Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

Trầu cau trong văn hóa Đông Nam Á

Trầu cau trong văn hóa Đông Nam Á



   Cây cau, giàn trầu và tục ăn trầu, tục dâng trầu cau trong các dịp cúng lễ gắn bó rất thân thiết và rất thiêng liêng trong tâm hồn người Việt Nam. Trong mấy ngàn năm lịch sử cho đến ngày nay và có lẽ là mãi mãi, trầu cau luôn hiện diện trong đời sống các dân tộc Việt Nam và các dân tộc Đông Nam Á và xa hơn là cả An Độ. Dấu ấn trầu cau tồn tại rất nhiều trong văn hóa Việt Nam nóitraucau1.jpg riêng và vùng Đông Nam Á nói chung. Trầu cau hiện diện trong các dịp quan trọng như cưới hỏi, cúng giỗ và hình ảnh trầu cau rất thiêng liêng trong tâm hồn người Việt và các dân tộc Đông Nam Á. 
   Có nhiều nhà nghiên cứu về trầu cau trong lịch sử văn hóa của các dân tộc Đông Nam Á và An Độ, sau này mở rộng cả ra các vùng khác như Paul Mus, Huard,…Ở Việt Nam, tác giả Nguyễn Ngọc Chương đã viết “Trầu Cau Việt Điện Thư” (NXB TP.HCM, 1997)–một cuốn sách viết rất sâu sắc về trầu cau. Với tâm huyết của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Chương đã trình bày những hiểu biết sâu sắc về trầu cau và cuộc sống của người Việt cổ xưa qua việc tìm hiểu, nghiên cứu, nghiền ngẫm lâu dài. Trong bài thảo luận này, chủ yếu là tôi tóm tắt viết lại vài nét về trầu cau trong văn hóa Đông Nam Á từ cuốn sách của ông. Cuốn sách của ông đã cho tôi một sự  thích thú, sự bất ngờ đặc biệt khi hiểu biết thêm về nền văn hóa dân tộc ta và mở rộng ra văn hóa Đông Nam A, văn hóa An Độ và đến cả nền văn hóa cổ xưa của nhân loại qua nghiên cứu về trầu cau của ông. Xưa kia, trước khi con người tìm ra lúa gạo thì cây họ cau là phổ biến, con người lấy bột từ thân cây để làm bánh, nấu rượu để ăn uống, lấy mo cau làm áo quần, nhà ở.  Từ đó, cây cau trở thành những biểu tượng thiêng liêng trong tâm thức con người trước cây lúa…
    Ở Việt Nam, vấn đề trầu cau được ghi lại trong sử thi “Lĩnh Nam Trích Quái” kể từ thời vua Hùng nước VĂN  LANG, với truyền thuyết sự tích về trầu cau mà bất cứ người Việt Nam nào cũng biết. Truyện kể về tình nghĩa keo sơn gắn bó giữa anh em họ Cao là Tân và Lang, vợ chồng giữa chàng Tân và người vợ họ Lưu tên Liên–do hiểu lầm nên người em (Lang) bỏ đi và chết bên bờ suối, biến thành một cây cao, thẳng (cây cau), người anh (Tân) đi tìm em cũng  đến bên bờ suối, kiệt sức và chết bên cây cao, biến thành tảng đá vôi trắng. Người vợ đi tìm và cũng gục ngã bên hai cây cau, trầu, nàng biến thành cây leo (trầu) quấn quít quanh phiến đá trắng ở gốc cây. Cha mẹ người vợ và người trong vùng thương xót, lập miếu thờ cúng ca tụng anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa. 




     Vua Hùng đi tuần thú, dừng chân nghỉa mát dưới gốc cây là xum xuê, dây leo chằng chịt mới hỏi và biết chuyện, vua thương xót hồi lâu vua sai lấy quả ở cây và lá ở dây leo nhai và nhổ nước quả và lá lên phiến đá–thấy có sắc đỏ, mùi vị thơm tho. Vua sai nung đá lấy vôi ăn cùng với quả và lá, thấy mùi vị thơm ngon, môi đỏ má hồng biết là vật quý. Từ đó cây được trồng ở khắp nơi, đó là cây cau, cây trầu và vôi -bộ ba cau-trầu-đá và quả cau, lá trầu trở thành biểu tượng của lòng thủy chung, tình nghĩa và người Việt Nam ta đều lấy cau trầu làm đầu câu chuyện trong cưới hỏi, lễ tết. Xưa gọi các con trai của vua Hùng là Lang như Lang Liêu trong sự tích Bánh chưng bánh giày - Lang tương ứng với chàng võ sĩ, Tân là mới–Tân Lang là chàng mới, là con rể. Văn là vết tích như vết vằn, vết vẽ trên mình–Văn Lang là đất nước của những người anh hùng mang vết vằn…Tân  Lang là tên của cây cau, cây trầu.  Tân là mới, là cây cau, là khách mời. Con gái là nàng, là Kiều Nguyệt như Thúy Kiều, Nguyệt Nga, Giáng Kiều–Kiều là cây họ cau. Kiều cũng là giàn trầu, vườn trầu. Trầu cau quấn quít...trầu cau là đầu câu chuyện, là đầu mối lương duyên, là thước đo thời gian, là biểu tượng sự thủy chung, là lễ vật thiêng liêng trong cúng tế, cưới hỏi …

     Dân tộc nào ở Đông Nam Á cũng có những câu chuyện kể về cây cau, cây trầu. Vùng Nam Á là vùng trầu cau rộng lớn – người dân ăn trầu trong suốt hàng ngàn năm lịch sử.  Trang 310 trong sách trên của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Chương có trích dẫn lời của Georges Lebrun viết về vùng trầu:

    “Vùng phát triển hiện nay có thể định rõ bằng một đường đi từ bờ biển phía Đông của đảo Madagascar và Zanzibar, có thể đến châu Á tới miền sông Indus, rồi đến bờ sông Dương Tử và qua Đài Loan và Philippines, sẽ đến Indonexia vùng Moluques bao quanh các đảo Mariannes, Caroline, Salomon, Fidji, Bismarck, và Tân Guinée, để khép kín ở đảo Ruênion, đi qua Eo Torrès, biển Arafoura, Timor về phía Nam những đảo Sonde. Có thể nói trầu cau ở những vùng đất….rộng 8 triệu cây số vuông có 200 triệu người ăn trầu kể cả đàn ông, đàn bà, già trẻ, từ ông hoàng đến người dân, thuộc về tất cả các giống người, tất cả các tôn giáo."

    Từ 340 trước công nguyên, Théophraste đã tả cây cau, đã được kể đến trong những bản viết chữ Phạn và chữ Hoa. Trầu được kể đến trong chữ Pali trong một cảnh xảy ra năm 504 trước công nguyên. Nhà sử học người Iran là Ferishta kể rằng vào thế kỉ thứ sáu, trầu rất được coi trọng ở Iran mà ngày nay đã thu hẹp lại. Marco Polo và Ibn Batuta đã nói đến vào thế kỉ thứ 14 trong những điều kể về những cuộc du hành của các ông. Người việt Nam giải thích bằng một truyền thuyết rất phổ biến vào năm 2000 trước công nguyên vào thời vua Hùng.

    Lúc nào người ta cũng ăn trầu được. Ở Myanmar người ta ăn trầu rất sớm mà một ngạn ngữ cổ đã nói rằng không ai có thể nói được tốt tiếng nói của mình trước khi đã học ăn trầu. Chỉ có giấc ngủ và khi luyến ái người ta mới ngừng cái đam mê này, mà nhiều người An khi ngủ vẫn ngậm trầu trong mồm mình. Những thanh nữ người Tagale coi như biểu hiện sự chân thành về tình cảm của mình đưa trầu ra khỏi miệng (theo bác sĩ Louis Lewin)”. Như vậy, có thể nói, trầu cau chiếm giữ vị trí rất gần gũi nhưng trang trọng, thiêng liêng trong văn hóa nhân loại. Đông Nam Á là cái nôi của cây cau, cây trầu là vùng trầu rộng lớn, trầu cau là những tín hiệu chứa đựng những hiểu biết về nền văn minh nhân loại.

    Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Chương đã đưa ra rất nhiều liên tưởng mới liên quan đến trầu cau, gợi mở ra những con đường mới và góp phần vào việc tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc và văn hóa Đông Nam Á. Trầu cau và tục ăn trầu là nét đặc sắc trong văn hóa Đông Nam Á–là một trong những nét văn hóa đặc trưng tiêu biểu cho sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Đông Nam Á.

    Việc tìm hiểu văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa Đông Nam Á qua những liên quan đến trầu cau là điều rất mới mẻ, thú vị và rất sâu sắc. Tuy nhiên ở đây, tôi chỉ xin trình bày lại một vài điều mà nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Chương viết trong tập sách “Trầu Cau Việt Điện Thư” của ông. Trầu cau ngày nay không còn được nhiều người đem theo để mời khách hay nhai trầu nữa  nhưng vẫn không thể nào thiếu được trầu cau trong những dịp lễ tiết quan trọng trong vòng đời người như trong cưới hỏi, lễ tiết thiêng liêng của người Việt nói riêng, các dân tộc khác ở Đông Nam Á nói chung như người Thái, người  Lào, người Indonesia, người Myanmar … và nhiều dân tộc châu Á khác như người Trung Hoa, người An Độ, …


Đặng Thị Hường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét