Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

LINH KIẾM KRIS TRONG VĂN HÓA ĐÔNG NAM Á HẢI ĐẢO


LINH KIẾM KRIS TRONG VĂN HÓA ĐÔNG NAM Á HẢI ĐẢO
Phan Anh Tú
                                                                                                                                                                 
   
    Kris hay Keris là tên gọi có nguồn gốc từ tiếng Java cổ, chỉ một loại đoản kiếm hộ thân của cư dân Mã Lai đa đảo. Ngoài công năng là một loại khí giới, Kris còn mang ý nghĩa tâm linh, được tin là sẽ mang lại điều may mắn, sức mạnh hay quyền lực cho những người lương thiện mang nó bên mình.
Image
Kris dạng lưỡi thẳng
Mỗi thanh Kris là tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà yếu tố thẩm mỹ được thể hiện rõ nét nhất là qua phần lưỡi, chuôi và vỏ. Lưỡi Kris thường có hình lượn sóng hay dạng thẳng, biểu trưng cho hình ảnh của rắn thần Naga đang di chuyển hoặc đang nằm yên. Bề mặt lưỡi Kris thường trang trí bằng một lớp vảy thép lấp lánh như hình da rắn. Biểu tượng voi thần Ganesa - vị thần mai mắn và hạnh phúc được thể hiện nơi chắn tay; còn chim thần Garuda thì được chạm khắc cách điệu trên cán cầm. Rắn, voi, chim đều là những sinh vật gần gủi, quen thuộc của vùng rừng nhiệt đới, được thần thoại hóa trong đạo Bà La Môn dưới ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ thời kỳ tiền Hồi giáo ở Đông Nam Á.
  Image
Kris dạng lưỡi hình rắn Naga và chắn tay hình đầu voi Ganesa
Có những loại Kris cực kì sắc bén. Một số thanh Kris được khảm ngọc, chạm vàng giành cho các vương tôn nhằm phô trương sự giàu sang, quyền lực hơn là mục đích tự vệ, do vậy mọi chi tiết thẩm mỹ tinh xảo đều tập trung vào phần chuôi và vỏ. Một số thanh Kris khác được giới tăng lữ dùng trong lễ nghi phép thuật trừ tà cầu phúc. Nhiều thanh Kris được tẩm thuốc độc trở thành thứ vũ khí nguy hiểm đối với kẻ địch.
Trong các loại khí giới truyền thống của người Nam Đảo, Kris là loại linh kiếm đóng vai trò quan trọng nhất trong đời sống tâm linh của cư dân. Nó được tìm thấy phổ biến tại nhiều nơi như Indonesia, Malaysia, Philipines, miền Nam Thái Lan, miền Trung Việt Nam và Đông Timor. Đặc biệt ở Indonesia, những thanh Kris nổi tiếng thường được sản xuất tại Sumatra, Java, Bali, … Ở Acceh (Indonesia) có loại dao găm cổ xưa rất nổi tiếng gọi là kris Modjopahid được dùng như vật trang trí cùng với bộ y phục truyền thống của nam giới. Khi sản xuất Kris, các nghệ nhân thường tìm cách biến đổi cho phù hợp với văn hóa bản địa của dân tộc mình. Thanh Kris của người Chăm ở vùng Ninh Thuận (Việt Nam) cũng có lưỡi xoắn nhưng được quan niệm là biểu trưng ngọn lửa của thần Shiva (thầnHủy diệt), có chuôi bằng kim loại chạm hình khỉ thần Hanuman đang trong tư thế ngồi bó gối, hai tay ôm lấy đầu, giống như kiểu tượng nhà mồ ở Tây Nguyên.
  Image
Thanh Kris Modjopahid, chuôi bằng vàng khảm ngọc
Người Moro theo đạo Hồi ở quần đảo Mindanao (Philippines) sử dụng Kris cùng với chiếc khiên đan bằng mây. Họ chế tạo Kris theo ba dạng chính: lưỡi thẳng hoặc hơi cong có chạm hình rắn Naga nằm ngủ; có loại thì phần lưỡi dáng gợn sóng (hình rắn đang bò); có loại thì lưỡi kết hợp một phần thẳng, một phần uốn cong hình sóng nước (hình rắn đang chuyển động từ trạng thái tĩnh sang động). Chuôi Kris chạm trổ hình đầu chim công hay chim chào mào với chiếc mỏ và chiếc mào dài hơn bình thường.
  Image
Quốc vương Malaysia, Mizan Zainal Abindin với thanh Kris dắt bên hông
Ngày nay, nhiều gia đình dòng tộc ở Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam (dân tộc Chăm) vẫn lưu giữ những thanh Kris - bảo vật do tổ tiên nhiều đời truyền lại, có khi chúng được phong tước hiệu, nhận được nhiều sự tôn kính do những chiến công vang lừng, và là niềm tự hào của chủ nhân. Kris còn tượng trưng cho địa vị đẳng cấp xã hội hoặc sức mạnh nam tính; có khi thanh Kris lại nằm trong danh sách lễ vật của các cuộc hôn nhân theo truyền thống. Người ta còn thấy chúng được giắt bên hông các chú rể Indonesia trong ngày cưới. Nổi bật hơn hết là Kris đang được dùng làm binh khí đối kháng trong bộ môn Penkak Silat - môn võ thuật cổ truyền của Indonesia, nay đã trở thành môn thi đấu thể thao chính trong SEAGAMES. Môn võ thuật này cũng chỉ mới du nhập vào Việt Nam. Chính giá trị thẩm mỹ và ý nghĩa tinh thần đã đưa thanh Kris trở thành một loại khí giới biểu trưng cho bản sắc văn hóa của cư dân Mã Lai đa đảo. Niềm tự hào này càng được nhân lên khi thanh Kris của Indonesia đã được UNESCO công nhận là một trong những Tuyệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vào năm 2005.
  (Đã đăng: Tuổi Trẻ cuối tuần tháng 2 năm 2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét