Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Tính hội nhập và giao lưu văn hóa với các quốc gia Đông Nam Á trong chương trình cử nhân nhân học, Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN 2015

Tính hội nhập và giao lưu văn hóa với các quốc gia Đông Nam Á trong chương trình cử nhân nhân học, Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn góp phần xây dựng cộng đồng ASEAN 2015

                                                                                                            PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân*
TÓM TẮT
Khoa Nhân học, Trường ĐHXHXH và NV, Đại học Quốc gia Tp.HCM ra đời trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của ASEAN (2002). Trong lời giới thiệu “ Nhân học là ngành khoa học cơ bản, độc lập… có đối tượng nghiên cứu là con người, nghiên cứu mọi hình thái sinh học, kinh tế - xã hội – văn hóa của con người trong các cộng đồng dân cư, dân tộc với những nếp sống khác nhau và trong nhiều thời kỳ khác nhau”, do vậy trong giai đoạn hiện nay - hội nhập khu vực hướng đến mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”, “Cộng đồng ASEAN trong một cộng đồng các quốc gia toàn cầu” - không thể không có sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện về đất nước, con người của các quốc gia trong khu vực và mối quan hệ giao lưu qua lại, tác động đa chiều, đa kích của các vấn đề văn hóa – chính trị - kinh tế - xã hội Việt Nam với các quốc gia trong khu vực. Qua bài viết, bằng những phân tích về lộ trình thực hiện việc chuyển đổi chương trình từ Dân tộc học sang Nhân học, nội dung các môn học được thiết kế trong chương trình, phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên….tác giả đã chứng minh tính hội nhập và giao lưu văn hóa với các quốc gia Đông Nam Á trong chương trình đào tạo Cử nhân Nhân học – cũng là khẳng định sự đóng góp có ý nghĩa của ngành thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực của đất nước hôm nay.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Tôi đã rất tâm đắc với cách đặt vấn đề của các nhà quản lý giáo dục rằng “Điều gì sẽ làm nên danh tiếng của một trường đại học?” như một giá trị văn hóa trong triết lý giáo dục đại học thế kỷ 21.
Quan điểm biện chứng của Triết học cũng như những thành tựu của khoa học phức hợp, cho thấy sẽ không có cái gọi là yếu tố duy nhất và quan trọng nhất để tạo nên uy tín và giá trị của một trường đại học vì xét cho cùng uy tín chỉ có thể có khi chất lượng được đặt lên hàng đầu như chia sẻ của Hiệu trưởng một trường đại học danh tiếng mà tôi đã từng được nghe: Một trường đại học tự hào không phải vì số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường mà tự hào vì những sinh viên của mình sẽ đảm nhận những vị trí công việc gì, họ đã có những đóng góp nổi bật gì cho sự phát triển của tổ chức, công ty, xã hội và cao hơn hết là quốc gia – dân tộc.
Chất lượng đào tạo và nghiên cứu, ứng dụng của các trường đại học có tác dụng rất mạnh mẽ đến sự phát triển của đất nước, đặc biệt là đối với Việt Nam, một nước đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế; Ngoài ra, giáo dục đại học còn chủ động nghiên cứu dự báo, đón đầu sự phát triển của tương lai. Theo đó, quá trình đổi mới giáo dục càng thành công thì hội nhập càng hiệu quả và điều này dẫn đến những hệ quả tích cực liên quan đến vấn đề hội nhập và toàn cầu. Do vậy, sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ làm việc trong những lĩnh vực gì, có thể đảm nhận những vị trí gì trong công việc, khả năng thích ứng với môi trường làm việc năng động như thế nào,…. đã luôn và sẽ là những câu hỏi mà các trường đại học phải xác định thể hiện ở mục tiêu đào tạo, chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra như một cam kết với người học và xã hội về tính khoa học và thực tiễn của các ngành học trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
Đứng trước yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục nói chung và Khoa Nhân học nói riêng trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập và phát triển, qua Chủ đề của Tọa đàm “Nhân học trong bối cảnh toàn cầu hóa”, tôi xin được góp thêm tiếng nói cũng là thể hiện trách nhiệm của đội ngũ giảng viên tham gia góp ý đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hội nhập, thực hiện cam kết với xã hội và người học về tính khoa học và thực tiễn của chương trình đào tạo cử nhân Nhân học trong bối cảnh xây dựng cộng đồng ASEAN 2015 qua bài tham luận “Tính hội nhập và giao lưu văn hóa với các quốc gia Đông Nam Á trong chương trình Cử nhân Nhân hoc, Trường Đại học KHXH và NV Tp.HCM – hướng đến mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN 2015”.
Khoa Nhân học, Trường ĐHXHXH và NV, Đại học Quốc gia Tp.HCM ra đời trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của ASEAN (2002), trong lời giới thiệu “ Nhân học là ngành khoa học cơ bản, độc lập… có đối tượng nghiên cứu là con người, nghiên cứu mọi hình thái sinh học, kinh tế - xã hội – văn hóa của con người trong các cộng đồng dân cư, dân tộc với những nếp sống khác nhau và trong nhiều thời kỳ khác nhau” [4] do vậy trong giai đoạn hiện nay - hội nhập khu vực hướng đến mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”[1], “Cộng đồng ASEAN trong một cộng đồng các quốc gia toàn cầu”[2] - không thể không có sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện về đất nước, con người của các quốc gia trong khu vực và mối quan hệ giao lưu qua lại, tác động, đa chiều, đa kích của các vấn đề văn hóa – chính trị - kinh tế - xã hội Việt Nam với các quốc gia trong khu vực. Hay nói cách khác, nghiên cứu các tộc người ở Việt Nam và các quốc gia ASEAN – dưới góc nhìn của Nhân học - là ngành khoa học nghiên cứu về bản chất của con người dựa trên một hệ thống lý thuyết cũng như những phương pháp nghiên cứu chuyên biệt, có mối quan hệ liên ngành với các ngành KHXH & NV khác thiết nghĩ cũng là những đóng góp có ý nghĩa của ngành thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực của đất nước hôm nay.
Vậy tính hội nhập và giao lưu văn hóa với các nước Đông Nam Á được thể hiện như thế nào trong chương trình đào tạo Cử nhân Nhân học?
2. TÍNH HỘI NHẬP TRONG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CỬ NHÂN NHÂN HỌC
Bộ môn Nhân học, nay là Khoa Nhân học được thành lập đầu tiên (2002) ở Trường ĐHKHXH và NV TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM có 1 ý nghĩa lịch sử nhất định đối với sự phát triển của các ngành KHXH Việt Nam trước xu thế toàn cầu hóa. Rõ ràng rằng việc chuẩn bị cho một lộ trình từ Dân tộc học đến Nhân học của Ban giám hiệu nhà trường và Ban chủ nhiệm Bộ môn Dân tộc học trong những năm đầu của thế kỷ 21 tự nó cũng đã nói lên tính hội nhập tích cực với khu vực và thế giới.
Trong lộ trình đấy, tính hội nhập được thể hiện trước tiên qua việc thiết kế chương trình đào tạo – có tham khảo khung chương trình của các chương trình Cử nhân của các trường đại học có uy tính về đào tạo Nhân học trong nước (Bộ môn Nhân học – Trường ĐHKHXH và NV, Đại học quốc gia Hà Nội) và quốc tế (Khoa Nhân học, Trường ĐH Harvard, Trường ĐH Yale, Trường ĐH North Carolina, Trường ĐH Tulane,…[3]), nghiên cứu các môn học đặc trưng của ngành và chuyên ngành (nhân học văn hóa, nhân học tôn giáo, nhân học kinh tế, nhân học du lịch,…), chú trọng đến phương pháp nghiên cứu đặc thù của ngành (Điền dã dân tộc học: 2 TC) và phương pháp nghiên cứu liên ngành trong khoa học xã hội: Phương pháp NCKH (2TC), phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu định tính (3TC), phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu định lượng (4TC), phương pháp chụp ảnh trong nhân học (3TC), phương pháp đánh giá nhanh có sự tham gia của người dân (2TC), phương pháp quay phim trong nhân học (4TC)… Bên cạnh đó, các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng xử lý tình huống, kỷ năng thuyết trình một vấn đề,… luôn là một trong những mục tiêu môn học mà các giảng viên khoa xác định cần đạt được đối với nội dung môn học.
Ngoài ra, tính hội nhập còn thể hiện ở việc đào tạo và xây dựng đội ngũ giảng viên. Hiện tại, khoa có 1 giáo sư tiến sĩ, 3 phó giáo sư tiến sĩ, 5 tiến sĩ – GVC, 7 thạc sĩ, trong đó hơn một nữa được đào tạo ở nước ngoài (Mỹ, Canada, Nhật, Singapore…). Đó là chưa tính đến giảng viên khoa tham dự các khóa tập huấn ngắn hạn, dự hội thảo khoa học trong nước và nước ngoài liên quan đến chuyên ngành cũng như phương pháp nghiên cứu, giảng dạy các môn trong chương trình đào tạo cử nhân Nhân học.
3. VỀ TÍNH GIAO LƯU VĂN HÓA VỚI CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á.
Việt Nam là một quốc gia đa tộc người gồm 54 tộc người. Mỗi tộc người đều có sắc thái văn hóa riêng. Mặc dù vậy, văn hóa Việt Nam vẫn là một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Tính thống nhất của văn hóa Việt Nam được củng cố ở ý thức và tâm lý chung về một cộng đồng cư dân gắn bó với nhau lâu đời trước những vận mệnh lịch sử của quốc gia – dân tộc. Mặt khác, văn hóa Việt Nam còn mang một số đặc điểm chung của khu vực lịch sử – văn hóa Đông Nam Á. Có thể phác họa sự đa dạng và phong phú của văn hóa Việt Nam một cách khái quát rằng: Văn hóa Việt Nam vừa có tính thu nhận, vừa mang tính tỏa phát.
Tính thu nhận và tỏa phát của văn hóa Việt Nam cũng là đặc điểm chung của văn hóa các nước Đông Nam Á – Những quốc gia đa tộc với những nền văn hóa đa tầng.
Chính nền tảng chung bắt nguồn từ những yếu tố địa – chính trị, địa- kinh tế, địa – văn hóa của các nước Đông Nam Á đã đưa các nước trong khu vực tiến đến gần với nhau hơn, trở thành thành viên của đại gia đình các quốc gia Đông Nam Á thông qua tổ chức ASEAN. Cùng góp thêm tiếng nói khẳng định về sự tương đồng trong văn hóa giữa các nước trong khu vực, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong Diễn văn khai mạc Tuần văn hóa ASEAN tại Hà Nội (08/08/2004) cũng đã phát biểu: “Văn hoá đóng vai trò quan trọng đề cao hình ảnh của ASEAN. Không thể xây dựng một Cộng đồng ASEAN trong tương lai mà không gắn với việc gìn giữ và làm phong phú hơn những nét đặc trưng của văn hóa các dân tộc ASEAN, của con người ASEAN. Văn hóa giúp tạo dựng tinh thần ASEAN, từ đó khiến cho nếp nghĩ và hành động của mỗi người dân trong từng quốc gia có tính khu vực hơn. Dấu ấn quê hương của mỗi cá nhân được tạo ra trong môi trường văn hoá thấm đẫm bao bọc xung quanh từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành. Bằng sự trao đổi thường xuyên những nét đặc sắc của từng nền văn hoá, thế hệ trẻ của ASEAN không những có điều kiện được mở rộng hiểu biết, mà dần dần tạo dựng được ý thức là một thành viên của một Cộng đồng ASEAN” [5].
Với nhận thức văn hóa là động lực của sự phát triển trong giai đoạn hội nhập chứ không phải chỉ là phạm trù của lịch sử, chương trình Cử nhân Nhân học đã được thiết kế gồm các môn học có nội hàm về văn hóa như: cơ sở văn hóa Việt Nam (2TC), tộc người và văn hóa tộc người (2TC), văn hóa truyền thông đại chúng (2TC), bảo tàng học và di sản văn hóa (2TC), (kiến thức đại cương và cơ sở ngành), lý thuyết văn hóa (3 TC), những vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội vùng Bắc Bộ (3 TC), những vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội vùng Nam bộ (3TC), những vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội vùng Tây Nguyên và Nam bộ (3TC), Nhân học văn hóa du lịch Việt Nam (2TC), Văn hóa kinh doanh (2 TC). Ngoài ra còn có các môn: lịch sử văn minh thế giới (3TC), các dân tộc ở Đông Nam Á và Đông Á, Vấn đề xung đột tộc dân tộc và tôn giáo đương đại (2TC), tôn giáo thế giới và các tôn giáo thế giới ở Việt Nam (3TC)… (kiến thức chuyên ngành).
Chúng tôi giả định rằng: khi hiểu được văn hóa dân tộc và văn hóa vùng của triết lý “thống nhất trong đa dạng”, sinh viên sẽ hình thành một lối văn hóa ứng xử truyền thống nhưng hiện đại, hòa nhập nhưng không hòa tan. Đó cũng là một trong những mục tiêu đào tạo của ngành Nhân học hướng đến xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015: “Các dân tộc ở Việt Nam đều có nhiều mối quan hệ với các dân tộc ở Đông Nam Á, cho nên Khoa Nhân học ra đời có thể phục vụ việc nghiên cứu và giảng dạy những mối liên hệ về tộc người, văn hóa, chính trị trong khu vực,…” (Giới thiệu chung về khoa Nhân học) [4]
Bên cạnh các môn học có nội hàm về văn hóa, sinh viên cũng có thể chọn học ngôn ngữ các tộc người và dân tộc Đông Nam Á – Đông Á: Hán văn cơ bản (3TC), Ngôn ngữ Khmer (4TC), ngôn ngữ Chăm (4TC),… như một sự chuẩn bị của mối giao lưu văn hóa, hội nhập khu vực - cần có tiếng nói chung để thấu hiểu văn hóa và gần gũi tộc người.
Ngoài ra, để chương trình thật sự hấp dẫn, khắc phục được những hạn chế của nhiều chương trình đào tạo thuộc khối ngành khoa học xã hội và nhân văn - chỉ chú trọng giảng dạy lý thuyết trên lớp, trong chương trình đào tạo Cử nhân Nhân học, khoa đã chú trọng đến các môn thực hành nhằm rút ngắn khỏang cách giữa nghiên cứu lý thuyết với những vấn đề thực tiễn; cho sinh viên đi thực tập thực tế tại các địa bàn nghiên cứu tìm hiểu những vấn đề văn hóa tộc người – truyền thống và biến đổi; giao lưu văn hóa tộc người,… nhằm giúp sinh viên có thêm kinh nghiệm điền dã, khám phá và phát hiện những điều mới mẻ, nuôi dưỡng niềm đam mê tiếp tục theo đuổi những môn học của ngành Nhân học vẫn còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Có thể lấy một ví dụ cụ thể: Lễ Tết Chol Thnam Thmay của tộc người Khmer ở Việt Nam[4] sẽ được sinh viên liên hệ với các lễ Songkram (Thái Lan), Bunpimay (Lào), Thingyan (Myanmar),… qua đó chứng minh tính giao lưu văn hóa giữa các tộc người và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, Khoa còn tạo điều kiện cho sinh viên dự các buổi báo cáo chuyên đề, nghe các giáo sư, các nhà khoa học đến từ các Trường, Viện nghiên cứu trình bày các vấn đề nghiên cứu nhân học trong bối cảnh khu vực. Cụ thể: từ đầu năm 2013 đến nay có: GS. Janet Hoskins - Trường Đại học Nam California chia sẻ kết quả nghiên cứu về “Outragenous syncretism? Vietnamese Caodaism and debates about religious mixing” (Hỗn dung tôn giáo? Đạo Cao Đài ở Việt Nam và những tranh luận về sự hòa trộn tôn giáo); GS. Romila Tharpar, Ấn Độ với trao đổi về "Changing themesin the interpretation of early Indian history", đoàn các giáo sư Nhật Bản và Hồng Kông do GS Takeuchi Fusaji, Trường Đại học Gakushuin làm trưởng đoàn chia sẻ về chủ đề các tôn giáo bản địa của Việt Nam và Đông Nam Á, xu thế thế tục hóa của Phật giáo và các tôn giáo bản địa,…
Trong thời gian tới, Khoa có kế hoạch sẽ mời các Tổng Lãnh sự các quốc gia ASEAN, Ấn Độ, Hàn Quốc,…đến chia sẻ thông tin, giới thiệu “văn hóa của mình”[5] nhằm tạo động lực để sinh viên có thêm niềm tin cho triển vọng của mối liên kết, hợp tác khu vực tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đến năm 2015 dựa trên ba trụ cột: kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh – chính trị; cũng như rèn luyện khả năng sử dụng tiếng Anh – ngôn ngữ hội thoại của khu vực và thế giới trong giai đoạn hội nhập dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa.
Để kết luận, tôi xin được trích dẫn Tuyên bố của Hiệp hội quốc tế các trường đại học trong Hội nghị giáo dục đại học “Tiến đến một thế kỷ hợp tác: quốc tế hóa đại học“ do UNESCO tổ chức năm 1998 nhưng đến ngày nay vẫn còn mang tính thời sự nóng bỏng:
“Bước vào thế kỷ thứ 21, loài người trên thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khi họ tương tác với một người, một nhóm người hay với tự nhiên. Toàn cầu hóa thương mại, sản xuất và thông tin liên lạc đã tạo ra một thế giới có sự gắn kết chặt chẽ. Nhưng khoảng cách giàu nghèo trong phạm vi quốc gia hay quốc tế ngày càng lớn. Phát triển bền vững vẫn là một mục tiêu dài hạn khó có thể đạt được, thường phải hy sinh cho những lợi ích ngắn hạn“.[2,tr. 247].
Vấn đề cần thiết và quan trọng là giáo dục đại học sẽ phải tìm ra những giải pháp cho vấn đề đang tồn tại và tránh những vấn đề xảy ra trong tương lai. Bất cứ trong lĩnh vực nào, kinh tế, chính trị hay xã hội, giáo dục đại học luôn được xem như một nhân tố đóng góp vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống trên toàn thế giới. Để đáp ứng được vai trò và giữ được sự ưu tú của mình, giáo dục đại học phải được quốc tế hóa hơn nữa; hội nhập vào trong bối cảnh quốc tế và liên kết văn hóa, trong giảng dạy, nghiên cứu và cung cấp dịch vụ.
Như một nét đặc trưng trong hoạt động giáo dục, mỗi cá nhân tham gia vào hoạt động giáo dục phải ý thức được mối quan hệ hữu cơ đa chiều giữa các yếu tố nội sinh, ngoại sinh liên quan đến kiến thức, kỹ năng, tâm hồn, nền văn hóa của dân tộc. Do vậy, “Để sản sinh ra được những nhà lãnh đạo và công dân cho một thế giới ngày càng lệ thuộc vào nhau, hợp tác quốc tế trong hệ thống giáo dục đại học phải thúc đẩy được sự đa dạng văn hóa và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa, khuyến khích sự tôn trọng và lòng bao dung giữa mọi người...” [3]
Theo tôi, những trích dẫn bên trên trong Tuyên bố của Hiệp hội quốc tế các trường đại học do UNESCO tổ chức sẽ như những thông điệp tốt đẹp, giúp Khoa Nhân học có thêm niềm tin, cơ sở khoa học và thực tiễn về tính cấp thiết và sự cần thiết của việc xây dựng nguồn nhân lực trong xu thế phát triển hiện đại dưới tác động của toàn cầu hóa, từ đó tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo bậc đại học và Sau đại học, chuẩn bị nhân lực và những điều kiện cần thiết cho kiểm định AUN, cũng là tạo những tiền đề cần thiết để có thể tiếp tục đào tạo hoặc liên kết đào tạo ở bậc Tiến sĩ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phan Đình Diệu (1999), “Hướng tới thế kỷ XXI – Xã hội tri thức và vài suy nghĩ về con đường hội nhập của chúng ta”, Tập Khoa học Công nghệ và môi trường Hợp tác đầu tư Việt Nam và khu vực, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội
2. Phan Thị Hồng Xuân (2009), “Vai trò của văn hóa và sự phát triển của các thành tố văn hóa trong chương trình đào tạo cử nhân Đông Nam Á học, Trường ĐH Mở TP.HCM – giai đoạn hội nhập khu vực và thế giới”, Hội thảo khoa học Vị thế văn hóa – văn hóa dân tộc trong giáo dục đại học, Trường ĐH Bình Dương, NXB Trẻ, TP.HCM, trang 240 – 248
3. UNESCO (1998), Education for the Twenty – first Centuray: Issues and Prospects. Contributions to the work of the International Commission on Education for the Twenty – first Century, UNESCO Publishing 1998.
4. www.athdep.edu.vn (truy cập 26/3/2013)
5. www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id... (truy cập 30/3/2013)



* Khoa Nhân học, Trường ĐHKHXH và NV TP. HCM. Bài viết này đã được in trong Kỷ yếuTọa đàm khoa học “Nhân học trong bối cảnh toàn cầu hóa” được tổ chức ngày 26 tháng 4 năm 2013 tại Trường ĐHKHXH&NV-TPHCM.
[1] Chủ đề Hội nghị cấp cao ASEAN 11, Kuala Lumpur, Malaysia [6]
[2] Chủ đề Hội nghị cấp cao ASEAN 19, Bali, Indonesia [7]
[3] Xem thêm tài liệu lưu ở Khoa (Tập I và II)
[4] Thường diễn ra vào giữa tháng 4 dương lịch hàng năm.
[5] Tên chủ đề Ngày hội Nhân học lần 9 do Khoa Nhân học tổ chức 26.4.2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét