TRUYỀN THUYẾT VỀ RẮN NAGA TRONG VĂN HÓA KHMER
Phan Anh Tú
(ĐHQG TP.HCM)
Naga trong tiếng Phạn có nghĩa là rắn lớn, nhằm chỉ con rắn hổ mang, loài rắn mà nộc độc của nó có thể giết chết một con voi trưởng thành. Loài rắn hổ mang còn tượng trưng cho thần Civa vì chúng bao hàm cả hai ý nghĩa hủy diệt và tái sinh.
Rắn Naga trong tiếng Khmer gọi là Niệk, hình tượng này hiện diện trong văn hóa Khmer có lẽ từ trước khi văn hóa Ấn Độ ảnh hưởng đến vùng đất này vì người Khmer vốn có tín ngưỡng bản địa thờ rắn. Truyền thuyết lập quốc của người Khmer kể rằng có một người Bà La Môn tên là Kaudinya, đi thuyền từ Ấn Độ hay Indonesia đến vùng đất của người Khmer, chiến thắng một nữ vương hay một nàng công chúa có tên là Soma hoặc Nagini con của vua rắn Naga, rồi lấy người phụ nữ này làm vợ và sinh ra dòng dõi các vị vua Khmer. Người Khmer, người Chăm và hầu hết các tộc người chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ đều có truyền thuyết lập quốc gần tương tự nhau như vậy. Vào thế kỷ 14, tại Thái Lan vị vua đầu tiên của triều đại Sukhothai đã hợp thức hóa việc lên ngôi của mình cũng bằng cách tự cho mình thuộc dòng dõi của một thủ lĩnh Thái và một nàng Nagini (nàng tiên rắn).
Đầu cầu thang trang trí hình công chúa rắn (Nang Niệk)
Người Khmer tin rằng chính Kaudinya đã truyền cho họ những bí quyết về nghề trồng lúa và công việc thủy lợi. Còn các vị vua Khmer sau này thì được tin là đã giao phối với một Nagini xinh đẹp để duy trì dòng dõi hoàng gia. Trong tác phẩm Chân Lạp phong thổ kí, tác giả Châu Đạt Quan viết rằng: “hàng đêm quốc vương đều có đến ngủ với một nàng tiên rắn…”. Trong mỗi triều đại, các vị vua Khmer đều cho xây dựng các cung điện và các đền thờ khổng lồ bằng đá, mà rắn Naga được xem là vị thần canh giử nơi thiêng liêng đó, vì vậy chúng luôn xuất hiện trên cầu thang, trên các lối đi, trên ngưỡng cửa hoặc trên các mái tháp để xua đuổi tà ma. Chúng còn tượng trưng cho sự phồn thực và là loài vật có khả năng bảo vệ mọi nguồn nước và các công trình thủy nông của người Khmer cổ. Trong Bà La Môn giáo và Phật giáo Theravada, rắn Naga không những là vị thần Mưa mà còn là vị thần dẫn dắt tín đồ ngoan đạo lên cõi Niết Bàn (Nivarna).
Đầu cầu thang trang trí hình rắn Naga
Trong các ngôi đền cổ, các kiến trúc sư Khmer luôn xây dựng nhiều chiếc cầu vồng có hình rắn Naga vì nó tượng trưng cho chiếc cầu nối liền giữa cõi trần gian và Niết Bàn. Con rắn Naga nhiều đầu còn tượng trưng cho chiếc cầu nằm trải dài dưới chân những ngôi đền núi (thế giới con người) đến đỉnh của ngôi đền (thế giới thần linh). Hình tượng những chiếc cầu vồng hình rắn Naga là mô típ phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc Khmer thời cổ, mà ngày nay người ta vẫn còn thấy dấu vết của loại hình điêu khắc này tại khu đền Angkor nổi tiếng hay đền Prasat Phanong Rung của Kampuchia trên đất Thái Lan.
Cầu thang trang trí hình rắn Naga
Rắn Naga là mô típ trang trí quan trọng trong nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Khmer. Phật thoại đã mô tả cuộc đời của Đức Phật từ khi ngài mới đản sinh cho đến khi nhập cõi Niết Bàn đều có liên quan ít nhiều đến rắn Naga. Câu chuyện đầu tiên khi hoàng hậu Maya hạ sinh ngài tại vườn Lâm Tì Ni, Thái tử Tất Đạt Đa được một vua rắn Naga chín đầu phun nước tắm, điển tích này được người Trung Hoa mô tả bằng đề tài điêu khắc là hình tượng chín con rồng bao quanh Đức Phật sơ sinh, mà người ta quen gọi là “Tượng Cửu Long”. Loại tượng này rất dễ tìm thấy trong các ngôi chùa Phật giáo Bắc tông (Mahayana Buddhism). Một câu chuyện khác lại kể rằng, rắn Naga chính là vị thần Hộ pháp (Dvarapala) canh giử viên ngọc của mọi điều ước, viên ngọc ấy cũng tượng trưng cho Tam Bảo của nhà Phật (Buddha: Phật; Dahma: Pháp, Sangha: Tăng). Trong tập Bổn Sanh Kinh (Jataka) cũng có những câu chuyện kể về tiền kiếp của Đức Phật Gautama (Cồ Đàm) trong kiếp hóa thân của một con rắn Naga. Song có lẽ câu chuyện nổi tiếng nhất có ảnh hưởng sâu đậm trong nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc của người Khmer và người Môn là câu chuyện về Đức Phật tọa thiền trên mình rắn Naga. Trong sự tích này kể về “Bảy ngày tu đầu tiên của Đức Phật”, khi ngài đang đang tọa thiền dưới cội Bồ Đề (Boddhi) thì một cơn mưa trái mùa như trút nước dội xuống thân thể ngài, đúng lúc đó một vị vua rắn Naga liền bò ra khỏi nơi trú ẩn của mình, cuộn mình thành bảy vòng tròn, nâng Đức Phật lên khỏi dòng nước đang chảy xiết và dùng bảy chiếc đầu của mình làm thành một chiếc táng che chỡ cho Đức Phật. Kiểu tượng “Phật ngồi trên mình rắn Naga” cũng là một phong cách điêu khắc phổ biến trong thời kì văn hóa Angkor (thế kỷ 10 – 13).
Đức Phật tọa thiền trên mình rắn Naga Hình rắn Naga xăm trên cánh tay
Hình tượng con rắn Naga bảo vệ cho Đức Phật tọa thiền là loại đề tài quen thuộc trong Phật giáo Nam tông (Hinayana Buddhism) của người Khmer. Nhưng có lẽ hình tượng này được cải biên từ câu chuyện thần thoại của đạo Hindu về “Giấc ngủ sáng tạo của thần Vishnu”, dưới một cái tên khác là thần Narayana (một trong những hóa thân của thần Vishnu), vị thần này thể hiện cho một tinh thần vũ trụ bất tận, một năng lực sáng tạo vô biên cho thế giới của thần Vishnu. Vishnu là vị thần Bảo Tồn, nhưng ngài không chỉ bảo vệ thế giới mà còn hủy diệt nó. Trong một chu kì thời gian của vũ trụ, ngài hủy diệt thế giới bằng một sức nóng kinh khủng, làm cho thế giới bị chìm vào trong vũ trụ mênh mông, rồi từ đó ngài lại tái sinh ra nó. Câu chuyện “Giấc ngủ sáng tạo của thần Vishnu” được thể hiện bằng hình tượng thần Narayana chìm trong giấc ngủ theo tư thế nằm nghiêng, xuôi thân theo chiều dài của con rắn Naga hay Shesa (còn gọi bằng tên khác là Ananta nghĩa là Bất tận). Ananta – Shesa cuộn thân hình của nó lại như một chiếc thuyền khổng lồ trôi bồng bền trên “Biển Sữa” mênh mông và vươn những chiếc đầu của nó ra như một mái vòng che cho thần Narayana. Trong giấc ngủ sáng tạo đó, từ cuốn rốn của thần Narayana mọc ra một đóa hoa sen và thần Brahma được đản sinh trên đóa sen này để tiếp tục sự nghiệp sáng tạo của thần Narayana. Đề tài này đặc biệt được tìm thấy rất nhiều trong nghệ thuật điêu khắc đá tại khu đền Angkor, nhiều đền tháp cổ khác của người Khmer và tại Bảo tàng điêu khắc Chăm ở Quảng Nam cũng có một phù điêu Chăm Pa mô tả câu chuyện này.
Thần Narayana nằm ngủ trên mình rắn Ananta – Shesa
và đản sinh ra thần Brahma
Trong các ngôi chùa Khmer, rắn Naga ngự trên các mái chùa, các đầu đao để xua đuổi tà ma và bảo vệ đạo Phật. Ngoài ra cũng có hình tượng rắn Naga được chạm trổ bằng xà cừ uốn lượn quấn quanh những cánh cửa chùa, trên những chiếc tủ đựng kinh sách, trên những chiếc xe tang đưa người chết đến nơi hỏa thiêu tượng trưng cho vị thần đưa linh hồn người tốt lên cõi Niết Bàn Tavatimsa (Đâu Suất). Cũng giống như con rồng Trung Hoa, rắn Naga được thể hiện phổ biến trong các mô típ kiến trúc và điêu khắc. Nhưng có sự khác biệt vì rắn Naga chỉ xuất hiện như một linh vật bảo vệ cho tôn giáo, còn con rồng lại biểu tượng cho quyền lực thế tục của hoàng đế Trung Hoa. Vào thế kỷ thứ III trước Công Nguyên, triều đại nhà Hán đã dùng hình tượng con rồng năm móng làm biểu trưng cho uy quyền của hoàng đế. Trong khi đó, người Khmer chỉ xem rắn Naga là biểu tượng cho tôn giáo, tượng trưng cho sự sáng tạo, hủy diệt và tái sinh. Rắn không là biểu tượng của hoàng đế, ngoại trừ câu chuyện truyền thuyết lập quốc của Kampuchia và một số nước Đông Nam Á khác.
Cả trong quá khứ và hiện tại, người Khmer đều tin rằng họ thuộc dòng dõi Kaudinya, một người Bà La Môn gốc Ấn và công chúa Soma hay Nagini (nàng tiên rắn), con gái của vua rắn Naga, chính điều đó cũng đã nói lên quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa (acculturation) giữa người Ấn Độ và người Khmer. Nhưng nếu được thể hiện dưới bất kì hình tượng nghệ thuât nào trong văn hóa Khmer, thì rắn Naga nguyên thủy của nó vẫn là biểu tượng của nguồn nước và những quyền năng mà thiên nhiên ban tặng cho con người…
(Đã đăng: Thông báo khoa học số 05 năm 2004)
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Anh Hoan, Hứa Sa Ni 2003. “Kiến trúc mỹ thuật ở các ngôi chùa trên vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Tạp chí Dân tộc Thời đại, số 60, tháng 11, tr. 4 - 5.
2. Viện văn hóa 1993. Văn hóa người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long. - NXB. Văn hóa Dân tộc
3. website: www.koratmagazine.in.th/sight/phimai/enaga.htm
4. website: www.cambodianonline.net/angkorwat.502.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét