Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Nhạc cụ gõ ở các nước đông nam á


Nhạc cụ gõ ở các nước đông nam á


MỘT VÀI NÉT KHÁI QUÁT VỀ CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á


Phong cảnh thiên nhiên mỗi nước một khác nhưng tất cả các nước đều nằm trong khu vực nhiệt đới (nóng ẩm, mưa nhiều), gió mùa; văn hóa lúa nước bao trùm khắp cả một vùng từ đất liền, bán đảo đến các quần đảo ở đây. Do đó thiên nhiên có một ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống và văn hóa của các cư dân vùng này. Bức tranh ngôn ngữ các nước Đông Nam Á rất đa dạng nhưng tựu trung lại nó thuộc về các họ: ngữ hệ Nam đảo (Austronesia, còn được gọi là Mã Lai đa đảo – Malayopolynesia); ngữ hệ Nam Á (Austroasiatictrong đó có nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme, Việt – Mường, Hmông – Dao và các nhóm ngôn ngữ Nam Á khác); ngữ hệ Thái; Ngữ hệ Hán – Tạng (gồm nhóm ngôn ngữ Hán và nhóm ngôn ngữ Tạng Miến). Tôn giáo các nước có khác (người Thái Lan, Lào, Myanmar, Cambodia theo đạo Phật Nam Tông tiểu thừa, người Việt Nam thờ ông bà hay theo đạo Phật Bắc Tông đại thừa, người Mã Lai, Indonesia, Brunei theo đạo Hồi, người Philippines phần lớn theo đạo Thiên chúa) nhưng đa số các dân tộc ở đây đều thờ tổ tiên, ông bà, các vị thần linh…

Các nước Đông Nam Á đã có mối quan hệ với nhau từ hàng ngàn đời nay. Với địa lý gần gũi, với hệ thống giao thông thuận lợi bằng đường sông, đường biển, các cuộc di dân và sự giao thoa về thương mại, kinh tế, văn hóa chẳng những không làm mất đi vẻ độc đáo, riêng biệt của từng quốc gia, của từng cộng đồng dân tộc mà trái lại nó còn bổ sung và làm giàu có thêm lên những nét văn hóa tương đồng ở các nước trong khu vực.

NHỮNG NÉT CHUNG VỀ ÂM NHẠC Ở CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á

Mỗi một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á đều có một nền âm nhạc riêng biệt của mình. Nhưng nhìn chung âm nhạc ở các nước này có những nét lớn gần nhau như: các nhạc cụ căn bản đều bằng đồng (từ trống đồng Việt Nam đến các dàn cồng đủ loại của các dân tộc), các nhạc cụ đều có âm trì tục để làm nền hoặc tô điểm cho giai điệu, thang âm do quãng tám chia ra 5 hay 7 quãng đồng đều, khác hẳn với thang âm 7 cung của các nước phương tây. Âm nhạc Đông Nam Á không hẳn là đơn âm mà phần nhiều là đa âm nếu nghe âm nhạc theo đúng nguyên dạng đời sống vốn dĩ của nó (người ca, người đờn hoặc hòa tấu theo phức điệu lòng bản tùy theo trường phái hoặc theo cách đờn riêng biệt của mỗi người). Âm nhạc dân gian bao trùm lên các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng và làm cơ sở cho âm nhạc chuyên nghiệp phát triển.

Trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin giới hạn đề tài ở phạm vi “Nhạc cụ gõ thuộc các nước Đông Nam Á”.

NHẠC CỤ GÕ THUỘC CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á

1.    Nhạc cụ gõ dùng trong các nghi lễ phong tục:

a.    Tại Việt Nam:

Trống đồng là loại nhạc cụ gõ cổ xưa được tìm thấy ở  nhiều nước Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Mã Lai, Lào, Cambodia. Ở Việt Nam trống đồng được phân bố ở nhiều vùng khác nhau như Đông Sơn (Thanh Hóa), Hà Đông, Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Nghệ An, Kon Tum, Thủ Dầu Một… . Việc phân bổ trống đồng ở đây ngoài tính ngẫu nhiên lại trùng hợp với diện nghi lễ nông nghiệp thuộc nền văn minh lúa nước thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Khảo cổ học Việt Nam đã chứng minh được quá trình di dịch của người Việt cổ từ miền núi qua trung du xuống đồng bằng, lập nên nước Văn Lang xây dựng cơ nghiệp lâu dài ở đôi bờ sông Hồng, sông Mã; lấy nông nghiệp lúa nước làm căn bản và là một trong những tộc người tham gia tích cực vào quá trình giao thoa văn hóa trong khu vực. Trên mặt trống đồng Ngọc Lũ có chạm một dàn cồng 4 chiếc, đặc biệt là dàn 7 chiếc có người đánh ở các tư thế đứng và ngồi. Ngày nay trong dịp mừng nhà mới, đón Tết hoặc đám cưới của dân tộc Mường, người ta thường đánh một dàn chiêng gồm 7 chiếc to, nhỏ, dày, mỏng khác nhau, có độ trầm từ thấp lên cao: chiêng giàm, chiêng khầm, chiêng voong, chiêng tủm, chiêng lộn poong, chiêng lộn péng, chiêng cho ích. Ở Tây Nguyên các dân tộc đều có dàn cồng, dàn chiêng để dùng trong các lễ hội hoặc phục vụ cho các sinh hoạt của cộng đồng. Dân tộc Mnông Ma có dàn chiêng 6 chiếc theo thứ tự từ lớn tới nhỏ: ciang me, ciang rom, ciang nđot, ciang tru, ciang tro, ciang kon. Dân tộc Mnong Ga cũng có dàn chiêng 6 chiếc mang tên mei rnuul, nđốt, lua, thoã, théc. Dân tộc Gia Rai có 5 dàn chiêng (gọi là cing (xinh): Cing arap: gồm 13 chiếc dùng vào việc tang ma. Cing tơnah hay cing monyum gồm 9 chiếc đánh khi uống rượu cần. Cing trum gồm 3 chiêng có người khiêng cùng đánh với trống (đeo vào cổ) khi có đám rước. Cing kom cũng như cing trum dùng để rước thần lửa. Cing juar gồm 8 chiêng dùng để mừng người thắng trận trở về.

b.    Tại các nước Đông Nam Á lục địa (TháiLan, Cambodia, Lào, Myanmar):

Có bộ cồng 16 chiếc đặt trên một cái gía hình tròn bằng mây, gồm 2 bộ, một trầm, một bổng; nhạc công dùng hai tay gõ cồng bằng búa gỗ. Người Thái Lan gọi nó là Khong wong yai (không vong jai) và Khong wong lek (không vong lach) gồm 16 hay 17 chiếc. Người Cambodia gọi là khong thom, khong touch (không tuốt). Người Lào gọi là khong vong, còn người Myanmar gọi là ky waing (ki-oanh), gồm 21 chiếc có núm đăt trên một cái giá hình tròn có chiều cao đến cả thước.

c.    Tại các nước Đông Nam Á vùng hải đảo hoặc bán đảo (Mã Lai, Indonesia, Philippines):

Có những dàn cồng giống như loại cồng của các nước Đông Nam Á lục địa nhưng chúng được đặt trên giá gỗ hình vuông. Mã Lai có bộ cồng Cha nang gồm 2 chiếc, Indonesia có bộ cồng bo nang gồm 10 cồng sắp thành hai hàng mỗi hàng 5 chiếc; dân tộc Maranao và Magindanao của Philippines có bộ cồng sắp thành một hàng 8 chiếc. Vùng này còn có loại chiêng to có núm treo đứng trên giá bằng gỗ như loại Kem pul gong ageng (gong aganh) ở Indonesia hay là cặp agong của dàn Kulingtan ở Philippines. Tại đảo Luson còn có dàn cồng 6 chiếc, mỗi nhạc công đánh một cồng như cách đánh cồng của dân tộc Mnông (Tây Nguyên). Ngoài ra còn có các nhạc gồm nhiều thanh bằng đồng như đàn saron: 6 thanh, đàn gender: 14 thanh ở Java, đàn djublag: 5 thanh trầm, djegogan: 6 thanh trung, kantil: 10 thanh bổng ở Bali, roneadeck: 17 thanh bằng kim khí của Cambodia.
2.    Nhạc cụ gõ trong các dàn nhạc: thường được dùng trong nhạc lễ, nhạc triều đình, nhạc cho múa.
a.    Nhạc cụ gõ ra giai điệu bằng gỗ, tre nứa, mặt da:
Thái Lan có ranat thum hình chiếc thuyền gồm 17 thanh gỗ, ranat ek có 21 thanh gỗ. Lào và Myanmar cũng có loại nhạc cụ gõ bằng gỗ loại ranat, Cambodia có roneat thong, roneat touch. Ở Indonesia có đàn gambang 21 thanh gỗ. Ở Tây Nguyên Việt Nam có đàn trưng, gồm nhiều ống nứa gõ bằng que tre. Dân tộc Mnông Ga có đàn tlak tơ gồm 4 thanh tre treo bằng dây do hai người gõ.
Dàn nhạc lễ ở Myanmar gồm 21 trống lớn nhỏ khác nhau, mặt trống căng theo giọng của dàn cồng hay ranat; bộ trống gọi là saing waing hay là pat wang; dàn nhạc gọi làpiphat; người Thái lan gọi là saing hay là saing waing. Ở Thái Lan có bộ trống cơm gồm 6 chiếc lớn nhỏ khác nhau gọi là chauk loun pat, trên mỗi mặt có đính một miếng cơm dày hay mỏng tùy theo ý muốn chế định âm trầm hay bổng của nhạc công. Ở Việt Nam cũng có các loại trống cơm để người diễn vừa hát, vừa múa trong các đêm hội làng hoặc để chơi trong dàn nhạc.
b.    Nhạc cụ gõ ra tiết tấu: gồm nhiều loại trống phách và chập bạt.
Trống cơm được dùng phổ biến ở các nước Đông Nam Á. Ở Thái Lan gọi là tapone, ở Lào gọi là taphon, Cambodia gọi là sampho, Indonesia gọi là kenden. Ở Việt Nam trống cơm có từ đời nhà Trần trong ban đại nhạc gọi là “phạn cổ” có gốc từ Chiêm Thành nhưng xa xôi hơn nữa là từ trống mridangam của người Ấn Độ.
Trống cặp (một đực, một cái) đánh bằng dùi, gọi là glong that (Thái Lan), kong that (Lào), skor thom (Cambodia). Ngoài ra ở Đông Nam Á lục địa còn có vài loại trống thông dụng khác như thong tang trống bằng gỗ hình cái ly vỗ bằng tay, romanea có một mặt da, trống cha-yam hình nón dài một mặt da, mang xéo trên vai người Khơme vừa múa vừa hát.
Ở Việt Nam có nhiều loại trống, lớn nhất là trống cái, còn gọi là trống chầu, hay đại cổ dùng để khai hội; trống chiến, trống trận trong hát tuồng (hát bội) trống đế trong chèo, trống chầu nhỏ trong ca trù với tiếng tom chát để chấm câu hoặc khen thưởng ả đào bằng những roi trống; trống văn, trống võ hay trống đực, trống cái của dàn nhạc lễ trong Nam… .
Về mõ phách ở ta có nhiều loại: phách ca trù tinh tế, tiếng trong, tiếng đục, khi khoan thai, khi dồn dập; mõ chèo dùng để phân nhịp tư, nhịp sáu; mõ sừng trâu trong nhạc lễ, hát bội; mõ gia trì điểm các câu tán tụng của nhà sư; mõ tre trong hát xẩm; sinh tiền có tiếng gõ, tiếng quẹt, tiếng đồng tiền rung… . Ở các nuớc Đông Nam Á, mõ phách thường được dùng trong âm nhạc dân gian: Philippines có mõ tre gọi là bentong agung, phách gỗ gọi là kalutang, phách ống tre gõ bằng đũa tre gọi là pa tangug… . Chũm chọe nhỏ (chập bạt nhỏ) gọi là ching chơi trong dàn nhạc lễ ở Đông Nam Á lục địa. Trong dàn nhạc lớn ở Bali chập bạt nhỏ còn gọi là Tjeng Tjeng.
KẾT LUẬN
Trong ba loại nhạc cụ (bộ gõ, bộ thổi, bộ giây) ở các nước Đông Nam Á, bộ gõ đa dang nhất, phổ biến nhất và là nhạc cụ có truyền thống lâu đời nhất. Nó được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như đá, gỗ, tre, nứa, da… nhưng đồng là chất liệu được dùng nhiều hơn cả. Theo các nhà khảo cổ học, nhạc cụ gõ xuất hiện từ thời văn hóa Đông Sơn (biểu hiện bằng các hình vẽ khắc trên các nhạc cụ bằng đồng thời Đông Sơn). Nhạc cụ gõ gồm nhiều thứ, nhiều loại: trống cái, trống con, trống cơm, chiêng mẹ, chiêng con, đàn đá, khánh, chuông, mõ, não bạt… trong đó trống, chiêng – cồng giữ vai trò chủ đạo. Trống đồng là biểu hiện đặc trưng nhất và rực rỡ nhất của nhạc cụ truyền thống Đông Nam Á. Những hình vẽ, hoa văn trên mặt trống đồng Đông Sơn là bức tranh sống động về đời sống văn hóa trong đó có văn hóa âm nhạc của cư dân Đông Nam Á kỷ nguyên đồ đồng. Cùng với trống đồng là cồng – chiêng, nó có hình tựa như một bầu vú tròn căng đầy sức sống của người phụ nữ, ở giữa có một núm nhỏ. Hình ảnh bầu vú còn được thấy ở các quả chuông lớn, là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực.
Bộ gõ có nhiều loại, phổ biến trong các sinh hoạt phong tục và so với các loại nhạc cụ khác nó có nguồn gốc lâu đời nhất bởi vì chúng là những sản phẩm của văn hóa nông nghiệp lúa nước. Chúng là những nhạc cụ mô phỏng tiếng sấm, và đóng vai trò những linh khí trong các lễ hội cầu mưa, cầu mùa hàng năm. Và cũng vì phục vụ cho mục đích cầu mưa, cầu mùa cho nên phần lớn chúng đều gắn liền với tín ngưỡng phồn thực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét