Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Yếu tố tôn giáo trong chủ nghĩa ly khai ở một số nước Đông Nam Á


Yếu tố tôn giáo trong chủ nghĩa ly khai ở một số nước Đông Nam Á


Chính phủ nhiều nuốc Đông Nam Á từ Philippin, Thái Lan đến Indônexia … đều cho rằng vấn đề ly khai là do những bất mãn về kinh tế, chính trị, xã hội của các dân tộc thiểu số, chứ không có liên quan gì đến yếu tố tôn giáo. Song nghiên cứu tiến trình của các cuộc ly khai, chúng ta thấy yếu tố tôn giáo được thể hiện rất rõ trong nguyên nhân, trong mục tiêu, trong lực lượng ky khai và trong cả diễn biến.

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, xu hướng khu vực hóa, toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các quốc gia, các khu vực tăng cường hợp tác với nhau trên tất cả các mặt của đời sống xã hội và cùng nhau giải quyết những vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, có một xu hướng khác dường như ngược lại cũng đang và tiếp tục diễn ra, có biểu hiện ngày càng lan rộng về phạm vi, gia tăng về cường độ, đó là xu hướng ly khai. Xuất hiện ở nhiều khu vực trên thế giới, nhưng một trong những điểm nóng của chủ nghĩa ly khai hiện nay là Đông Nam Á, trong đố đặc biệt phải kể đến chủ nghĩa ly khai ở các nước Inđônêxia, Philippin và Thái lan. Thực ra, ly khai dân tộc ở các quốc gia này đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử, kể từ khi diễn ra quá trình phi thực dân hóa. Song nó đặc biệt căng thẳng kể từ sau chiến tranh lạnh, thúc nhất là từ sau sự kiện Đông Timo thành công trong việc ly khai khỏi Inđônêxia.Các nhà nghiên cứu cho rằng, chính sự kiện Đông Timo đã tạo ra một phản ứng dây chuyền, có tác động như một ngòi nổ làm bùng phát các hoạt động ly khai trong khu vực Đông Nam Á.Đã có nhiều công trình tìm hiểu về chủ nghĩa ly khai, nhưng phần lớn các công trình này tập trung vào các vấn đề như: nguyên nhân, biểu hiện của chủ nghĩa ly khai và những tác động của nó tới khu vực. Tuy nhiên, có một vấn đề còn bỏ ngỏ, đó là yếu tố tôn giáo trong chủ nghĩa ly khai. Do đó, bài viết tập trung vào vấn đề này với mục đích làm sang tổ them một số vấn đề khi nghiên cứu về chủ nghĩa ly khai ở Đông Nam Á.
Chính phủ nhiều nước Đông Nam Á từ Philippin, Thái Lan đến Indônexia … đều cho rằng vấn đề ly khai là do những bất mãn về kinh tế, chính trị, xã hội của các dân tộc thiểu số, chứ không có liên quan gì đến yếu tố tôn giáo. Song nghiên cứu tiến trình của các cuộc ly khai, chúng ta thấy yếu tố tôn giáo được thể hiện rất rõ trong nguyên nhân, trong mục tiêu, trong lực lượng ky khai và trong cả diễn biến.

1. Tôn giáo là một trong những yếu tố dẫn tới chủ nghĩa ly khai
Có quan điểm cho rằng, tôn giáo là lý do cần và đủ cho một cuộc xung đột sắc tộc và ly khai dân tộc hiện nay. Quan điểm đó dường như hợp l‎ý nếu ta chỉ nhìn hình thức bên ngoài của các cuộc ly khai: một dân tộc thiểu số theo Hồi giáo đòi tách ra khỏi một nước có đa số là Thiên chúa giáo, ở nơi khác lại có một nhóm người thiểu số theo Hồi giáo đòi tách khỏi một nước có đa số là tín đồ Phật giáo… Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ bản chất của vấn đề thì các cuộc ly khai dân tộc xuất hiện lại do nhiều nguyên nhân khác nhau bên cạnh nguyên nhân tôn giao và các nguyên nhân này có khi còn quan trọng hơn, phổ biến hơn nguyên nhân tôn giáo. Đỗ Quang Hưng trong bài báo “những biểu hiện mới của vấn đề dân tộc và tôn giáo trong tình hình hiện nay” đã khẳng định “nhân tố tôn giáo xuất hiện trong xung đột sắc tộc không nhất thiết nó là nhân tố nổi trội hoặc duy nhất”(1). Điều này rất đúng với các phong trào ly khai ở Đông Nam Á.

Có nguồn gốc sâu xa từ trong lịch sử, nhưng hầu hết các phong trào ly khai ở Đông Nam Á đều xuất hiện từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, các phong trào này có vẻ lắng xuống để rồi lại tái bùng nổ và bùng nổ ở mức độ phức tạp hơn, nguy hiểm hơn từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, đặc biệt là từ sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ kéo theo sự ra đời của hàng loạt quốc gia. Việc xuất hiện các phong trào ly khai này là tổng hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nhân về lịch sử, văn hóa, nguyên nhân do bất bình đẳng về kinh tế, chính trị cùng với những chính sách sai lầm của nhà nước trong việc thực hiện các chính sách dân tộc, có cả những nguyên nhân do bị kích động từ bên ngoài, những hậu quả của chính sách chia để trị của chủ nghĩa thực dân…

Ache hiện nay là một điểm nóng trong phong trào ly khai của ở Inđônêxia. Nằm ở cực Tây Nam, cách thủ đô Giacacta khoảng 2000km, Ache có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế và quân sự. Trong suốt tiến trình lịch sử, Ache luôn tồn tại độc lập và ý‎ thức cộng đồng về một miền đất độc lập, tự do đã được hình thành và củng cố theo thời gian. Khi thực dân Hà Lan và phát xít Nhật xâm lược, Ache là trung tâm của cuộc kháng chiến và chưa bao giờ nơi đây trở thành thuộc địa theo đúng nghĩa đầy đủ của nó. Ache cũng là một trong những tỉnh giàu có nhất về tài nguyên thiên nhiên, hứa hẹn một tiềm năng phát triển kinh tế mạnh mẽ. Song trên thực tế do chính sách tập trung hóa quyền lực kinh tế chính trị cao độ của chính quyền trung ương nên đến nay Ache vẫn còn là mảnh đất nghèo nàn lạc hậu. Đây cũng chính là cội rễ gây nên những bất bình của ngót năm triệu người dân Ache. Sau khi sáp nhập vào Inđônêxia, thời gian đầu Ache có vị thế là một khu tự trị. Nhưng bắt đầu từ năm 1950, Inđônêxia bãi bỏ quy chế tự trị của Ache, sáp nhập và biến Ache trở thành một bộ phận của tỉnh Bắc Xumatơra. Tiếp đó, chính phủ liên tiếp phạm phải những sai lầm trong chính sách dân tộc với Ache như: cho di dân từ Giava tới Ache khai thác tài nguyên, áp bức cư dân địa phương, phân biệt đối xử trong đầu tư và phát triển. Tất cả những điều đó làm cho cư dân và chính quyền Ache cảm thấy mình bị phản bội, bị đẩy ra ngoài lề, dẫn tới sự bất mãn và phản đối dữ dội. Chưa hết, khi một số phong trào ly khai hình thành ở Ache, chính phủ Inđônêxia đã không giải quyết bằng những biện pháp hòa bình, thương lượng mà lại đem quân đến đàn áp. Điều này càng làm cho người dân Ache bất mãn đến nỗi họ gọi chính phủ Inđônêxia là “bọn thực dân Giava”. Ngọn lửa ly khai vì thế càng có cơ hội được thổi bùng lên.

Tình hình tương tự cũng diễn ra đối với những người Moorro ở Philippin và những người Hồi giáo ở Miền Nam Thái Lan.

Bên cạnh những nguyên nhân trên thì sự khác biệt về tôn giáo cũng như những sai lầm trong chính sách tôn giáo của nhà nước là một trong những nguyên nhân quan trọng đưa tới phong trào ly khai. Hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á đều là những nước đa dân tộc, đa tôn giáo. Đặc điểm đa tôn giáo có tính chất hai mặt của nó. Tôn giáo có vai trò quan trọng trong việc hình thành bản sắc dân tộc và đương nhiên sự khác biệt về tôn giáo thường mang tính chất của sự khác biệt về sắc tộc. Trong nhiều trường hợp, thức khác biệt về tôn giáo, sắc tộc đã làm tăng thêm khoảng cách giữa các cộng đông phi chủ thể và vấn đề bản sắc chủ lưu của nhân dân trong quốc gia mà họ đang cư trú và được coi là nhân tố chính ngăn cản sự hòa hợp dân tộc. Thái Lan là một ví dụ điển hình. Đây là đất nước của Phật giáo, văn hóa Phật giáo. Những người Hồi giáo chỉ chiếm 2,3 triệu người trong tổng số 64 triệu dân của nước này và tập trung ở 4 tỉnh miền Nam. Chính Hồi giáo đã cố kết cộng đồng cư dân ở đây và tạo nên một nền văn hóa đặc sắc cho 4 tỉnh miền Nam nói trên. Lẽ ra chính phủ Thái lan phải có một chính sách tôn giáo hợp lí để vừa phát huy bản sắc riêng của Hồi giáo lại vừa có thể giúp cư dân Hồi giáo hòa nhập với cộng đồng cư dân trong cả nước. Nhưng điều đó đã không thể thực hiện. Năm 1941 chính phủ Thái lan đã đưa ra một văn bản khét tiếng có tên là “Pháp lệnh của Đức vua”. Văn bản này là một mối đe dọa trực tiếp đến bản sắc dân tộc và tôn giáo của người Mã Lai Hồi giáo làm cho họ từ chỗ lo sợ đến chỗ bất bình. Bởi trong văn bản này không những quy định cấm các trường học Mã Lai, cấm sử dụng tiếng Mã Lai trong các cơ quan nhà nước mà còn cấm cả các sinh hoạt tôn giáo. Chẳng hạn, ở những vùng Hồi giáo, ngày lễ thứ sáu hàng tuần bị cấm. Năm 1944, chính phủ Thái Lan thủ tiêu hoàn toàn cơ quan lập pháp Hồi giáo ở 4 tỉnh miền Nam. Tuy nhiên, sự tấn công nghiêm trọng nhất vào tình cảm tôn giáo chỉ xảy ra khi các quan chức chính phủ khẳng định vị trí hàng đầu của Phật giáo trong các tỉnh miền Nam Thái Lan. Tất cả các học sinh người Hồi giáo phải học luân lí Phật giáo, học lịch sử và học ngôn ngữ Thái. Chính từ lúc này, các phong trào đòi ly khai, đòi độc lập bắt đầu nổ ra. Những người Hồi giáo kết tội chính phủ Thái Lan đã âm mưu xóa bỏ ngôn ngữ, tập tục Mã lai để biến thế hệ trẻ người Mã Lai Islam giáo thành người Thái.

Như vậy, tôn giáo là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện chủ nghĩa ly khai ở Đông Nam Á. Song nó không phải là nguyên nhân duy nhất và quan trọng nhất. Nguyên nhân dẫn tới các phong trào ly khai ở các nước Đông Nam Á là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố phức tạp. Trong đó, mấu chốt của vấn đề lại nằm ở việc thực thi chính sách dân tộc và giải quyết mối quan hệ dân tộc ở mỗi quốc gia có những sai lầm. Đây là yếu tố hàng đầu tạo ra sự bất mãn ở một dân tộc thiểu số và là mảnh đất tốt cho chủ nghĩa ly khai phát triển. Vì thế C.J. Chistinie trong “lịch sử Đông Nam Á hiện đại” đã tổng kết: gốc rễ của chủ nghĩa ly khai là bản sắc tộc người, động lực của phong trào ly khai là mặc cảm “bị gạt ra ngoài lề” của các dân tộc thiểu số, cuối cùng cũng rất quan trọng đó là sự khác biệt về tôn giáo.

2. Tôn giáo là một trong những mục tiêu của chủ nghĩa ly khai

Mục tiêu đầu tiên và cũng là mục tiêu lớn nhất của các phong trào ly khai là tách khỏi nhà nước nó đang tồn tại và thành lập một nhà nước độc lập. Từ Mặt trận giải phóng dân tộc Moorro (MNLF), Mặt trận giải phóng Hồi giáo (MILF), nhóm Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf ở Philippin cho đến phong trào Ache tự do (GAM) ở Inđônêxia rồi đến mặt trận giải phóng dân tộc Pattani (BNPP), Tổ chức giải phóng Thống nhất Pattani (PULO) đều đưa ra mục tiêu trên. Tất nhiên, không phải ngay từ đầu các phong trào đó đều đưa ra mục tiêu rõ ràng như vậy. Mục tiêu này cũng không nhất quán và có thể thay đổi, thậm chí có các phong trào cón đi chệch hướng mục tiêu. Chẳng hạn, nhóm Abu Sayyaf ngày càng xa rời mục tiêu chính trị ban đầu và dần trở thành một tổ chức khủng bố, bắt cóc, tống tiền… Việc tách ra thành lập một nhà nước riêng độc lập không phải là mục tiêu riêng của các phong trào ly khai ở các nước Đông Nam Á mà là mục tiêu của bất kỳ phong trào ly khai nào đang diễn ra ở các nước, các khu vực trên thế giới.

Tuy nhiên, việc thành lập một nhà nước độc lập cũng không phải là mục tiêu duy nhất của các phong trào ly khai ở các nước Đông Nam Á. Bên cạnh mục tiêu đó, các phong trào ly khai này còn có mục tiêu tôn giáo. Có nghĩa là các phong trào ly khai đấu tranh đòi thành lập một nhà nước độc lập để duy trì và phát triển bản sắc tôn giáo của mình. Chính vì lẽ đó mà nhóm ly khai lớn nhất, có ảnh hưởng nhất trong cộng đồng Hồi giáo ở miền Nam Thái Lan là Tổ chức giải phóng thống nhất Pattani (PULO) thành lập năm 1968 đã đưa ra chủ trương đấu tranh thành lập quốc gia Hồi giáo độc lập Pattani. Với Abu Sayyaf - một nhóm Hồi giáo ly khai cực đoan ở Philippin - cũng chủ trương thành lập một nhà nước Hồi giáo chính thống, cai trị bằng luật Hồi giáo Sharia tại khu vực những người Hồi giáo sinh sống. Song không chỉ dừng lại ở việc đấu tranh cho việc thành lập một nhà nước Hồi giáo độc lập, một số lực lượng ly khai ở Đông Nam Á còn liên kết với nhau để đấu tranh cho một nhà nước liên Hồi giáo.

3. Yếu tố tôn giáo trong thành phần lãnh đạo và lực lượng tham gia

Rõ ràng thành phần lãnh đạo và lực lượng tham gia trong phong trào ly khai thường là những người theo một tôn giáo nhất định nào đó. Đối với Đông Nam Á thì lực lượng này phần lớn là những người Hồi giáo. Do đó, có thể nói, các phong trào ly khai ở đây mang đậm sắc thái Hồi giáo. Chẳng hạn, Thái Lan - đất nước của hàng ngàn ngôi chùa Phật, những phong trào ly khai chủ yếu do tổ chức Liên Hiệp Hòi giáo đứng ra lãnh đạo như: Mặt trận dân tộc giải phóng Pattani (BNPP), Mặt trận cách mạng dân tộc (BRN). Đặc biệt trong tổ chức Giải phóng thống nhất Pattani (PULO) cón có cả những thủ lĩnh trẻ đã từng chiến đấu ở Apganistan và được tiêm nhiễm tư tưởng Hồi giáo cực đoan qua các trường Hồi giáo.

Tuy nhiên, không phải bất kỳ một lực lượng ly khai nào cũng đại diện cho quyền lợi chung của cộng đồng cùng tôn giáo với họ. Có những tổ chức ly khai lúc đầu chiến đấu vì cả mục tiêu chung của dân tộc, nhưng sau đó ngày càng đi chệch hướng mục tiêu ban đầu, xa dần lợi ích dân tộc. Nhóm Abu Sayyaf là một ví dụ. Năm 1991 nhóm này tách ra khỏi MILF, chủ trương của nhóm là thiết lập một nhà nước Hồi giáo chính thống, cai trị bằng luật Hồi giáo Sharia. Nhưng trong quá trình tồn tại, Abu Sayyaf dần dần trở thành nhóm Hồi giáo ly khai cực đoan. Người ta cho rằng hoạt động của tổ chức này giống với chủ nghĩa khủng bố hơn là một cuộc “Thánh chiến”, hơn là đấu tranh cho tương lai của đạo Hồi.

Ngoài ra, các phong trào ly khai ở Đông Nam Á còn nhận được sự giúp đỡ của các lực lượng Hồi giáo bên ngoài. Đã có rất nhiều bằng chững cho thấy các cuộc nổi dậy của các lực lượng Hòi giáo ở miền Nam Thái Lan có sự móc nối và nhận được sự hỗ trợ từ các nhóm Hồi giáo cực đoan nước ngoài, nhất là Malaysia, philippin, Inđônêxia, thống qua các tổ chức KMM, GAM, Abu Sayyaf. Thậm chí người ta còn thấy sự có mặt của tổ chức khủng bố nổi tiếng thế giới là Al Qaeda ở Đông Nam Á.

4. Yếu tố tôn giáo trong tác động của nó đối với chủ nghĩa ly khai

Trong các phong trào ly khai ở Đông Nam Á, tôn giáo được xem là “máy phát điện”, có tác động mạnh mẽ tới tinh thần của các lực lượng ly khai.C.J. Christine trong “lịch sử Đông Nam Á hiện đại” đã viết: “Điều đặc biệt quan trọng là Hồi giáo không thể bị xếp trong phạm vi bản sắc của toàn bộ một dân tộc nào đó mà nó có thể tác động như một lực lượng độc lập quan trọng”(2). Một câu hỏi đặt ra là: vì sao tôn giáo đặc biệt là Hồi giáo lại có tác động to lớn như vậy trong các phong trào ly khai?

Trước hết, một đặc điểm dễ nhận thấy ở các quốc gia Đông Nam Á là những nước này đều đa dân tộc, đa tôn giáo. Các lực lượng ly khai đã khôn khéo lợi dụng sự khác biệt về tôn giáo này để cổ vũ và làm tăng thêm ‎ chí quyết tâm ly khai. Ở Thái Lan, các lực lượng ly khai đã sử dụng các biện pháp khác nhau để cổ vũ và kích động sự nổi dậy của quần chúng. Một trong những biện pháp đó là họ cố tình khoét sâu thêm sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo giữa những người Mã Lai Hồi giáo với đa số người Thái Lan theo Phật giáo, từ đó khơi dậy và làm tăng thêm lòng hận thù dân tộc trong người Mã Lai Hồi giáo. Chẳng hạn, họ tổ chức thuyết trình ở các thánh đường, trường học Hồi giáo, mít tinh biểu tình chống chính phủ, vận động quần chúng gia nhập vào các tổ chức ly khai. Họ còn phân phát truyền đơn tuyên truyền lịch sử đạo Hồi và lên án sự đối xử tàn bạo của người Thái đối với Mã Lai Hồi giáo.

Ở Philippin các lực lượng lãnh đạo phong trào ly khai cũng sử dụng tôn giáo như một thứ vũ khí tinh thần để lôi kéo những người dân bất mãn với chính phủ. Rất nhiều tổ chức Hồi giáo được thành lập ở đất nước này như: Hồi giáo Philippin, phong trào Hồi giáo tiến bộ, Hội nghị Hồi giáo tối cao Philippin…Mục đích của các tổ chức này là để tăng thêm y thức Hồi giáo, tinh thần đoàn kết và thống nhất của người Môro trong cuộc đấu tranh chống chính phủ Thiên chúa giáo. Các tổ chức ly khai cũng rất quan tâm tới việc đưa các tín đồ hành hương tới Mecca, đưa sinh viên đi học ở các nước Hồi giáo trung cận Đông… để từ đó củng cố thêm lòng mộ đạo của họ.

Tôn giáo không chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn chủ nghĩa ly khai, và cũng không chỉ là một trong những mục tiêu mà chủ nghĩa ly khai hướng tới, tôn giáo còn là một trong những nhân tố làm cho chủ nghĩa ly khai diễn ra trầm trọng hơn. Vì sao vậy? Một nguyên nhân dễ dàng nhận thấy là để đạt được mục đích ly khai, các lực lượng ly khai đã sử dụng tôn giáo để cổ vũ và kích động người dân tiến hành những cuộc “thánh chiến”. Họ xem thánh chiến là bổn phận của các tín đồ đẻ bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ đất đai và bảo vệ bản sắc dân tộc. Có thể nói, tư tưởng “thánh chiến”, tử vì đạo và các hoạt động khủng bố của các tổ chức ly khai ở Đông Nam Á đã để lại những hậu quả nặng nề. Không chỉ gây nên sự thiệt hại về người và của mà còn gây nên sự bất ổn định về chính trị của các quốc gia trong khu vực. trong khoảng từ tháng 1.2004 đến cuối năm 2005 bị kích động bởi tư tưởng thánh chiến của các nhóm dân quân Hồi giáo ở miền Nam thái Lan đã tiến hành các hoạt động khủng bố làm cho hơn 1000 người thiệt mạng. Tiêu biểu như các vụ tấn công đồn cảnh sát đồng loạt (2001), tấn công lực lượng quân đội ở tỉnh Narathivat (2003). Ở Inđo, ngoài Ache, cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, đã bùng phát trở lại cuộc xung đột tôn giáo giữa những người Hồi giáo (chiếm 55%) và nhưng người Thiên chúa giáo (chiếm 44% dân số) ở Maluku. Bất chấp sự cố gắng của chính phủ Indonexia và các tổ chức quốc tế, những xung đột trở nên hết sức ác liệt khi người Hồi giáo kêu gọi Thánh chiến chống lại người Thiên chúa giáo và những người Thiên chúa giáo cũng kêu gọi đấu tranh đề tách khỏi khu vực này. “Các cuộc xung đột trong hai năm 1999 và 2000 ở đây đã làm cho khoảng 4000 người thiệt mạng, hàng nghìn ngôi nhà bị thiêu hủy kể cả thờ Thiên chúa giáo và Hồi giáo khiến hàng trăm nghìn người phải chạy lánh nạn. Và đỉnh cao của cuộc xung đột đã xảy ra vào ngày 18.6.2000 khi những người Hồi giáo gây ra vụ thảm sát làng Duma trên đảo Humahera , giết hơn 1000 người theo Thiên chúa giáo”(3).

Theo dõi tiến trình của các phong trào ly khai ở Đông Nam Á, điều dễ nhận thấy là một trong những yếu tố làm cho phong trào ly khai trở nên phức tạp, kéo dài. Việc giải quyết vấn đề ly khai cảu các chính phủ cũng trở nên nan giải hơn.Trong thực tế, trước sự bất mãn của các lực lượng nổi dậy, chính phủ các nước cũng đã đáp ứng một phần quyền lợi về kinh tế và chính trị cho họ, song không phải vì thế mà các phong rào ly khai lắng xuống, ngược lại còn bùng lên mạnh mẽ. Nguyên nhân không phải chỉ vì các nguồn đầu tư của chính phủ không xuống được các vùng dân tộc thiểu số mà còn vì chính phủ vẫn chưa có một chính sách hợp lý đối với tôn giáo của họ.

Cho đến nay, tình hình ly khai ở các nước Đông nam Á vẫn chưa đi đến một giải páp thỏa đáng. Nguyên nhân dẫn đến các phong trào này rất phức tạp và chồng chéo. Do vậy, giải quyết được vấn đề không phải một sớm một chiều. Nó đòi hỏi chính phủ các quốc gia khoog chỉ đưa ra những chính sách hợp lý để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn phải tôn trọng bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số trong đó có một nhân tố quan rọng là tôn giáo.

Chú thích:

1. Đỗ Quang Hưng, Những biểu hiện mới của vấn đề tôn giáo – dân tộc trong tình hình hiện nay, Tạp chí nghiên cứu Tôn giáo số 2-2003, trang 7.
2. Clive.J.Christie, Lịch sử Đông Nam Á hiện đại, Nxb CTQG 2000, trang 338.
3. Nguyễn Kim Minh, Vấn đề ly khai dân tộc ở Đông Nam Á và những tác động của nó tới khu vực từ 1991 đến năm 2000 (luận văn thạc sỹ khoa học lịch sử năm 2006), trang 62.
PGS.TS Lương Kim Thoa (K.Sử), ThS Mai Thị Hạnh (K.VNH), (Đăng trên tạp chí Đông Nam Á số 11/ 2008)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét