Vị Trí Của Phật Giáo Trong Đời Sống Văn Hóa – Xã Hội Đông Nam Á
Đông Nam á cơ bản tiếp nhận Phật giáo Tiểu thừa và căn cứ vào địa bàn ảnh hưởng người ta thường gọi Phật giáo Đông Nam á là Phật giáo Nam Tông. Còn các nước Bắc á như Trung Quốc, Triều Tiên - Hàn Quốc, Nhật Bản (kể cả Việt Nam) tiếp thu Phật giáo Đại thừa, nên thường được gọi là Phật giáo Bắc tông.
Phật giáo sở dĩ vào Đông Nam á cắm rễ sâu chắc trong xã hội, lại có ảnh hưởng to lớn vào đời sống tinh thần của người dân trong vùng bởi nó đã phải bản địa hoá, đã biết hoà đồng với các tín ngưỡng dân gian bản địa, đã biết dung nạp các yếu tố của các tôn giáo ngoại lai khác. Nói cách khác, Phật giáo vào từng nước Đông Nam á đã bị khúc xạ bởi các ý thức hệ ở các quốc gia đó.
|
Phật giáo vào Đông Nam á đã được dân gian hoá, bản địa hoá rất mạnh, rất sâu. Có thể nói, những học thuyết có tính chất tư biện, các tín điều khô khan, các suy tư huyền bí đã phần nào bị rơi rụng, giản lược đi để hoà quyện vào nó các tín ngưỡng dân gian bản địa chất phác và đơn giản. Một trong những đặc điểm nổi bật của Phật giáo ở Đông Nam á là tính chất đơn giản tượng trưng của nghi lễ. Khác với nghi lễ trong chùa chiền Bắc tông thường linh thiêng, ồn ào, trọng tâm của người xuất gia đến chùa chiền ở Nam tông là sự hoà quyện giữa Đạo và Đời, sự nỗ lực của con người không phải là lễ bái mà là toạ thiền, suy tư về nguyên lý của Phật.
Vị Trí Của Phật Giáo Trong Đời Sống Văn Hóa – Xã Hội Đông Nam Á
Trần Thúc Việt(1)
1. Quê hương của đạo Phật là ở ấn Độ, đất nước có hàng trăm tôn giáo và hàng vạn thánh thần, trong đó có những tôn giáo lớn nhất và lâu đời nhất thế giới.
Phật giáo tồn tại và liên tục phát triển là cả một quá trình vừa phải đấu tranh với các tôn giáo khác (như Balamôn giáo, Hin đu giáo...) vừa phải đấu tranh ngay trong nội bộ Phật giáo về mặt giáo lý, và sau đó Phật giáo đã hình thành 2 giáo phái: Đại thừa (Mahayana) và Tiểu thừa (Hinayana).
Đông Nam á cơ bản tiếp nhận Phật giáo Tiểu thừa và căn cứ vào địa bàn ảnh hưởng người ta thường gọi Phật giáo Đông Nam á là Phật giáo Nam Tông. Còn các nước Bắc á như Trung Quốc, Triều Tiên - Hàn Quốc, Nhật Bản (kể cả Việt Nam) tiếp thu Phật giáo Đại thừa, nên thường được gọi là Phật giáo Bắc tông.
2. Phật giáo vào Đông Nam á khá sớm. Nó thâm nhập vào từng quốc gia trong những thời gian không như nhau, bằng những con đường khác nhau và ảnh hưởng của nó cũng không đều nhau.
Người ta dự đoán Phật giáo vào Đông Nam á quãng những thế kỷ I-II đầu công nguyên.
Việt Nam: Phật giáo du nhập vào quãng những năm 194-195 và trung tâm Phật giáo lớn nhất thời đó là Luy Lâu (nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).
Inđônêxia: Phật giáo Đại thừa có mặt từ rất sớm, quãng thế kỷ II. Phật giáo phát triển rực rỡ thời kỳ quốc gia Srivijaya và ngôi chùa Borobudur là biểu tượng của kiến trúc Phật giáo nổi tiếng của cả khu vực thời đó. Đến thế kỷ XIII, Phật giáo Tiểu thừa xuất hiện thay thế Phật giáo Đại thừa.
- Thái Lan là quốc gia Phật giáo lớn nhất Đông Nam á, Phật giáo Tiểu thừa có mặt quãng thế kỷ I sau công nguyên.
Ở Campuchia quãng thế kỷ V và Lào, chậm hơn, quãng thế kỷ VII và chính thức Phật giáo có ảnh hưởng rộng lớn từ giữa thế kỷ XIV...
Phật giáo được truyền bá vào khu vực Đông Nam á chủ yếu bằng con đường truyền giáo hoặc giao lưu văn hoá, quan hệ thương mại bình thường. Lúc đầu, Phật giáo từ ấn Độ trực tiếp thâm nhập vào các nước vùng ven bờ biển phía Tây của Đông Nam á. Sau đó một số nước tiếp nhận Phật giáo gián tiếp qua một nước trung gian khác. Đây cũng là một nét đặc biệt của Phật giáo ở Đông Nam á.
Chẳng hạn, Lào tiếp nhận Phật giáo không trực tiếp từ ấn Độ mà từ Campuchia, Thái Lan. Trong nhiều con đường tiếp thụ Phật giáo của Thái Lan và Myanma có một con đường qua Srilanca. Thời kỳ đầu, Phật giáo đã qua đường biển từ ấn Độ vào thẳng nước ta. Nhưng đến quãng thế kỷ IV - V Phật giáo lại được truyền từ phương Bắc vào. Phật giáo Philippin được truyền bá từ Inđônêxia hoặc Mã Lai tới.
3. Phật giáo đã trở thành tư tưởng chính thống của nhiều quốc gia và là quốc giáo ở một số nước Đông Nam á.
Nói đến tôn giáo là nói đến hệ tư tưởng được biểu hiện trong giáo lý. Một tôn giáo muốn tồn tại và phát triển phải hội tụ 3 yếu tố: Người sáng lập - giáo lý - và tăng lữ tín đồ. Giáo lý là một phương tiện, một công cụ rất quan trọng để truyền bá tư tưởng tôn giáo. Cần chú ý rằng: Giáo lý của Phật giáo cũng như của các tôn giáo khác hoàn toàn không phải là chân lý (không phải là khoa học) nhưng nó là đôí tượng nghiên cứu của khoa học.
Phật giáo sở dĩ vào Đông Nam á cắm rễ sâu chắc trong xã hội, lại có ảnh hưởng to lớn vào đời sống tinh thần của người dân trong vùng bởi nó đã phải bản địa hoá, đã biết hoà đồng với các tín ngưỡng dân gian bản địa, đã biết dung nạp các yếu tố của các tôn giáo ngoại lai khác. Nói cách khác, Phật giáo vào từng nước Đông Nam á đã bị khúc xạ bởi các ý thức hệ ở các quốc gia đó.
Phật giáo vào Đông Nam á đã được dân gian hoá, bản địa hoá rất mạnh, rất sâu. Có thể nói, những học thuyết có tính chất tư biện, các tín điều khô khan, các suy tư huyền bí đã phần nào bị rơi rụng, giản lược đi để hoà quyện vào nó các tín ngưỡng dân gian bản địa chất phác và đơn giản. Một trong những đặc điểm nổi bật của Phật giáo ở Đông Nam á là tính chất đơn giản tượng trưng của nghi lễ. Khác với nghi lễ trong chùa chiền Bắc tông thường linh thiêng, ồn ào, trọng tâm của người xuất gia đến chùa chiền ở Nam tông là sự hoà quyện giữa Đạo và Đời, sự nỗ lực của con người không phải là lễ bái mà là toạ thiền, suy tư về nguyên lý của Phật.
4. Phật giáo giữ một vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Đông Nam á. ở một số nước như Lào, Thái, Myanma... người ta đều khẳng định Phật giáo đã có những đóng góp nhất định vào việc xây dựng một nền văn hoá thống nhất, trong nền văn hoá dân tộc đều mang màu sắc Phật giáo, Phật giáo gắn liền với Tổ quốc và Dân tộc.
Có thể nói, ở các nước Đông Bắc á như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam (ảnh hưởng vùng văn hoá đồng văn). Nho giáo đã đóng vai trò cơ sở tư tưởng quan trọng như thế nào thì ở các nước Đông Nam á lục địa như Thái Lan, Lào, Campuchia, Mayanama Phật giáo cũng giữ vai trò quan trọng như thế. Và hơn thế nữa, xét về phương diện Phật giáo được coi là tôn giáo của cả nước (quốc giáo), nó còn có vai trò quan trọng hơn nhiều trong đời sống mỗi con người từ nhỏ cho đến lớn, từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi. Con người khi cất tiếng chào đời được đưa vào chùa tính số đặt tên, đến tuổi trưởng thành vào chùa tu 3 năm nghĩa vụ, khi lập gia đình vào chùa làm lễ ba xí (buộc chỉ cổ tay) và khi về cõi Niết bàn, hoả táng để trong chùa. Phật giáo còn tác động tới đời sống của toàn xã hội từ vua quan cho đến người dân thường, từ trung ương cho đến các địa phương nhỏ nhất là thôn xóm bản làng...
Về mặt tổ chức, Phật giáo ở Đông Nam á với các nước coi nó là tôn giáo chính, có cả một hệ thống chùa chiền và sư sãi ở từng bản làng, thôn xóm đến cấp huyện tỉnh và cuối cùng đến cấp trung ương tương ứng với các cấp chính quyền của triều đình. Các nhà sư Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanma là người có vai trò đặc biệt lớn lao trong đời sống xã hội. Nhà sư trở thành tấm gương đạo đức, nhân vật trung tâm, chỗ dựa tinh thần, là người bảo vệ những giá trị truyền thống của đạo Phật. Ở Thái Lan, nhiều triều đại phong kiến đã dựa vào uy tín và sức mạnh của Phật giáo để củng cố địa vị của mình. Có những trường hợp vua và sư không phân biệt, vua cũng là sư và sư trở thành vua. Ở Lào, trải qua nhiều triều đại vua - sư gắn bó mật thiết với nhau trong việc giải quyết nhiều vấn đề chính trị quốc gia.
Về hoạt động tôn giáo: chúng ta không cường điệu mà nói rằng, hầu như quanh năm suốt tháng từ cộng đồng nhỏ bé ở làng bản đến cộng đồng rộng lớn của cả nước luôn bị cuốn hút vào các lễ hội, bun than vừa mang tính tôn giáo của đạo Phật vừa có tính thế tục đậm đà của phong tục xứ sở ở các nước Đông Nam á.
Một trong những biểu hiện cụ thể nhất, sinh động nhất của các tổ chức và hoạt động Phật giáo là vai trò to lớn của chùa đối với con người. Nếu như Thiên chúa giáo coi nhà thờ là nơi để con chiên có thể gặp được chúa ở “thế giới bên kia” (dù chỉ trong ảo tưởng) thì ngôi chùa Phật giáo là nơi các Phật tử có thể đến đó để thoả mãn nhu cầu đời sống tình cảm tâm linh, hướng về đức Phật từ bi. Nhưng khác với nhà thờ và khác với các ngôi chùa của Phật giáo Đại thừa ở Bắc phương, ngôi chùa ở Đông Nam Á có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Ở đây, chùa không chỉ là trung tâm về tôn giáo mà còn là trung tâm văn hoá - xã hội. Chùa đồng thời là trường học dạy chữ, đạo cho con em nhân dân, là nơi sáng tác văn chương. Ở Lào, Campuchia một số nhà thơ lớn trưởng thành từ trong chùa (Xôm xỉ Đê xa, Bôtum Mătthê Xôm). Chùa là nơi lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật, là thư viện, là bệnh viện, nhà trọ, nơi hội hợp quyết định những vấn đề quan trọng của bản mường. Chùa vừa là nơi thờ Đức Phật vừa là nơi để người dân đến vui chơi hội hè, mừng được mùa, hơn nữa một số chùa ở một số nước Đông Nam á còn là nơi để cúng ông bà tổ tiên và các vị thần địa phương.
Như vậy, ngôi chùa ở Đông Nam á trước đây chính là nơi cung cấp tri thức văn hoá nói chung cho con em những người lao động. Ở đây, cái thiêng liêng, u mặc của tôn giáo huyền bí bị giản lược để hoà quyện một cách tự nhiên với các sinh hoạt thế tục sôi động của cuộc đời.
Hiện nay, nhà chùa ở nhiều nước Đông Nam á tổ chức các lớp học không thu tiền. Ở thủ đô Phnômpênh (Campuchia) nhà chùa còn giành ra một số phòng cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đến cư trú.
Ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn học nghệ thuật Đông Nam á là khá toàn diện và sâu sắc.
Khi xây dựng nền văn học viết truyền thống ở một số nước Đông Nam á bên cạnh tiếp nhận các kinh kệ, giáo lý Phật giáo, đã tiếp nhận chữ viết ấn Độ, từ đó tiếp nhận cả các đề tài, cốt truyện, tác phẩm văn học ấn - Phật. ở các nước Lào, Thái Lan, Myanma, văn học có nhiều xu hướng, nhiều tính chất, trong đó văn học có tính chất Phật giáo chiếm số lượng tác phẩm đáng kể.
Hệ tư tưởng Phật giáo không chỉ ảnh hưởng tới người sáng tác mà còn ảnh hưởng sâu đậm đến công chúng thưởng thức văn học. Văn học nhà chùa mang đậm tính chất Phật giáo đã trở thành một đặc điểm nổi bật của nền văn học Lào - Thái Lan - Myanma. Giáo lý đạo Phật đã trở thành tư tưởng chủ đạo trong nhiều ánh văn chương. Cho nên, khi tiếp xúc với văn học Lào - Thái Lan - Myanma thì tính mâu thuẫn, nhất là xung đột, đấu tranh giai cấp thường không mạnh mẽ bằng các nền văn học ở các quốc gia Đông Nam á khác.
Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc chùa chiền Phật giáo ở khắp các nước Đông Nam á thể hiện rõ nét nhất về vị trí của đạo Phật trong đời sống tinh thần người dân Đông Nam á. Những ngôi chùa nổi tiếng là công trình kiến trúc đồ sộ như Borobudur (Inđônêxia) và Thạt luổng (Lào) hay rất nhiều chùa chiền ở Campuchia, Thái Lan, Myanma đã trở thành niềm tự hào và là biểu tượng thịnh vượng của đạo Phật Tiểu thừa ở khu vực.
Nhìn chung, Phật giáo ở Đông Nam á nằm trong một phức hợp văn hoá tôn giáo vừa khá đa dạng vừa hoà hợp vào nhau. Trong đó những tín ngưỡng dân gian chất phác tràn ngập vào trong kinh kệ thiêng liêng đến mức có thể che lấp hoặc giảm nhẹ tính chất tư biện, cao siêu của giáo lý. Phật giáo cũng không tồn tại một cách thuần khiết bởi nó thấm đượm những yếu tố của tín ngưỡng bản địa và tàn dư văn hoá của các tôn giáo vào trước nó. Sự đan xen hoà hợp dung nạp giữa của yếu tố văn hoá và tôn giáo trên đây đã tạo nên một gương mặt đặc biệt cho Phật giáo ở Đông Nam á. Cũng chính vì vậy Phật giáo tồn tại và phát triển, trở thành tôn giáo chính và có vai trò hết sức to lớn trong đời sống văn hoá, xã hội Đông Nam á./.
Chú Thích:
(1)Trường Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội.
|
Viết bởi Trần Thúc Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét