Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

NHỮNG THUỘC TÍNH ĐÔNG Á CỦA VIỆT NAM


NHỮNG THUỘC TÍNH ĐÔNG Á CỦA VIỆT NAM
 
GS. Phan Huy Lê
Đại học Quốc gia Hà Nội

Xét về mặt địa lý, Việt Nam là một nước Đông Nam Á và từ 1995 là thành viên của ASEAN. Ngược về quá khứ xa xưa, thời tiền sử và sơ sử, Việt Nam nằm trong khu vực địa – văn hoá có cơ tầng văn hoá chung bao quát cả vùng Đông Nam Á hiện nay và vùng nam Trường Giang (nam Trung Quốc) lúc đó còn là địa bàn sinh tụ của Bách Việt, cư dân phi Hán tộc. 

          1. Một cuộc tranh luận chưa kết thúc
          Việt Nam thuộc thế giới và mang những thuộc tính của Đông Nam Á hay Đông Á, đó là một vấn đề được đặt ra khá sớm và đã có nhiều quan điểm, nhiều cách lý giải khác nhau mà cho đến nay cuộc tranh luận vẫn chưa kết thúc.
          Những khái niệm Đông Nam Á và Đông Á mới ra đời trong và sau Chiến tranh thế giới thứ II. Nếu coi đây là những khu vực thuần tuý địa lý thì phạm vi, ranh giới đã được xác định rõ ràng và dĩ nhiên Việt Nam thuộc khu vực Đông Nam Á, trong lúc Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng Bắc Triều Tiên thuộc khu vực Đông Á hay Đông Bắc Á. Nhưng vấn đề chúng ta quan tâm ở đây lại là không gian văn hoá hay khu vực địa – văn hoá hay địa - lịch sử - văn hoá và về phương diện này, vị trí địa lý có tầm quan trọng của nó song mối quan hệ lịch sử và tính tương đồng văn hoá mới là cơ sở chủ yếu. Cũng trong quan niệm không gian văn hoá, phạm vi khu vực có thể có những chuyển dịch trong tiến trình lịch sử và không hoàn toàn bị ràng buộc bởi ranh giới quốc gia hiện đại.
          Từ năm 1948, G.Coedes đã nghiên cứu quá trình Ấn Độ hoá các quốc gia vùng Đông Nam Á từ đầu Công nguyên cho đến trước lúc tiếp xúc với phương Tây vào đầu thế kỷ XVI và cho rằng Phù Nam, Lâm Ấp (Trung và Nam Việt Nam) là những quốc gia Ấn Độ hoá sớm nhất, trong lúc An Nam (Bắc Việt Nam) lại bị Hán hoá. Như vậy tác giả phân biệt hai khu vực Ấn Độ hoá và Hán hoá trong các quốc gia Đông Nam Á và trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay trong thời cổ đại và trung đại đã diễn ra hai vùng Ấn Độ hoá và Hán hoá trên nền tảng văn hoá bản địa của cư dân Đông Nam Á là văn hóa Nam Á (Austro-asiatique).[i][ii]
          L. Vandermeerch nhìn nhận “thế giới Hán hoá” (hay “các nước Hán hoá”) cũng như “thế giới Ấn Độ”, “thế giới Hồi giáo” ở phương Đông và “thế giới Latinh” ở phương Tây là tập hợp những nước chịu ảnh hưởng của một trung tâm văn minh lớn. Theo tác giả, “thế giới Hán hoá” hiện nay bao gồm 8 nước và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Bắc Triều Tiên, Nam Hàn, Nhật Bản, Việt Nam, Singapore.[iii] Việt Nam và Singapore thuộc vùng địa lý Đông Nam Á được xếp vào “thế giới Hán hoá”. Đây là “thế giới Hán hoá” được phân tích trong bối cảnh của lịch sử hiện đại mà tác giả gọi là “thế giới Hán hoá mới”.
          Alexandre Woodside cũng dựa trên mô hình Trung Hoa và khu vực ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa, coi Việt Nam là một quốc gia Đông Á.[iv]
          Cũng trong quan niệm về mối giao lưu và tương đồng văn hoá. Vĩnh Sính xếp Việt Nam và Nhật Bản trong “thế giới Đông Á”.[v]
          Furuta Motoo đưa ra một số khái niệm mới để phân tích mối quan hệ giữa Việt Nam với thế giới như “thế giới Đông Á”, “thế giới văn minh Trung Hoa”, “quốc gia khu vực”, “quốc gia phổ biến”, “nhà nước kiểu Trung Quốc”, “nhà nước kiểu Đông Nam Á”… Tác giả phân chia tiến trình lịch sử đó ở Việt Nam làm nhiều giai đoạn: từ một “nhà nước kiểu Đông Nam Á”, trở thành một thành viên của “thế giới Đông Á” từ thế kỷ X đến XIX, rồi lại tách dần khỏi “thế giới văn minh Trung Hoa” trong thời Pháp thuộc để xác định vị trí một “quốc gia khu vực” Đông Nam Á khi dành lại độc lập, từ 1950 khi gia nhập hệ thống xã hội chủ nghĩa lại trở thành một “quốc gia phổ biến” và từ 1995 gia nhập ASEAN tự định vị một “quốc gia khu vực Đông Nam Á”.[vi]
          Trong những thập kỷ gần đây, các học giả Việt Nam cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hoá Việt Nam, trong đó nhiều tác giả quan tâm đến ảnh hưởng của văn minh Trung Quốc, Ấn Độ và phương Tây, mối quan hệ giữa cơ sở bản địa với yếu tố ngoại sinh, quan hệ giữa Việt Nam với Đông Nam Á và Đông Á. Nói chung có hai xu hướng đáng lưu ý là: một xu hướng cho rằng văn hoá Việt Nam đã chuyển vùng từ Đông Nam Á sang Đông Á[vii] và một xu hướng coi văn hoá Việt Nam mang cơ tầng văn hoá Nam Á gắn bó với thế giới Đông Nam Á rồi bồi đắp dung hợp những tầng văn hoá Đông Á cùng những ảnh hưởng văn hoá phương Tây.[viii] Liên quan đến hai xu hướng trên là những nghiên cứu và tranh luận về “Ấn Độ hoá”, “Hán hoá”, về Nho giáo, Phật giáo, về bản sắc văn hoá dân tộc, về quan hệ giữa truyền thống và hiện đại trong phát triển văn hoá…

          2. Việt Nam trong mối quan hệ Đông Nam Á và Đông Á
          Xét về mặt địa lý, Việt Nam là một nước Đông Nam Á và từ 1995 là thành viên của ASEAN. Ngược về quá khứ xa xưa, thời tiền sử và sơ sử, Việt Nam nằm trong khu vực địa – văn hoá có cơ tầng văn hoá chung bao quát cả vùng Đông Nam Á hiện nay và vùng nam Trường Giang (nam Trung Quốc) lúc đó còn là địa bàn sinh tụ của Bách Việt, cư dân phi Hán tộc. Những kết quả nghiên cứu về khảo cổ học, cổ sử, dân tộc học, văn hoá… đã chứng minh điều đó. Đấy là vùng nông nghiệp trồng lúa nước với kết cấu xóm làng mang đậm tính cộng đồng, với tín ngưỡng vật linh, thờ cúng đa thần, nữ thần, với những nghi lễ phồn thực, những lễ hội nông nghiệp theo mùa, nhiều phong tục tập quán chung như ở nhà sàn, ăn trầu, nhuộm răng, xăm mình… Nhiều nhà khoa học gọi đó là “văn hoá Nam Á” (Austro-asiatie Culture).
          Khu vực này phát triển giữa hai nền văn minh lớn của phương Đông và thế giới là văn minh Trung Quốc ở phía bắc và văn minh Ấn Độ ở phía tây nên dĩ nhiên cũng sớm tiếp nhận những ảnh hưởng của văn minh này. Chính từ đây diễn ra sự phân hoá của các nước Đông Nam Á. Vùng nam Trường Giang từ đời Tần sáp nhập dần vào lãnh thổ Trung Quốc với sự gia tăng của quá trình Hán hoá. Các nước khác bị thu hút vào vùng ảnh hưởng của cả hai nền văn minh này: Phù Nam, Champa thuộc vùng ảnh hưởng văn hoá Ấn Độ trong lúc miền Bắc từ văn hoá văn hoá Đông Sơn đã thấy rõ quan hệ giao lưu với văn hoá Trung Quốc và tiếp sau là nước Âu Lạc bị đặt dưới hơn nghìn năm Bắc thuộc, văn hoá Trung Quốc du nhập vừa bằng con đường cưỡng chế của chính quyền đô hộ, vừa bằng sự giao lưu và tiếp nhận tự nguyện của nhân dân. Có người cho rằng văn hoá Việt Nam (trên địa bàn Âu Lạc – Giao Châu – An Nam) trong thời Bắc thuộc là nền văn hoá Hán Việt, ý muốn nhấn mạnh tính Hán hoá và vai trò chi phối của văn hoá Hán. Tôi không hoàn toàn tán đồng quan điểm đó, mà cho rằng vừa có lớp văn hoá Hán - Việt của tầng lớp thống trị Hán và quý tộc Việt, vừa có lớp văn hoá Việt – Hán giữ vai trò nền tảng của nhân dân Việt dựa trên cơ sở xóm làng với tính tự trị và sức đề kháng cao. Điều đó cũng có nghĩa là cơ tầng văn hoá Việt gắn bó với văn hoá Đông Nam Á vẫn được bảo tồn và phát triển. Vì vậy quá trình Hán hoá ở đây không dẫn đến sự đồng hoá. Đồng thời văn hoá Âu Lạc, Champa, Phù Nam vẫn duy trì và phát triển quan hệ giao lưu và tác động qua lại.  



[i] G.Coedes. Les Etats Hindouisés d’ Indonésie, E. De Boccard Editeur, Paris 1948.
[iii] Léon Vandermeerch, Le nouveau monde sinisé, Paris 1986. Bản dịch tiếng Việt: Thế giới Hán hoá, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1992
[iv] Alexander Woodside, Vietnam and the Chinese model, Cambridge 1971.
[v] Vĩnh Sính, Việt Nam và Nhật Bản trong thế giới Đông Á, thành phố Hồ Chí Minh 1993.
[vi] Furuta Moto, Việt Nam trong lịch sử thế giới, NXB chính trị quốc gia, Hà Nội 1988; Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á thế kỷ XX, trong Việt Nam trong thế kỷ XX, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001, tr. 194-204.
[vii] Trần Đình Hượu, Đến hiện đại từ truyền thống, Hà Nội 1994.
[viii] Nguyễn Thừa Hỷ, Lịch sử văn hoá Việt Nam truyền thống giản yếu, NXB chính trị quốc gia, Hà Nội 1999.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét