Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ đến Quảng Nam – Đà Nẵng



Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ đến Quảng Nam – Đà Nẵng
Th.S Từ Ánh Nguyệt
Khoa Lý luận chính trị

Hiện nay trên nhiều tỉnh thành của nước ta có những di tích ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ. Đà Nẵng, Quảng Nam là nơi có nhiều ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ như ảnh hưởng về phật giáo, tuy nhiên di tích có ảnh hưởng rõ nhất là tháp Chăm, điển hình là khu thánh địa Mỹ Sơn.
           
 Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cách thành phố Ðà Nẵng khoảng 70km về phía tây nam, cách Trà Kiệu khoảng 10km về phía tây trong một thung lũng kín đáo. Mỹ Sơn là thánh địa Ấn Độ giáo của vương quốc Chămpa. Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva - Ðấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Những dòng chữ ghi trên tấm bia sớm nhất ở Mỹ Sơn, có niên đại khoảng thế kỷ thứ 4 cho biết vua Bhadresvara đã xây dựng một ngôi đền để dâng cúng vua thần Siva- Bhadravarman. Hơn hai thế kỷ sau đó, ngôi đền đầu tiên được xây dựng bằng gỗ đã bị thiêu huỷ trong một trận hỏa hoạn lớn. Vào đầu thế kỷ thứ 7, vua Sambhuvarman đã xây dựng lại ngôi đền bằng những vật liệu bền vững hơn, còn tồn tại đến ngày nay. Các triều vua sau đó đều tu sửa các đền tháp cũ và xây dựng đền tháp mới để dâng lên các vị thần của họ. Với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 13, Mỹ Sơn trở thành trung tâm kiến trúc quan trọng nhất của Vương quốc Chămpa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadravarman, là vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào cuối thế kỷ 4 kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần - vua và tổ tiên hoàng tộc. Vào năm 1898, di tích Mỹ Sơn được phát hiện bởi một học giả người Pháp tên là M.C Paris. Vào những năm đầu thế kỷ 20 này, 2 nhà nghiên cứu của Viễn thông Pháp là L.Finot và L.de Lajonquière và nhà kiến trúc sư kiêm khảo cổ học H. Parmentier đã đến Mỹ Sơn để nghiên cứu văn bia và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm. Cho đến những năm 1903-1904 những tài liệu cơ bản nhất về bia ký và nghệ thuật kiến trúc Mỹ Sơn đã được L.Finot chính thức công bố.

Tiền thân của quần thể kiến trúc Mỹ Sơn cổ kính này, theo văn bia để lại là một ngôi đền làm bằng gỗ để thờ thần Siva Bhadravarman. Nhưng đến khoảng cuối thế kỷ 6, một cơn hoả hoạn đã thiêu cháy ngôi đền gỗ. Bức màn lịch sử đã được các nhà khoa học vén dần lên thông qua những bia ký và lịch sử nhiều triều đại xưa cho ta thấy Mỹ Sơn là khu thánh địa quan trọng nhất của dân tộc Chăm suốt từ cuối thế kỷ 4 đến thế kỷ 15.

Bằng vật liệu gạch nung và đá sa thạch, trong nhiều thế kỷ người Chăm đã dựng lên một quần thể kiến trúc đền tháp độc đáo, liên hoàn: Ðền chính thờ Linga-Yoni biểu tượng của năng lực sáng tạo. Bên cạnh tháp chính (Kalan) là những tháp thờ nhiều vị thần khác hoặc thờ những vị vua đã mất. Mặc dù thời gian cùng chiến tranh đã biến nhiều khu tháp thành phế tích nhưng những hiện vật điêu khắc, kiến trúc còn lại cho đến ngày nay vẫn còn để lại những phong cách giai đoạn lịch sử mỹ thuật dân tộc Chăm, những kiệt tác đánh dấu một thời huy hoàng của văn hoá kiến trúc Chămpa cũng như của Đông Nam Á. Mỗi thời kỳ lịch sử, kiến trúc mang phong cách riêng, cũng như mỗi đền tháp thờ những vị thần, những triều vua khác nhau tạo nên đường nét kiến trúc đầy dấu ấn, nhưng nhìn chung tháp Chàm đều được xây dựng trên một mặt bằng tứ giác, chia làm 3 phần: Ðế tháp biểu hiện thế giới trần gian, vững chắc. Thân tháp tượng hình của thế giới thần linh, kỳ bí mê hoặc. Phần trên cùng là hình người dâng hoa trái theo nghi lễ hoặc hình cây lá, chim muông, voi, sư tử... động vật gần gũi với tôn giáo và cuộc sống con người.

Về mặt kiến trúc thì các đền tháp, lăng mộ ở Mỹ Sơn là nơi hội tụ của các kiểu dáng khác nhau, từ những kiểu cổ đại hay kiểu Mỹ Sơn E1 (thế kỷ 8, Mỹ Sơn E1 và F1), kiểu Hòa Lai (cuối thế kỷ 8 - đầu thế kỷ 9, Mỹ Sơn A2, C7 và F3), kiểu Đồng Dương (cuối thế kỷ 9 - đầu thế kỷ 10, Mỹ Sơn A10, A11-13, B4, B12), kiểu Mỹ Sơn A1 (thế kỷ 10, Mỹ Sơn B5, B6, B7, B9, C1, C2, C5, D1, D2, D4), kiểu chuyển tiếp Mỹ Sơn A1-Bình Định (đầu thế kỷ 11 - giữa thế kỷ 12, Mỹ Sơn E4, F2, nhóm K) và kiểu Bình Định (cuối thế kỷ 11 - đầu thế kỷ 14, Mỹ Sơn B1 và các nhóm G, H).

Nghệ thuật và kiến trúc qua bố cục đền tháp mang ảnh hưởng lớn của phong cách Ấn Độ. Khu thánh địa có một tháp chính (kalan) và nhiều tháp phụ nhỏ bao bọc xung quanh. Các tháp đều có hình chóp, biểu tượng của đỉnh Meru thần thánh, nơi cư ngụ của các vị thần Hindu. Cổng tháp thường quay về phía đông để tiếp nhận ánh sáng Mặt Trời. Nhiều tháp có kiến trúc rất đẹp với hình những vị thần được trang trí với nhiều loại hoa văn. Phần lớn những kiến trúc này hiện nay đã bị suy tàn, nhưng đây đó vẫn còn sót lại những mảng điêu khắc mang dấu ấn hoàng kim của các triều đại Chăm pa huyền thoại. Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ linga hoặc hình tượng của thần Shiva - thần bảo hộ của các triều vua Chăm pa. Những người cầu nguyện thời trước thường đi vòng quanh tháp theo chiều kim đồng hồ trên một lối nhỏ.

Trong nhiều thế kỷ, thánh địa này được bổ sung thêm các ngọn tháp lớn nhỏ và đã trở thành khu di tích chính của văn hóa Chămpa tại Việt Nam. Ngoài chức năng hành lễ, giúp các vương triều tiếp cận với các thánh thần, Mỹ Sơn còn là trung tâm văn hóa và tín ngưỡng của các triều đại Chămpa và là nơi chôn cất các vị vua, thầy tu nhiều quyền lực. Những di vật đầu tiên được tìm thấy ghi dấu thời đại vua Bhadravarman I (Phạm Hồ Đạt) (trị vì từ năm 381 đến 413), vị vua đã xây dựng một thánh đường để thờ cúng linga và Shiva. Mỹ Sơn chịu ảnh hưởng rất lớn của Ấn Độ cả về kiến trúc - thể hiện ở các đền tháp đang chìm đắm trong huy hoàng quá khứ, và về văn hóa - thể hiện ở các dòng bia ký bằng chữ Phạn cổ trên các tấm bia. Dựa trên các tấm bia văn tự khác, người ta biết nơi đây đã từng có một đền thờ đầu tiên được làm bằng gỗ vào thế kỷ 4. Hơn 2 thế kỷ sau đó, ngôi đền bị thiêu hủy trong một trận hỏa hoạn lớn. Vào đầu thế kỷ 7, vua Sambhuvarman (Phạm Phạn Chi) (trị vì từ năm 577 đến năm 629) đã dùng gạch để xây dựng lại ngôi đền còn tồn tại đến ngày nay (có lẽ sau khi dời đô từ Khu Lật về Trà Kiệu). Các triều vua sau đó tiếp tục tu sửa lại các đền tháp cũ và xây dựng các đền tháp mới để thờ các vị thần. Gạch là vật liệu tốt để lưu giữ ký ức của một dân tộc kỳ bí và kỹ thuật xây dựng tháp của người Chàm cho tới nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Người ta vẫn chưa tìm ra lời giải đáp thích hợp về chất liệu gắn kết, phương thức nung gạch và xây dựng. Những ngọn tháp và lăng mộ có niên đại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 14, nhưng các kết quả khai quật cho thấy các vua Chăm đã được chôn cất ở đây từ thế kỷ 4. Thánh địa Mỹ Sơn có thể là trung tâm tôn giáo và văn hóa của nhà nước Chăm pa khi thủ đô của quốc gia này là Trà Kiệu hay Đồng Dương.

Trong nhiều công trình kiến trúc còn lại khi phát hiện (1898) có tháp cao tới 24m, trong khu vực Tháp Chùa mà các sách khảo cổ, nghiên cứu về Mỹ Sơn có ký hiệu là tháp cổ Chămpa, có 2 cửa ra vào phía Ðông và phía Tây. Thân tháp cao, thanh tú với một hệ thống cột ốp. Xung quanh có 6 tháp phụ, toàn bộ ngôi tháp 2 tầng toả ra như cánh sen. Tầng trên, chóp đá sa thạch được chạm hình voi, sư tử, tầng dưới, mặt tường là hình những người cưỡi voi, hình các thiên nữ thuỷ quái. Nhưng ngôi tháp giá trị này đã bị không lực Mỹ huỷ hoại trong chiến tranh, năm 1969.

Sau khi phát hiện ra khu tháp cổ Mỹ Sơn, nhiều hiện vật tiêu biểu trong đó đặc biệt là những tượng vũ nữ, các thần linh thờ phượng của dân tộc Chăm, những con vật thờ cũng như những cảnh sinh hoạt cộng đồng đã được đưa về thành phố Ðà Nẵng đặt tại bảo tàng kiến trúc Chàm. Tuy không phải là nhiều, nhưng những hiện vật này là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tiêu biểu, nó có giá trị văn hoá của một dân tộc, nhưng hơn thế nữa, nó là những chứng tích sống động, xác thực lịch sử của một trong những dân tộc trong cộng đồng Việt Nam giàu truyền thống văn hoá.

Mỹ Sơn đã được trùng tu bởi E.F.E.O (Ecole Francaise d’Extreme Orient) trong thời gian từ 1937 đến 1944, nhưng khu vực này đã bị bom Mỹ tàn phá nặng nề trong chiến tranh. Đến năm 1975 , trong số 32 di tích còn lại, chỉ có khoảng 20 đền , tháp còn giữ được dáng vẻ ban đầu. Từ năm 1981 đến 1991, Mỹ Sơn được bảo quản và tu sửa từng phần với sự giúp đỡ về chuyên môn của công ty P.K.Z (Ba Lan). Phần lớn các tác phẩm điêu khắc ở Mỹ Sơn đã được người Pháp thu gom về Đà Nẵng vào những năm đầu thế kỷ 20 và được trưng bày tại bảo tảng Chàm. Khu di tích Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới tháng 12 năm 1999.
Trước đây trong quá trình học tập, tôi đã được tiếp cận đến văn minh Ấn Độ trên mộ số khía cạnh khác nhau. Nhưng qua chuyên đề ảnh hưởng văn minh Ấn Độ đối với các quốc gia Đông Nam Á trong lịch sử tôi đã có thêm những nhận thức mới về văn minh Ấn Độ như sau:
Thứ nhất, Nắm được một cách đầy đủ và có hệ thống về nền văn minh Ấn Độ như nguồn gốc, các yếu tố cấu thành, hiểu rõ hơn về văn hóa, văn minh Ấn Độ. Để từ đó chúng ta có thể khẳng định văn minh Ấn Độ là một nền văn minhh phát triển rực rỡ, những giá trị của văn minh Ấn Độ đã trở thành một bộ phận quan trọng của văn minh nhân loại.

Thứ hai,Thấy được sức lan tỏa mạnh mẽ của văn minh Ấn Độ đên khu vực Đông Nam Á. Do trình độ phát triển của mình về mọi phương diện người Ấn Độ đã sớm biết đến khu vực Đông Nam Á. Những thư tịch cổ phật giáo đã nhắc nhiều đến các địa danh người Ấn Độ thường qua lại như: Đảo Đầu Khấu, đảo Dừa, đảo Long Não. Từ thế kỷ I sau công nguyên trở đi ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ đến khu vực Đông Nam Á  tăng dần lên. Hầu hết các quốc gia trong khu vực này đều chịu ảnh hưởng, tuy nhiên tùy vào điều kiện của mỗi nước mà mức độ ảnh hưởng có sự khác nhau. Sở dĩ văn minh Ấn Độ có thể lan tỏa, xâm nhập vào khu vực Đông Nam Á một cách sâu sắc như vậy là do có sự gần gủi về địa lí, tưng đồng về văn hóa. Mặt khác do nhu cầu tim kiếm sản vật, tìm địa bàn buôn bán Ấn Độ đã có điều kiện thực hiện những chuyến vượt biển đến các vùng xa xôi. Ở Ấn Độ do trình độ văn hóa phát triển cao mà trước hết là phật giáo cho nên giáo lí của nó đã truyền bá rộng rãi đến nhiều nước.

Thứ ba, là một quốc gia năm trong khu vực Đông Nam Á, từ sớm chúng ta đã chịu ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực. Điển hình vào thời cổ trung đại trên địa bàn Việt Nam đã xuất hiện 2 quốc gia Ấn Độ hóa là vương quốc Champa và vương quốc Phù Nam. Ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ đối với Việt Nam thời cổ trung đại sẽ tạo nền tảng cho mối quan hệ Việt- Ấn trong thời cận, hiện đại và mối quan hệ đó được vun đắp bởi J.Neru và Hồ Chí Minh. Hiện nay mối quan hệ tốt đẹp đó vẫn đang được phát huy. Những yếu tố của nền văn minh Ấn Độ đã góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam- một nền văn hóa tiên tiến nhưng đậm đà bản sắc dân tộc./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét