Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

Việt Nam trong khung cảnh Đông Nam Á: Những giao điểm và sự so sánh

Việt Nam trong khung cảnh Đông Nam Á: Những giao điểm và sự so sánh

alt
GS.TS Vincent Houben  ( bên phải)  và GS.TS  Christoph Giebel đang trao đổi tại Hội thảo

Tôi muốn mở đầu bằng lời cảm ơn Ban Tổ chức Hội thảo đã dành cho tôi vinh dự được phát biểu tại đây. Từ năm 1990 tôi thường xuyên đến thăm Việt Nam. Trong vòng 18 năm qua ngành Việt Nam học đã đạt được những bước tiến lớn lao, hòa nhịp cùng những bước phát triển hết sức nhanh chóng của đất nước Việt Nam. Sự quan tâm học thuật của tôi đối với Việt Nam bắt nguồn từ nền tảng tri thức với tư cách là một nhà nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á. Khởi đầu từ ĐHTH Leiden với tư cách là người nghiên cứu về lịch sử Indonesia thời kỳ thuộc địa, trong vòng 10 năm qua, trong phạm vi khả năng của mình là một giáo sư về môn Đông Nam Á học tại các trường đại học ở Đức, trước tiên là ở Trường ĐHTH Passau và sau đó tại Trường ĐHTH Humboldt ở Berlin. Các nghiên cứu của tôi được mở rộng cả về không gian địa lý và thời gian lịch sử. Thiên hướng của tôi là tiếp cận Việt Nam theo cách nhìn so sánh, tức là luôn luôn quan sát toàn khu vực Đông Nam Á như một chỉnh thể, những vấn đề liên quan đến Việt Nam là những trải nghiệm lịch sử trong tương quan với những đất nước Đông Nam Á khác.

Góc nhìn Đông Nam Á cho phép nhìn nhận vấn đề sát hợp hơn, bởi lẽ nó mở ra cho ngành Việt Nam học một trường quan sát rộng lớn hơn và cho phép đặt ra những vấn đề nghiên cứu mới. Theo tôi, cho tới nay phần lớn những gì đã được tiến hành trong môn Việt Nam học về bản chất đều mang tính nội quan, tức là cố gắng tìm hiểu quá trình phát triển của Việt Nam trên các phương diện văn hóa, ngôn ngữ, xã hội, chính trị, và lịch sử với tính cách là kết quả của những nguồn nội lực và đặc tính dân tộc. Khuôn khổ nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn như thế đã tỏ ra rất thành công, bởi lẽ các nhà nghiên cứu Việt Nam đã công bố hàng loạt các kết quả nghiên cứu cụ thể và đã đặt nền móng cho việc mở rộng đáng kể hiểu biết về Việt Nam.

Chủ đề mà tôi muốn đề cập trong báo cáo này là cố gắng lật lại câu chuyện học thuật nói trên bằng cách đặt vấn đề, rằng một Việt Nam hiện hữu như ngày nay đã được tạo nên bởi những quan hệ quốc tế và những mối liên hệ khu vực như thế nào. Tôi muốn chỉ ra điều này bằng cách xem xét các giao điểm từ góc nhìn so sánh. Giao điểm ở đây được hiểu theo nghĩa chung nhất, tức là một điều kiện trong đó các yếu tố khác nhau cùng gặp gỡ theo một cách mà chúng tạo nên điểm khởi đầu cho một quá trình phát triển mới, quan trọng. Sự so sánh không chỉ đơn giản là đặt cạnh nhau để đối sánh nhằm tìm ra những tương đồng, dị biệt, mà xa hơn, nó phải hướng tới việc tìm ra những liên hệ có thể là kết quả của những sự tương tác, chuyển giao hay trì bế và kìm nén.

Trên cơ sở những biện minh cho việc xem xét Việt Nam trong khung cảnh Đông Nam Á, tôi cũng theo những xu hướng đã được các nhà khoa học nước ngoài đề xuất gần đây. Trong một cuốn sách công bố năm 2006 với tiêu đề Việt Nam - Những lịch sử không biên giới, Trần Tuyết Nhung và Anthony Reid đã tập hợp một số nghiên cứu trường hợp của các sử gia thuộc nhiều quốc tịch khác nhau nhằm tìm ra "những cách thức thông qua đó bản sắc Việt Nam trong hơn một nghìn năm đã tương tác với người Trung Quốc, người Chăm, Khmer, người Pháp và những nhóm người phi quốc gia khác của bán đảo [Đông Dương]" (1) . Mối quan tâm của cuốn sách này là "vượt qua các đường biên giới và khám phá những cái mơ hồ" (2.) Tương tự như vậy, một chuyên gia về Việt Nam ở Amsterdam, ông Oscar Salemink trong một bài nghiên cứu công bố gần đây vào năm 2008 quan tâm tới mối quan hệ giữa người Việt ở vùng hạ du với những nhóm tộc người thiểu số ở vùng thượng du, tiến thêm một bước nữa với việc tập trung  "những mối quan hệ liên kết chứ không phải chia rẽ các nhóm tộc người, nhóm cư dân và các khu vực địa lý" (3). Ông lập luận rằng chính những giao lưu về kinh tế, văn hóa, chính trị và tôn giáo đã sản sinh ra những bản sắc địa phương ở Việt Nam. Đồng thời, Salemink cũng đề xướng "cái nhìn từ trên núi", nhấn mạnh một thực tế là các cảng thị chỉ có thể phát triển nền thương mại biển thông qua mối liên hệ của nó với các khu vực thượng du. Do vậy, ông đã hoàn chỉnh thêm  "cái nhìn từ biển" do Li Tana, John Whitmore, Charles Wheeler và những người khác đề xướng.

Sự tập trung vào mối tương tác nội tại giữa các nhóm cư dân Việt Nam với nhau hay vào các mối liên hệ giữa bên ngoài và bên trong với tính cách là kết quả của các dạng thức giao thương đã trở thành một bộ phận trong hệ vấn đề nghiên cứu của nền sử học phi Tây phương nhằm vượt quá khuôn khổ của lịch sử dân tộc. Ở tất cả mọi nơi, các loại lịch sử dân tộc trên căn bản đều nhấn mạnh hai điểm: thứ nhất, đó là tính đặc trƣng của một dân tộc cụ thể nào đó đặt trong thế đối lập với các dân tộc láng giềng, và khi xem xét về Đông Nam Á thì trong thế đối lập với phương Tây; thứ hai, nó nhấn mạnh cái thống nhất thông qua tính đồng nhất chứ không phải là sự đa dạng và phong phú. Cách viết sử mới lại cố gắng bỏ qua lịch sử dân tộc bằng cách mô tả những mối tương tác xuyên quốc gia và toàn cầu, thậm chí diễn ra trong phạm vi địa phương của những vùng biên giới. Lập luận của tôi có khác biệt đôi chút, vì tôi cho rằng dường như hoàn toàn không thể bỏ qua lịch sử dân tộc. Có thể lập luận rằng, sự hình thành dân tộc trong khung cảnh Đông Nam Á là một hiện tượng gần đây. Tuy nhiên trong trường hợp Việt Nam, mặc dù có sự tồn tại cùng lúc của nhiều trung tâm nhưng sự hình thành từ sớm ý thức tiền dân tộc, tương tự như ở một số nhà nước - dân tộc ở châu Âu thời sơ kỳ cận đại là điều không thể phủ nhận hoàn toàn. Hơn nữa, mặc dù những ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa hiện nay, nhà nước - dân tộc không biến mất hoặc bị suy giảm ảnh hưởng trong việc tạo lập ra những trật tự xã hội riêng biệt. Cuối cùng, thông qua việc nhấn mạnh sự tồn tại của những mối tương tác và liên hệ từ thời kỳ tiền thuộc địa cho tới ngày nay và từ làng xã cho tới thị trường thế giới thì bản chất biến đổi của những mối liên hệ nội tại không thể tự giải thích bằng chính bản thân chúng. Thông qua việc dịch chuyển cách tiếp cận trong nghiên cứu từ trung tâm ra các khu vực ngoại biên cũng không thể ngay lập tức làm sáng tỏ được vấn đề các yếu tố địa phương, dân tộc và toàn cầu đã tương tác và vẫn đang tương tác với nhau nhƣ thế nào. Việc khám phá về bản chất của các tương tác bên trong với bên ngoài dường như là quan trọg hơn, bằng cách đặt ra vấn đề là những ảnh hưởng từ bên ngoài đã tác động đến Việt Nam như thế nào ngoài việc thúc đẩy xu hướng thống nhất hay ngược lại là thúc đẩy sự dị biệt. Những phẩm chất đó sẽ đƣợc nhận thức vượt ra khỏi khuôn khổ của phép biện chứng của những thế đối sánh - lịch sử Việt Nam trong đối sánh với Trung Quốc, Pháp hay Mỹ. Bên cạnh những tình trạng đối đầu và khủng hoảng giữa bên trong và bên ngoài, sự tương tác cũng có thể diễn ra trong dạng thức thương lượng, thích nghi, hội nhập và biến đổi. Những dạng thức đó tránh được thế lưỡng cực và đưa lại nhiều chiều cạnh hơn trong cuộc bàn thảo về những mối liên hệ nội tại. Đấu tranh, sự thu thuế, và sự nô dịch đều cùng tồn tại, nhưng những điều đó diễn ra phần lớn là cả bên trong và bên ngoài. Để vượt qua thế lưỡng cực thì việc theo đuổi chủ đề gặp gỡ, giao thoa là hết sức thú vị, theo đó Đông Nam Á được nhìn nhận như một khung cảnh rộng lớn hơn của lịch sử Việt Nam. Một số trải nghiệm của Việt Nam trong lịch sử có thể thực sự là riêng biệt nhưng nhiều phát triển khác có thể so sánh với khu vực. Thường thì cái gọi là bối cảnh tạo nên những đặc điểm mà sau này được cho là riêng biệt và những điểm giao thoa đặc biệt cũng thường diễn ra ở những nơi khác nữa. Ở đây khái niệm khu vực Đông Nam Á được sử dụng theo cách khá lỏng lẻo, bởi vì tôi ý thức được rằng đó là khái niệm gần đây được dùng để chỉ một khu vực được áp dụng như một địa bàn cho các nghiên cứu khu vực học. Sự hấp dẫn của Đông Nam Á ở đặc tính là một vùng không đồng nhất, mặc cho các mối liên hệ về văn hóa và thương mại đã được phát triển cao độ nhưng vẫn thường bị xem là được cấu thành nên bởi các yếu tố bên ngoài (có thể bởi yếu tố Ấn Độ, Trung Quốc hay phương Tây).

Bây giờ tôi sẽ trình bày với quý vị 4 giao điểm lịch sử cụ thể trong mối liên hệ giữa bên trong và bên ngoài của Việt Nam, trong khi vẫn cố gắng liên hệ chúng với khung cảnh Đông Nam Á. Những ví dụ cụ thể này, nói một cách ngắn gọn, có thể đưa lại một loạt những gợi mở cụ thể đối với mối liên hệ giữa bên ngoài và bên trong tác động đến Việt Nam. Tôi cho rằng trong mọi trường hợp thì mối liên hệ này đều là nền tảng cho việc làm bùng nổ những biến đổi có tác động lâu dài. Khi nói về việc tạo nên Việt Nam từ bên ngoài thì trong thời kỳ tiền cận đại người ta không thể không bàn về ảnh hưởng của Trung Quốc. Theo Victor Lieberman  (4)  thì với tính cách là một của vùng phía Đông của Đông Nam Á lục địa, Việt Nam đã chống lại sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc một cách bền vững hơn so với việc "nền văn hóa cao, xa lạ" được truyền bá đến Pagan, Angkor hay Ayutthaya. Điều này góp phần vào sự hội nhập chính trị và văn hóa thông qua một loạt chu kỳ theo kiểu giống như các lưu vực sông Irrawaddy và Chao Phraya. Tuy nhiên, như Alexander Woodside và một số người khác đã cắt nghĩa, người Việt Nam đã hiểu văn hóa Trung Quốc theo những cách riêng của mình, theo một cách mà trong đó đã diễn ra quá trình địa phương hóa văn hóa Trung Quốc kết hợp với cuộc đấu tranh giữ gìn nền độc lập. Quá trình địa phương hóa kết hợp với quá trình phi thực dân hóa đã tái hiện ở nhiều nơi khác trong khu vực Đông Nam Á qua các phương thức tiếp nhận và biến đổi văn hóa Hindu giáo - Phật giáo trong giai đọan từ năm 500 đến khoảng 1500. Chính trị, tôn giáo và kinh tế trộn xoắn với nhau, Phù Nam là thể chế chính trị đầu tiên được biết tới ở Đông Nam Á, mà Sriwijaya là thể chế kế tục nó - cả hai đều là những nơi diễn ra sự trao đổi văn hóa và hình thành đối tác văn hóa giữa Ấn Độ và Đông Nam Á. Tương tự như vậy, như Tony Day đã chỉ ra, rằng có những sự song trùng về cấu trúc giữa các mô hình Ấn Độ và mô hình Nho giáo của các nhà nước thiên hạ (cosmological states), bởi lẽ những quá trình cơ bản tạo nên chúng là giống nhau.

Thí dụ thứ hai của tôi là về thời gian đầu của thời kỳ cận đại, thế giới của thương mại biển và vai trò của những hãng buôn phương Tây. Trong một vài năm vừa qua đã xuất hiện rất nhiều công trình nghiên cứu về thương mại biển và những hải cảng ở châu Á từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Các sử gia Việt Nam, như các vị Giáo sư nổi tiếng Phan Huy Lê và Nguyễn Quang Ngọc đã nghiên cứu về lịch sử của Hội An, còn Hoàng Anh Tuấn đã hoàn thành nghiên cứu về vai trò của Đàng Ngoài trong hệ thống thương mại Châu Á của Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC). Hội An (hay còn gọi là Faifo) đã trở thành một thương cảng quan trọng trong hệ thống thương mại biển sau khi được lập ra bởi các Chúa Nguyễn nhằm cạnh tranh với Phố Hiến bên sông Hồng ở Đàng Ngoài. Những người định cư ở đó chủ yếu là người Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng người Hà Lan cũng đã từng duy trì một thương điếm ở đó trong một thời gian ngắn. Các kho lưu trữ của VOC còn lưu giữ nhiều tài liệu về ngoại thương (overseas trade) của người Việt Nam - một đề tài cho tới nay mới chỉ thu hút được rất ít sự quan tâm nghiên cứu bởi phần lớn lịch sử dân tộc đều chỉ nói về các triều đại và nền chính trị. Sự tham dự của người Việt Nam vào hải sử (maritime history) của giai đoạn sơ kỳ cận đại cho phép tiến hành những so sánh thú vị với các thể chế hải cảng có quyền tự trị hạn chế. Các hải cảng Pegu, Phukhet, Malacca và những hải cảng của Việt Nam đều có những đặc tính có thể so sánh với nhau và đều là một phần trong lịch sử tự trị ở Đông Nam Á. Mặc dù hoạt động thương mại của chúng bị quy định bởi các nhà cầm quyền nội địa, cư dân của các cảng thị này rất đa dạng về nguồn gốc và thông qua hệ thống giao thương của mình, họ có ý nghĩa rất quan trọng trên bình diện quốc tế. Các luồng hàng hóa và kim loại quý lưu thông trong hoạt động giao thương đã có tác động to lớn đối với nền kinh tế các khu vực ven bờ của khu vực Đông Nam Á. Ở Đàng Ngoài, Champa và Đàng Trong, ảnh hưởng của thương mại biển đã làm biến đổi nền kinh tế và chính trị quốc nội theo những cách thức mà chúng ta còn chưa hiểu biết thật đầy đủ.

Điểm giao thoa thứ ba mà tôi nói tới là chủ nghĩa dân tộc với tính cách là một hệ thống các tư tưởng đã làm xói mòn chủ nghĩa thực dân và đặt cơ sở cho nền độc lập dân tộc. Ý niệm về dân tộc đã tồn tại ngay từ sơ kỳ lịch sử Việt Nam, nhưng chủ nghĩa dân tộc với tính cách là một hình thức của hiện đại hóa thì chỉ có thể được nhận thức thông qua mối liên hệ với bên ngoài. Dân tộc với tính cách là cộng đồng tưởng tượng (imagined community) đã phát triển thông qua việc chuyển giao các tư tưởng tiếp thu từ bên ngoài và được khuếch tán nhờ những nhân tố bản địa. Việc Phan Bội Châu ở Nhật Bản - đất nƣớc hiện đại đầu tiên ở châu Á đã đặt nền tảng cho việc hình thành một phong trào chống thực dân hiện đại khi Phan đã có thể phân tích nguyên nhân Việt Nam bị mất độc lập theo một cách mới. Vào những năm 20 của thế kỷ trước, một thể loại ấn phẩm mới ra đời và trở nên phổ biến là việc ấn hành tiểu sử nhân vật các bậc anh hùng ngoại quốc như Tôn Trung Sơn và George Washington. Hồ Chí Minh - người khai sáng của nước Việt Nam ngày nay, đã đi sang Pháp, Matxcơva, về Hoa Nam và ở những nơi đó ông đã tự xây dựng cho mình những tƣ tƣởng cơ bản đầu tiên về sự cần thiết phải có những thay đổi triệt để. Ông xuất bản ấn phẩm Đường Kách Mệnh ở Quảng Châu vào năm 1927, trong đó Hồ Chí Minh cho rằng nhân dân Việt Nam cần phải hiểu biết quá trình phát triển của những nước khác trên thế giới, và những người cách mạng phải hiểu biết phong trào trên thế giới và đề ra cho đồng bào một chiến lược chắc chắn. Trong một cuốn tiểu sử Hồ Chí Minh được công bố gần đây, Pierre Brocheux đã nhấn mạnh rằng Hồ là một con người đứng ở vị trí giao thoa giữa hai thế giới, nối nhịp cầu giữa nền tảng triết học Nho giáo với những tư tưởng ông tiếp nhận ở châu Âu.

Nhưng lại một lần nữa, chúng ta có thể thấy lịch sử của những ý niệm về chủ nghĩa dân tộc Việt Nam có mối liên hệ với những quá trình phát triển tương tự ở các nơi khác trong vùng Đông Nam Á. Sự nội địa hóa tri thức phương Tây nhằm đạt tới những sự tiến bộ, chiến thắng trước nỗi mặc cảm là người kém cỏi và nhu cầu hành động nhằm giành được tự do đều là những yếu tố xuất hiện trong cùng thời gian ở Philippines và Indonesia. Tjipto Mangunkusumo ở Indonesia và Mabini ở Philippines đều có những tư tưởng cấp tiến nhưng đều dựa vào truyền thống. Các ông công kích không chỉ trật tự thực dân mà còn nhấn mạnh rằng: dân chúng không thể tự giải phóng sức mạnh của mình nhằm đạt tới mục tiêu tự do. Các khái niệm của một quá trình phát triển tuyến tính nhằm hướng tới tương lai tươi sáng, niềm tin tưởng rằng sức mạnh vô địch của những người dân bình thường là quan trọng bậc nhất trong việc tạo ra một trật tự xã hội mới, và tư tưởng cho rằng lịch sử cần phải được nghiên cứu từ góc nhìn so sánh có thể tìm thấy trong cả ba loại chủ nghĩa dân tộc ở Đông Nam Á (chủ nghĩa dân tộc kiểu Việt Nam, Indonesia và Philippines) trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XX.

Điểm giao thoa thứ tư mà tôi đề cập tới bắt đầu vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, sau khi cuộc Chiến tranh Việt Nam và tình trạng đối đầu của cuộc Chiến tranh lạnh kết thúc. Từ sau cuộc Chiến tranh Thế giới II cho tới năm 1989 định hướng của Việt Nam ra bên ngoài bị thống trị bởi nhu cầu tìm kiếm sự ủng hộ của các nước Xã hội chủ nghĩa anh em nhằm chống lại những nƣớc đế quốc thù địch. Từ sau năm 1990, Việt Nam trong khi vẫn duy trì những nguyên lý ý thức hệ và chủ nghĩa yêu nước, đã khôi phục thế tương tác trước đây của mình với thế giới bên ngoài nhưng trong khuôn khổ của toàn cầu hóa và khu vực hóa. Và điều này đưa lại sự tăng cường các quan hệ ngoại giao và mối liên hệ kinh tế với thị trường ngoại quốc. Tư cách thành viên của ASEAN đã đóng vai trò là cầu nối giữa Việt Nam với khu vực và với thế giới.
Như Carlyle Thayer ghi nhận, những quan tâm ý thức hệ đã trở thành thứ yếu so với lợi ích dân tộc và chính sách thực dụng. Trong năm 1995 Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ, gia nhập ASEAN và ký kết hiệp định khung với Liên minh châu Âu - tất cả đã đƣợc hoàn tất trong cùng một năm. Những chuyển biến bên trong của công cuộc Đổi mới đã kết hợp với quá trình đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Tuy nhiên, có một điều nghịch lý đang tồn tại, đó là: cho dù việc mở cửa nền kinh tế đưa lại ngày càng nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhưng đồng thời tính độc lập trong nền kinh tế toàn cầu của Việt Nam cũng tăng lên. Đây là điều đã được chỉ ra rõ ràng qua tác động của cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á trước đây và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gần đây. Việc đa phương hóa quan hệ đối ngoại có thể bù đắp lại sự mất cân bằng của quyền lực quốc tế, song cũng có thể hạn chế quyền tự do hành động hoàn toàn theo nguyên tắc chủ quyền quốc gia. Tuy vậy, Việt Nam cũng không phải là nước duy nhất đang ở trong quá trình chuyển biến của các mối quan hệ giữa bên trong với bên ngoài. Thông qua việc nghiên cứu các nền kinh tế ở Đông Âu hay một số khu vực ở Trung Á chẳng hạn cũng đưa lại những khám phá có thể so sánh với quá trình nói trên ở Việt Nam.

Vậy, từ bốn thí dụ nói trên về những điểm giao thoa có thể rút ra những kết luận gì liên quan tới các quan hệ đối ngoại ảnh hưởng tới sự phát triển của Việt Nam với tính cách là một dân tộc, và cách tiếp cận so sánh cho phép chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về vấn đề này nhƣ thế nào?. Nếu chúng ta lùi xa khỏi những trường hợp nghiên cứu đặt ra trong các khung thời gian nhƣ tiền thuộc địa, sơ kỳ cận đại, thời thuộc địa và thời hiện đại, đồng thời đặt trên mức độ quan sát phổ quát nhất thì sẽ thấy rằng các quá trình phát triển nội tại của Việt Nam không bao giờ có thể tách rời khỏi khung cảnh rộng lớn của khu vực Đông Nam Á hay toàn cầu. Nhưng chúng ta không thể hài lòng với riêng sự quan sát này, bởi tự nó chưa thể giải thích được các động lực bên trong và bên ngoài đã kết nối với nhau như thế nào. Ở đây tôi muốn đưa ra bốn đề xuất.
Thứ nhất, kinh nghiệm của thời kỳ tiền cận đại trong việc địa phương hóa những ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, cả ở Việt Nam và những phần khác trong khu vực Đông Nam Á đã cho thấy một quá trình có thể gọi là "cấy ghép văn hóa tích cực" (progressive enculturation) nhƣ là kết quả của một cuộc hiệp thương văn hóa. Nói theo cách của ngƣời Java là: con thuyền (wadhah) đã thay đổi nhưng hàng hóa (isi) vẫn như cũ. Hay nói theo cách khác, hình thức bề ngoài đã được cấy ghép, cái cốt lõi bên trong cũng đã cải biến, nhưng để thích ứng nó vẫn sao chép lại những gì vốn đã tồn tại trước đó.
Thứ hai, hoạt động giao thương thời sơ kỳ cận đại ở Hội An và các cảng thị khác dẫn tới sự hội nhập thương mại của Việt Nam vào thế giới thương mại biển Đông Nam Á. Những cảng thị đó là những địa điểm toàn cầu trong đó các tính cách dân tộc tương tác với nhau, các khu vực ven bờ và nội địa trở nên gắn kết, liên thông hơn.

Tình hình này cũng xảy ra ở nhiều đô thị ven bờ khác ở Đông Nam Á và có thể được gọi là quá trình "hội nhập đa nguyên" (plural integration).

Thứ ba, các nhà tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, hòa trộn các triết thuyết phương Tây với các tư tưởng bản địa đã thành công trong việc vận động các dân tộc thuộc địa đấu tranh chống thực dân giành lại quyền độc lập. Các lãnh tụ dân tộc ở Đông Nam Á đều chia sẻ trải nghiệm sinh sống ở nước ngoài và hấp thụ các tư tưởng mới, tiến bộ, đã đóng vai trò là tác nhân của sự biến đổi khi họ trở về tổ quốc. Quá trình giải phóng này với tính cách là kết quả của việc truyền bá những tư tưởng du nhập từ bên ngoài để huy động các lực lượng xã hội bên trong có thể tóm gọn lại là quá trình "chuyển dịch năng động" (dynamic transposition).

Thứ tư, việc mở cửa đón nhận quá trình khu vực hóa trong chính sách đối ngoại và nới lỏng sự kiểm soát của nhà nước đối với các hoạt động kinh tế là một quá trình trong đó Việt Nam noi theo các nước Đông Nam Á khác. Việc tự đặt mình cả về phương diện chính trị và kinh tế trong làn sóng toàn cầu hóa hiện nay có thể được gọi là quá trình "thích ứng nhanh nhậy" (responsive adaption).

Để kết luận cho bài phát biểu ngắn gọn của tôi tại đây, thông điệp chính của tôi là: sử học so sánh và môn Đông Nam Á học cho phép chúng ta nhìn nhận Việt Nam theo cách thức mới với góc nhìn rộng hơn. Nhằm hiểu rõ Việt Nam như Việt Nam ngày nay, chúng ta cần phải xem xét đất nước này đã phát triển trên cơ sở của những tương tác phức hợp giữa các yếu tố vật chất và phi vật chất từ bên ngoài với các động lực bên trong. Nhằm vượt qua khuôn khổ của những quan sát giản đơn đối với các mối liên hệ qua lại và các sự tương tác thường dưới dạng đối đầu, tôi đã đề xuất bốn phạm trù định tính: "cấy ghép văn hóa tích cực", "hội nhập đa nguyên", "chuyển dịch năng động" và "thích ứng nhanh nhậy". Tôi tin chắc rằng việc tiến hành các nghiên cứu theo đường hướng này sẽ mở ra những chiều cạnh mới cho ngành Việt Nam học, kết nối nó chặt chẽ hơn với những nghiên cứu về các nước trong khu vực Đông Nam Á và cả ở những nơi khác.

CHÚ THÍCH:

Nhung Tuyet Tran & Anthony Reid (eds), Vietnam, Borderless Histories, Madison, Wisconsin: University of
Minnesota Press, 2006, tr.3.
Nhung Tuyet Tran & Anthony Reid (eds), Sđd, tr. 17.
Oscar Samelink, ―Trading goods, prestige and power. A revisionist history of lowlander - highlander relation
Vietnam‖, in: Peter Boomgaard, Dick Kooiman, Henk Schulte Nordholt (eds.), Linking Destinies. Trade, Towns
and Kin in Asian History (Leiden: KITLV Press 2008) 51-69, tr. 52.
Victor Lieberman, Strange Parallels. Southeast Asia in Global Context, c 800-1830. Volume 1: Integration on
Mainland. Cambridge: Cambridge University Press 2003, xem chương 4.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét