BÀI THUYỀT TRÌNH CỦA GS. V.KOLOTOV
VỀ ĐỊA CHÍNH TRỊ TRONG TRUYỀN THỐNG
VĂN HOÁ ĐÔNG Á: CÁI NHÌN TỪ NƯỚC NGA
VỀ ĐỊA CHÍNH TRỊ TRONG TRUYỀN THỐNG
VĂN HOÁ ĐÔNG Á: CÁI NHÌN TỪ NƯỚC NGA
Tuyết Ngân - Ngọc Thêm
(Lược thuật)
(Lược thuật)
Vanhoahoc.edu.vn – Vào 8.00 ngày 9-2-2012, tại phòng D201 Trường Đại học KHXH & NV (12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, Tp. HCM), đã diễn ra buổi nói chuyện khoa học chuyên đề “Địa chính trị trong truyền thống văn hoá Đông Á: cái nhìn từ nước Nga” do Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng tổ chức.
Người thuyết trình là GS.TSKH. Vladimir Kolotov (проф., д.и.н. Владимир Николаевич Колотов).
Buổi thuyết trình bắt đầu vào lúc 8.10, muộn 10’ so với kế hoạch. Lúc đó trong căn phòng chứa được khoảng 50 người này đã gần kín. Trong số những người có mặt, ta thấy có PGS.TS. Hoàng Văn Việt (Trưởng khoa Đông phương học), PGS.TS. Nguyễn Văn Tiệp (Trưởng khoa Nhân học), PGS.TS. Vũ Văn Gầu (Trưởng khoa Triết học), PGS.TS. Phạm Đình Nghiệm (Trưởng phòng QLKH), PGS.TS. Trần Thị Phương Phương (Phó trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ), PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch (nguyên Giám đốc Trung tâm Việt Nam – Đông Nam Á, Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Thiết), TS. Huỳnh Quốc Thắng (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hoá - Nghệ thuật Tp. HCM), TS. Nguyễn Hữu Nguyên (Viện Nghiên cứu xã hội TP. Hồ Chí Minh), TS. Trần Hoài Anh và TS. Nguyễn Đệ (Trường đại học văn hoá Tp. HCM), TS. Đặng Thị Kim Oanh (khoa Nhân học), TS. Nguyễn Ngọc Thơ và ThS. Lê Thị Ngọc Điệp (phó trưởng khoa Văn hoá học) cùng nhiều CBGD, nhà nghiên cứu, NCS, HVCH ngành Văn hoá học, Sử học, Nhân học và các ngành khác trong và ngoài Trường.
Theo lời giới thiệu của GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, GS.TSKH. Vladimir Nikolaevich Kolotov tốt nghiệp đại học ngành Việt Nam học tại Khoa Đông phương học thuộc Trường Đại học Quốc gia Leningrad (Liên Xô) vào những năm 80 (tk XX), bảo vệ Tiến sĩ sử học về đề tài chính trị - tôn giáo Việt Nam tại đây vào những năm 90, được phong PGS vào đầu những năm 2000 và bảo vệ tiến sĩ khoa học năm 2005. Được phong GS năm 2007. Hiện là Trưởng bộ môn lịch sử các nước Viễn Đông thuộc Khoa Đông phương học, Đại học Quốc gia Saint Petersburg (Восточный факультет СПбГУ), là người tham gia sáng lập và là Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh (Институт Хо Ши Мина) của Đại học này, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt Saint-Petersburg, thành viên Uỷ ban Quốc gia Nga của Hội đồng Hợp tác An ninh Châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP).Anh là chủ biên và đồng tác giả cuốn sách quan trọng "Những vấn đề của châu Á hiện đại: Lịch sử, các cuộc xung đột, địa chính trị" (Проблемы современной Азии: История, конфликты, геополитика) và nhiều công trình khác.
Trẻ trung, năng động, cởi mở và chân thành – đó là những ấn tượng đầu tiên ta có thể nhận thấy ở người đàn ông tuổi trên 40 này.
Mở đầu buổi thuyết trình, GS.TSKH. Vladimir Kolotov dẫn một câu của Vladimir Putin làm đề từ:
Khuôn khổ hội nghị cho phép tôi tránh những “lễ nghĩa thừa” và cũng đỡ phải nói theo những khuôn mẫu ngoại giao tròn trịa, dễ nghe, nhưng trống rỗng. Khuôn khổ hội nghị cho phép nói rằng tôi thực sự đang nghĩ tới những vấn đề an ninh quốc tế.
(Формат конференции дает мне возможность избежать «излишнего политеса» и необходимости говорить округлыми, приятными, но пустыми дипломатическими штампами. Формат конференции позволяет сказать то, что я действительно думаю о проблемах международной безопасности).
Tính toàn vẹn của Đông Á như một khu vực địa chính trị
Khởi đầu từ tình hình địa chính trị ở Đông Á, tác giả khẳng định việc một số nhà nghiên cứu xem xét hệ thống an ninh trong vùng Đông Nam Á và Đông Bắc Á một cách riêng rẽ là hoàn toàn trái ngược với thực tế. Điều đó chỉ có thể giải thích rằng do họ là những chuyên gia chỉ chuyên nghiên cứu về chính sách của các nước trong một vùng nên không coi trọng vùng còn lại. Hiện nay, chúng ta cần phải mở rộng tầm nhìn của mình và chấp nhận là trong khu vực Đông Á chỉ có thể xây dựng một hệ thống an ninh chung cho cả các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Không phải ngẫu nhiên mà từ những năm 40, Nhật Bản đã có mưu đồ xây dựng “Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á” (Đại Đông Á cộng vinh khuyên - 大东亚共荣圈).
Cũng chính vì các nước ở khu vực này gắn bó chặt chẽ với nhau mà dưới thời Tổng thống Eisenhower, Mỹ đã đề ra “Thuyết domino” (domino theory), mà theo đó nếu Mỹ để mất Nam Việt Nam thì sẽ gây nên hiệu ứng domino khiến Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện cũng lần lượt rơi vào tay cộng sản và đe dọa sự sống còn ở các khu vực còn lại của "thế giới tự do" như Philippines, Malaysia, Nhật Bản, Úc, New Zealand...
Yếu tố Việt Nam trong khu vực địa chính trị Đông Á
Với vị trí địa chính trị là cầu nối giữa Đông Nam Á và Đông Bắc Á, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các mối quan hệ giữa các cường quốc trong hệ thống an ninh khu vực Đông Á. Trong thế kỷ XX, vai trò đó đã thể hiện nhiều lần: Thế chiến thứ II (1939-1945), Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ I (1946-1954), Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ II (ở Việt Nam, 1965-1975), Cuộc chiến lật đổ chế độ Khơme đỏ tại Campuchia năm 1978, Cuộc chiến biên giới Việt-Trung (1979), Những cuộc xung đột trên biển Đông… Trong những xung đột nói trên, các nước Pháp, Nhật, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Campuchia, Lào đều đã liên quan một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Hiện nay, yếu tố Việt Nam càng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh của những quan hệ mới giữa Trung Quốc và khối ASEAN. Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á không thể gia tăng nếu họ không kiểm soát được Việt Nam. Mỹ cũng hiểu rõ tầm quan trọng của yếu tố Việt Nam và tìm cách hợp tác với Việt Nam để giảm thế lực của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Điều đó chứng minh là Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực.
Những cố gắng để xây dựng hệ thống an ninh trong khu vực mà không coi trọng yếu tố Việt Nam, thì sẽ không đạt được thành công. Số phận của khối SEATO (1954-1977) đã chứng minh điều đó. Các cuộc chiến tranh nói trên bùng nổ đều vì các cường quốc muốn thay đổi tình hình, cơ cấu an ninh trong khu vực theo quan niệm, ý đồ của họ. Trong nửa cuối thế kỷ XX, Việt Nam đã đóng vai trò như bộ phận cảm biến trong việc xác định thế cân bằng của các thế lực trong khu vực. Hiện nay, cũng như trong quá khứ, Việt Nam là đối tượng tranh giành ngấm ngầm và công khai giữa các cường quốc.
Hơn nữa, trong thế giới hiện nay, năng lượng nói chung và dầu khí nói riêng ngày càng trở thành “gót chân Asin” của mọi quốc gia, nhất là những nước phát triển. Mà Việt Nam với biển Đông không chỉ giàu tài nguyên dầu khí mà còn chiếm một vị trí chiến lược trên con đường chuyên chở dầu từ Trung Đông đến Đông Bắc Á.
Do vậy, Việt Nam trở thành tâm điểm các cuộc tranh chấp giữa các cường quốc. “Cuộc chiến giành Việt Nam” («битва за Вьетнам») thực sự đã và đang diễn ra.
Trong thập niên đầu của những năm 2000, Bắc Kinh đã đi trước các cường quốc khác một bước.
Trung Quốc và Việt Nam
Giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điểm chung: Có cùng hệ thống chính trị với Đảng cộng sản cầm quyền và những quan hệ cấp cao giữa hai Đảng. Cùng chịu áp lực chính trị về vấn đề quyền con người và vấn đề tự do tôn giáo. Cùng quan tâm tới sự ổn định hệ thống chính trị và phát triển kinh tế.
Sự khác nhau cơ bản giữa hai nước là ở chỗ Trung Quốc là một cường quốc có tham vọng lớn. Theo một số nhà khoa học Mỹ, chiến lược bá chủ của Trung Quốc có hai giai đoạn: để kiểm soát thế giới (bước 2) thì kiểm soát biển Đông trước (bước 1). Mà muốn kiểm soát biển Đông thì phải khống chế Việt Nam.
Trong lịch sử, Trung Quốc đã nhiều lần xâm lược và lấn đất Việt Nam (chính sách “tàm thực” / 蚕食 lấn đất kiểu tằm ăn lá dâu), nhưng kết quả là Việt Nam đã đuổi được kẻ xâm lược ra khỏi đất nước.
Lịch sử hai ngàn năm cũng cho thấy rằng mỗi khi Trung Quốc mạnh là một lần gia tăng sức ép xuống Việt Nam. Hiện nay với sự tự tin thái quá về sức mạnh của mình ở biển Đông, Trung Quốc đang gây sức ép lớn đối với Việt Nam. Bằng chứng rõ nhất là việc trong bài trả lời phỏng vấn của phóng viên hãng Thông tấn Bình luận Trung Quốc ngày 25/6/2011, Thiếu tướng Bành Quang Khiêm, Phó Tổng Thư ký Ủy ban Chính sách An ninh Quốc gia, Hội Nghiên cứu Khoa học Chính sách Trung Quốc, ngạo mạn tuyên bố “Trung Quốc từng dạy Việt Nam một bài học và có thể cho Việt Nam bài học lớn hơn”. Ông nói tiếp: "nếu Việt Nam tiếp tục diễu võ dương oai, múa trên lưỡi dao, sớm muộn có ngày Việt Nam sẽ ngã trên lưỡi dao"[1].
GS. Vladimir Kolotov bình luận: Hành động của Trung Quốc dẫn đến kết quả là: Một mặt gây nên làn sóng chống Trung Quốc trong dư luận Việt Nam, mặt khác để tăng cường an ninh cho mình, Việt Nam buộc phải xích lại gần hơn với Mỹ, Nga.
Việt Nam với Mỹ, Nga
Trung Quốc đã đẩy Việt Nam phải sử dụng kế sách “Viễn giao cận công” (遠交近攻) mà Trung Quốc chẳng xa lạ gì.
Mỹ đang ngày càng tăng cường sự trở lại của mình ở Việt Nam và Đông Nam Á. Tháng 10-2006, nhà bình luận người Mỹ Raymond F. Burghardt đã viết một bài báo đăng trên “Brookings Northeast Asia Commentary” với nhan đề “Kẻ thù xưa nay trở thành bạn: Mỹ và Việt Nam” (Old Enemies Become Friends: U.S. and Vietnam). Mặc dù ở Washington cũng hiểu rõ rằng “Việt Nam không bao giờ muốn mình trở thành một phần công cụ cho chính sách chống lại Trung Quốc”[2].
Nga với Việt Nam và ASEAN không là láng giềng về địa lý, Nga cũng không từng có thuộc địa ở khu vực này. Nga và Việt Nam từ lâu vốn đã là những đối tác quen thuộc và đáng tin cậy. Hiện nay quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên là không đáng kể, mà chủ yếu là phát triển các quan hệ về ba lĩnh vực: năng lượng (dầu, khí đốt, nguyên tử), quân sự - kỹ thuật và vũ trụ. Ký kết hợp tác gần đây nhất giữa Đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất và Đảng CSVN diễn ra tại Sainkt-Peterburg vào tháng 11-2009.
Kết quả là Trung Quốc càng bộc lộ tham vọng đơn phương kiểm soát biển Đông bao nhiêu thì ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Nam Á và sự chống đối quốc tế càng tăng lên bấy nhiêu, kế hoạch thâm nhập Đông Nam Á của Trung Quốc càng đáng ngờ bấy nhiêu.
Tính trạng “trên đe dưới búa”, bị kẹt giữa các cường quốc đối với Việt Nam vốn chẳng xa lạ gì. Và Việt Nam trong suốt lịch sử của mình vốn rất giỏi trong việc theo đuổi một chính sách linh hoạt “đi trên dây”, một trò chơi tránh né và tận dụng những mâu thuẫn giữa các cường quốc. Kinh nghiệm lịch sử cho biết Việt Nam cũng như Afganistan thuộc kiểu quốc gia luôn bảo vệ chủ quyền của mình đến cùng và dành cho kẻ ngoại xâm một luật chơi rõ ràng: đối thủ phải trả giá đắt. Các quốc gia muốn can thiệp khi bước chân vào đây phải tốn 1 đồng thì khi bước ra phải tốn gấp đôi (Вьетнам: вход $1, выход $2).
Lời kết
Hiện trạng địa chính trị ở Đông Nam Á là không ổn định. Do mức độ quan hệ kinh tế trong khu vực này trong những năm gần đây không tương xứng với bản chất của mối quan hệ chính trị, của tình trạng khủng hoảng trong các hệ thống tài chính toàn cầu và các yếu tố an ninh khu vực còn bảo tồn từ thời "chiến tranh lạnh". Sự thay đổi thực tế trong cán cân lực lượng hiện tại trong khu vực là do sự tăng cường hoạt động của Trung Quốc trong lĩnh vực chính trị và an ninh liên quan đến các nước láng giềng, cũng như do những xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ.
Những hoạt động leo thang căng thẳng trong vùng biển Đông không những không đem lại lợi ích gì cho các cường quốc khu vực mà còn làm suy giảm uy tín quốc tế của họ và tăng cường sự can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thứ ba trong khu vực.
Hy vọng rằng các nhà chính trị có thể rút ra được bài học từ tình hình căng thẳng liên quan đến biển Đông trong mùa hè 2011 và sẽ cố gắng để giải quyết vấn đề an ninh khu vực thông qua đàm phán dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và phù hợp với lợi ích của tất cả các nước có liên quan trong khu vực, chứ không phải dựa trên sức mạnh và những lời đe dọa.
***
Sau 2 giờ nghe diễn giả trình bày, các nhà khoa học tham dự đã đặt ra rất nhiều câu hỏi.
Là một người nghiên cứu chính trị học, PGS.TS. Hoàng Văn Việt (Trưởng khoa Đông phương học) quan tâm đến lý luận chung: quan điểm về khái niệm “địa chính trị” trên thế giới đã thay đổi như thế nào?
TS. Nguyễn Hữu Nguyên (Viện Nghiên cứu xã hội TP. Hồ Chí Minh) hỏi rằng Nga đặt Việt Nam vị trí ưu tiên thứ mấy trong thế giới đa cực này? Giữa Nga và các cường quốc khác có sự phân chia quyền lợi trong khu vực này không?
Là chuyên gia về văn học Nga, PGS.TS. Trần Thị Phương Phương (Phó trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ) muốn biết Nga có chính sách phát triển Viễn Đông như thế nào? Nga có chính sách gì để đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Việt Nam không?
PGS.TS. Nguyễn Văn Tiệp (Trưởng khoa Nhân học) quan tâm đến việc Nga và Trung Quốc có chung biên giới, Trung Quốc thì đất chật người đông, vậy Trung Quốc có nhòm ngó vùng Viễn Đông của Nga không?
Trong suốt 1 giờ, GS. V.N. Kolotov đã tận tình trả lời tất cả các câu hỏi. Không phải mọi câu trả lời đều khiến người hỏi hài lòng, nhưng chắc chắn là có những câu trả lời đem đến những thông tin thú vị, đôi khi bất ngờ cho đông đảo cử tọa. Chẳng hạn, trả lời câu hỏi về chiến lược phát triển vùng Viễn Đông, GS. V. Kolotov cho biết Viễn Đông là một vùng quan trọng của Nga. Châu Á là vùng sản xuất hàng tiêu dúng đứng đầu thế giới, châu Âu là vùng tiêu thụ hàng đầu của thế giới. Nga là đường giao thông. Do vậy chiến lược phát triển vùng Viễn Đông phụ thuộc vào việc xây dựng đường sắt cao tốc để vận chuyển giá rẻ. Trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc có nhòm ngó vùng Viễn Đông của Nga không, GS. V. Kolotov cho biết ở Nga tuy có nói đến “Mối đe dọa vàng” (жёлтая угроза = … từ phía người da vàng), nhưng thực ra thì vùng Viễn Đông của Nga có khí hậu rất khắc nghiệt nên đây là mối đe dọa khó thành. Ngược lại, vùng Đông Bắc Á lại đang phát triển mạnh nên hiện đang có số lượng lớn người Nga tràn sang Bắc Trung Quốc, Hàn Quốc làm ăn sinh sống...
***
Trên đây chỉ là một bài lược thuật sơ sài nội dung của 2 giờ thuyết trình và 1 giờ thảo luận. Các nhà nghiên cứu quan tâm có thể trực tiếp tham khảo một số bài viết của GS. V. Kolotov bằng tiếng Nga và tiếng Anh ở các địa chỉ sau:
Колотов В.Н. Автореферат. Религиозный фактор в УЛК .pdf
2010-10-19, http://webfile.ru/4828473
Колотов В.Н. Этно-религиозные сообщества во Вьетнаме.pdf
2011-05-08 ,: http://webfile.ru/5308776
Колотов В.Н. In memoriam GS Tran Van Giau.pdf
2011-09-02 , http://webfile.ru/5524268
Колотов В.Н. Фактор Вьетнама в СБ БВА.pdf
2010-11-22 , http://webfile.ru/4917458
Колотов В.Н. Yeu to VN trong he thong an ninh khu vuc.pdf
2011-12-30 , http://webfile.ru/5751588
Колотов В.Н. Международные отношения в азии: опыт геополитической интерпретации
http://www.intertrends.ru/twenty-seventh/11.htm
Колотов В.Н. Main Trends of Russia’s Foreign Policy in Transforming East and Southeast Asia
https://www.brookings.edu/opinions/2008/04_asia_kolotov.aspx
2010-10-19, http://webfile.ru/4828473
Колотов В.Н. Этно-религиозные сообщества во Вьетнаме.pdf
2011-05-08 ,: http://webfile.ru/5308776
Колотов В.Н. In memoriam GS Tran Van Giau.pdf
2011-09-02 , http://webfile.ru/5524268
Колотов В.Н. Фактор Вьетнама в СБ БВА.pdf
2010-11-22 , http://webfile.ru/4917458
Колотов В.Н. Yeu to VN trong he thong an ninh khu vuc.pdf
2011-12-30 , http://webfile.ru/5751588
Колотов В.Н. Международные отношения в азии: опыт геополитической интерпретации
http://www.intertrends.ru/twenty-seventh/11.htm
Колотов В.Н. Main Trends of Russia’s Foreign Policy in Transforming East and Southeast Asia
https://www.brookings.edu/opinions/2008/04_asia_kolotov.aspx
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 10-2-2012
T.N.-N.T.
[2] http://www.brookings.edu/opinions/2006/11southeastasia_burghardt.aspx
Người post bài: Nguyễn Thị Tuyết Ngân
Cập nhật ( 12/02/2012 )
Người post bài: Nguyễn Thị Tuyết Ngân
Cập nhật ( 12/02/2012 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét