Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

Quan hệ giữa sử thi Phả Đeng Nang Ày, chuyện Pháya Khăn Khác (chúa Cóc) với lễ hội Bun Băng Phay của người Lào


Quan hệ giữa sử thi Phả Đeng Nang Ày,
chuyện Pháya Khăn Khác (chúa Cóc)
với lễ hội Bun Băng Phay của người Lào 
Phan Anh Tú

Bài tham gia hội thảo Văn học Lào tháng 12 năm 2006 tại TP. HCM. 
       Sử thi Phả Đeng Nang Ày và truyền thuyết về Pháya Khăn Khác là những tác phẩm văn học dân gian của dân tộc Lào. Mặc dù cho đến nay, người ta vẫn chưa biết được gì về tác giả hay bối cảnh hình thành của chúng nhưng từ lâu chúng đã là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của cư dân Lào sống trên lãnh thổ CHDCND Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan ngày nay, tức vùng Thái Isản. Đối với sử thi Phả Đeng Nang Ày, người Lào có những biến thể khác nhau về tên nhân vật và địa điểm xảy ra các sự kiện nhưng toàn bộ nội dung thì hoàn toàn giống nhau. Trong bài viết này, chúng tôi chủ yếu tóm lược nội dung sử thi Phả Đeng Nang Ày, truyền thuyết Pháya Khăn Khác và phân tích những yếu tố liên quan đến lễ hội Bun Băng Phay, một lễ hội nông nghiệp nổi tiếng được tổ chức hằng năm tại Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.
         Sử thi Phả Đeng Nang Ày
         Nội dung sử thi kể về chuyện tình tay ba đầy kịch tính giữa quốc vương Phả Đeng, công chúa Ày Kham (Nang Ày) và hoàng tử Naga Phang Khi. Chuyện kể rằng công chúa Ày Kham là con gái của hoàng đế Ek Thita và hoàng hậu Sida của đế chế Khmer, nàng và quốc vương Phả Đeng, vua của thành phố Pha Phong yêu nhau trong một lần gặp gỡ và thề nguyền sẽ lấy nhau khi quốc vương giành thắng lợi trong hội thi bắn pháo thăng thiên (Bun Băng Phay) hàng năm. Tuy nhiên, tình yêu thầm kính của họ không đi đến một kết quả như mong muốn vì Phả Đeng bị thua trong cuộc thi do hoàng đế Ek Thita tổ chức. Cùng lúc đó hoàng tử rắn Naga là Phang Khi đi xem hội, bị choáng ngợp trước sắc đẹp của Ày Kham nên Phang Khi yêu nàng say đắm bất chất sự khác biệt về giống nòi. Để tiếp cận công chúa, Phang Khi bèn biến thành một con vượn bạch cổ đeo một vòng lục lạc rất xinh để thu hút công chúa. Thấy con vượn đẹp, Ày Kham muốn bắt nó làm con vật nuôi nên hạ lệnh cho người thợ săn của hoàng tộc bắt nó. Người thợ săn thay vì dùng mũi tên thường để chỉ làm bị thương con vật nhưng anh ta lại vô tình sử dụng mũi tên độc thế là con vượn chết ngay tại chỗ. Trước khi chết, con vượn cầu xin với thần linh rằng “hãy làm cho thịt của ta đầy tám cỗ xe bò để đủ cho tất cả dân chúng cùng ăn”. Thế là Ày Kham chia đều thịt vượn cho tất cả mọi người trong kinh thành, ngoại trừ những quả phụ mà chồng họ chết không phải vì phục vụ cho vua Khmer.
      Khi vua rắn Naga là Suttho nhận ra cái chết oan uổng của con trai mình, liền dẫn đạo quân rắn tiến vào đế chế Khmer giết hết mọi người, đặc biệt những kẻ đã ăn thịt Phang Khi. Đối với những quả phụ không ăn thịt vượn bạch, nhà vua không làm hại họ. Khi nghe được hung tin, quốc vương Phả Đeng chạy đến định cứu người yêu nhưng đã quá muộn. Nàng bị vua Suttho dùng đuôi cuộn chặt, bắt về giam cầm tại kinh thành Bađan của vương quốc Naga nằm dưới dòng sông Mekong. Tuyệt vọng, Phả Đeng tự sát nhưng linh hồn chành biến thành quỉ vương. Phả Đeng liền tập họp bọn binh ma, tướng quỉ tiếp tục tiến đánh kinh thành Bađan để đòi lại nàng Ày Kham yêu kiều. Cuộc chiến tàn khốc đến nỗi thần Indra phải giáng hạ để ngưng chiến cho hai bên và yêu cầu họ phải chờ một vị Phật có tên là Phra – Sĩ – An đến phân xử xem Ày Kham thuộc về ai.
      Trong phần đầu của câu chuyện thì hoàng tử Phang Khi chính là nguyên nhân gây ra cuộc chiến tang thương giữa người và rắn. Anh ta không nên yêu thầm Ày Kham vì công chúa đã có hôn phu là quốc vương Phả Đeng, còn Phang Khi thì xuất hiện quá muộn màng. Nhưng ở phần sau, sử thi lại dẫn người đọc đến một chuỗi sự kiện liên quan đến những nghiệp chướng (Karma) mà Phang Khi và Ày Kham đã gây ra trong tiền kiếp. Phang khi trong tiền kiếp là một người câm, anh ta lấy nàng Am Kha (Ày Kham trong tiền kiếp) làm vợ nhưng chẳng yêu thương nàng. Một lần đưa vợ về thăm cha mẹ ở một làng khác, người câm để mặc vợ ngồi dưới gốc cây và bỏ đi một mình. Bơ vơ giữa rừng sâu, Am Kha uất ức nên quyết định trầm mình xuống sông tự tử. Trước khi chết nàng nguyền rủa rằng người câm sẽ gặp một kết cuộc như nàng trong kiếp sau. Rồi người câm sinh ra làm hoàng tử Naga và công chúa Ày Kham ra lệnh cho người thợ săn bắn chết dưới gốc cây trong hoàng cung chính là để trả lại nghiệp chướng mà chàng đã gây ra trong tiền kiếp.
      Ngoài mối quan hệ giữa Phang Khi và Ày Kham, sử thi còn dẫn người đọc đến câu chuyện khác về cha của hoàng tử Phang Khi là vua Naga Suttho. Vua Suttho trước khi đến cư ngụ tại lâu đài Ban Đan dưới sông Mekong đã từng sống ở hồ Nỏng Sẽ (Vân Nam) với một người bạn của ông là vua rắn Naga Suwan. Sau này giữa họ xảy ra hiềm khích, nguyên do vì vua Suttho nghi ngờ bạn mình không trung thành nữa. Trận chiến chỉ kết thúc khi thần Sấm Sét Indra, vị thần cai quản thiên đình (Đế thiên) sai thần Visukarma đến hòa giải. Để trừng phạt họ, thần Visukarma bắt họ đến canh giữ hai dòng sông khác nhau. Suwan đến canh giữ sông Nan (Đông Bắc Thái Lan), còn Suttho đến canh giữ sông Mekong và cư ngụ tại một thành phố có tên là Sattanakhandhut nằm dưới sông Mekong, đoạn giữa tỉnh Nỏng Khai của Thái Lan và thủ đô Viên Chăn của Lào. 
      Chuyện Pháya Khăn Khác (chúa Cóc)
     Chuyện kể rằng trong tiền kiếp khi Đức Phật còn là một vị Bồ Tát tên Pháya Khăn Khác (chúa Cóc). Ngài nghiên cứu Phật pháp (Darma) và thuyết giảng cho mọi sinh ling cùng nghe. Loài người và tất cả các sinh linh đều ngưỡng mộ chân lý qua những bài thuyết pháp của đại Bồ Tát Pháya Khăn Khác. Dần dần, họ quên cùng tế cho Pháya Thẻn, vị thần Sáng tạo vũ trụ và làm mưa xuống trần gian. Thần Pháya Thẻn nổi giận bèn quyết định trừng phạt mọi sinh linh bằng cách ngưng làm mưa trong bảy năm, bảy tháng và bảy ngày. Loài người bèn cầu xin Bồ Tát Pháya Khăn Khác giúp đỡ. Bồ Tát cho họ biết nguyên nhân của cơn hạn là do thần Pháya Thẻn không nhận được lễ vật của con người. Trong số các tín đồ của Bồ Tát có vị thần rắn tên là Pháya Nagi, làm vua của cõi thủy cung, biết chuyện liền mang quân đến đánh nhau với thần Pháya Thẻn trên thiên giới.
       Thần rắn Pháya Nagi thua trận và bị thương rất nặng. Bồ Tát thấy vậy rất cảm động, Ngài liền ban phép cho Pháya Nagi và quân lính của vua thành những thần rắn có lớp vảy bạc lóng lánh, chiếc mào bằng vàng và được bất tử trong cõi cực lạc. Từ đó Pháya Nagi nguyện trở thành Hộ pháp cho Bồ Tát trong mọi kiếp hóa thân của Ngài. Tuy nhiên, cơn hạn vẫn tiếp tục hoàn thành, Bồ Tát Pháya Khăn Khác bèn bàn kế hoạch với vua của tất cả các sinh linh để tiến đánh thiên giới. Vua mối liền xây một tổ mối cao đến tận thiên giới, vua Meng Ngod (vua bọ cạp) biến mình thành vô hình và ẩn vào y phục của thần Pháya Thẻn. Vua rắn Pháya Nagi biến thành con rết cực nhỏ, rồi chui vào ẩn trong chiếc giầy của thần. Khi Bồ Tát xuất hiện và ra hiệu, tất cả đồng loạt tấn công. Pháya Thẻn đau đớn chịu thua và xin Bồ Tát tha thứ tội lỗi của thần. Bồ Tát bèn yêu cầu thần Pháya Thẻn phải thực hiện ba điều kiện của con người như sau:
        -    Con người sẽ liên thông với Pháya Thẻn bằng pháo thăng thiên nên vào đầu mùa mưa người sẽ bắn pháo lên trời để thần biết mà làm mưa.
       -    Khi nghe tiếng ếch nhái kêu trên cánh đồng thì thần phải biết lượng mưa đã đủ.
       -    Khi thấy diều giấy và tiếng nhạc trỗi lên thì thần phải ngừng mưa vì trần gian đang vào mùa thu hoạch. Thần phải chờ pháo thăng thiên của năm sau mới được làm mưa. 
      Lễ hội Bun Băng Phay
      Bun Băng Phay có nghĩa là công đức của pháo thăng thiên. Đây là lễ hội mà người Lào dùng pháo thăng thiên bắn lên trời với ý nghĩa để thông báo hay cầu xin thần Pháya Thẻn ban mưa xuống trần gian. Bun Băng Phay diễn ra vào ngày Chín và Mười tháng Năm Dương lịch ở một số địa phương tại Lào và tỉnh Yasổthôn thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan. Nhưng lễ hội này cũng diễn ra trùng vào ngày 15 và 16 tháng Sáu Phật lịch, tức ngày Visakha – Busa (hay Visakha Puja, ngày Trăng tròn) của Phật giáo Therevada, vốn được xem là ngày Đức Phật đản sinh, đắc đạo và nhập Niết Bàn (Nirvana). Vì vậy, lễ hội này ít nhiều bị chi phối bởi các nghi lễ của Phật giáo Theravada.
       Bun Băng Phay tại tỉnh Yasổthôn được xem là lễ hội lớn nhất của người Lào tại vùng Đông Bắc Thái Lan. Tại đây, người ta huy động nhiều đoàn xe diễu hành trên đường phố với cờ xí ngợp trời, cùng các tranh tượng liên quan đến những điển tích trong sử thi Phả Đang Nang Ày và truyền thuyết Pháya Khăn Khác. Còn các quả pháo thăng thiên bằng tre trang trí hình rắn Naga sặc sỡ đủ mọi màu sắc thì được đặt trên các xe tải lớn dẫn đầu các đoàn diễu hành. Bên cạnh đó, người ta huy động hàng ngàn vũ công ăn mặc theo phong cách truyền thống Isản trình diễn những điệu múa dân gian xen lẫn với những đoàn xe diễu hành này. Tuy nhiên, tất cả những gì mà chính quyền tỉnh Yasổthôn làm là nhằm thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan và chiêm ngưỡng lễ hội tại địa phương này. thực chất họ chỉ tập trung nhiều vào phần “hội” mà không chú trọng mấy đến phần “lễ”. Cụ thể như: quả pháo thăng thiên hình rắn Naga bằng tre chỉ đơn giản dùng để diễu hành, còn quả pháo dùng để bắn lên trời lại làm bằng nhựa và không trang trí bất kì hình tượng gì. Khi bắn pháo người ta cũng không cần mời các nhà sư đến cầu kinh đúng theo truyền thống. Tóm lại có thể thấy Bun Băng Phay tại tỉnh Yasổthôn là một ngày “hội” để mọi người đến vui chơi, tìm hiểu các điển tích, xem biểu diễn múa hát và bắn pháo thăng thiên mà thôi.
        Chúng ta có thể gặp một hình ảnh tương phản tại Lào. Do kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên người Lào chưa có điều kiện tổ chức lễ hội Bun Băng Phay một cách tỉ mĩ và hoành tráng như tại tỉnh Yasổthôn của Thái Lan. Tuy nhiên, chính tại mảnh đất Lào ngày nay cư dân mới còn lưu giữ những tập tục và nghi lễ truyền thống liên quan đến lễ hội. Khi lễ hội Bun Băng Phay sắp diễn ra người Lào nô nức chuẩn bị các loại vật liệu làm pháo. Mỗi ngôi chùa, mỗi làng đều cố chứng tỏ kỹ thuật làm pháo thăng thiên của riêng mình một cách hoàn hảo nhất. Họ trang trí cho thật đẹp mắt và cố làm sao cho nó bay thật cao để giành chiến thắng và mang lời thỉnh cầu của con người đến vị thần Pháya Thẻn một cách nhanh nhất. Trên đường đưa đến bệ phóng, người ta đặt pháo thăng thiên trên các xe bò hoặc xe kéo tay xung quanh trang trí các hình Apsara hay Kinari, diễu hành quanh các làng xóm. Tất cả các quả pháo thăng thiên đều làm bằng tre và phải mang hình rắn Naga nhằm thể hiện hành động của vua rắn Pháya Nagi mang thông điệp của con người đến với thần linh. Trước khi phóng đi, các nhà sư thực hiện những nghi thức Phật giáo Theravada để yêu cầu thần Pháya Thẻn ban mưa thuận gió hòa. 
        Mối quan hệ
       Nguồn gốc của lễ hội Bun Băng Phay được tin là hình thành từ chuyện truyền thuyết  Pháya Khăn Khác (chúa Cóc) và được nhắc đến trong sử thi Phả Đeng Nang Ày. Nhưng những nghi thức mà chúng tôi quan sát được tại lễ hội Bun Băng Phay ở tỉnh Yasổthôn cho thấy có khả năng đây là một lễ hội nông nghiệp hình thành vào thời kì tiền ảnh hưởng Phật giáo và Bà La Môn giáo (Brahmanism). Cụ thể như trong lễ hội xuất hiện những điệu múa phồn thực do một cặp nam nữ lớn tuổi tay cầm sinh thực khí âm và dương thể hiện những động tác như đang giao phối. Đây là một trong những nghi thức thường thấy trong các lễ hội nông nghiệp Đông Nam Á. Ngoài ra, câu chuyện về chúa Cóc cũng là một trong những truyền thuyết bản địa hình thành trong nhiều cộng đồng tộc người Đông Nam Á như người Việt Nam có chuyện Cóc kiện trời. Vì vậy, quan điểm đồng hóa Đức Phật với chúa Cóc có thể chỉ xảy ra sau khi Phật giáo Theravada đã bám cội rễ ở Lào.
       Trong sử thi Phả Đeng Nang Ày có nói đến việc hoàng đế Khmer là Ek Thita tổ chức cuộc thi Bun Băng Phayhàng năm để cầu mưa. Như vậy, lời kể trong sử thi có nhiều điều trùng hợp với lịch sử đế chế Angkor. Vào thời cực thịnh, người Khmer đã từng mở rộng lãnh thổ lên đến tận vùng Hạ Isản của Thái Lan (trước đây thuộc Lào) và cả nước Lào ngày nay mà di chỉ Vạt Phu là một bằng chứng. Nhưng có điều không trùng hợp là người Khmer hoàn toàn không có tục cầu mưa bằng pháo thăng thiên và họ cũng không có câu chuyện nào về dân tộc họ bị rắn Naga trừng phạt vì theo truyền thuyết, Naga là thủy tổ của người Khmer. Có thể thấy rằng qua sử thi Phả Đeng Nang Àyngười Lào muốn đề cập đến các vấn đề sau:
      -   Lễ hội Bun Băng Phay có cội nguồn từ rất xa xưa, trước thời kì đế chế Khmer.
     -   Tín ngưỡng vật linh giáo (animism) về rắn Naga đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cư dân Lào.
    -   Ảnh hưởng chi phối của Phật giáo qua tư tưởng Nghiệp báo (Karma) và Luân hồi (Samsara).
       Tuy nhiên, sử thi Phả Đeng Nang Ày còn có một biến thể khác là Phạo Phả Đeng Nang Ày, mà tên của nhiều nhân vật đã bị thay đổi theo tên Lào như hoàng đế Ek Thita được thay bằng Pháya Khóm. Ngoài ra, Thạo Phả Đeng Nang Ày còn có thêm chi tiết kể về nhiều vị vua như Thạo Xang Han, Xang Da và vua Mường Song cùng ra tranh tài với Phả Đeng trong cuộc thi Bun Băng Phay. Đế chế Khmer thì được đổi tên thành nước Nỏng Hãn hay Thíta Nákhôn nhưng nội dung thì không thay đổi, vẫn là những diễn biến xoay quanh tình yêu tay ba giữa Phả Đeng, Phang Khi và Nang Ày cùng những nghịch cảnh mà chính họ đã gây ra trong tiền kiếp.
       Theo nhận định của chúng tôi có thể người Lào đã đồng hóa sử thi Phả Đeng Nang Ày và truyền thuyết Pháya Khăn Khác vào một dạng nghi lễ nông nghiệp nào đó vào thời kì tương đối muộn. Khi thuốc súng và kỹ thuật chế tạo pháo thăng thiên được phát minh, người Lào mới vận dụng vào lễ hội nên mới có tên gọi là Bun Băng Phay (Bun: làm phước, công đức, Băng Phay: bắn pháo thăng thiên). Hiển nhiên là đối với một nghi lễ mang yếu tố tâm linh cao, người ta phải gắn kết nó với vài truyền thuyết có sẵn nào đó hoặc sáng tạo ra những truyền thuyết mới để giải thích tính thiêng liêng cho những gì họ làm. Có thể do vậy mà lễ hội Bun Băng Phay được giải thích bằng những câu chuyện trong sử thi Phả Đeng Nang Ày và tuyền thuyết Pháya Khăn Khác.
      Thời gian đã làm cho sử thi Phả Đeng Nang Ày, truyền thuyết Pháya Khăn Khác và lễ hội Bun Băng Phay gắn kết với nhau tạo thành một đặc trưng tiêu biểu cho văn hóa lễ hội nông nghiệp của các cộng đồng cư dân Lào. Mối quan hệ hỗ tương này thể hiện ở việc nguồn gốc của lễ hội Bun Băng Phay được giải thích cơ bản dựa trên những điển tích trong sử thi Phả Đeng Nang Ày và truyền thuyết Pháya Khăn Khác. Ngược lại, sử thi và truyền thuyết này cũng được tái hiện bằng tranh tượng hay thông qua những màn diễn xuất dân gian trong lễ hội. Đặc biệt trong lễ hộiBun Băng Phay ở phía sau cùng của mỗi đoàn diễu hành, bao giờ người ta cũng cử một đôi nam nữ ngồi trên mình ngựa gỗ hoặc giấy bên trên có lọng che. Hình tượng này tái hiện cảnh sum họp của hoàng tử Phả Đeng và công chúa Nang Ày nhưng trong sử thi thì họ hoàn toàn không lấy được nhau. Đối với lễ hội Bun Băng Phay thì hình tượng đôi nam nữ “Phả Đeng – Nang Ày” nhằm biểu trưng cho văn hóa phồn thực của người Lào với mong muốn có một vụ mùa bội thu.
       Tóm lại, có thể nói rằng lễ hội Bun Băng Phay đã thể hiện tính chất tổng hợp dung hòa của nhiều yếu tố văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo khác nhau của cư dân nông nghiệp. Ở đây, người ta có thể tìm thấy dấu vết của tín ngưỡng phồn thực (fertility cult), tín ngưỡng vật linh giáo (animism), văn hóa Phật giáo và Bà La Môn giáo. Tất cả những vấn đề này thể hiện qua sử thi Phả Đeng Nang Ày, truyền thuyết Pháya Khăn Khác và Bun Băng Phay như một mối quan hệ không thể tách rời. Chính điều này đã tạo nên một sắc thái văn hóa riêng cho lễ hội Bun Băng Phaycủa người Lào.   
  Tài liệu tham khảo 
  1. Mayoury Ngaosrivathana and Kennon Breazeale 2002. Breaking new ground in Laos history. Bangkok: - O. S Printing House.
  2. http://www.laofolkliterarecourse-charpter2myths.htm 
  3. http://www.laofolkliteraturecourse-chapter4folkepics.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét