LÒ GỐM KIỂU LÒ RồNG Ở INDONESIA
ThS. Phan Anh Tú
Đại học Quốc gia Tp.HCM
Đã đăng trong: Thông báo khoa học số 2 năm 2000 – BTLSVN Tp. HCM, Tr. 143 -145.
Theo truyền thuyết, Singkawang do người Trung Hoa xây dựng vào thế kỷ thứ 13, họ là các chiến binh trong đạo quân viễn chinh do Hốt Tất Liệt (cai trị từ năm 1260 – 1294) gửi sang để trừng phạt nhà vua Java vì tội dám xúc phạm đến một trong các sứ thần của Đại Hãn. Trong chuyến hải hành trở về Trung Hoa, quân Nguyên bị mắc cạn tại miền Tây Kalimantan, một số đã định cư lại Singkawang và kết hôn với các thiếu nữ bản xứ. Câu chuyện trên có thể là một giả thuyết nhưng căn cứ vào thực tế, ngày nay phần lớn cư dân Singkawang là người Hoa chứng tỏ vùng này phải có mối quan hệ về văn hóa và lịch sử rất lâu đời với Trung Hoa
Trong số các đặc trưng văn hóa Trung Hoa ở Singkawang có sự hiện diện của nghề thủ công làm gốm. Theo một số lời kể của các cư dân người Hoa sinh sống ở đây thì các nhà máy sản xuất gốm được xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Cư dân Trung Hoa đã vận dụng tri thức sản xuất đồ gốm của họ vào thực tế cuộc sống khi có sự hỗ trợ của mỏ đất sét có sẵn ở các vùng lân cận.
Nghề thủ công sản xuất gốm ở Singkawang không những tương đồng với Trung Hoa về loại sản phẩm mà cả về lĩnh vực kỹ thuật. Kỹ thuật ở đây hoàn chỉnh và gần tương tự với các phương pháp mà các nghệ nhân Trung Hoa sử dụng cách nay hàng ngàn năm tại Đại lục. Một ví dụ điển hình khác là lò gốm cũng có hình dáng tương tự như kiểu lò của Trung Hoa, mà người ta thường gọi là “lò rồng”.
Kiểu lò này giống như một con rồng nằm duỗi thẳng chiều dài từ đầu đến đuôi là 38m phần đầu có 3 cửa mở (miệng) để đưa nhiên liệu vào bầu lửa. Đầu và thân cao 1.5m và rộng 1.3m, lòng lò trở nên cao dần và rộng hơn về phần cuối đuôi, dọc theo hai bên thân người ta xây một dãy mắt lò giống như những vẩy rồng cũng dùng để đưa nhiên liệu vào. Hai cửa lớn nằm ở bên trái và phải của thân dùng đưa sản phầm vào và mang ra sau khi nung xong. Đuôi rồng hình tròn, vươn cao lên trời làm chức năng của một ống khói.
Lò rồng được xây dựng bằng gạch mộc, dùng đất sét làm chất kết dính, loại gạch này có tác dụng giảm nhiệt làm cho lớp đất sét không bị vở khi chúng trở nên cứng hơn trong suốt mỗi lần nung. Bên trong, các dãy chóe được xếp dọc theo hai bên thành lò, tương ứng với chiều cao của lò.
Quá trình tạo hình cho sản phẩm hầu như không khác gì so với kỹ thuật cổ truyền của Trung Hoa. Đất sét được tạo dáng trên một bàn xoay có đường kính 1m. Sau khi tạo dáng xong, sản phẩm được phơi khô (chủ yếu nhờ gió) ở nơi thoáng mát trong thời gian một ngày. Sau đó người ta mới tiến hành trang trí hoa văn, các kiểu hoa văn như: hoa lá, động vật được trang trí bằng khuôn, bằng cách chạm trổ và in ấn. Đôi lúc, một sản phẩm cũng được trang trí bằng tất cả các loại kỹ thuật trên. Sau khi trang trí xong, sản phẩm được đặt ở chỗ thoáng mát trong hai giờ đồng hồ để ngăn cho chúng khỏi bị vỡ hay rạn nứt. Bước kế tiếp là tráng men, dùng phương pháp nhúng men đối với các sản phẩm nhỏ. Sau khi hoàn thành, sản phẩm được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
Nung gốm là một công đoạn quyết định nhất, chỉ một lỗi nhỏ xảy ra cũng có thể hủy hoại toàn bộ công trình. Nung gốm trong lò rồng thường là khó hơn và đòi hỏi phải chính xác hơn việc sử dụng lò điện hiện đại. Nhưng ích lợi của lò rồng là nó có thể chứa từ 5 – 7.000 hiện vật và hoàn toàn tiết kiệm được tiền nhiều hơn so với các kiểu lò nung khác.
Hiện vật được xếp trong lò tùy thuộc vào khả năng chịu nhiệt của chúng. Đồ gốm không men, do chịu nhiệt thấp nên phải đặt phía sau gần ống khói xa nguồn nhiệt lượng để tránh cho chúng khỏi bị vỡ và nứt. Ở giữa lò đặt các hiện vật có men như: đĩa; tô bình và chóe. Quá trình nung gốm diễn ra trong vòng 24 tiếng đồng hồ, dùng củi cây cao su làm nhiên liệu vì loại gỗ này có nhiệt lượng rất cao, nhiệt độ trong lò có thể lên đến 1.2000c, khi lửa “trắng ngọn” là dấu hiệu các loại đồ gốm đã được nung chín. Nhiều thế kỷ trước, theo tín ngưỡng dân gian Trung Hoa người ta phải cầu nguyện trong suốt quá trình nung để đảm bảo cho sự thành công và loại trừ ma quỉ.
Một trong số các loại đồ gốm nổi tiếng nhất thị trấn Singkawang là loại chóe (chum) đa dụng. Chúng được dùng ủ rượu, trữ nước ngọt, đóng thay tiền phạt và dùng trong nghi lễ. Nằm sâu trong nội địa Kalimantan, thổ dân bộ lạc Dayak còn dùng chôn người chết, loại chum đặc biệt này có thể nhận dạng được qua màu men xanh xám, hoa văn kiểu chữ tượng hình của Trung Hoa nhằm biểu thị giới tính của người quá cố. Các loại chóe này được xem là có phép linh và tượng trưng cho địa vị của chủ nhân.
Chóe Singkawang vốn đa dạng, gồm loại chóe men nâu hoa văn rồng, chóe men nâu hoa văn phụng hay “Bát tiên”, chóe men ngũ sắc hoặc chóe vẽ hoa văn “Long hỷ”. Ngoài ra còn có chóe men xanh không trang trí hoa văn. Hình dáng và hoa văn những loại chóe này tương tự như các hiện vật gốc thuộc triều đại nhà Tống và nhà Minh bên Trung Hoa. Sản phẩm khác có chóe men đen, hoa văn đắp nổi nằm giữa hai đường tròn bao quanh cổ và vai, nối với các đường thẳng chạy dài từ vai xuống thân, tương tự như kiểu chóe Thái Lan thế kỷ 18.
Do có nhiều nét tương tự như các cổ vật của Trung Hoa, nên đồ gốm Singkawang đôi khi lại dễ nhầm với các cổ vật thật . Giá gốc của một hiện vật khoảng từ 20 – 25 đô la nhưng các thương buôn có thể nâng giá lên đến hàng trăm đô la Mỹ do rất khó phân biệt sự khác nhau giữa chóe Singkawang và chóe cổ nguyên gốc. Hai yếu tố cơ bản để nhận dạng là đế chóe Singkawang dày và nặng, còn chóe cổ có đế lõm trọng lượng nhẹ. Dù được sản xuất ở bất kì lò nào, chóe Singkawang cũng có đế lõm và trọng lượng nặng. Khi tiến hành thí nghiệm phân tích, bạn sẽ có thêm nhiều tư liệu về loại gốm này.
Đồ gốm Singkawang, đặt biệt là các chóe đã góp phần quan trọng trong sinh hoạt đời sống của các dân tộc ở Indonesia, cũng như ở Sarawak, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines.
Tài liệu tham khảo
1. Ministry of Indonesia Information 1965. Arts and Crafts in Indonesia.
2. Robert Heine Geldern 1966. Two studies of art in the Pacific Asia. – Hawai University.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét