ẢNH HƯỞNG CỦA PHƯƠNG TÂY
ĐỐI VỚI PHONG TRÀO DÂN TỘC Ở ĐÔNG NAM Á
TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA
TS. Đinh Thị Dung
Thế kỷ XX chứng kiến một sự thay đổi kỳ diệu của phong trào dân tộc ĐNA dưới ảnh hưởng nhất định của phương Tây, thời kỳ mà các phong trào dân tộc ở đây mang một sắc thái mới, đi theo một trào lưu mới - trào lưu dân chủ tư sản dưới tác động của chủ nghĩa tư bản phương Tây trong quá trình thực dân hóa.
Đối với khu vực Đông Nam Á (ĐNA), thế kỷ XX có một vị trí đặc biệt.
Không một quốc gia nào của khu vực Đông Nam Á trong thế kỷ XX bảo vệ được độc lập dân tộc chỉ dựa vào truyền thống vốn có.
Thế kỷ XX chứng kiến một sự thay đổi kỳ diệu của phong trào dân tộc ĐNA dưới ảnh hưởng nhất định của phương Tây, thời kỳ mà các phong trào dân tộc ở đây mang một sắc thái mới, đi theo một trào lưu mới - trào lưu dân chủ tư sản dưới tác động của chủ nghĩa tư bản phương Tây trong quá trình thực dân hóa.
Qua khảo sát ảnh hưởng của phương Tây đối với phong trào dân tộc ở ĐNA có thể góp phần nhận diện được nhiều đặc điểm của văn hóa ĐNA trước và sau khi có sự thâm nhập đầy tính cưỡng bức của văn hóa, văn minh phương Tây.
1. Trên cơ sở nghiên cứu lịch sử dân tộc hiện đại, phần lớn các nhà nghiên cứu cho rằng chủ nghĩa dân tộc bắt đầu từ cội nguồn châu Âu, từ những tư duy cổ điển về xã hội con người với xu hướng tập hợp lại xung quanh các hình thức khác nhau về bản sắc và trong một hình thức cộng đồng từ cuối thời trung đại, để hình thành nên một bản sắc cộng đồng. Tiêu biểu cho các cộng đồng dạng này là Hy Lạp và La Mã – quốc gia được hình thành từ nhiều cộng đồng địa phương (các thành bang) và các nguồn nhập cư khác được ổn định qua các biện pháp hợp hiến…
Từ quan điểm này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nguồn gốc của phong trào dân tộc, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở Đông Nam Á khởi nguồn từ việc tiếp xúc và đối kháng với phương Tây trong thời cận đại [Clive J.Christie[1], Mary Somers Heidhues[2]…].
Quan điểm trên có cơ sở khoa học của nó, tuy nhiên chưa quan tâm đến dân tộc và chủ nghĩa dân tộc mang màu sắc Á Đông, đặc biệt là ở khu vực ĐNA. Về điều này, Đặng Nghiêm vạn đã nêu rõ khi phân tích định nghĩa dân tộc của I. V. Stalin: “Khi bàn về sự hình thành hình thức cộng đồng dân tộc tư bản chủ nghĩa, tác giả đã mặc nhiên phủ nhận một thực tế lịch sử là đã tồn tại các hình thức dân tộc tiền tư bản chủ nghĩa.”[3]
Quả vậy, trước khi tiếp xúc với phương Tây, khoảng thời gian từ thế kỷ X - XV là thời kỳ hình thành những vương quốc phong kiến độc lập kiểu phương Đông ở ĐNA. Tiến trình lịch sử của ĐNA đã chứng minh điều đó. Một số quốc gia như Việt Nam, Miến Điện, Xiêm… đều có ý thức dân tộc rất mạnh mẽ và có ý thức sâu sắc về văn hóa dân tộc.
Từ những năm đầu công nguyên, cuộc đấu tranh bền bỉ chống Bắc thuộc của Việt Nam là một bằng chứng về phong trào dân tộc có tính cội nguồn của một đại diện ở ĐNA. Sau hơn 1000 năm Việt Nam đã khôi phục được độc lập chủ quyền bằng sức mạnh của cả một dân tộc. Chính sự liên kết trong trường kỳ đấu tranh đã làm cho ý thức cộng đồng thêm mạnh mẽ và là cơ sở của ý thức dân tộc. Bản sắc dân tộc Việt được bảo tồn qua nghìn năm bị đô hộ, và Việt Nam bước vào thế kỷ X với tư cách của một dân tộc chiến thắng. Thực tế, đây là trường hợp đặc biệt vì trên thế giới hầu như không có một trường hợp nào mất nước cả nghìn năm mà dân tộc đó lại khôi phục được độc lập dân tộc. Sauk hi độc lập, Việt Nam càng có ý thức sâu sắc hơn về một quốc gia dân tộc đa tộc người mà tộc người Việt đóng vai trò chủ thể, đại diện.
Với Miến Điện, sau khi lập nên nước Pagan (1044), người Miến đã xây dựng và phát triển đất nước này trở nên cường thịnh cho đến khi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên thất bại. Miến Điện lần lượt bị người Shan, Môn chiếm đóng và bị phân liệt, dân tộc Miến đã trường kỳ đấu tranh để khôi phục độc lập và đến giữa thế kỷ XVI mới tái thống nhất, đó cũng là quá trình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên ý thức quốc gia dân tộc của người Miến Điện.
Ý thức về quốc gia dân tộc của các nước ĐNA còn thể hiện trong mối quan hệ với các nước bên ngoài khu vực thời kỳ tiền phương Tây. Trường hợp Việt Nam qua sách lược thần phục giả danh - độc lập thực tế trong quan hệ với Trung Quốc là một minh chứng thuyết phục. Đây là một ứng xử ngoại giao đặt quyền lợi quốc gia và độc lập dân tộc lên trên mọi toan tính chính trị.
Ý thức dân tộc và phong trào dân tộc ở các nước ĐNA còn được vun đắp qua việc bảo tồn các giá trị văn hóa của cơ tầng ĐNA trong quá trình tiếp xúc và giao lưu với Trung Quốc, Ấn Độ trên lĩnh vực văn hóa. Rõ ràng những dấu ấn ảnh hưởng Trung Hoa và Ấn Độ là không thể phủ nhận, song sức mạnh bản địa ĐNA của văn hóa khu vực lại làm nên cái đặc sắc của văn hóa khu vực này.
Như vậy, quốc gia dân tộc với chủ nghĩa dân tộc và phong trào dân tộc ĐNA có nguồn gốc từ rất sớm, khi khu vực này chưa chịu ảnh hưởng của phương Tây. Ý thức dân tộc đã bắt nguồn từ cộng đồng có chung khu vực cư trú, tiếng nói, đặc trưng văn hóa… Phong trào dân tộc đi từ sự cố kết cộng đồng trong đấu tranh với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội để tồn tại và phát triển. Qua nhiều thế kỷ, các dân tộc ở ĐNA đã xây dựng được những vương quốc thống nhất về văn hóa, có một hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần có bản sắc. Phương Tây xâm lược đã phải trải qua một quá trình chinh phục kéo dài hàng mấy thế kỷ như ở Indonesia hay Miến Điện… bởi sự kháng cự của các phong trào dân tộc bền bỉ kiên cường ở đây. Quả thật, nếu không có tinh thần dân tộc để dẫn dắt các phong trào dân tộc trong những hoàn cảnh đối diện với làn sóng xâm nhập từ bên ngoài, thì chúng ta cũng dễ mất đi cái gốc truyền thống bản địa.
2. Ý thức về dân tộc, về nền tảng văn hóa bản địa cũng chính là cơ sở cho các phong trào dân tộc phát triển mạnh mẽ ở ĐNA dưới tác động của văn minh phương Tây trong buổi đầu thời kỳ cận đại.
Khi có sự xâm lược của phương Tây, tại ĐNA đã bùng lên những phong trào dân tộc mạnh mẽ, đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia, đồng nghĩa với việc bảo vệ vương triều phong kiến đang cai trị. Nước đầu tiên rơi vào ách thực dân là Indonesia. Từ những năm 20 của thế kỷ XVII khi Hà Lan chiếm được một số vùng ở Indonesia, nhân dân ở Indonesia đã lập tức vùng lên đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc. Đó là cuộc đấu tranh của nhân dân Banda từ 1621, khởi nghĩa của Surapatti, Diponegoro… Cũng như ở Indonesia, các dân tộc ở ĐNA đều bắt đầu phong trào dân tộc bằng những cuộc đấu tranh vũ trang tự phát hoặc chiến tranh du kích. Có thể tìm thấy những ví dụ tương tự trong các cuộc nổi dậy của các hoàng tử và nhà sư Miến Điện, khởi nghĩa của hoàng thân Sivotha ở Campuchia, khởi nghĩa Ong Kẹo ở Lào, phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi ở Việt Nam… “Những phong trào này được dẫn dắt bởi các giai cấp lãnh đạo cũ… thể hiện phản ứng bản năng và cuồng nhiệt trước sự xâm nhập của phương Tây…”[4].
Các phong trào dân tộc ở ĐNA từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX với nền tảng là chủ nghĩa yêu nước phát triển thành chủ nghĩa chống thực dân, còn chưa chịu tác động bởi những ảnh hưởng tư tưởng phương Tây, chưa có tổ chức trên cơ sở một hệ tư tưởng khoa học về chủ nghĩa dân tộc hiện đại theo kiểu châu Âu, với các mục tiêu kinh tế và chính trị rõ ràng. Đây là một trong những nguyên dân dẫn đến sự chưa thành công của hầu hết các phong trào giải phóng dân tộc.
Sự chiến thắng của thực dân phương Tây lại đem đến cho các nước ĐNA những nhận thức mới. Bên cạnh sự nhận ra sức mạnh của khoa học – kỹ thuật phương Tây, ĐNA cũng dần nhận thức được những tư tưởng tiến bộ của phương Tây, trong đó có những học thuyết xã hội tiến bộ về quyền tự do cá nhân và quốc gia dân tộc. Các cuộc cách mạng tư sản ở phương Tây thắng lợi đã giải phóng con người về mặt ý thức và thân phận thoát khỏi sự kìm chế của chế độ phong kiến độc đoán, tuyên bố về quyền con người, tự do dân chủ cá nhân và hình thành các quốc gia dân tộc. Đó là những tư tưởng của John Stuart Mill, Alexis Tocqueville, Mazzini… Và rõ ràng khi phương Tây sang ĐNA, những tư tưởng, quan điểm mới mẻ về dân tộc, về chủ nghĩa dân tộc cũng sẽ theo vào và đem lại một luồng gió mới cho phong trào dân tộc ở ĐNA. Vì thế, ảnh hưởng của phương Tây đối với phong trào dân tộc còn cần được nhìn dướí góc độ văn hóa, thấy được ảnh hưởng của văn hóa phương Tây đối với phong trào dân tộc Đông Nam Á trong thế kỷ XX.
Quả vậy, trước thế kỷ XX, các phong trào dân tộc chống thực dân ở ĐNA chủ yếu nhấn mạnh vào các giá trị truyền thống mang tính bản sắc. Đó là sự đoàn kết cộng đồng, tinh thần yêu nước v.v… Đến đầu thế kỷ XX phong trào dân tộc bắt đầu có những biến chuyển quan trọng, ý thức hệ dân tộc chủ nghĩa không chỉ tập trung dựa vào các giá trị truyền thống bản địa, mà bắt đầu hướng ra bên ngoài, tiếp thu các tư tưởng mới từ phương Tây. Nhiều trí thức tiên tiến ĐNA đã nhận ra sự luẩn quẩn của con đường cũ mà phong trào dân tộc khu vực đã đi, nhất là từ khi nhận thức được sức mạnh của cải cách, duy tân của Nhật và sự thắng lợi của Nhật trong chiến tranh với Nga vào năm 1905.
Trong quá trình thâm nhập của phương Tây, dưới tác động hai mặt của chính sách thực dân, các nước ĐNA có sự biến đổi khá toàn diện.
Sự biến đổi về giáo dục, ngôn ngữ theo hướng xã hội hóa là một thực tế ở ĐNA. Các trường học hiện đại đã được mở và phát triển nhanh chóng ở nhiều thuộc địa, dù cho người phương Tây có những vị trí cao nhất trong các trường thì một số người bản địa cũng được theo học và tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến của phương Tây. Nền văn hóa và giáo dục phương Tây về mặt khách quan đã đưa lại những kết quả ngoài mong muốn của chính phủ thực dân, đó là một tầng lớp trí thức mới, bộ phận này sẽ tiếp nhận các yếu tố văn hóa tư tưởng phương Tây, về dân tộc tự quyết, tự do, bình đẳng, về quốc gia dân tộc từ nhà trường của thực dân hay ở chính quốc. Chính bộ phận này sẽ vượt qua được những giới hạn mà trí thức cũ bị đóng khung xơ cứng, để hướng tới mục tiêu phương hướng mới cho phong trào dân tộc. Họ mong muốn đưa vào nước mình các thiết chế chính trị - kinh tế phương Tây, đồng thời phủ nhận quyền cai trị của phương Tây trên đất nước họ.
Ý thức về dân tộc phát triển mạnh hơn khi một số người da trắng sang định cư ở ĐNA. Tại Philippine việc cải cách mở rộng các ban ngành trong chính phủ thực dân tạo điều kiện cho nhiều người Phi tham gia vào việc hành chính của nước mình ở các cấp cơ sở Những người có học trẻ tuổi có cơ hội học tập làm việc với nhiều người ở các vùng miền khác nhau, cùng chung thân phận và điều này đã thức tỉnh ý thức dân tộc ở Philippine. Từ năm 1861, ở Philippine một đạo luật về giáo dục đã được ban hành, quy định ít nhất mỗi tỉnh phải có 1 trường tiểu học cho các bé trai và 1 trường cho các bé gái. Ước tính đến cuối thế kỷ XIX tại Philippine có khoảng 2150 trường công lập với 200000 học sinh[5]. Phong trào dân tộc theo xu hướng mới ảnh hưởng bởi những tư tưởng tiên tiến của phương Tây ở Philippine là phong trào dẫn đầu Đông Nam Á. Từ cuối thế kỷ XIX, các trí thức Philippine từ phương Tây trở về đã khuấy động phong trào dân tộc Phi bằng những cuộc đấu tranh chống Tây Ban Nha đòi tự do, dân chủ, độc lập như José Rizal, Andres Bonifacio… Đầu thế kỷ XX, sau khi nước cộng hòa Philippine được thành lập, Hoa Kỳ đã can thiệp vào đất nước này và năm 1901 Hoa Kỳ chính thức đặt Phi dưới sự bảo hộ của mình, bộ phận trí thức ưu tú ở đây bắt đầu tiếp xúc với lực lượng chiếm đóng mới, chuẩn bị đấu tranh cho nền độc lập tương lai của Philippine.
Đầu thế kỷ XX, trí thức ở Indonesia, cũng thành lập lương tri xã, hiệp hội sinh viên Indonesia…; trí thức Miến Điện cũng thành lập các tổ chức tương tự, Việt Nam thì nổi lên Duy Tân hội, phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục… Dù có những khác biệt trong phong trào dân tộc ở các nước, song các tổ chức và hoạt động của phong trào dân tộc Đông Nam Á đều có chung mục đích là tuyên truyền ý thức dân tộc – dân chủ, quyền độc lập quốc gia dân tộc và giành lại chủ quyền đất nước từ thực dân. Trong các phong trào dân tộc ở ĐNA đầu thế kỷ XX, lần đầu tiên người ta nói đến văn minh tư sản là “công nghiệp mở trí khôn cho dân”, hô hào học cái mới của Âu - Mỹ, Nhật. Ở đây cái cốt lõi của khuynh hương dân tộc trong phong trào dân tộc là học khoa học kỹ thuật phương Tây. Thực chất của phong trào dân tộc dưới tác động của phương Tây là độc lập dân tộc gắn liển với cải cách xã hội.
Ý thức dân tộc của ĐNA còn được củng cố hơn bằng những phương tiện truyền thông hiện đại của văn minh phương Tây: máy in, sách báo, điện tín, điện thoại… Số người biết đọc, biết viết ngôn ngữ bản địa đã góp phần phổ biến những tư tưởng mới. Ở Indonesia tiếng Malay đã trở nên phổ biến và trở thành quốc ngữ. Từ cuối thế kỷ XIX văn học quần chúng và báo chí đã tuyên truyền phổ biến rộng rãi những ý tưởng về hiện đại hóa về chủ nghĩa dân tộc và sự giải phóng dân tộc. Điều này cũng xảy ra ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, văn chương đại chúng bùng nổ với “khoảng 10.000 tựa sách từ dày tới mỏng được xuất bản từ năm 1923-1944, bên cạnh hàng trăm ấn phẩm định kỳ”[6]. Báo chí bản địa đóng vai trò là cơ quan phát ngôn cho phong trào dân tộc ở các thuộc địa. Chữ quốc ngữ ở Việt Nam nhanh chóng thành phương tiện chuyển tải tới đại chúng những vấn đề mà phong trào dân tộc quan tâm như truyền thống và hiện đại, vấn đề đạo đức xã hội, vai trò nữ giới…, và góp phần xóa mù chữ ở Việt Nam.
Ở Indonesia, tổ chức dân tộc chủ nghĩa đầu tiên nằm trong trường Đại học duy nhất lúc bấy giờ - trường Đại học Y Khoa ở Batavia - với hy vọng về sự khai sáng, tạo những cơ hội cho nữ giới… “những khởi đầu nho nhỏ này, cùng với việc đặt nặng vấn đề cải cách và hợp tác với thế lực thực dân, đã gieo mầm mống của chủ nghĩa dân tộc lên toàn Indonesia, mà sau này sẽ loại bỏ chế độ bảo hộ của châu Âu”[7].
Nhìn chung, ĐNA đã đặc biệt quan tâm đến các ý tưởng, giáo dục, cải cách ở châu Âu và phong trào dân tộc ở đây đã có một nền tảng văn hóa khác trước. Ngay trong lĩnh vực tôn giáo người ta cũng đã “tìm cách gạt bỏ những mê tín và những điều mà trong thực tế nhân dân bản xứ đã đưa thêm vào”[8]. Để tăng cường sức mạnh cho dân tộc, người ta đã đưa gần như toàn bộ các lĩnh vực đời sống vật chất và tinh thần truyền thống ra để thảo luận nhằm đổi mới cách tân.
3. Ảnh hưởng của phương Tây góp phần tạo nên những nhân tố vật chất và tinh thần quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử Đông Nam Á. Theo nhận định một nhà nghiên cứu nước ngoài thì thế kỷ XX “cả lục địa châu Á đang tự nhận thức về mình” và đó là “sự vùng lên của Đông Nam Á”[9]. Vũ Dương Ninh cũng cho rằng “Sựvùng lên hay thức tỉnh ở đây nên được hiểu là sự xuất hiện của yếu tố tư sản hơn là sự gia tăng số lượng cuộc đấu tranh”[10]. Đây là một trong nhiều giá trị của phương Tây chỉ có thể đến với phong trào dân tộc qua những tiếp xúc văn hóa giữa phương Tây và Đông Nam Á. Cuộc đấu tranh của nhân dân ĐNA ngoài mục tiêu vì độc lập dân tộccòn xuất hiện yếu tố dân chủ. Hai mục tiêu này là phương hướng hành động cho phong trào dân tộc Đông Nam Á suốt lịch sử cả thời hiện đại. Bên cạnh đó là việc bảo vệ những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, các nước Đông Nam Á vẫn giữ được đạo Phật, đạo Hồi. Phật giáo ở Thái Lan, Miến Điện, Hồi giáo ở Indonesia, Mã Lai đều có vai trò quan trọng trong việc tập hợp dân tộc chống thực dân bảo vệ văn hóa dân tộc.
Sau tháng Tám năm 1945, Đông Nam Á là nơi đầu tiên trong hệ thống các nước thuộc địa trên toàn cầu thành lập được các quốc gia độc lập. Phong trào dân tộc đã thắng lợi hoàn toàn. Chính vì thế Đông Nam Á là khu vực đi đầu trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và dân chủ. Sự phục hưng của Đông Nam Á do nhiều nhân tố chi phối, một trong những nhân tố đó là văn hóa, giáo dục phương Tây, môi trường mà những trí thức dân tộc chủ nghĩa trưởng thành. Ảnh hưởng không nhỏ của những học thuyết chính trị, phương pháp tranh đấu trên các lĩnh vực của châu Âu, và cuối cùng là những khái niệm về quốc gia dân tộc, lý tưởng của nền dân chủ tư sản phương Tây, công cuộc hiện đại hóa xã hội, phong trào dân tộc Đông Nam Á đã có những thành công nhất định.
2008
[1] Clive J. Christie (2000), Lịch sử Đông Nam Á hiện đại, Nxb Chính trị Quốc gia, trang 16 – 17.
[2] Mary Somers Heidhues (2007), Lịch sử phát triển Đông Nam Á, Nxb Văn hóa Thông tin, trang 160 – 161.
[3] Đặng Nghiêm Vạn (2003), Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Tp.HCM, trang 19.
[4] D.G.E. Hall (1997), Lịch sử Đông Nam Á, Nxb Chính trị Quốc gia, trang 1172 - 1173
[5] Nguyễn Văn Nam (2008), Tìm hiểu lịch sử các nước Đông Nam Á, ASEAN, Nxb Hà Nội, trang 331.
[6] Mary Somers Heidhues (2007), Lịch sử phát triển Đông Nam Á từ hình thành đến hiện đại, Nxb Văn hóa Thông tin, trang 163.
[7] Mary Somers Heidhues (2007), Lịch sử phát triển Đông Nam Á từ hình thành đến hiện đại, Nxb Văn hóa Thông tin, trang 166.
[8] Clive J. Christie (2000), Lịch sử Đông Nam Á hiện đại, Nxb Chính trị Quốc gia, trang 16 – 31.
[9] D.G.E. Hall (1997), Lịch sử Đông Nam Á, Nxb Chính trị Quốc gia, trang 1172 - 1037
[10] Vũ Dương Ninh (Cb), Đông Nam Á tháng Tám năm 1945, Nxb Thế Giới, trang 51.
(Đã báo cáo trong Hội thảo khoa học: Ảnh hưởng của văn hóa Âu- Mỹ đối với thế giới và Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa do ĐH KHXH-NV Hà Nội và ĐHKHXH-NV Tp.HCM tốc chức)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét