai pháp sư cải trang làm giang lệnh đón tiếp sứ giả ở chỗ sông quanh. Giác thấy giang lệnh có tài nói chuyện bèn làm thơ tặng”(5).
 Vạn Hạnh (939?-1018) là một thiền sư giao thời giữa nhà Tiền Lê và nhà Lý. Quốc sư “thuở nhỏ thông minh khác thường (…) nhưng cọi nhẹ công danh phú quý. Năm 21 tuổi xuất gia, cùng Đinh Huệ theo hầu học đạo với Thiền Ông đạo giả ở chùa Lục Tổ.” Vạn Hạnh từng làm cố vấn cho Lê Đại Hành, được vua Lê Đại Hành “đặc biệt tôn kính”(6). Lê Đại Hành thường học hỏi, bàn bạc với Thiền sư Vạn Hạnh về những việc quân sự và chính trị. “Năm Thiên Phúc thứ nhất (980) nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo đem quân sang xâm lược nước ta, đóng quân ở gò Tử Cương núi Giáp Lăng, vua mời sư đến hỏi tình thế thắng bại thế nào. Sư đáp: - Chỉ trong ba, bảy ngày, giặc tất phải lui. Sau quả đúng như thế”(7). Khi nhà Tiền Lê suy tàn, Thiền sư Vạn Hạnh đã gây dư luận, ủng hộ Lý Công Uẩn lên làm vua, khai sáng ra nhà Lý. Dưới nhà Lý, Lý Thái Tổ (1010 - 1028) phong Vạn Hạnh làm quốc sư. Quốc sư Vạn Hạnh có một địa vị rất cao và danh tiếng rất lớn trong nhà Lý với công lao dựng nước và giữ nước to lớn của ông.
 Mãn Giác (1052 -1096) “hiểu rộng, nhớ giỏi, học thông Nho, Phật”, là “lãnh tụ của pháp môn một thời”(8). Vua Lý Nhân Tông hết sức kính trọng Mãn Giác, phong ông “tôn hiệu Hoài Tín đại sư”. Như vậy, đại sư “được dự bàn chính sự ngang hàng với các quan tam ti”. Lý Nhân Tông còn “cho dựng chùa Cửu Liên Giáo ngay ở bên cạnh cung Cảnh Hưng, thỉnh sư đến trụ trì để tiện hỏi han về đạo Phật”(9).
 Viên Thông (1080-1151) họ Nguyễn, tên là Nguyên Ức. Quốc sư học vấn uyên bác, thông thạo về sách lược trị quốc. Năm Thiên Thuận thứ 3 (1130), vua Lý Thần Tông (1128-1138) vời sư vào điện Sùng Khai để hỏi kế hưng vong trị loạn. Quốc sư đáp: “Thiên hạ cũng như đồ dùng, đặt vào chỗ yên thì nó tất yên, đặt vào chỗ nguy thì nó tất nguy. Xin hoàng thượng hành xử đức hiếu sinh cho hợp với lòng dân thì dân sẽ kính yêu hoàng thượng như cha mẹ, ngưỡng mộ hoàng thượng như mặt trăng, mặt trời. Ấy là đặt thiên hạ vào chỗ được yên vậy”(10). Những lời hùng biện trên của Quốc sư Viên Thông khiến chúng ta thấy sự hiểu biết sâu sắc của ông về sách lược quản lý nhà nước cũng như sự quan tâm thắm thiết của ông đối với vận mệnh của quốc gia.
 Huyền Quang (1254 -1334) tên thật là Lý Đạo Tái. Ông là vị tổ sư đời thứ ba của phái Trúc Lâm. Ông học vấn uyên bác, có tài ngoại giao: “Những khi tiếp Bắc sứ hay thư từ qua lại, Tổ viện dẫn kinh nghĩa, ứng đối trôi chảy, ngôn từ trội hơn hẳn sứ thần Bắc Quốc và các nước láng giềng”(11).
 2. Các nhà sư Phật giáo Việt Nam góp phần lớn vào công việc văn hoá giáo dục
 Trong các triều đại Đinh, Tiền Lê và Lý, trình độ văn hoá của dân thường rất thấp, những người có học vấn thiếu thốn nghiêm trọng. Còn các nhà sư Phật giáo thì học vấn uyên bác, thông hiểu cả Phật giáo lẫn Hán học. Có thiền sư còn am hiểu thiên văn, địa lý, y học và văn học. Các vị thiền sư đã dạy dân thường học chữ Hán và những kiến thức khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Thế là chùa chiền đã trở thành những nơi dân thường học tập. “Cho nên các quý tộc đều đưa con em của mình đi cầu học. Chùa chiền đã trở thành trường học”(12). Ông Nguyễn Duy Hinh cũng nói rằng: “Phật giáo phải dùng chữ Hán tải đạo và chùa trở thành những trường học chữ Hán đông hàng ngàn người”(13). Đại Việt Sử lược chép rằng: Lý Công Uẩn “thuở nhỏ thông minh, phong thái hiên ngang, du học ở chùa Lục Tổ”(14). Sự thật lịch sử mà Lý Công Uẩn từng du học ở chùa Lục Tổ cho chúng ta thấy, trong các triều đại Đinh, Tiền Lê, khi Văn Miếu, Quốc Tử Giám còn chưa lập nên, các thiền sư đã gánh vác trách nhiệm đào tạo nhân tài của nhà nước Việt Nam. Với sự khởi nguồn của nền giáo dục Nho giáo vào nửa cuối thế kỷ XI, với nhân tài Nho giáo ngày càng nhiều, công việc mở trường, dạy học, bồi dưỡng, đào tạo nhân tài của các thiền sư thì mới dần dần giảm bớt.
 Vào các triều đại Lý và Trần, có một số thiền sư đã từng đỗ cao trong các khoa thi Nho giáo hoặc Tam Giáo. Thiền Uyển Tập Anh chép rằng: Quốc sư Viên Thông “bẩm tính thông minh, học tập chóng tiến, đạt đến mức tinh diệu”. “Năm Hội Phong thứ sáu (1097), sư đỗ đầu Tam Giáo, được sung chức Đại Văn. Năm Long Phù Nguyên Hoá thứ 8 (1108) triều đình mở khoa thi Hoành tài để chọn người bổ chức quan tăng, đạo còn khuyết, sư lại đỗ đầu”(15). Tam Tổ Thực Lục chép: Huyền Quang “năm hai mươi tuổi, Tổ đỗ khoa thi Hương, khoa danh còn lưu nhưng những người được tuyển dụng đều phải qua đại khoa vì thế Tổ tự hẹn đến khoa thi Hội năm sau. Quả nhiên năm ấy Tổ đỗ đầu”(16). Những thiền sư nói trên thông thạo cả Phật giáo lẫn Nho giáo và Đạo giáo đã thúc đẩy sự hỗn dung giữa các thứ văn hoá Phật Giáo, Nho giáo và Đạo giáo.
 3. Phật giáo Việt Nam kết hợp chặt chẽ với chính quyền phong kiến
 “Nhập thế” của Phật giáo Việt Nam không những thể hiện ở chỗ các thiền sư Phật giáo tham gia giải quyết công việc chính tri, ngoại giao, văn hoá và giáo dục, mà còn thể hiện ở chỗ “chính giáo hợp nhất” - Phật giáo kết hợp chặt chẽ với chính quyền phong kiến nhà nước Việt Nam. Ông Kimura Hiroshi, học giả Nhật Bản nói: “Đặc trưng của Phật giáo Việt Nam là vương quyền và giáo quyền kết hợp một cách tự nhiên”. “Tình trạng của sự kết hợp giữa vương quyền và giáo quyền hiếm có trên lịch sử Phật giáo”(17). Trong triều Lý và Trần, tình trạng “chính giáo hợp nhất” rất đậm nét và nổi bật. Vào triều Lý, sau khi đã dời kinh đô đến Thăng Long, Lý Thái Tổ (1010 -1028) “bên tả dựng cung Thái Thanh, bên hữu dựng chùa Vạn Tuế, suốt đời nhà Lý, tăng đạo đầy dân gian, chúa quán khắp trong nước”(18). Trần Nhân Tông (1279 -1293) “khi lên ngôi, tuy ở chốn cửu trùng cao sang mà vua vẫn sống thanh tịch. Vua thường ngủ trưa ở chùa Tư Phúc trong Đại Nội”(19). Trong nhà Lý và nhà Trần, khá nhiều vua chúa quý tộc tôn sùng đạo Phật, trong đó còn có người sáng lập giáo phái. Ví dụ như, Lý Thánh Tôn (1054 -1072) là một trong ba vị tổ sư thế hệ thứ nhất của Thiền phái Thảo Đường. Lý Anh Tôn (1138-1139) là một trong bốn tổ sư thế hệ thứ ba của Thiền phái Thảo Đường. Lý Cao Tông (1176 -1210) là một trong bốn tổ sư thế hệ thứ năm của Thiền phái Thảo Đường. Các vị vua của nhà Trần, từ Trần Thái Tông (1225 -1258) cho đến Trần Minh Tông (1314 -1329) đều sùng đạo và tích cực ủng hộ Phật giáo. Trần Thái Tông là một cây đuốc sáng khai nguồn cho tinh hoa đạo Phật bùng cháy. Trần Thánh Tông (1258-1278) tuy ngồi trên ngai vàng mà hành trạng chẳng khác một thiền sư đắc đạo. Trần Nhân Tông là vị tổ sư đời thứ nhất của phái Trúc Lâm. Trong triều đình nhà Trần, xuất hiện một tình trạng: “lấy địa vị vua chúa mà làm đại sĩ, hoàng hậu mà làm tì khưu, khanh tướng mà làm thầy chùa”(20). Họ “vừa giữ vai trò một nhà lãnh đạo quốc gia, vừa có tư thế của một lãnh tụ Phật giáo”(21). Tam tổ thực lục chép rằng, mùa đông năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304), Trần Anh Tông (1293 -1314) “dâng biểu mời Điều Ngự (Trần Nhân Tông) vào Đại Nội để thọ tâm giới tại gia Bồ tát. Ngày vào thành, vương công, bách quan sắm lễ nghi đầy đủ đón rước xa giá của Điều Ngự, rồi cùng thọ giới pháp”(22).
 Theo chúng tôi, sở dĩ hai triều đại Lý, Trần thi hành “chính giáo hợp nhất” là vì các vua của hai triều đại này cho rằng khi quản lý nhà nước, Phật giáo có một tác dụng tích cực, Phật giáo và Nho giáo bổ sung lẫn nhau. Trần Thái Tông nói rằng: “Trẫm thầm nhủ: Phật không chia Nam Bắc, đều có thể tu mà tìm; tính người có trí ngu, cũng nhờ giác ngộ mà thành đạt. Vì vậy, phương tiện dẫn dụ đám người mê muội; con đường tắt sáng tỏ lẽ tử sinh, ấy là đại giáo của đức Phật. Đặt mực thước cho hậu thế; làm khuôn mẫu cho tương lai, ấy trách nhiệm của Tiên thánh. Cho nên Lục tổ có nói: “Bậc đại thánh và đại sư đời trước không khác gì nhau”. Như thế đủ biết đại giáo của đức Phật ta phải nhờ Tiên thánh mà truyền lại cho đời; thế thì nay lẽ nào trẫm không coi trách nhiệm của Tiên thánh là trách nhiệm của mình, giáo lý của đức Phật là giáo lý của mình!”(23).
 II. “Nhập thế” của Phật giáo Việt Nam thúc đẩy văn học cổ điển Việt Nam hình thành
 Ông D.G.E Hall - học giả Anh quốc nói: “sự phát triển của văn hoá Việt Nam với sự thúc đẩy của Phật giáo đã trở thành một đặc trưng của ý thức hệ dân tộc”(24). Việc các vị thiền sư Phật giáo trong các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần tham gia giải quyết công việc chính trị, ngoại giao và văn hoá giáo dục không những đã đóng góp lớn vào việc xây dựng chế độ xã hội, quản lý công việc nhà nước, phát triển văn hoá giáo dục mà còn thúc đẩy sự hình thành của văn học cổ điển Việt Nam.
 Trong thế kỷ X-XII, thành phần chính của dòng văn học viết Việt Nam là văn học chữ Hán. Sự nảy sinh của văn học chữ Hán gắn bó chặt chẽ với công việc sáng tác văn học của các thiền sư.
 Từ cổ xưa, kinh điển của Phật giáo Việt Nam viết bằng chữ Hán. Các thiền sư Việt Nam đều thông thạo chữ Hán. Trong xã hội đương thời, họ là một trong những nhóm người tiếp xúc văn hoá Hán sớm nhất của Việt Nam. Đồng thời họ là một nhóm người quan trọng trong việc truyền bá chữ Hán và văn hoá Hán. Giữa thế kỷ VII, các thiền sư Việt Nam được vua Đường mời đến kinh đô Trung Quốc “thuyết pháp giảng kinh”. Họ giao lưu nhiều với các nhà sư và các nhà thơ của triều Đường về Phật giáo và văn học. Phụng Đình Pháp sư, Duy Giám Pháp sư, Vô Ngại Thượng Nhân, v.v... đã ngâm thơ với các nhà thơ nổi tiếng của nhà Đường như Vương Duy, Giả Đảo, Trương Tịch và Dương Cự Nguyên, v.v... Có thể nói, các thiền sư Việt Nam là một trong những nhịp cầu giao lưu văn hoá, văn học giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các thiền sư Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc truyền bá văn học Hán, nhất là nghệ thuật thơ Đường.
 Trên văn đàn Việt Nam thế kỷ X-XII, các nhà sư là lực lượng nòng cốt sáng tác thơ văn. Việc sáng tác thơ văn của họ đã quyết định hướng đi của văn đàn. Tiến sĩ Hồ Huyền Minh nói: “Các nhà sư Việt Nam học vấn uyên bác, hiểu sâu về thi học, giỏi thơ văn và sáng tác thơ văn. Vì vậy, họ đã trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến tư tưởng văn học cũng như nghệ thuật văn học Việt Nam đương thời”(25). Thành tựu văn học của họ đã thể hiện trình độ văn học lúc bấy giờ. Khuông Việt, Đỗ Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Mãn Giác, Viên Chiếu, Không Lộ và Viên Thông là những thiền sư tiêu biểu có thành tựu văn học nổi bật trên văn đàn Việt Nam đương thời.
 Khuông Việt đại sư đã viết một bài từ Vương Lang Quy bằng chữ Hán. Bài từ này có thể coi như là bài từ cổ nhất còn giữ được trên lịch sử văn học Việt Nam:
 “Tường quang, phong hảo cẩm phàm trương.
Dao vọng thần tiên, phục đế hương.
Vạn trùng sơn thuỷ thiệp thương lang.
Cửu thiên quy lộ trường.
Tinh thảm thiết.
Đối ly thương.
Phan luyến sứ tình lang.
Nguyện tương thâm ý vị biên cương.
Phân minh tấu ngã hoàng”
 (Trời đẹp gió lành cánh buồm giương,
Xa ngóng thần tiên, lại đế hương.
Vượt sóng xanh, muôn trùng non nước,
Về phương trời, đường trường.
Tình thảm thiết!
Chén li biệt,
Vin xe sứ vấn vương.
Xin đem thâm ý vì biên giới,
Tâu vua thật tỏ tường)
 Một bài từ tuyệt vời như vậy chứng tỏ trình độ nghệ thuật từ nói riêng và văn học chữ Hán nói chung của các thiền sư Việt Nam lúc bấy giờ đã đạt trình độ khá cao.
 Vào năm 981, để trả lời Lê Đại Hành hỏi về vận nước, Thiền sư Đỗ Pháp Thuận đã làm một bài thơ Quốc tộ:
 Quốc tộ như đẳng lạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh
 (Vận nước rất bền vững,
Trời Nam mở thái bình.
Vô vi trên điện gác,
Chốn chốn dứt đao binh)
 Bài Quốc tộ là một bài thơ cổ nhất còn giữ được của dòng văn học viết Việt Nam. Tuy là tác phẩm thuộc thời kỳ nảy nở của văn học Việt Nam, nhưng nó rất chuẩn xác về vần bằng trác. Với phong cách “đi sát hiện thực”, nó đã sớm xác lập được hướng đi cho cả một tiến trình văn học về sau. Đó là tiến trình của một nền văn học luôn luôn gắn chặt với những vấn đề có liên quan tới vận mệnh của đất nước.
 Khi bàn về tình trạng văn học đương thời, Lê Quý Đôn đánh gia cao thơ và từ của Đỗ Pháp Thuận và Ngô Chân Lưu: “Câu thơ của sư Thuận làm cho sứ thần nhà Tống phải kinh phục, văn từ Chân Lưu vang tiếng trong một thời”(26).
 Quốc sư Vạn Hạnh đã viết 5 bài thơ, trong đó bài Thị đệ tử là bài thơ có giá trị nhất:
 Thân như điện ảnh hữu hoàn vô.
Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô.
Nhậm vận thịnh suy vô bố uý,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
 (Thân như bóng chớp, có rồi không,
Cây cối xuân tươi, thu não nùng.
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
Kìa kia ngọn cỏ giọt sương đông)
 Bài thơ Cáo tật thị chúng của Đại sư Mãn Giác (? - 1096) tuy là cảm thán sự ngắn ngủi của cuộc đời con người, nhưng đồng thời cũng báo cho chúng ta biết một hy vọng của cuộc sống đang khi khó khăn gian nan, thể hiện một tinh thần khắc phục hoàn cảnh để mà vươn lên:
 Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
 (Xuân qua, trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa tươi.
Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước nở hoa mai)
 Dương Không Lộ (?-1119 ) có để lại 2 bài thơ, trong đó Ngư nhàn là một bài thơ hay. Với ngôn ngữ chất phác, bài thơ cho chúng ta thấy cảnh tượng trong sáng tĩnh mịch, siêu nhiên cao khiết, hoà nhập vào thiên nhiên:
 Vạn lý thanh giang, vạn lý thiên,
Nhất thôn tang giá, nhất thôn yên.
Ngư ông thuỵ trước vô nhân hoán,
Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền.
 (Bát ngát sông xanh, bát ngát trời,
Một thôn mây khói, một dâu gai.
Ông chài ngủ tít không người gọi,
Tỉnh dậy thuyền trưa ngập tuyết rơi)
 Tóm lại, trên văn đàn Việt Nam vào thế kỷ X-XII, có khoảng trên bốn chục nhà sư viết văn làm thơ(27). Sự nghiệp sáng tác của các nhà sư đã góp phần không nhỏ vào sự nảy nở và hình thành của văn học chữ Hán nói riêng và văn học cổ điển Việt Nam nói chung.
 III. “Nhập thế” của Phật giáo Việt Nam thúc đẩy văn học cổ điển Việt Nam phát triển
 Thế kỷ XIII, XIV, Phật giáo vẫn cực kỳ thịnh hành trong xã hội Việt Nam. “Nhập thế” của Phật giáo vẫn có một ảnh hưởng to lớn đối với nội dung tư tưởng, đặc sắc nghệ thuật của văn học chữ Hán nói riêng và văn học cổ điển Việt Nam nói chung. Trong thời kỳ này, thơ văn của Tuệ Trung Thượng sĩ, Trúc Lâm Tam Tổ Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang, v.v... đã góp phần vào cái phong phú và phát triển của văn học cổ điển Việt Nam, nhất là văn học chữ Hán Việt Nam.
 Tuệ Trung Thượng sĩ (1230 ~ 1291) tên thật là Trần Tung. Thượng sĩ “bẩm tính thanh cao, nổi tiếng thuần hậu. được cử trấn giữ quân dân ở lộ Hồng. Hai lần giặc Bắc xâm lăng, có công với nước, lần hồi được thăng chuyển giữ Tiết độ sứ vùng biển trại Thái Bình”(28). Tuệ Trung Thượng sĩ sáng tác một số bài thơ hay với phong cách nghệ thuật phóng khoáng, siêu việt, độc đáo:
 Thiên địa diếu vọng hề hà mang mang,
Trượng sách ưu du hề phương ngoại phương.
Hoặc cao cao hề vân chi sơn,
Hoặc thB âm thâm hề thuỷ chi dương.
Cơ tắc xan hề hoà la phạn.
Khốn tắc miên hề hà hữu hương...
 (Ngắm trông trời đất sao mà mênh mông,
Chống gậy nhởn nhơ ngoài thế gian.
Hoặc đến chỗ núi mây cao cao,
Hoặc đến  chỗ biển nước sâu sâu.
Đói thì ăn cơm hoà la,
Mệt thì ngủ làng “không có làng”...)
(Phóng cuồng ngâm)
  Để bày tỏ tình cảm của mình, Tuệ Trung Thượng sĩ đã khéo cải biến những câu thơ Đường Trung Quốc: Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến, Phi nhập tầm thường  bách tính gia (Đàn chim én trước lầu họ Vương họ Tạ thời trước, Nay bay vào đậu ở nhà trăm họ tầm thường) thành Quân khán Vương, Tạ lầu tiền yến, Kim nhập tầm thường bách tính gia (Hãy xem đàn én lầu Vương, Tạ, Nay xuống làm thân với mọi nhà. Thế thái hư huyễn). Ông cải biến như vậy đã làm phong phú thủ đoạn diễn đạt thơ ca chữ Hán Việt Nam. 
 Trúc Lâm Đại sĩ Trần Nhân Tông tên họ là Trần Khâm, là vua thứ ba nhà Trần, cũng là một vua có thành tựu lớn nhất về văn học trong thời kỳ nhà Trần. Trần Nhân Tông “thánh tính sáng suốt, đa tài, hiếu học, đọc khắp sách vở, thông hiểu cả nội và ngoại điển. Lúc rảnh việc nước, vua mời các khách Thiền đến giảng dạy tâm tông, lại tham vấn Tuệ Trung Thượng sĩ, nhờ thế đạt được cốt tuỷ của Thiền, nên thờ Tuệ Trung theo lễ của bậc thầy”(29). Trần Nhân Tông không yêu ngôi vua, mà yêu Phật  giáo. Năm 1293, ông truyền ngôi lại cho Trần Anh Tông. Năm 1299, Trần Nhân Tông vào thẳng núi Yên Tử, tinh cần tu 12 hạnh đầu đà lấy hiệu là “Hương Vân Đại Đầu Đà”. Cuối đời, Trần Nhân Tông khai sáng phái Trúc Lâm trong đạo Phật Việt Nam. Ông được gọi là “vị tổ thứ nhất Trúc Lâm”. Ông sáng tác nhiều tác phẩm Phật giáo và thơ văn chữ Hán. Tác phẩm thơ văn chữ Hán có Trần Nhân Tông thi tập và Đại Hương Hải ẩn thi tập. Hai tập thơ này bây giờ không còn lại nữa. Bây giờ còn lưu lại 24 bài thơ trong Việt âm thi tập và Toàn Việt thi lục. Nhiều bài thơ của Trần Nhân Tông nặng tình cảm hướng Phật, chứa chan ý thiền. Thơ Trần Nhân Tông ý cảnh thanh thoát, điềm nhiên, trong sáng, câu thơ cầu kỳ, thủ đoạn nghệ thuật thơ ca điêu luyện:
 Thuỵ khởi khải song phi,
Bất tri xuân dĩ quy.
Nhất song bạch hồ điệp,
Phách phách sấn hoa phi.
(Ngủ dậy ngỏ song mây,
Xuân về vẫn chửa hay.
Song song đôi bướm trắng,
Phấp phới quyện hoa bay)
(Xuân hiểu)
 Trần Nhân Tông viết nhiều bài thơ có giá trị nghệ thuật cao: Đề Phổ Minh tự Thuỷ Tạ; Hựu sơn phòng mạn hứng, v.v... Phan Huy Chú (1782-1840) nhận xét thơ của Trần Nhân Tông “khoáng dật thanh nhã”. Học giả nhà Trần Hồ Nguyên Trừng (?-?) đánh giá cao thơ của Trần Nhân Tông trong Nam Ông mộng lục rằng: “Ở đây có cái trong trẻo tuyệt vời, một màu bát ngát, tình thơ thanh thoát, ý thú siêu quần”. “Cái tươi mới, chắc khoẻ ở đây vượt xa khuôn khổ người thường. Vị quốc quân nghìn xe mà hứng cảm như vậy, ai bảo là người cùng khổ thì thơ mới hay?”(30).
 Huyền Quang, vị tổ sư đời thứ ba của phái Trúc Lâm “học rộng xem nhiều, tinh thông Phật pháp, tăng ni theo học đến gần ngàn người” Các tác phẩm Phật học “từng qua tay Huyền Quang thì một chữ không thể thêm, một chữ cũng không thể bớt. Rồi in thành sách để truyền lại cho đời sau”(31). Tam tổ thực lục chép: “Buổi chiều trở về phòng tăng thiền định, chợt thấy đôi chim khách trắng không biết từ đâu bay tới đậu trên cây trước sân, rồi vừa bay liệng vừa kêu như điềm báo tin vui, sư liền ngâm một bài theo điệu Tây Giang nguyệt”(32). Đoạn văn nói trên có thể chứng tỏ tài năng thơ văn cao siêu của Huyền Quang. Nói chung, thơ chữ Hán của Huyền Quang cô đọng, súc tích, cảnh thơ cao xa:
 Thu phong ngọ dạ phất thiềm nha,
Sơn vũ tiêu nhiên chẩm lục la.
Dĩ hỉ thành thiền tâm nhất phiến,
Cùng thanh tức tức vị thuỳ đa.
 (Gió thu ban tối thổi hiên tây,
Nhà núi đìu hiu tựa đám cây.
Tấm dạ tu hành từ những thuở,
Dế kêu rầu rĩ bởi ai đây)
(Sơn vũ)
 Phật giáo Việt Nam không những góp phần lớn vào sự hình thành và phát triển của văn học chữ Hán Việt Nam, mà còn thúc đẩy sự hình thành và phát triển của văn học chữ Nôm Việt Nam. Hầu như tất cả tác phẩm chữ Nôm trong thời kỳ ban đầu của văn học chữ Nôm bây giờ vẫn giữ được đều là do các đại sư phật học sáng tác. Ví dụ như: Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Trần Nhân Tông, Vịnh Hoa Yên Tự phú của Huyền Quang. “Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thấy được một tác phẩm Nôm chắc chắc thuộc đời Trần mà lại không phải là của nhà chùa”(33).
 Tư tưởng từ bi của Phật giáo thấm đẫm trong tâm hồn các nhà thơ, nhà văn cổ điển Việt Nam và thể hiện đậm nét trong tác phẩm của họ. Thuyết “luân hồi chuyển thế”, “nhân quả báo ứng” của Phật giáo đã ảnh hưởng không nhỏ tới tư tưởng sáng tác và nội dung tác phẩm của nhiều nhà thơ, nhà văn cổ điển Việt Nam. Thuyết “nhân quả báo ứng” của Phật giáo cũng đã trở thành một phương thức tự sự của văn học cổ điển Việt Nam. Nhiều truyện thơ Nôm Việt Nam đã kể chuyện theo lô gích “thiện hữu thiện báo”, “ác hữu ác báo”. Quan điểm “vạn vật nhất thể” của thiền tông Việt Nam đã đưa đến sự hoà đồng giữa các nhà thơ và thiên nhiên, giữa nội tâm và ngoại giới. Thiên nhiên thể hiện trong thơ của các nhà thơ cổ điển Việt Nam một cách trong trắng, hồn nhiên. Sự đốn ngộ và giác ngộ của thiền tông Việt Nam cảm thông với sự cảm ngộ và linh cảm của thi sĩ Việt Nam.
 Trong giai đoạn đầu hình thành thơ nói riêng và văn học viết Việt Nam nói chung, ngôn ngữ Phật giáo đã góp phần vào sự hình thành và chín muồi của ngôn ngữ thơ. Hàng ngày khi giảng kinh Phật hoặc trả lời đệ tử, các nhà sư dùng nhiều văn vần, để lại nhiều bài kệ Phật. Kệ Phật ngắn gọn, súc tích, cấu trúc chặt chẽ, gieo vần. Nhiều  bài kệ có dáng dấp thơ cổ phong. Có thể nói, kệ Phật góp phần vào sự hình thành thơ ca chữ Hán Việt Nam.
 IV. Lời kết
 “Nhập thế” của Phật giáo trên lịch sử Việt Nam, nhất là trên giai đoạn lịch sử thế kỷ X-XIV là biểu hiện của việc Việt Nam hoá Phật giáo. Sau khi truyền vào Việt Nam, Phật giáo đã hoà nhập vào văn hoá Việt Nam, dung hợp Nho giáo, Đạo giáo. Phật giáo Việt Nam có tính cởi mở, tính hiện thực và tính đa dạng riêng biệt của mình. Những đặc tính nói trên của Phật giáo Việt Nam đã hun đúc nên tính “nhập thế tích cực” của mình. Chính tính “nhập thế tích cực”này đã trở thành nguồn động lực của văn học cổ điển Việt Nam hình thành và phát triển.
Chú thích:
(1), (12), (25) Thích Đức Niệm (Hồ Huyền Minh): Nghiên cứu về văn học Trung Quốc và văn học nhà Lý Việt Nam. Đại Thừa Tinh Xã Ấn Kinh Hội, Nxb. Kim Cương Đài Bắc, 1979, tr.116, 132, 88.
(2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (15) Thiền Uyển tập anh., Tổng tập văn học Việt Nam, tập 2 (Trần Lê Sáng chủ biên), Nxb. Khoa học xã hội, 1997, tr.628, 628, 729, 628, 734, 734, 666-667, 666-667, 774, 773.
(11), (16), (19), (22), (29), (31), (32) Tam Tổ Thực Lục. Tổng tập văn học Việt Nam, tập 2. Sđd; tr.814, 814, 784, 785, 784, 815, 815.
(13) Nguyễn Duy Hinh: Phật giáo với văn học Việt Nam. Tạp chí Văn học, số 4-1992, tr.48.
(14) Đại Việt Sử lược (cuốn 2), Tổng tập văn học Việt Nam, tập 2. Sđd, tr.463.  
(17) [Nhật Bản] Kimura Hiroshi (La HoảngTrào dịch): Lịch sử và tôn giáo của Đông Nam Á. Tiếng Trung. Nxb. Minh Tinh, 2001, tr.162.
(18), (20), (26) Lê Quý Đôn toàn tập, Tập II, Kiến Văn Tiểu Lục. Nxb. Khoa học xã hội, 1977, tr.387, 387, 387.
(21)Thích Phước Sơn: Nhìn khái quát Phật giáo đời Trần. Tạp chí Văn học, số 4-1992, tr.22.
(23) Trần Thái Tông: Bài tựa của Thiền tông Chỉ Nam. Sđd, tr.38.
(24) [Anh Quốc] D.G.E Hall: Lịch sử Đông Nam Á. Sở Nghiên cứu Lịch sử Đông Nam Á Trường Đại học Trung Sơn, Nxb. Thương Vụ, 1982, tr.250.
(27), (33) Đinh Gia Khánh chủ biên: Văn học Việt Nam (thế kỷ X - nửa đầu thế kỷ XVIII), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.47, 154.
(28) Trần Nhân Tông: Thượng sĩ hành trạng. Sđd, tr.397.
(30) Viện Văn học: Thơ văn Lý Trần. Tập III, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.720.
 Nguồn: vienvanhoc.org.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét