Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

THẦN THOẠI HỒNG THỦY KAMMU BẮC THÁI LAN


THẦN THOẠI HỒNG THỦY KAMMU BẮC THÁI LAN
ThS. Nguyễn Ngọc Thơ
(Đại học Quốc gia Tp.HCM)

                            (Đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối tuần 1/2008)

Kammu (hay Khmu) là nhóm dân tộc thiểu số hiện đang cư trú tại miền bắc Thái Lan, bắc Lào, tây bắc Việt Nam và các tỉnh Vân Nam, Quý Châu Trung Quốc với dân số khoảng 500.000 người,  hiện vẫn gìn giữ được sắc thái văn hóa bản thổ có từ thưở sơ kì. Người Kammu quan niệm rằng các dân tộc trên thế giới hiện nay dù đa dạng về ngôn ngữ, phong tục-tập quán, song đều có chung một nguồn gốc, có chung người cha và người mẹ thủy tổ. Thần thoại hồng thủy của người Kammu miền bắc Thái Lan kể lại như vậy.
Chuyện rằng thưở xưa có hai anh em (nam, nữ) đào hang bắt một con chuột trúc. Họ đào mãi, đào mãi nhưng chuột càng rút xuống sâu hơn. Đến một lúc, bỗng nhiên chuột quay lại hỏi “tại sao các người đào hang bắt tôi?”. “Tốt nhất hai người hãy lo chuẩn bị cho chính mình vì cơn hồng thủy sắp đến sẽ nhấn chìm hết thảy!”.
Hai anh em làm theo lời chuột, chặt một thân cây tròn, khoét rỗng ruột rồi chui vào, đậy nắp trốn lũ. Ở một phiên bản khác, hai anh em làm một chiếc trống gỗ có nắp đậy bằng da. Sau một thời gian nước rút, trên hành tinh chỉ mình hai anh em sống sót. Một ngày nọ, hai anh em chia tay nhau, em gái đi về hướng nam tìm chồng, anh trai lên phương bắc tìm vợ và hẹn ngày tái ngộ. Hai người đi mãi nhưng không gặp một ai, đành quay về chỗ hẹn. Chim cúc-cu trên cành biết chuyện, giục hai anh em kết hôn để tái sinh loài người.
Một ngày nọ người anh đặt bẫy bắt được một con bồ câu. Chim nài nỉ nếu tha mạng sẽ tặng một hạt giống. Người anh nhận lời, mang hạt giống về trồng, sau phát triển thành đồng lúa. Dần dà, hai anh em thuần phục được voi, chó, mèo, gà và thuần dưỡng được nhiều loại cây trồng như chuối, mía, ngô, khoai v.v..
Bảy năm sau, người em có mang, nhưng điều kỳ lạ là đứa con cứ ở mãi trong dạ và biến thành một quả bầu tiên (bí/hồ lô). Sau khi sinh nở, hai người mang bào thai quả bầu đặt sau nhà và quên bẵng đi. Thỉnh thoảng họ nghe thấy những âm thanh lạ phát ra từ bên trong quả bầu. Người anh quyết định dùng chiếc gậy sắt nóng khoét một lỗ trên thân quả. Thế là lần lượt từ bên trong, người Lamet chui ra đầu tiên, tiếp đến là Ấn, người Kammu, người Thái, rồi người Shan, người Môn, người da trắng (phương Tây), người Trung Hoa v.v. cùng nối gót theo sau.
Image     Image
                    Quả bầu văn hóa                                                                      Phụ nữ Kammu  
Tất cả họ ban đầu đều không biết nói. Một ngày nọ một ông già thông thái xuất hiện, dạy mỗi người một thứ tiếng khác nhau. Rồi đến lúc họ học viết chữ, mỗi người một thứ chữ. Người Thái, người Lào, người Ấn, người Trung Hoa v.v.. vừa ăn vừa nghe giảng nên cuối cùng ai chũng có chữ viết. Người Kammu lúc ấy mải mê nấu ăn nên không nghe thấy lời thầy, đành chấp nhận lối sống không có văn tự. Đám người càng lúc càng không hiểu nhau, họ quyết định phân tán về tứ phía và hình thành nên vô vàn các cộng đồng dân tộc trên thế giới như hôm nay.
                                                      Image
                                                           Cổng làng của người Kammu 
Mô típ thần thoại hồng thủy với hai anh em sống sót sau đợt lũ lụt kinh hoàng tự phối hôn tái sinh nhân loại tương tự có thể tìm thấy trong văn hóa nhiều dân tộc khác như Miêu, Dao, Xá, Ji’nuo, Lahu, Lisu, Thái, Môn cùng nhiều dân tộc Đông Nam Á khác sống rải khác trên một vùng địa lý rộng lớn từ Nam Trung Hoa đến tận quần đảo Indonesia. Ở Việt Nam cũng có hàng trăm thần thoại tương tự được kể dọc chiều dài đất nước. Sự tương đồng về mặt nội dung giữa các câu chuyện gợi lên một kỷ niệm chung về những đợt biển lấn từ nhiều ngàn năm trước, cũng như gửi gắm một ý niệm về mối quan hệ thống nhất, đoàn kết giữa các dân tộc trong vùng.
Tài liệu tham khảo chính:
  1. Alan Dundes (1988) The flood myth, University of California Press.
  2. Damrong Tayanin (1994). Being Kammu: My Village, My Life. Ithaca, N.Y.: Cornell University
  3. David Adam Leeming, Margaret Adam Leeming (1994) creation myth, ABC-CLIO.
  4. Lindell, Kristina (1982). The Kammu Year: Its Lore and Music. London: Curzon Press.
  5. Lindell, Kristina (1984) Tribe Kammu of Northern Laos and Thailand: Folklore and Folkliterature. Taipei: Chinese Association for Folklore.
  6. Peter James, Nick Thorpe (1999), ancient mysteries, Ballantine Books.
  7. http://www.laoembassy.com/
  8. http://www.wtgonline.com/country/la/gen.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét