Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

VÀI NÉT VỀ VĂN HÓA NGƯỜI HOA Ở CHIÊNG SẺN (MIỀN BẮC THÁI LAN)

VÀI NÉT VỀ VĂN HÓA NGƯỜI HOA
Ở CHIÊNG SẺN (MIỀN BẮC THÁI LAN)
                                                                                                                          Phan Anh Tú
Chiêng Sẻn vốn là thủ đô thứ hai của vương quốc Lán Na, được tiểu vương Phaya Sẻn Pu, cháu nội của vua Meng Rai sáng lập vào năm 1328 bên bờ Tây sông Mekong.
Ngày nay, Chiêng Sẻn là một trong những thành phố địa đầu của miền Bắc Thái Lan nằm cách tỉnh Chiêng Rai khoảng 60 ki lô mét về hướng Đông Bắc. Từ Chiêng Rai người ta có thể đi đến Chiêng Sẻn trên  xa lộ 1016. Chiêng Sẻn tọa lạc trên một vùng đồng bằng bao bọc bởi các dòng sông Me Khong, Me Kham, Me Kok và núi Chom Kiti, Chom Mok, Chan và Pha Ngow. Phía Bắc của tỉnh là cánh đồng lúa bạt ngàn của vùng Me Sải, phía Đông giáp với nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào, phía Nam là quận Chiêng Khong và phía Tây là quận Me Chan của tỉnh Chiêng Rai. Dấu vết của một ngôi thành cổ hiện nay vẫn còn hiện diện bao quanh thành phố Chiêng Sẻ với một bờ tường hình tứ giác rất dày làm bằng gạch, nằm song song với sông Mekong. Có năm của chính để đi vào thành, xung quanh đó người ta cũng phát hiện rất nhiều dấu vết của các pháo đài cổ.
Chiêng Sẻn đã trải qua một quá trình lịch sử lâu dài được các nhà nghiên cứu Thái Lan chia làm ba giai đoạn như sau: thời tiền sử, sơ sử và lịch sử. Các giai đoạn này đều được nhận định qua các hiện vật khảo cổ và nhiều tài liệu lịch sử khác nhau. Những công cụ thuộc thời đại đồ đá mới được phát hiện trong những thập niên gần đây cho thấy Chiêng Sẻn là một trong những di chỉ cư trú của con người trong thời kì tiền sử ở Đông Nam Á lục địa. Bên cạnh đó các tư liệu lịch sử cũng cho biết về một xã hội văn minh trong thời kì sơ sử. Ngày nay vẫn còn những di tích của những thành phố huyền thoại lừng danh một thời của người Thái như Suwan Khumkham, Yonok Nagaphan và Hiran Nakhon Ngoen Yang. Vào thời kì phát triển cực thịnh của vương quốc Lán Na, Chiêng Sẻn được xây dựng trở thành trung tâm Phật giáo của vương quốc. Tượng Phật đồng Chiêng Sẻn là một trong những tuyệt tác nghệ thuật của Phật giáo Thái Lan được các nhà nghiên cứu nghệ thuật cổ đánh giá là một trong những trường phái nghệ thuật tiêu biểu của giai đoạn Lán Na. Trong suốt quá trình hưng thịnh của vương quốc Lán Ná, Chiêng Sẻn đóng vai trò cửa khẩu quan trọng trong giao lưu thương mại và văn hóa với các nước trong khu vực dựa vào dòng sông Mekong chiến lược. Dấu vết đan xen văn hóa vẫn hiện diện trên các ngôi tháp và chùa cổ như tháp Pà Sặt, tháp Phra Thát Chom Kitị, tháp Chedi Luổng, chùa Pra Buad, chùa Mung Mương…. Trên các di tích cổ này, người ta có thể tìm thấy sự ảnh hưởng của nhiều luồn văn hóa khác nhau như Khmer, Lào, Môn, Miến Điện, Java và Trung Hoa.
Image 
Miếu thờ Quan Âm và rồng tại chùa Wat Chong Chang
(chùa Phật giáo Nam tông)
Cộng đồng người Hoa cư trú ở Chiêng Sẻn không đông đúc như khu China Town ở Bangkok nhưng có điều đặc biệt là họ không cư trú tập trung vào một khu vực cụ thể nào, mà sống đan xen với các cộng đồng tộc người khác như người Thái, người Lào, người Miến…. Điển hình nhất là tại trung tâm của thành phố Chiêng Sẻn nằm dọc theo bờ sông Mekong và khu Tam Giác Vàng. Nơi đây người Hoa chủ yếu sống bằng nghề kinh doanh, họ mở cửa hiệu bán thuốc Bắc, thức ăn hoặc các sản phẩm rẻ tiền của Trung Quốc được chuyên chở đến đây bằng tàu thuyền. Hằng tuần có hai chuyến tàu như vậy đi từ giang cảng Chiêng Sẻn đến thành phố Cảnh Hồng của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và ngược lại.  Các cửa hiệu của người Hoa thường có bảng hiệu được viết bằng ba thứ tiếng: tiếng Thái, tiếng Hoa và tiếng Anh. Những người bán hàng cũng sử dụng tốt cả ba ngôn ngữ này.
So với cộng đồng người Hoa ở Bangkok, người Hoa ở Chiêng Sẻn có lịch sử cư trú rất muộn. Phần lớn họ di cư đến đây khoảng từ đầu thập niên 1950. Nguyên nhân chính của những đợt di cư này phụ thuộc vào hai sự kiện chính trị quan trọng ở Trung Quốc là Quốc Dân Đảng bị đánh bại vào năm 1949 và cuộc Cách Mạng Văn Hóa Trung Hoa diễn ra vào thập niên 1960. Phần lớn người Hoa cư trú ở đây có quê hương tại các tỉnh miền Hoa Nam, đặc biệt là từ Vân Nam họ xuôi theo dòng sông Mekong để đến Chiêng Sẻn. Người Hoa sinh sống ở Chiêng Sẻn hầu hết có quá khứ chính trị liên quan đến nước Trung Hoa Dân Quốc hoặc vì đói nghèo buộc họ phải ra đi về phương Nam. Cũng có một số vốn là quân nhân Quốc Dân Đảng triệt thoái đến vùng Tam Giác Vàng, rồi sau đó đến định cư luôn ở Chiêng Sẻn. Cùng thời gian di cư của người Hoa cũng có một số tộc người thiểu số khác thiên di từ tỉnh Vân Nam đến đây. Họ là người Tai Lữ, người Dao, người Mông (Mèo) và người Akha. Tuy nhiên những tộc người này thường chọn các vùng đồi núi làm nơi cư trú vì vậy không thấy màu sắc văn hóa của họ hiện diện trong thành phố Chiêng Sẻn.
                                                             Image
                                     Tượng Phật mang phong cách Chiêng Sẻn, niên đại TK 18
Khi đến cư trú ở Chiêng Sẻn, người Hoa mang theo cả một hệ thống tôn giáo tín ngưỡng và bản sắc văn hóa riêng của họ nhưng không đủ mạnh để làm thành một “khu bảo tồn” riêng biệt như ở thủ đô Bangkok. Trái lại văn hóa và tín ngưỡng tôn giáo của người Hoa tại đây bị đan xen, hòa nhập vào văn  hóa của người Thái. Tại các cửa hiệu hay nhà cửa của người Hoa, người ta thấy bên trong là bàn thờ Thần Tài và Quan Công nhưng ngoài sân vẫn là chiếc bàn thiên thờ Phỉ, một dạng tín ngưỡng bản địa của người Thái. Có rất nhiều người Hoa theo đạo Phật Nguyên Thủy hoặc đến viếng các chùa của người Thái, khác với người Hoa ở Bangkok thường chỉ đến viếng các ngôi chùa Phật giáo Bắc Tông. Người Hoa ở Chiêng Sẻn cũng rất hay cúng dường thức ăn cho các nhà sư Thái hoặc cùng tham gia với người Thái trong các công tác từ thiện. Có rất nhiều đàn ông người Hoa lấy vợ người Thái hoặc ngược lại. Thường thì người con khi trưởng thành chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Thái hơn là Hoa ví dụ như thế hệ người con sẽ theo Phật giáo Nguyên Thủy hoặc ăn mặc theo kiểu người Thái khi tham gia các lễ hội truyền thống Thái Lan.
Tuy nhiên, văn hóa Hoa cũng có ảnh hưởng ngược lại với cộng đồng người Thái. Tại khu nghỉ mát Chiêng Sẻn Golden Land Resort nằm cạnh bờ sông Mekong nơi chúng tôi có dịp đi ngang qua cũng có hình thức thờ cúng là một ngôi miếu nhỏ thờ Phỉ được dựng lên trước sân. Trong phòng làm việc lại đặt một bàn thờ thần Tài và Thổ Địa kiểu người Hoa. Chủ nhân của khu nghỉ mát này là một người Tây lấy vợ người Thái. Người vợ rất sùng kính tín ngưỡng của người Hoa mặc dù chị hoàn toàn là một người Thái. Tại nhiều ngôi chùa Phật giáo Nguyên Thủy, chúng tôi nhận thấy có bàn thờ nhiều vị thần, Phật Trung Hoa như  Quan Công, Di Lặc và Quán Thế Am Bồ Tát. Ngay cổng chính đi vào một số ngôi đền, người Thái lại thích chạm trổ tượng hai con kì lân đứng gác trong tư thế một chân trước chống lên quả cầu. Hình tượng linh vật này vốn xuất phát từ văn hóa Trung Hoa. Nằm cập vào hông trái của chùa Chom Cháng ở ngoại ô phía Tây Bắc thành phố Chiêng Sẻn có một ngôi miếu thờ Quan Thế Am Bồ Tát và rồng. Các vị sư cho biết các pho tượng và ngôi miếu này là do người Hoa cúng dường xây dựng nên. Mặc dù đây là ngôi chùa Phật giáo Nguyên Thủy nhưng các nhà sư người Thái lại rất uyển chuyển khi tiếp nhận các yếu tố tôn giáo của người Hoa làm cho ngôi chùa trở thành trung tâm tôn giáo chung của cả hai cộng đồng Thái - Hoa. Điều này là một sự khác biệt với các vùng khác vì trên nguyên lí của Phật giáo Nguyên Thủy không chấp nhận hình tượng Bồ Tát và rồng. Điển hình nhất là khu liên hợp tôn giáo và giải trí do chính quyền Chiêng Sẻn dựng lên trong năm vừa qua để thay thế cho biểu tượng cũ của vùng Tam Giác Vàng là một chiếc cổng chào trạm trỗ hình voi và rắn Naga. Biểu tượng mới này là một pho tượng Đại Phật theo phong cách Thái Lan. Bên trong pho tượng dùng là chánh điện và chỗ ở cho các nhà sư nhưng phía trước lại là một pho tượng Quán Thế Am Bồ Tát trong tư thế cưỡi rồng, tay cầm bình nước Cam Lồ, sau cùng là pho tượng Di Lặc. Từ chánh điện (tượng Đại Phật) có hai ống thông bằng kim lọai nối vào bụng của tượng Phật Di Lặc. Khi du khách muốn cúng dường, họ chỉ cần dùng tiền đổi thành xu rồi đứng từ chánh điện ném vào các ống thông. Đồng tiền xu sẽ chạy dọc theo ống thông tạo thành một âm thanh vui tai kéo dài cho đến khi nó rơi vào bụng tượng Phật Di Lặc. Dòng sông Mekong khi chảy đến vùng Tam Giác Vàng hình thành thêm một nhánh khác rẽ vào đất liền tạo ra sông Me Sải chia đôi biên giới giữa Thái Lan và Miến Điện. Còn bờ Đông sông Mekong vẫn là địa phận của nước Lào. Trong khi phần đất phía Thái Lan đã có một trung tâm thương mại và du lịch sầm uất, bờ Bắc sông Me Sải thuộc phần lãnh thổ Miến Điện cũng có một Casino khổng lồ mọc lên nhưng bờ Đông sông Mekong vẫn im lìm, hình như nước Lào vẫn còn ngủ yên trước sức ép của nền kinh tế toàn cầu hóa.
ImageImage 
Phù điêu Kỳ Lân trên tháp Phra That Chom Kiti              Người Hoa trên đường di cư đến Thái Lan   
Tóm lại, người Hoa hiện diện ở Chiêng Sẻn tương đối muộn hơn so với nhiều vùng khác ở Thái Lan nhưng các yếu văn hóa Trung Hoa đã từng tồn tại ở đây từ nhiều thế kỷ trước. Khi người Hoa đến cư trú, họ đã sống hòa nhập vào xã hội người Thái, tiếp nhận những yếu tố văn hóa Thái đồng thời cũng gây ảnh hưởng cho văn hóa Thái bằng các hình thức tôn giáo tín ngưỡng Trung Hoa. Có thể nói rằng Chiêng Sẻn là một vùng đất điển hình nhất về đan xen văn hóa ở Đông Nam Á lục địa. Vì người ta có thể tìm thấy ở đây những yếu tố văn hóa Thái, Khmer, Miến Điện, Môn, Lào, Hoa cùng văn hóa các dân tộc thiểu số khác. Tất cả đều cùng hòa nhập, đan xen và kết chặt với nhau tạo nên một bản sắc văn hóa điển hình thống nhất trong đa dạng của vùng Chiêng Sẻn.
Tài liệu tham khảo:
Authority of Thailand Tourism 1997: Amazing - Thailand. - World Class publishing.
Fine Arts Department 1993: Development of Thai culture. – Rung Silp Printing Co., Ltd.
Hall G.D 1997: Lịch sử Đông Nam Á (Bùi Thanh Sơn, Thái Thiên Hương, Hoàng Anh Tuấn dịch). – HN: NXB Chính trị Quốc gia.
Hữu Ưng 1998: “Vài nét về quá trình tộc người của các dân tộc ở Thái Lan”. - HN: Kỉ yếu hội nghị khoa học về Thái Lan.
Kasetrisi C 2003: “Thực dân hóa, toàn cầu hóa, sông Mekong liệu sẽ sống sót”. – Tham luận hội thảo tiểu vùng sông Mekong.
Nhiều tác giả 2005: Đối thoại với các nền văn hóa – Thái Lan (Trịnh Thúy Hoa dịch). - TP. HCM: NXB Trẻ.
Quế Lai 1994: Tìm hiểu lịch sử văn hóa - Thái Lan. – HN: NXB Khoa học Xã hội.
Schliesinger Joachim 2001: Tai Groups in Thailand. – White Lotus Press.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét