Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

VĂN HỌC PHẬT GIÁO CAMPUCHIA


VĂN HỌC  PHẬT GIÁO CAMPUCHIA

Vũ Tuyết Loan

1. Ngay từ đầu Công nguyên, các dân tộc ở Đông Nam Á đã đón nhận nền văn hoá Ấn Độ thông qua con đường truyền giáo và buôn bán.
 Văn hoá ấn Độ ảnh hưởng lan toả một cách rộng rãi trên phần lớn Đông Nam á. Ảnh hưởng này, nói theo Coèdes trong cuốn Lịch sử cổ đại các quốc gia ấn hoá Viễn Đông là : “Sự lan toả của một nền văn hoá có tổ chức, dựa trên quan niệm Hindu về vương quyền, được xác định đặc trưng bằng sự tôn thờ Hindu giáo và Phật giáo, hệ thần thoại Purânas, tin theo Dharmasâtras (Đạo Pháp) và lấy Sanskrit (Phạn ngữ) làm phương tiện diễn đạt”. (1)
 Văn học nghệ thuật khu vực này được xem như một dị bản của Ấn Độ. Dấu ấn Phật giáo trong văn học các nước đó rất rõ rệt. Riêng ở Campuchia, dấu ấn Phật giáo trong văn học lại càng đậm nét.
Đạo Phật ở Campuchia tồn tại song song hai trường phái: đạo Phật phái Tiểu thừa và đạo Phật phái Đại thừa.
 Phái Đại thừa xuất hiện vào cuối thế kỷ VIII ở Campuchia và các nước thuộc đế chế Khơme.
 Phái Tiểu thừa xuất hiện ở Campuchia ngay khi bắt đầu có đạo Bàlamôn, sau đó vào cuối thế kỷ XII, nó bị lu mờ bởi phái Đại thừa trở thành đạo của hoàng gia. Sang thế kỷ XIII, với sự thúc đẩy của Thái Lan, đạo Phật Tiểu thừa phát triển và trở thành tôn giáo chính của Campuchia, cũng giống như Lào, Thái Lan, Miến Điện và Xây Lan đều theo đạo Phật Tiểu thừa.
 2. Phật giáo là một thành tố hệ tư tưởng Campuchia đã để lại dấu ấn trong văn học nghệ thuật.
 Vậy thì có thể có một dòng văn học Phật giáo có con đường riêng của mình nằm trong suốt lịch trình văn học Campuchia hay không? Và nếu có thì căn cứ vào tiêu chí nào để khu biệt nó với các dòng văn học khác? Vấn đề này cho đến nay vẫn còn chưa được bàn  giải kỹ càng. Nhưng thực ra vẫn có một bộ phận trong nền văn học Campuchia mang đậm dấu ấn của tư tưởng triết học Phật giáo. Xem xét bộ phận văn học này có thể nhận thấy khá rõ Phật giáo đã được đi vào văn thơ theo ba mạch:
 Mạch thứ nhất là những tác phẩm trực tiếp bàn giải về triết học, về lý thuyết Phật giáo; mạch thứ hai là những khái niệm, những nội dung triết học sâu sắc của đạo Phật như những gợi ý, những luồng ánh sáng tiếp dẫn giúp cho thi sĩ Campuchia cảm hứng sáng tác văn học; mạch thứ ba là các tác phẩm mượn vỏ tôn giáo song tuyệt nhiên không mang nội dung Phật giáo. Và như vậy, mỗi mạch tác phẩm đều có đối tượng, nội dung, thủ pháp nghệ thuật riêng.
 Phật giáo tuy được đi vào văn thơ theo ba mạch nhưng một điều chắc chắn là văn học Phật giáo Campuchia là một đại hoà đồng, đại hỗn dung của tư tưởng Phật giáo với tư tưởng ấn giáo, tư tưởng Phật giáo với tư tưởng phồn thực, với các thuật phù thuỷ và các lễ nghi ma thuật, tư tưởng Phật giáo của các Tông. ảnh hưởng đó đi vào văn thơ rất phong phú và phức tạp.
 3. Mạch tác phẩm thứ nhất xuất hiện và đạt tới sự phồn thịnh
 Từ khoảng thế kỷ XV trở đi, ở các tác phẩm đó các tác giả bàn cãi, thuyết giảng về những nguyên lý căn bản của triết học Phật giáo, và phần lớn có tính chất vũ trụ quan. Khác với đạo Phật Đại thừa(2) là sự tận tuỵ với Bodhisatv Lokecvara hay Avolokitecvara, đạo Phật Tiểu thừa (3) để sang một bên mọi sự trừu tượng. Nó là sự thông thái và đạo đức. Cả cuộc đời của người Campuchia thấm nhuần học thuyết này, họ rất  mộ đạo và thành tâm .
 Học thuyết căn bản của đạo Phật bao hàm bốn chân lý thánh thần. Trong lời thuyết pháp Binares, Đức Phật đưa ra “tính phổ biến của đau khổ, nguồn gốc của đau khổ, sự gạt bỏ đau khổ và con đường đưa đến sự gạt bỏ đau khổ”(4).
 Trên bình diện đạo đức, đời sống của mọi vật chịu tác động của luật nhân quả (Karma) nghĩa là của hành động.
 Đạo Phật Tiểu thừa tin rằng tất cả đàn ông và tất cả đàn bà đều bình đẳng. Mỗi con người phải chịu trách nhiệm về chính hành động của mình. Không có sự tha thứ cho những ngu xuẩn dốt nát.Mọi cá nhân phải khôn ngoan trong việc sử dụng lý trí trước khi hành động.
 Học thuyết tinh thần thuần tuý của đạo Phật ở Campuchia, lúc đầu chỉ là một triết lý, về sau đã trở thành một tôn giáo và có mầu sắc tình cảm, làm cho Đức Phật trở thành một vị thánh để người ta cầu nguyện. Mặt khác, đạo Phật cũng trở thành một sức mạnh, một phép chữa bệnh, nghĩa là nó tiếp nhận một loạt các sự mê tín và những phương thức chống lại cái xấu.
 Đạo Phật ở Campuchia là một tôn giáo hợp lý có một triết học mạch lạc, không bao giờ thúc đẩy bạo lực, kích thích dục vọng. Các sắc luật thiêng liêng trình bày đạo lý Phật giáo nhấn mạnh vào lòng từ bi và sự nhẫn nhục. Đạo Phật Tiểu thừa chủ trương an phận tự giác, từ bi bác ái, chú trọng đến giới quy (những điều răn cấm) đối với bậc tu hành.
 Những khái niệm  như Vô minh, mối tương quan giữa Phật và bản ngã; những quan niệm Phật giáo về hữu vô, về luân hồi quả báo, về vũ trụ khai tịch luận của đạo Phật nhằm làm sáng tỏ triết học Phật giáo, hoặc gợi mở cho những tín đồ đạt tới sự giác ngộ. Có thể lấy sách Tripitaka, sách Traiphum; chuyện Lokaneyyajataka (1754) và chuyện Ponha Sarak Seraksa (1798) của Ôcnha Khleng Nong làm dẫn chứng.
 Sách Tripitaka (ba chiếc giỏ) là một cuốn sách Kinh điển, tác phẩm đã làm sáng tỏ triết học Phật giáo, nó trình bày ba khúc của giáo pháp nhà Phật: (i) Giới luật; (ii) Những câu kinh kệ (để tụng niệm); (iii) Phần siêu hình.
 Về giới luật: khi ở chùa các nhà sư phải trì thập giới, khi hoàn tục phải trì ngũ giới. Tuy nhiên, lời thề thiêng liêng giữ sự trong sạch về tình dục thì hầu như không bao giờ bị phá vỡ (5) .
 Traiphum là một tác phẩm bao quát những tư liệu về các quan điểm tôn giáo, triết lý và khoa học của các tín đồ đạo Phật. Cuốn sách trình bày có hệ thống giáo lý của đạo Phật, là cơ sở sự hình thành thế giới  quan trung đại của người dân Campuchia. Mục đích của Traiphum là khuyến khích con người sống phù hợp với lý tưởng của đạo Phật, tránh điều ác, làm điều thiện… Xu hướng đạo lý rõ ràng của Traiphum không phải là kết cấu của sự suy xét sâu xa của tác giả về đạo Phật, mà là sự phản ánh những tâm trạng yếm thế chung điển hình cho đạo Phật ở 15 thế kỷ đầu sau Công nguyên, khi bắt đầu xuất hiện vô số các giáo phái và khuynh hướng khác nhau, và đạo Phật không còn là một học thuyết nhất quán nữa.
 Lokaneyyajataka (nhập môn vào nguồn gốc những cuộc đời của Phật) là tác phẩm nhằm đề cao lý tưởng Phật giáo. Đây là tác phẩm của Prê Khleng Nong- nhà thơ nổi tiếng dưới triều vua Ang En và Ang Đuông. Ông là một nhà sư, trông coi một ngôi chùa ở kinh đô Uđông và giữ một vai trò quan trọng về chính trị và hành chính, Nong viết rất nhiều, phần lớn những tác phẩm của ông đều bắt nguồn từ Kinh Phật (Dhamma Sutra), từ những bài văn giáo quy  Phật giáo, từ những Jataka (lịch sử cuộc đời của Phật). Năm 1798, Nong viết tác phẩm Chuyện Ponha Sarak Seraksa (Phunnã sara sira sâ) mục đích khuyên răn con người tìm ý nghĩa cuộc sống trong Phunnã, nghĩa là trong tư cách đạo đức và trong những việc làm tốt.
 Ngoài ra trong mạch tác phẩm thứ nhất này còn phải kể đến Dasajataka (mười cuộc đời trước của Phật) gồm những tác phẩm có tên sauLi)- Temiyajataka; (ii)- Jannakajataka; (iii)- Suvanna samajataka; (iv)- Nemiraja jataka; (v)- Mahosatha jataka; (vi)- Bhuradattajataka; (vii)- Candakumajataka; (viii)- Naradajataka; (ix)- Vidhurajataka; (x)- Vessantarajataka.
 Những tác phẩm bình giảng lý thuyết Phật giáo kể trên mới chính là văn học Phật giáo, thuần tuý bàn về giáo lý và tu hành. Đây là những tác phẩm triết học hay tôn giáo học thuộc phạm trù Kinh và Lục của Phật giáo.
 4. Mạch tác phẩm thứ hai cũng bắt đầu từ rất sớm, ngay từ thời Angco.
 Các nhà văn, nhà thơ Khơme tìm cảm hứng trong triết học đạo Phật, xây dựng những nhân vật có tính người sâu sắc bị đưa đẩy vào những cuộc thăng trầm vô tận gây nên bởi những việc làm của họ từ kiếp trước. Những câu chuyện về các kiếp của Đức Phật (Jataka) đã trở thành nguồn đề tài quan trọng của văn học. Một mặt các mẩu chuyện trong Jataka (6) thường được dùng làm cái cốt cho những sáng tạo mới. Mặt khác, có hiện tượng nhiều tác phẩm không lấy từ Jataka nhưng  bắt chước dáng dấp của kiểu chuyện này: nhân vật chính diện trong truyện là hiện thân của Phật Tổ.
Cho nên văn thơ ở mạch tác phẩm thứ hai này nhiều lúc chỉ làm việc minh hoạ đơn giản cho giáo lý nhà chùa, bởi lẽ quan niệm nghiệp căn (Karma) của Phật giáo chi phối hầu hết các tình tiết cốt truyện.
 Truyện Vessandor kể về đời Đức Phật vào trước kiếp sinh cuối cùng dưới trần thế, trước khi ngài giác ngộ thành Phật. Kiếp này gọi là Kiếp sinh lớn (tiếng Pali: Maha Jati). Truyện hoàng tử Vessandor đã hoàn thành sứ mệnh cuối cùng của mình dưới trần thế với tư cách là một Bồ Tát- một người sắp trở thành Phật, tức là tự mình chuẩn bị giác ngộ ở kiếp sinh cuối cùng dưới trần thế. Do đó, cuộc đời của hoàng tử là một lý tưởng cho lòng tin. Nhân dân thích nghe về cuộc đời của ông, vì lòng hỉ xả cao cả của hoàng tử đã làm  cho họ xúc động sâu sắc. Vessandor là một truyện rất phổ biến trên khắp lục địa Đông Nam Á, nó ảnh hưởng lớn lao đến cuộc sống của đông đảo  quần chúng. Vessandor đóng một vai trò chủ đạo trong lịch sử văn viết Phật giáo Campuchia (cả bằng tiếng Khơme lẫn tiếng Pali), bởi vì câu chuyện chứa đựng những cách mô tả hóm hỉnh và đẹp đẽ, nó trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà thơ và nghệ sĩ Campuchia. Bản dịch đầu tiên tác phẩm này ra ngôn ngữ văn học Khơme có lẽ vào khoảng thế kỷ XIX do vua Ang Đuông viết năm 1837.
 Pannansa Jataka (50 Jataka) xuất hiện ở Campuchia vào đầu thế kỷ XVIII và đã thâm nhập nhanh chóng vào nền văn học dân tộc, trở thành nguồn cảm hứng lớn đối với truyện thơ Campuchia. Khác với tác phẩm Phôcaculcộma (1804) của Prê Khleng Nong bàn về Tam thiên thi Phật giáo, về quan niệm Nghiệp Căn;  khác với tác phẩm Cơrông Xôphẹ Mứt (7) (Krum  Subhamitr – 1798) của Kossa Thippađây Kao trình bày một trong nhiều kiếp sống khác nhau của Đức Phật; trong truyện Môranăc Miada (8)  (1877) của nhà sư Prê Thom Panha Uc thì không đả động gì đến Bồ Tát, tuy nhiên ảnh hưởng của Phật giáo ở đây là luật nhân quả ngấm ngầm tham gia vào để chi phối sự diễn tiến của câu chuyện. Cái phong vị thiên về bi kịch, về phiêu lưu tình ái, về cái kỳ ảo đã thực sự tạo nên cái mạch quán xuyến câu chuyện.
 Một tác giả khác cũng rất quan tâm đến đề tài Bồ Tát là Phiêcđây Acsa Tân với tác phẩm Truyện Sabba Siddhi (1899) gợi lại một kiếp sống rất quen biết của Phật khi còn là Bồ Tát. Phật đã trải qua rất nhiều kiếp sống, trong đó có một kiếp “Cheap Kabbas” (loài chim sẻ Aegithinatiphia) trong một khu rừng cùng với con sẻ cái. Trong một tai nạn cháy rừng, đàn con bị chết, chim cái khóc lóc và trách mắng chim đực chỉ vì mải la đà với chim cái khác mà để tai hoạ xảy ra. Chim đực giải thích hết lẽ nhưng chim cái vẫn không nghe. Chim cái quyết định tự sát và thề rằng khi nào tái sinh nhất định sẽ không nói một lời với bất kỳ người đàn ông nào. Chim đực cũng quyết định tự sát và mong gặp lại chim cái ở kiếp sau. Sau khi chết, chim cái đầu thai thành công chúa con vua; nàng vô cùng xinh đẹp, nhưng từ khi sinh ra nàng không nói với người đàn ông nào , kể cả vua cha. Vua lo lắng, cho truyền khắp nước rằng, nếu người đàn ông nào nói chuyện được với công chúa thì người ấy sẽ được lấy nàng làm vợ.
 Chim sẻ đực, sau khi chết, đầu thai thành con trai một gia đình giàu có, lấy tên là Sabba Siddhi. Chàng học được phép ảo thuật, có thể hoá thân vào đồ vật, loài vật và người (chẳng kể người hoặc vật đó sống hay chết). Đáp lời truyền gọi của vua, chàng vào cung, với phép ảo thuật của mình, chàng đã nói chuyện được với công chúa và được lấy nàng làm vợ. Vua phong cho chàng chức tể tướng (Obbarach).
 Chủ đích của Phiêcđây Acsa Tân là muốn phản ánh một kiếp của Phật khi Phật còn là Bồ Tát, nhưng ảo thuật đã đóng vai trò quan trọng trong diễn tiến câu chuyện. Vậy mà, theo luật tái sinh thì việc sản sinh có điều kiện (paticcasa muppada) một thứ “ý chí luận” dựa trên sức mạnh của ảo thuật, là trái với các nguyên lý của trí tuệ nhà Phật. Dù thông minh, Sabba Siddhi cũng không thể làm cho công chúa Sovannkêssa nói nếu không có sự trợ giúp của ảo thuật. Sự hoá thân của hai linh hồn ấy rồi sự gặp gỡ nhau, rồi sự tái hợp (Tái + Hợp) của họ dưới một mái nhà, minh hoạ triết lý luân hồi của đạo Phật, cụ thể hoá  dưới hình thức một khái niệm rất phổ biến về “lứa đôi tiền định”. Người Khơme thường bị thuyết phục bởi triết lý này, nghĩa là mọi việc đều được định trước cả. Tâm lý của người Khơme không “Âu hoá” và không “Macxit”, nó bị chi phối bởi cái mà người ta gọi là “Chủ nghĩa định mệnh có ý thức” (9) .
Có thể coi thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX là một giai đoạn văn học riêng mà ở đó tính nhân bản nổi trội lên như một nét đặc sắc nhất. Tạo nên nét đặc sắc này có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó tư tưởng Phật giáo  với những triết lý về nhân sinh, về vũ trụ đóng góp một phần quan trọng. Có thể nói Bo Tum Thêrát Xom là tác giả đầu tiên trong văn học Campuchia (cuối thế kỷ XIX- đầu XX) đã có một phần sáng tạo liên quan đến những cảm hứng bắt nguồn từ triết lý Phật giáo. Trong tác phẩm Truyện Tum Tiêu (10), ông đã cảm nhận nỗi đau thân phận con người qua những triết lý về Nghiệp Căn Quả Báo. Ông đã quan tâm và đề cập đến nỗi khổ đau của con người với tư cách là một cá thể. Ông đã mở ra một hướng mới, mà về sau, từ thế kỷ XX văn học sẽ tiếp nối với những “gam màu” đậm hơn, nhức nhối hơn.
 Ngọn gió từ bi thổi qua vườn văn học Campuchia thấm nhuần trong các tác phẩm, lấy Phật giáo làm tư tưởng chủ đạo. Truyện Tum Tiêu là một minh chứng rõ nét cho điều đó.
 “Cửa Phật từ bi” xuất hiện trong Truyện Tum Tiêu thông qua hình tượng sư thầy chùa Prêh Vihia Thôm, thông qua những cảm xúc, tư duy của Tum(11)  và những ý tưởng răn dạy của bản thân tác giả. Tác giả đã dùng chữ Nghiệp của nhà Phật để giải thích căn nguyên nỗi khổ đời Tum. Trong Truyện Tum Tiêu có thể bắt gặp thứ triết lý Nghiệp báo, Quả báo có mầu sắc siêu hình của triết lý Phật giáo.
 Tum đã phạm vào thuyết “diệt dục” của nhà Phật. Phật giáo khuyên con người không nên chạy theo công danh phú quý, chạy theo tình dục. Rơi vào những khát vọng mong muốn có nghĩa là rơi vào bể khổ. Tác  giả Bô Tum Thêrát Xom cũng không thoát ra khỏi con đường triết luận về “bể khổ của nhà Phật”.
 Khi nói về căn nguyên đã đưa đến thân thế trầm luân của Tum :
                  Cửa Phật rộng lòng thầy chẳng hẹp ?
                 Đã đi tu sao chẳng đuôi đầu ?
                 Khoác áo Phật là không giới tính
                 Nay con đà nặng nỗi trần ai(12) .
 Lời quở mắng của sư thầy và lời tiên đoán về số phận của Tum đã báo trước một điều gở, một sự trừng phạt đối với con người chạy theo cám dỗ!
 Con người trong cách nhìn nhận của Bô Tum Thêrát Xom là bị đày đoạ trong cõi trần và mang theo suốt cuộc đời nỗi đau khổ nghiệp chướng. Nó sẽ được giải thoát khi đến với triết học Phật giáo. Nghĩa là, khi sống họ chìm nổi trong “bể khổ”, và khi chết họ được về cõi vĩnh hằng. Tum và Tiêu, hai nhân vật chính của Truyện Tum Tiêu trước khi chết, đã cầu nguyện Tam Bảo (13)  phù hộ cho họ được lên cõi Thiên Đàng.
 Phật giáo yêu cầu tín đồ phải khắc phục Tham, Sân, Si thì Bô Tum Thêrát Xom chấp nhận sự “nổi giận” của Tum.
 Tum, một chàng trai thông minh, khôi ngô, có tài, dù đã được nghe thuyết giáo về Nghiệp, về Tâm, vẫn không tìm được sự giải thoát khi quy y đầu Phật. Những ngày “nương náu” nơi cửa Phật đối với chàng chỉ là vô vọng. Cuộc đời tu hành đơn điệu, buồn bã, giam hãm chí trai trong cảnh chùa nghiêm nghị và thanh bạch với những điều răn của Phật giáo đã làm cho Tum không sao chịu đựng được, chàng chỉ muốn hoàn tục vì nhớ người yêu.
 Bô Tum Thêrát Xom tự trói buộc trong giới luật nhà chùa, tu được quả phúc, cho đến tận lúc qua đời ông vẫn là một nhà sư. Câu chuyện ông viết ra mang ý đồ răn dạy của Phật giáo, ông nói đến Nghiệp chướng, Thiện căn, Tam bảo, Luân hồi quả báo, Kiếp sau….nhằm làm rõ thêm những nỗi khổ đau, bất trắc của mọi số phận. Con người tìm đến cửa Phật không phải với tư thế tích cực, chủ động “Kiến tín thành Phật”, mà là tìm đến một đấng siêu phàm để cầu xin sự cứu rỗi, để tìm đến sự thoát ly dù đó chính là điều không thể đạt được. ý nghĩa khách quan của tác phẩm đã vượt ra ngoài ý đồ của tác giả.
 Có thể nói, Bô Tum Thêrát Xom đã phát hiện ra con người với sự phong phú của bản sắc cá nhân song từ “những điều trông thấy” của hiện thực đời sống, ông lại càng nhận ra một điều khác: những tài hoa, những bản lĩnh cứng cỏi không được thể chế xã hội chấp nhận. Họ, hoặc là từ bỏ cái “tôi” bướng bỉnh biết ý thức về mình, hoặc suốt đời chịu khổ đau, đầy đoạ. Con người trẻ đẹp, tài hoa thuở ấy chưa tìm ra lối thoát kể cả việc tìm đến cửa Phật.
 Tư tưởng Phật giáo đi vào văn học thế kỷ XVIII- đầu XIX chủ yếu theo mạch cảm hứng thứ hai. ở mạch cảm hứng này, tư tưởng triết lý và giáo lý đạo Phật được cảm nhận dưới dạng thức cụ thể của đời sống hiện thực. Vì thế những khái niệm  triết học khô khan, trừu tượng, khó hiểu của đạo Phật đã trở nên gắn bó gần gũi với những niềm vui trần thế và được minh chứng bằng những biến cố, sự việc thường nhật của cuộc đời. Mạch tác phẩm này do vậy nhạt chất triết lý mà đậm chất trữ tình. Và cũng chính vì vậy, chúng có đời sống bền lâu trong thời gian và ảnh hưởng rộng lớn trong quần chúng. Một điều chắc chắn rằng tư tưởng triết học Phật giáo đã góp một phần quan trọng làm nên giá trị bất tử của những tác phẩm này, đặc biệt là tác phẩm nổi tiếng Tum Tiêu.
 5. Mạch tác phẩm thứ ba là những tác phẩm mang vỏ tôn giáo nhưng tuyệt nhiên không mang nội dung Phật giáo.
 Có thể lấy tác phẩm Nàng Ca Cây (1815) của vua Ang Đuong ; Truyện Hans Yant (Thiên nga bằng máy); Truyện Chau Sratốp Chek (Người tự trang điểm bằng những bẹ lá chuối) của Yos Nghin sáng tác làm minh chứng.
 Truyện thơ Nàng Ca Cây lấy đề tài từ trong Jataka. Nhưng câu chuyện về người vợ phản bội trong Nàng Ca Cây không giống như trong Jataka. Những nhân vật mượn ở Jataka tuy rõ ràng cũng phản ánh tấn kịch con người, nhưng phần nhiều là vua, là hoàng tử, là thần thánh bị truất giáng. Những truyện như Chàng Rôthisen và Nàng Koongrê; Sudhanna Kumara; Cơrông Xôphẹ Mứt; Phôcaculcộma….chỉ để minh chứng “bằng mọi giá” triết lý nhân quả của Phật giáo. Còn truyện Nàng Ca Cây lại là một tấn kịch tâm lý, miêu tả tình yêu đắm say muôn thuở. Các nhà văn Khơme, cũng như công chúng của họ, rất thích những cái cụ thể, hiện thực. Sau khi “thổi” tính người vào tính thần kỳ , hay ngược lại, sau khi trộn lẫn ảo thuật vào triết lý nhà Phật, sau khi tạo ra những nhân vật và những vị nửa thần nửa người để ném họ vào tấn kịch con người trong cái kỳ ảo kề bên cái hiện thực, các nhà văn Khơme thế kỷ XIX đã làm cho thơ Khơme bước từ trên trời xuống! Hơn nữa công chúng Khơme rất coi trọng đời sống tâm linh, họ mệt vì những biến cố của các đế vương, sự sa sút của các ông hoàng, những cảnh nên thơ của cái kỳ ảo, những cái đó không phải là thế giới của họ, nên họ quay ngay về tấn kịch con người nạn nhân của chính mình, bị bỏ rơi không phương cứu chữa trong sự cô quạnh của cuộc sống hàng ngày và phải đương đầu với những thành kiến xã hội. Vì vậy, truyện Nàng Ca Cây – kẻ không chung thuỷ- được công chúng Khơme đặc biệt chú ý. Sự không chung thuỷ của nàng Ca Cây, bị tác giả lên án nghiêm khắc, chỉ là tấn kịch của một người đàn bà không thích nổi với sự tồi tệ của vương triều. Đó cũng là tấn kịch muôn thuở, trong thời gian và trong không gian. Garuđa, người yêu của nàng Ca Cây, phải chăng là biểu tượng, là sự thể hiện những chàng trai cường tráng, đầy sinh lực, được đàn bà ưa thích. Dù sao, nhân danh luân lý, thi phẩm đó vẫn là lời trừng giới, lời răn đe đối với những phụ nữ Khơme giàu dục tình và ảo tưởng.
Truyện Nàng Ca Cây mượn vỏ tôn giáo nói về cuộc sống thực, chứng tỏ truyện thơ Khơme đã bắt đầu loé lên nhu cầu thể hiện tình cảm của con người cận hiện đại.
 Truyện thơ nổi tiếng Chau Sratôp Chek của Yos Nghin là tác phẩm được công chúng Khơme thích thú.
 Truyện thơ Chau Sratôp Chek  xứng đáng được hưởng sự chú ý đặc biệt. Theo giáo sư Vandy Kaonn nhận định: Đứng về mặt quan điểm xã hội học, tác phẩm này là một trường hợp nghiên cứu rất lý thú về những “biểu hiện tập thể” ở người Khơme. Những biểu tượng thường thay thế cho những tích trò ca kịch, không những diễn tả một thế giới trong đó cái kỳ diệu và ảo thuật trộn lẫn với nhau, mà còn diễn tả, nhất là diễn tả tâm lý công chúng Khơme.
 Theo Viện Phật học Phnôm Pênh cho biết thì truyện Chau Sratôp Chek không tìm thấy ở trong Mười Jataka và cũng không có ở trong Năm mươi Jataka, mặc dầu tác giả nói rằng nhà thông thái Mao kể lại cho ông nghe câu chuyện này là ở Tukanipatra.
 Những truyện thuộc mạch tác phẩm thứ ba này hầu như đã biến dạng hoàn toàn (Pram ray Jataka). Đề tài chủ yếu của những tác phẩm như Chuyện Hans Yant (Thiên nga bằng máy), Chuyện Kyah Sankh (ốc biển) viết năm 1729 là những tác phẩm nói đến sự phiêu lưu, tuy nhiên luật Karma vẫn ngấm ngầm chi phối diễn tiến của câu chuyện.
 Có thể nói, các nhà văn nhà thơ Khơme chịu ảnh hưởng Phật giáo đều muốn làm rõ luật Nhân  Quả nhằm giúp người dân Campuchia hiểu được con đường giải thoát để họ tránh được mọi đau khổ. Và mục đích tối cao của Đạo Phật là đạt đến Nirvàna, sự tận diệt hoàn toàn. Các nhà văn nhà thơ Khơme cũng muốn nhấn mạnh rằng, trên cơ sở đạo đức Phật giáo, người ta có thể xây dựng một xã hội hoà bình, sung sướng, đầy lòng nhân ái và sự tin cậy. Họ cũng muốn củng cố hơn nữa đức tin vào đạo Phật, mà theo đó thì tất cả các hành động bạo lực đều hoàn toàn bị bác bỏ. Và kẻ ác sẽ bị trừng trị dưới địa ngục trong các cuộc đời sau của chúng.
 Nhìn chung lại, ba mạch cảm hứng trong dòng văn học mang đậm dấu ấn Phật giáo có những đặc điểm và thành tựu khác nhau. Mỗi mạch cảm hứng, dù thiên về triết lý cao thâm hay cuộc sống đời thường đều có những phần, những tác phẩm đạt đến độ sâu sắc, có thể xếp vào hàng danh tác. Điều đó chứng tỏ Phật giáo đã trở thành một thành tố tâm hồn Campuchia, tự nó không tồn tại độc tôn, không hình thành một dòng văn thơ riêng biệt dù trong  một giai đoạn hay suốt chiều dài lịch sử văn học Campuchia. Tư tưởng từ bi bác ái, phi danh lợi, đầy tính nhân bản của Phật giáo đã thổi một làn gió làm dịu bớt tư tưởng khoa trương thái quá của Ấn Độ giáo (Hindouisme)./.
Chú thích:
(1) G.Coèdes- Histoire ancienne des Etats Hindouises d’Etrême-OrientHà Nội, 1994, trang 19.
(2) Đạo Phật Đại thừa còn gọi là Mahayana.
(3) Đạo Phật Tiểu thừa  gọi là Hinayana, hay  còn gọi là Theravada.
(4) H. Arvon, Le Bouddhisme, Paris, Col, Que sais-je ? Puf, 1951, P.35.
(5) Các truyện dân gian Campuchia chỉ đả kích sự tham lam và phóng túng của các sư sãi chứ không nói gì đến những điều thái quá về  quan hệ nam nữ. Ngay cả các vị sư lừa gạt nổi tiếng cũng rất tôn trọng lời thề này.
(6) Jataka  gồm có 547 truyện. Đó là cả một kho tàng văn hoá dân gian và sản phẩm văn học của ấn Độ.
(7) Cơrông Xôphẹ Mứt là Jataka có tên là Subhammitta
(8) Truyện Môranăc Miada giống truyện Tấm Cám của Việt Nam.
(9) Vandy Kaonn: Reflexions sur la litterature Khmer, Phnôm Pênh, 1981.
(10)Truyện Tum Tiêu, Viện Phật học Phnôm Pênh, 1972.
(11) Tum- nhân vật chính trong tác phẩm Truyện Tum Tiêu.
(12) Tum Tiêu. Phùng Huy Thịnh dịch, Vũ Tuyết Loan giới thiệu. Nxb. Khoa học xã hội, H, 1987, tr.31.
(13) Đạo Phật có ba ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp ,Tăng. Trong đó Tăng và Pháp được chú trọng hơn. Trong Pháp nhà Phật (dhamma), có ba bộ phận Tam Pháp Bảo: Kinh, Luận, Luật , thì Luận được chú trọng nhất đối với tầng lớp trên, còn dân chúng chỉ chú ý đến Luật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét