Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

KIẾN TRÚC TONGKONAN VÀ DI SẢN TỪ THẾ GIỚI HÔM QUA


KIẾN TRÚC TONGKONAN VÀ DI SẢN TỪ THẾ GIỚI HÔM QUA
 
 
 ThS. Nguyễn Ngọc Thơ
(Đại học Quốc gia Tp.HCM)
                         Image
                                  Đảo Sulawesi, Indonesia
  
 Đi giữa màu xanh bạt ngàn của vùng thung lũng nắng và gió trên đảo Sulawesi chợt bắt gặp những mái nhà dáng cong hình thuyền đầy ấn tượng, ấy là lúc ta đang hòa mình vào không gian văn hóa Toraja kỳ bí. Với bất kì ai lần đâu tiên tiếp xúc, từng căn nhà tongkonan xếp thành hàng chạy dài thẳng tắp trông giống như những chiếc ngư thuyền đang neo đậu giữa một bến nước trong xanh thẫm màu sơn cước.

Toraja là dân tộc bản địa thuộc ngữ hệ Nam Đảo (Austronesia) định cư lâu đời tại khu vực phía nam đảo Sulawesi (Indonesia), dân số vào khoảng 650.000 người, chủ yếu làm các nghề nông ngư nghiệp và thủ công truyền thống. Nhiều nhà nghiên cứu (Stephen Oppenheimer, John E. Terrell v.v.) theo thuyết “những chuyến xe siêu tốc” (express trains) cho rằng tổ tiên họ từng di cư ra hải đảo từ vùng đất liền Nam Dương Tử – Bắc Đông Dương qua ngả Phúc Kiến - Đài Loan – Philippines – Sulawesi và các khắp các hòn đảo từ đảo Madagasca ở đông nam châu Phi đến đảo Phục Sinh gần lục địa Nam Mỹ trên những chiếc thuyền đi biển truyền thống vào khoảng 6000-4000 năm trước. Tại Sulawesi, tổ tiên Toraja định cư lại trên các rẻo núi cao phía tây nam hòn đảo, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp kiểu đốt nương làm rẫy (đao canh hỏa chủng, slash-and-burn), sau chuyển sang trồng lúa nước ruộng bậc thang, cùng với các nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, săn bắt v.v.. Trong ngôn ngữ Bugis địa phương, “toraja” nghĩa là “ dân vùng núi”, được người Hà Lan chính thức đặt tên vào đầu thế kỷ 20 khi vùng này bắt đầu là thuộc địa của họ. Trong lịch sử, người Toraja theo tín ngưỡng vật linh, thờ cúng tổ tiên và các vật tổ hộ mệnh, gọi chung là aluk todolo. Đến đầu thế kỷ 20, khi người Hà Lan vào khai phá đất này, sau thời gian tiếp xúc lâu dài, người Toraja đã có những biến đổi đáng kể trong đời sống tâm linh. Hiện hơn 70% dân số theo Tin lành, 10% theo Hồi giáo, chỉ còn khoảng 20% giữ nguyên tín ngưỡng truyền thống. Điều đặc biệt trong văn hóa Toraja là dù theo tôn giáo nào đi nữa, các tộc họ (gia đình) đều xây nhà thờ tổ tiên theo nguyên mẫu kiến trúc đặc trưng có từ hàng ngàn năm trước - nhà hình thuyền Tongkonan.
  Image     Image
                   Người Toraja                                                                          Hang thờ của người Toraja
Thật vậy, nói đến văn hóa Toraja, ta không thể không nhắc đến mẫu kiến trúc nhà sàn độc đáo này của thế giới. Hai nhà nghiên cứu Parinding Samban và Achjadi Judi năm 1988 trong cuốn Toraja: Indonesia's Mountain Eden từng ví von rằng quê hương Toraja cùng với kiểu kiến trúc tongkonan xứng danh là “Vườn địa đàng trên núi của Indonesia”.
 Image     Image
        Hoàng hôn về trên bản Toraja                                             Trang trí bên trong tongkonan 

Nhà Tongkonan được xây trên trục những thân cột to cao, rắn chắc. Mái nhà lợp bằng lá, kim loại hay ngói nung, được thiết kế dáng cong hình thuyền cao vút, kiêu hãnh. Hai mũi thuyền ở hai đầu được kéo ra và dựng cong lên một góc 45 độ, khiến tổng thể căn nhà cứ một chiếc thuyền bồng bềnh giữa màu xanh cây lá và mây nước chung quanh. Cũng có thuyết nói rằng hai mái cong tượng trưng cho hai hai chiếc sừng trâu. Thuyết này bắt nguồn từ cơ sở con trâu trong văn hóa Toraja một trong những linh vật thiêng liêng, biểu tượng của sự sinh sôi, có giá trị to lớn trong tâm thức người dân.
Xét về quy cách, mặt trước ngôi nhà tongkonan tiêu biểu thường quay về hướng bắc. Theo niềm tin của họ, tổ tiên đang ngự trị đâu đó trên thiên đàng xa xôi ở phía bắc, tức con đường thiên di Nam Dương Tử - Đài Loan – Philippine - Indonesia. Tường và sàn nhà thường làm gỗ, được trang trí với nhiều gam màu đặc trưng đen, trắng, đỏ, vàng. Theo đó, màu đen chỉ bóng tối và sự chết chóc; màu trắng là màu ánh sáng, gợi nét thuần khiết; màu đỏ là màu máu, được cho là màu sự sống; còn màu vàng là màu mặt trời, màu sắc của quyền lực tuyệt đối. Nhiều mô-típ trang trí tongkonan mang phong cách văn hóa Đông Sơn truyền bá từ đất liền ra, như các mô típ chim chóc, ếch, muông thú, hoa văn hình thuyền, hoa văn kỷ hà bên cạnh các mô-típ có nguồn gốc từ Ấn Độ khác như các vị thần Hindu giáo v.v..
Theo chiều thẳng đứng, tổng thể tongkonan chia ra ba phần: trên cùng là thế giới linh thiêng dành cho tổ tiên và là nơi cất giữa các báu vật gia truyền (đầu trâu hoặc sừng trâu – biểu trưng sinh sôi, trống đồng – linh vật tổ tiên, linh kiếm keris – biểu tượng của sự thịnh vượng v.v.); ở giữa là không gian hội họp hoặc sinh sống của con người, thường chia ra ba gian (tangdo hướng bắc làm phòng ngủ con cái, sali trung gian làm bếp, nơi giữ ngọn lửa gia đình, và sumbung hướng nam làm phòng ngủ cha mẹ); bên dưới sàn nhà là nơi treo cột gia súc, gia cầm (trừ các nhà thờ họ mang tính cộng đồng). Theo quan niệm Toraja, ba tầng không gian trong mỗi tongkonan tượng trưng cho ba tầng vũ trụ thiên giới-dương gian-địa ngục; do vậy cả căn nhà tongkonan được xem như một khối vũ trụ thu nhỏ, là nơi gặp gỡ của quá khứ - hiện tại - tương lai, của bộ ba trời – con người – đất giống như quan niệm Tam tài truyền thống trong văn hóa Việt Nam, và là nơi hội tụ của “khí” từ tứ phương đông-tây-nam-bắc, trong đó trong tâm nằm ở hướngbắc (như đã nói trên).
Image      Image
Các tongkonan trông như những con thuyền lướt sóng                                Tongkonan trong hội họa 


Truyền thuyết dân gian kể rằng thưở hồng hoang khi loài người còn ở trên thiên giới, ngôi nhà tongkonan đầu tiên được Đấng Sáng thế Puang Matua xây dựng trên bốn chiếc cột lớn là lợp mái bằng một thứ vải thiêng, và khi tổ tiên Toraja xuống trần đã vượt biển trên một chiếc thuyền, chẳng may sóng to gió lớn đã làm thuyền thủng nước. Tổ tiên Toraja lên đảo, mang luôn chiếc thuyền thủng làm mái nhà. Bằng cách ấy, mái nhà Toraja truyền thống mang hình thuyền. Và cứ thế, các thế hệ Toraja vẫn giữ nguyên phong cách nguyên thủy, coi đó biểu tượng thiêng liêng mà Đấng sáng thế đã ban tặng cho riêng họ.
Image      Image
          Biểu tượng của sự thịnh vượng                                               Kiểu nhà tongkonan batu xưa 

Có ba loại nhà tongkanan: tongkonan layuk dành cho chức sắc hay các vị trưởng tộc chịu trách nhiệm cúng tế cho cả dòng tộc; tongkonan pekamberan dành cho chức dịch và những gia đình khá giả; và tongkonan batu dành cho giới bình dân. Ngoài ba tầng lớp trên, xưa còn một giới nữa là nô lệ, luôn phụ thuộc vào giới quý tộc. Tùy theo từng thứ bậc mà người ta quy định các dạng mô-típ trang trí phù hợp. Ngày nay, các ngôi nhà tongkonan mới được xây dựng bằng các nguyên vật liệu hiện đại hơn, không còn phân biệt đẳng cấp xã hội, song cốt cách truyền thống vẫn là điều thiêng liêng mà người Toraja muốn dành tặng cho con cháu mai sau.
                                          Image
                                                           Kiểu nhà tongkonan batu hôm nay 

Có thể nói tongkonan là báu vật mà người Toraja dành tặng cho cả thế giới. Nó như một chứng nhân lịch sử ghi nhớ bao bước thăng trầm, bao biến cố xã hội của dân tộc Toraja nơi núi rừng heo hút. Hơn thế nữa, tongkonan còn là một trái tim của muôn trái tim, có sức mạnh kết nối xã hội Toraja dưới ánh sáng của các quy tắc bất thành văn của tổ tiên. Điểm nhấn dễ thấy nhất của tongkonan – mái cong hình thuyền độc đáo – luôn giữ cho tongkonan không bao giờ trộn lẫn với kiến trúc các dân tộc khác trên thế giới. Giữa núi rừng hùng vĩ người Toraja lại xây nhà hình thuyền, phải chăng đó là dấu ấn sinh động còn sót lại của những chuyến vượt biển hùng hồn của tổ tiên cùng với nền văn minh văn minh trồng trọt Đông Nam Á huy hoàng đã chìm đắm giữa lòng đại dương mà không ít các học giả Tây phương (như Stephen Oppenheimer) đã từng đề cập đến?
Tài liệu tham khảo:
1.       Bruno Lasker 1944: The people of Southeast Asia, New York: Alfred Aknopf.
2.       Dawson, B., Gillow, J. 1994: The Traditional Architecture of Indonesia, London: Thames and Hudson Ltd.
3.       D.G.E. Hall 1964: A history of Southeast Asia, London: MacMillan and Co. Ltd.
4.       Jill Forshee 2006: Culture and customs of Indonesia, Greenwood Press.
5.       Kenneth Perry Landon 1947: Southeast Asia – Crossroad of religion, University of Chicago Press.


 6.       Marly Valenti Patandianan: “The Changing Function of Torajan Traditional House (Tongkonan)”, Sub theme Globalization, Regional Identity and Changing Typehttp://203.77.197.231:81/isvs/isvs-4-1/paper-dump/full-papers/13.pdf
7.       Ministry of Tourism and Culture of Indonesia 2006: Discover the past of Indonesia.
8.       Parinding, Samban C. and Achjadi, Judi 1988: Toraja: Indonesia's Mountain Eden. Singapore: Time Edition

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét