Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Tình hình ASEAN


Tình hình ASEAN

Tại Cấp cao ASEAN 14 (Thái Lan, 28/2-1/3/2009), Lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua Tuyên bố Cha-Am Hua Hin về Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (giai đoạn 2009-2015), kèm theo là các Kế hoạch Tổng thể xây dựng 3 Cộng đồng: Chính trị-An ninh ASEAN (APSC), Kinh tế (AEC), Văn hóa-Xã hội (ASCC ) và Kế hoạch Công tác IAI về Thu hẹp khoảng cách phát triển giai đoạn II.  Các Kế hoạch này đề ra bước đi và lộ trình cụ thể, tạo khuôn khổ cho quá trình xây dựng Cộng đồng của ASEAN từ nay đến 2015.
ASEAN hiện đang tập trung nỗ lực triển khai các Kế hoạch này. Từng trụ cột Cộng đồng đã có những hoạt động triển khai cụ thể, như xác định các lĩnh vực ưu tiên, kế hoạch tuyên truyền-quảng bá, lập biểu đánh giá thực hiện… song tiến độ còn chậm, chưa có sự phối hợp đồng bộ và thiếu hụt nguồn lực.

1.Về trụ cột Cộng đồng Chính trị-an ninh:
Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh đã họp hai phiên (tháng 4 và 7/2009), và đã thống nhất về các phương hướng, lĩnh vực ưu tiên trong triển
khai Kế hoạch tổng thể APSC; trong đó có phấn đấu đưa Cơ quan Nhân quyền ASEAN đi vào hoạt động trong năm 2009, tiếp tục thúc đẩy các nước ngoài ASEAN tham gia TAC, tăng cường hợp tác cứu trợ thiên tai và nâng cao vai trò của TTK ASEAN trong lĩnh vực này, tăng cường hợp tác chống buôn bán người.
Tại Cuộc họp thứ 2 của Hội đồng APSC (Phu ket, Thái Lan tháng 7/2009), các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã thông qua Quy chế hoạt động (ROP) của Hội đồng, tạo cơ sở để Hội đồng hoạt động hiệu quả hơn; đồng thời xác định 11 lĩnh vực ưu tiên triển khai trong Kế hoạch tổng thể APSC, trong đó có triển khai DOC, thực hiện IAI… Tới nay, một số hoạt động đã đạt tiến triển tích cực như: các Ngoại trưởng thông qua Quy chế hoạt động của Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), dự kiến Lãnh đạo ASEAN sẽ ra Tuyên bố thành lập AICHR tại Cấp cao 15; Với các nước đối tác, Mỹ đã tham gia TAC, EU/EC đang hoàn tất thủ tục pháp lý để gia nhập TAC.
Ngoài ra, Hội đồng APSC cũng đã xây dựng Kế hoạch tuyên truyền-quảng bá; biểu đánh giá thực hiện cho trụ cột này để thống nhất với 2 trụ cột AEC và ASCC.

2. Về trụ cột Cộng đồng Kinh tế:
Kế hoạch tổng thể AEC được thông qua tại HNCC ASEAN-13 (Singapore, 11/2007) với các phụ lục kèm theo gồm: (i) Kế hoạch Tổng thể xây dựng AEC (AEC Blueprint) và (ii) Lộ trình Chiến lược Xây dựng AEC (Strategic Schedule for AEC); xác định quy mô, cơ chế và lộ trình thực hiện AEC.
ASEAN đang hoàn thiện Biểu đánh giá thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) để đánh giá tiến độ và chất lượng thực hiện mục tiêu xây dựng AEC vào năm 2015. Biểu đánh giá AEC có nội dung bao quát toàn bộ các lĩnh vực hợp tác kinh tế-thương mại và là một trong những công cụ để Hội đồng AEC thực hiện chức năng điều phối, giám sát và đôn đốc các cơ quan trực thuộc trong nhiều lĩnh vực.
Cho đến nay một số Hiệp định Kinh tế nội khối quan trọng cũng đã được ký kết, bao gồm: Hiệp định Thương mại Hàng hoá ASEAN (ATIGA); Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA); Nghị định thư thực hiện Gói cam kết thứ 7 về dịch vụ trong khuôn khổ Hiệp định khung về Dịch vụ (AFAS). Với các đối tác bên ngoài, ASEAN đã ký Hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN - Úc - Niu Di-lân (AANZFTA) (tháng 2/2009); Hiệp định Đầu tư ASEAN-Hàn Quốc (CC Kỷ niệm ASEAN-Hàn Quốc, 6/2009); kết thúc đàm phán và ký Hiệp định Thương mại Hàng hoá ASEAN - Ấn Độ (AITIG) vào tháng 08/2009.

3. Về trụ cột Cộng đồng Văn hóa-xã hội:
Kế hoạch Tổng thể ASCC gồm 6 đặc tính (Phát triển con người, Phúc lợi và bảo hiểm xã hội; Các quyền và bình đẳng xã hội; Đảm bảo môi trường bền vững: Tạo dựng bản sắc ASEAN và Thu hẹp khoảng cách phát triển) và 40 thành tố cùng với 340 biện pháp cần được thực hiện trong giai đoạn 2009-2015.
Tại Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng ASCC ( Bangkok, 23-24/8/2009), các Bộ trưởng đã  thông qua Quy chế hoạt động của cộng đồng văn hoá xã hội và xác định những lĩnh vực ưu tiên triển khai thực hiện trong cộng đồng văn hoá xã hội ASEAN bao gồm: Giáo dục; Tác động xã hội của khủng hoảng tài chính toàn cầu, thúc đẩy bản sắc văn hoá ASEAN và một số lĩnh vực khác như phòng chống dịch bệnh, Biến đổi khí hậu, phòng chống ma túy…Theo kế hoạch, Kế hoạch Truyền thông ASCC sẽ được thông qua vào kỳ hợp ASCC lần thứ hai.
Kể từ khi Kế hoạch tổng thể ASCC được thông qua ( 3/2009), đã có 32 dự án mới đã được thông qua và đang trong quá trình triển khai với sự tài trợ từ các nước đối thoại; 28 dự án mới khác đang tìm nguồn tài trợ.
Việc triển khai Kế hoạch tổng thể ASCC gặp nhiều thách thức: thiếu nguồn lực; thiếu cơ chế phối hợp; nhiều hoạt động dàn trải, trùng lắp; thiếu cơ chế xác định các lĩnh vực ưu tiên. Do đó, để đẩy nhanh việc triển khai, cần tăng cường cơ chế điều phối; tổng hợp nguồn lực cả về mặt tài chính và nhân lực từ các cơ quan trong và ngoài cộng đồng; xác định các vấn đề lồng ghép và đan xen;  xác định các lĩnh vực ưu tiên…

4. Về Kế hoạch Công tác IAI giai đoạn 2:
Kế hoạch công tác IAI giai đoạn 2 (2009-2015) gồm 181 biện pháp cụ thể, gắn với các biện pháp hợp tác của các Kế hoạch tổng thể thực hiện Cộng đồng Kinh tế, Văn hóa-Xã hội và Chính trị-An ninh và các Lĩnh vực chung. Tại cuộc họp Nhóm Đặc trách về IAI (IAI Task Force) đã họp để bàn việc triển khai Kế hoạch công tác IAI, nhất là về điều chỉnh tổ chức, xây dựng dự án và huy động nguồn lực.
Với Quy chế hoạt động (TOR) sửa đổi ( đã được các Bộ trưởng thông qua tại AMM 42), chức năng điều phối các dự án IAI sẽ được chuyển sang cho CPRs theo qui định của Hiến chương.
Điều quan trọng hiện nay là cần xây dựng các dự án phù hợp và huy động nguồn lực để thực hiện. BTK ASEAN dự kiến sẽ tổ chức hội thảo khu vực với hình thức và thành phần tham dự như Diễn đàn hợp tác phát triển IAI (IDCF) gồm đại diện ASEAN, các bên đối thoại và đối tác phát triển, các tổ chức tài trợ phát triển ở khu vực và quốc tế, khu vực doanh nghiệp….với mục đích bàn việc huy động thu hút nguồn tài trợ và cam kết của các bên đối tác cho việc thực hiện từng biện pháp cụ thể đã được nêu tại KHCT.


NĂM CHỦ TỊCH ASEAN 2010

1. Ta làm Chủ tịch ASEAN trong lúc Hiệp hội đang chuyển sang giai đoạn hợp tác mới, đó là hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và hoạt động trên cơ sở Hiến chương ASEAN.

2. Những thuận lợi và khó khăn khi ta làm Chủ tịch ASEAN:
a/ Thuận lợi cơ bản là thế và lực của ta đã lớn mạnh hơn trước rất nhiều, nhất là sau khi gia nhập WTO và hoàn thành thắng lợi trọng trách thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Việt Nam nổi lên thành "điểm sáng" trong ASEAN; các đối tác trong và ngoài ASEAN nhìn chung đều coi trọng vị trí và vai trò của ta, coi Việt Nam là nhân tố quan trọng phải tính đến trong hoạch định và triển khai chính sách đối với khu vực. Thêm vào đó, ta đã có nhiều kinh nghiệm về hội nhập khu vực và quốc tế, kể cả tổ chức các Hội nghị quốc tế lớn.
ASEAN tuy còn nhiều hạn chế, nhưng hiện đã trở thành một thực thể chính trị-kinh tế khá gắn kết; có vai trò quan trọng ở khu vực và là đối tác không thể thiếu trong chính sách khu vực của các đối tác bên ngoài. Các nước lớn, nhất là Trung Quốc và Mỹ, quan tâm hơn đến quan hệ với ASEAN và ở mức độ khác nhau đã chủ động đẩy mạnh hợp tác với ASEAN.
Xu thế đối thoại và hợp tác khu vực ngày càng gia tăng để cùng nhau đối phó với những thách thức chung; kinh tế khu vực và thế giới đã có những dấu hiệu phục hồi, mặc dù còn không ít biến động.      
b/ Tuy nhiên, việc tạo được sự đồng thuận và đoàn kết ASEAN trong một số vấn đề sẽ gặp nhiều khó khăn do tính đa dạng của ASEAN, nhất là sự khác biệt về chế độ chính trị và trình độ phát triển cũng như lợi ích và tính toán chiến lược của các nước thành viên, nhất là trong quan hệ với các nước lớn. Việc thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các thoả thuận hợp tác cũng không đơn giản, do ASEAN còn nhiều hạn chế nội tại vốn có, trong khi phải trông chờ nhiều vào sự trợ giúp từ bên ngoài và luôn chịu tác động của các nhân tố từ bên ngoài.
Ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý và điều hòa lợi ích của các nước liên quan,  kể cả trong và ngoài ASEAN, vì nhiều nước kỳ vọng ta ủng hộ và hỗ trợ thúc đẩy một số vấn đề mà họ quan tâm hoặc có lợi ích trực tiếp, thậm chí có thể gây sức ép hoặc trở ngại cho ta qua nhiều cách khác nhau.
Ta sẽ phải tập trung xử lý một số vấn đề khu vực và quốc tế phức tạp có thể nảy sinh, trước hết là vấn đề Mianma và Bán đảo Triều Tiên. 
Ta sẽ phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn và phức tạp hơn nhiều so với trước đây liên quan đến ASEAN, trong lúc tại Việt Nam cũng sẽ diễn ra nhiều sự kiện và hoạt động quan trọng khác.

3. Mục tiêu chủ yếu của Năm Chủ tịch 2010:
- Góp phần tăng cường đoàn kết và liên kết ASEAN, hoàn tất việc đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống và đẩy nhanh việc thực hiện có hiệu quả các chương trình/kế hoạch về xây dựng Cộng đồng ASEAN; đồng thời đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN với các đối tác và giữ vững vai trò quan trọng của Hiệp hội ở khu vực, qua đó đề cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam
- Kết hợp thúc đẩy một số vấn đề để tạo môi trường thuận lợi hơn cho  an ninh và phát triển của ta như Biển Đông, Mê Kông…; hỗ trợ ta tăng cường quan hệ song phương với các đối tác trong và ngoài ASEAN, nhất là với các nước lớn.
- Hỗ trợ quảng bá đất nước và con người Việt Nam; đề cao hình ảnh một nước Việt Nam đổi mới và năng động, có đường lối đối ngoại độc lập, hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước, tích cực hội nhập khu vực và quốc tế. 

4. Chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2010:
- Tiếng Việt: “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động”.
- Tiếng Anh: “Towards the ASEAN Community: From vision to action”.
Chủ đề này ngắn gọn và súc tích, có tính hành động, phản ánh rõ nhu cầu và trọng tâm hợp tác của ASEAN trong năm 2010 cũng như chủ trương của ta về tham gia hợp tác ASEAN. Đây là Chủ đề chung cho cả năm Chủ tịch ASEAN; từng Hội nghị có thể sẽ xác định chủ đề riêng cho phù hợp (nếu cần thiết), nhưng cần bám sát nội dung của Chủ đề chung này.

5. Định hướng lớn về nội dung:
a/ Thúc đẩy trọng tâm hợp tác ASEAN trong năm 2010 là hành động để triển khai hiệu quả Hiến chương ASEAN (đã có hiệu lực từ 15/12/2008) và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (được thông qua tháng 2/2009) bao gồm các Kế hoạch tổng thể về từng trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội và Kế hoạch công tác IAI về thu hẹp khoảng cách phát triển, trong đó đã đề ra các mục tiêu, biện pháp và thời hạn thực hiện cụ thể trên từng lĩnh vực.
Thực hiện các thỏa thuận về liên kết nội khối cũng như sự hợp tác giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, nhất là về tự do hóa thương mại và đầu tư, kết nối hạ tầng và giao thông, định hướng phục hồi và phát triển bền vững sau khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu.
Tiếp tục thúc đẩy hợp tác khu vực để ứng phó với các thách thức toàn cầu tác động đến ASEAN như biến đổi khí hậu, môi trường, thiên tai, dịch bệnh…, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của các đối tác giành cho ASEAN.
Chủ động thúc đẩy Ủy ban các Đại diện Thường trực tại ASEAN (CPR) đi vào hoạt động đầy đủ và hiệu quả; khởi động hoạt động của Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) trên cơ sở phù hợp với Quy chế (TOR) và Hiến chương ASEAN.
Đẩy mạnh hoạt động của các tiến trình có liên quan, nhất là ASEAN+3, EAS và ARF, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực, hỗ trợ cho mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN và thể hiện được vai trò chủ đạo của ASEAN. Theo đó, ta thúc đẩy khả năng cả Nga và Mỹ tham gia Cấp cao Đông Á (EAS); đăng cai tổ chức Diễn đàn Đông Á (EAF); và phối hợp lập trường chung ASEAN về ý tưởng lập Cộng đồng Châu Á – Thái Bình Dương (APC) của Ốt-xtrây-lia.
b/ Các vấn đề cụ thể mà ta cần xử lý:
-         Biển Đông
-         Mekong
-         ASEAN-Trung Quốc (ta đang là nước điều phối quan hệ)
-         ASEAN-Nga
-         ASEAN-Mỹ
c/ Mặt khác, ta cần có chủ trương cụ thể để xử lý phù hợp những vấn đề phức tạp nảy sinh, bảo đảm lợi ích cơ bản của ta và sự đồng thuận ASEAN.
Dự kiến trong năm 2010 có thể nảy sinh một số vấn đề phức tạp mà ta phải xử lý với tư cách là Chủ tịch ASEAN như: tình hình Mianma, quan hệ căng thẳng giữa các nước thành viên (như giữa Campuchia và Thái Lan…), Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông… Tình hình một số vấn đề cụ thể như sau:

(i) Tình hình Mi-an-ma
Sự kiện nổi bật thời gian qua tại Mi-an-ma là vụ xét xử và tuyên án bà Aung San Suu Kyi với những phản ứng gay gắt của cộng đồng quốc tế, thậm chí một số nước ASEAN (Ma-lay-xi-a, In-đô-nê-sia, Phi-lip-pin và Thái Lan) đòi họp Ngoại trưởng ASEAN khẩn cấp, ra thỉnh nguyện chung về vấn đề này. Tuy nhiên, sau khi chính quyền quân sự ở Mi-an-ma có một số động thái linh hoạt, cam kết sẽ tổ chức Tổng Tuyển cử năm 2010, phóng thích ông John Yetaw (cùng bị bắt với bà San Suu Kyi), gợi ý sẽ giảm án cho bà San Suu Kyi, dư luận quốc tế về Mi-an-ma đã tương đối lắng dịu. Mỹ điều chỉnh chính sách đối với Mianma theo hướng tăng cường tiếp xúc, đã đồng ý tổ chức cấp cao ASEAN-Mỹ lần đầu tiên tại dịp HNCC APEC tháng 11/2009 trong đó đại diện cho Mianma là Thủ tướng Thein Sein.
Đồng thời, chính phủ Mi-an-ma cũng đã trấn áp thành công phiến quân Kokang khiến nội trị của Mi-an-ma phần nào trở lại bình thường.

(ii) Quan hệ Campuchia và Thái Lan:
Tình hình tranh chấp giữa Cam-pu-chia và Thái Lan xung quanh đền Preah Vihear đang có dấu hiệu căng thẳng trở lại sau khi Thái Lan yêu cầu UNESCO xét lại quyết định công nhận đền Preah Vihear là di sản văn hóa thế giới của Campuchia nhưng không được UNESCO chấp thuận. Thái Lan tăng cường quân đội và vũ khí tại khu vực tranh chấp. Campuchia cực lực phản đối và cho biết sẵn sàng đáp trả bằng “ngoại giao, quân sự và tòa án quốc tế” tùy thuộc hành động của Thái Lan.
Ngày 19/9/2009, lực lượng Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) biểu tình tại khu vực biên giới gần đền Preah Vihear đòi Chính quyền lấy lại ngôi đền cho dân tộc Thái và đuổi những người Campuchia ra khỏi khu vực tranh chấp. Thủ tướng Abhisit phải lên tiếng trấn an dư luận trong nước trong khi Thủ tướng CPC Hun Sen tỏ thái độ cứng rắn, ra lệnh quân đội CPC bắn vào bất kỳ người Thái nào, dân thường hay quân sự, vượt qua vùng ranh giới đang tranh chấp giữa hai quốc gia; cảnh báo sẽ đưa vấn đề ra Cấp cao ASEAN 15 và HĐBA LHQ nếu có bất kỳ hành động xâm lược nào của Thái Lan.
Đến nay, tình hình duy trì lực lượng quân sự hai bên tiếp tục căng thẳng. CPC bố trí một lượng lớn quân lính và trang bị vũ khí hạng nặng gần khu vực đền chuẩn bị sẵn sàng bổ sung lực lượng nếu xảy ra đụng độ với Thái Lan. Thái Lan khẳng định giữ vững nguyên tắc thông qua đàm phán song phương giải quyết các vấn đề. Ủy ban Hỗn hợp Thái Lan – Campuchia về phân định biên giới trên bộ sẽ chịu trách nhiệm về đàm phán tìm kiếm giải pháp cho các xung đột tại khu vực này.

(iii) Tình hình Bán đảo Triều Tiên
a. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên
Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng quay trở lại đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân; có những động thái hòa hoãn hơn trong quan hệ, sẵn sàng đàm phán song phương với Mỹ. Đáp lại, Mỹ tỏ khả năng đối thoại song phương với Triều Tiên, duy trì cả khuôn khổ đa phương. Trung Quốc tiếp tục khẳng định đàm phán 6 bên là cơ chế thích hợp nhất để giải quyết vấn đề Triều Tiên; Hàn Quốc đưa ra ý tưởng “thỏa thuận tổng thể” nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Tuy nhiên, Liên hiệp quốc vẫn tiếp tục các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, trong đó Mỹ đơn phương phong tỏa tài sản của 4 công ty Triều Tiên liên quan đến chương trình tên lửa, hạt nhân, UAE bắt giữ 10 container vũ khí của Triều Tiên trên đường tới Iran. Đại sứ Triều Tiên tại LHQ gửi thư cho HĐBA cảnh báo sẽ dùng số plutonium đang có để sản xuất vũ khí hạt nhân.
b. Quan hệ liên Triều
Gần đây, quan hệ liên Triều đã có một số diễn biến tích cực, như phục hồi các chương trình kinh tế và nhân đạo, giao thông hai miền, nối lại liên lạc… nhưng cũng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp phụ thuộc nhiều vào diễn biến của quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, quan hệ Triều-Mỹ và tình hình nội bộ Hàn Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét