TỴ NẠN TRUNG HOA TẠI AN NAM VÀ XỨ CHÀM CUỐI THỜI NHÀ TỐNG
(Chinese Refugees In Annam And Champa At The End Of The Sung Dynasty)
Ký sự của Hok Lam Chan
Chuyển ngữ: Ngô Bắc
Chuyển ngữ: Ngô Bắc
Tháng Hai năm 1276, thủ đô nhà Nam Tống tại Lâm An (tức Hàng Châu ngày nay) rơi vào tay quân Mông Cổ, và vị hòang đế cuối cùng của nhà Tống, Chao Hsien, bị bắt giữ. Với sự trợ giúp của các quan thượng thư trung thành, các thành viên còn lại của hòang gia chạy trốn về miền nam.
Trong tháng Sáu, Chao Cheng mới chín tuổi được tôn lên làm vua (Tuan-tsung) tại Phúc Châu. Tuy nhiên, các quan lại cao cấp của tỉnh Phúc kiến từng người một đã bỏ ngũ chạy sang phía Mông Cổ, hòang gia không bao lâu lại phải triệt thóai sâu xuống phía nam hơn nữa, tới tỉnh Quảng Đông. Tháng Ba năm 1277, cứ điểm nhà Tống tại thành phố Quảng Đông (Canton) cũng bị sụp đổ và hòang gia phải vội vã trốn chạy về Mei-wei, trong vùng lân cận của bán đảo Cửu Long (Kowloon), thuộc Hồng Kông ngày nay. Tháng Mười Một, dưới áp lực gia tăng của Mông Cổ, họ phải rút lui theo hướng tây nam dọc theo bờ biển Quảng Đông. Bởi vì Chao Hsien có vẻ không bao giờ tái lập sự kiểm sóat được nữa và bởi có vẻ có vài cơ may để tỵ nạn nơi các vương quốc phiên thuộc Chàm và An Nam (Việt Nam ngày nay), một đợt xuất cảnh hỗn lọan của người Trung Hoa đã xảy ra. Bi kịch của vị hòang đế cuối cùng của nhà Tống đã khơi dậy nhiều tình cảm trong lịch sử, nhưng câu chuyện di dân và tìm nơi tỵ nạn của một số viên chức nhà Tống đã chưa được tìm hiểu đầy đủ. Bài viết này cố gắng đưa ra một sự tường thuật mô tả và trình bày một sự phân tích ngắn về những yếu tố nền tảng đã định hình diễn tiến di dân, cũng như tác động của nó trên ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa được nâng cao tại Việt Nam.
Trong số các quan thượng thư trung thành quy tụ sự ủng hộ cho hòang gia, có bốn khuôn mặt nổi bật nhất: Ch’en I-chung (Trần Nghi Trung?, chú của người dịch] (chết sau năm 1282), Chang Shi-chieh (Trương Thế Chieh] (chết năm 1279), Lu Hsiu-fu (1238-1279), và Su Liu-I. Chen I-chung, một nội các đại thần, đã là người đầu tiên cứu xét đến khả tính tìm chỗ tỵ nạn tại xứ Chàm. Lý do là vì nước Chàm không qúa xa bờ biển Quảng Đông, và là một chư hầu của nhà Tống, nước Chàm có lòng trung thành và thân thiện với Trung Hoa. Ông Ch’en đã khởi hành đến xứ Chàm cùng với các tùy tùng thân cận trong tháng Mười Hai năm 1276 để tìm hiểu tình hình. Su Liu-I, một quan chức cao cấp trong được đòan thị vệ hòang cung, không đồng ý với kế họach của ông, đã đuổi theo thuyền của ông Ch’en trong một nỗ lực thuyết phục ông bãi bỏ chuyến đi, thế nhưng qúa trễ để ngăn chặn ông ta. Một khi đã đặt chân lên xứ Chàm, ông Ch’en đã không bao giờ quay về để gia nhập tóan tỵ nạn hòang gia, mà đã ở lại đó, với lý do là ông nhận thấy mọi việc vượt quá tầm tay của ông để có thể nỗ lực hơn nữa nhằm cứu vãn triều đại. Các sự tường thuật về sự di chuyển của ông khá hỗn tạp; một số cho rằng ông đã chạy trốn sang đảo Java, một số khác nói rằng sang Căm Bốt, và còn có cả tin nói ông sang Nhật Bản. Nhưng theo tập Sung-shih (Tống sử), khi quân Mông Cổ khuất phục xứ Chàm vào năm 1282, ông chạy trốn sang nước Xiêm và từ trần sau đó.
Tuy nhiên, Shih Wen-kuang (Thạch Văn Quang), một trong những phụ tá chính của ông ta, đã không kéo dài thời gian lưu vong. Ông này đã quay lại từ xứ Chàm về thành phố Quảng Đông với một đội thuyền và đội quân tình nguyện người Chàm. Sau khi có sự sụp đổ của nhà Nam Tống, nạn hải tặc hòanh hành dọc bờ biển tỉnh Quảng Đông. Với sự ủng hộ của các người gốc Chàm, Shih Wen-kuang đã thiết lập một thành lũy vững chắc tại thị trấn quê quán của ông, thị trấn Tseng-ch’eng, và đã đẩy lui nhiều cuộc tấn công của hải tặc.
Trong khi vắng mặt Ch’en I-chung, hòang gia, dưới áp lực nhiều hơn nữa của quân truy kích Mông Cổ, triệt thóai về Chinh-so thuộc huyện Chung-shan (Trung Sơn) ngày nay. Tháng Giêng năm 1277, một cơn giông tố đã đánh vào đòan thuyền tỵ nạn. Vì quá hỏang sợ, ấu chúa đã băng hà hồi tháng Năm tại Nao-chou, một hòn đảo nằm giữa Lei-chou và Hua-chou. Kế đó, người em trai tám tuổi của ấu chúa đã được tôn lên kế nhiệm ngai vàng. Chang Shih-chieh được cử nhiệm làm quan phụ trách binh bị với tước hiệu thiếu phó (kèm nhà vua), và trở thành quan chức cao nhất trong triều đình tỵ nạn, và hai ông Lu Hsui-fu và Su Liu-I được cử làm tư lệnh chỉ huy quân đội.
Giống như vị tiền nhiệm Ch’en I-Chung, Chang Shih-chieh cũng cứu xét tới giải pháp tìm kiếm nơi tỵ nạn, có lẽ tại An Nam, phía bắc của xứ Chàm. Điều này xảy ra sau khi có sự thất trận của các lực lượng nhà Tống và sau sự từ trần của hòang đế tại Yai-shan thuộc huyện Hsin-hui ngày nay hồi tháng Hai năm 1278. Vào đầu tháng Bẩy 1277, triều đình hòang gia đã di chuyển từ Nao-chou về Yai-shan: lý do là vì Nao-chou là một hòn đảo ngòai biển khơi, khiến cho việc truyền tin giữa triều đình và các thần dân trung thành trong lục địa gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong tháng Hai kế đó (năm 1278), đội quân nhà Tống bị bao vây bởi quân Mông Cổ dưới quyền chỉ huy của một kẻ đào ngũ khỏi nhà Tống, Chang Hung-fan (1238-1280), và đã phải chịu một tổn thất khổng lồ. Đòan tỵ nạn hòang gia vô cùng nguy khốn. Chang Shih-chieh tìm cách thóat khỏi vòng vây, trong khi Lu Hsiu-fu, không trốn được, đã nhảy xuống biển tự vận. Về số phận của ấu chúa, sự tường thuật phổ biến cho rằng ấu chúa bị chết trên biển cùng với Lu Hsiu-fu, nhưng trong một cuộc nghiên cứu gần đây, có vẻ là ấu chúa đã chết vì sự kinh hòang khi chiếc thuyền của ông ấy bị bể vỡ trong cuộc bao vây. Tuy nhiên, quân Mông Cổ vẫn chưa tin ở sự từ trần của ấu chúa. Lo sợ rằng có thể cuối cùng ấu chúa sẽ bỏ chạy sang xứ Chàm, nơi ấu chúa sẽ có được sự che chở của Ch’en I-Chung, họ tiếp tục truy tìm cho đến khi khám phá ra được thi thể của ấu chúa tại Kao-chou. Hòang thái hậu, nhũ danh Yang, đau khổ vì cái chết của đứa con, đã trầm mình tự vận nơi biển khơi. Thi thể bà đã trôi giạt về Nghệ An thuộc xứ Chàm [?, khi đó Nghệ An đã thuộc Việt Nam từ lâu, chú của người dịch], nơi mà các thổ dân đã dựng các ngôi đền tưởng nhớ bà, và sau này, bà còn được tôn thờ và phong làm nữ thần của biển cả. Tuy nhiên, tin đồn rằng vị hòang đế nhà Tống hãy còn sống sót đã đem lại năng lực cho những kẻ trung thành dọc bờ biển Quảng Đông tố chức nhiều cuộc nổi dậy chống lại quân Mông Cổ nhằm bảo vệ đòan tỵ nạn hòang gia. Chang Shih-chieh sống sót qua cuộc thất trận và quyết tâm đi đến An Nam để tìm kiếm một vài hậu duệ của gia đình nhà vua có thể kế truyền huyết thống của hòang gia. Trên đường đi, thuyền của ông bị lật nhào tại vịnh Ping-chang, nay thuộc huyện Yang-chiang. Ông Chang bị chết đuối và do đó đã kết thúc nỗ lực sau cùng của một đại thần trung thành muốn khôi phục uy quyền của nhà Nam Tống.
Sau khi có sự sụp đổ của triều đình nhà Tống tại Yai-shan, hai viên chức cao cấp, Ch’en Chung-mei (1212-1283) và Tseng Yen-tzu (chết sau năm 1284) đã thành công trong việc trốn thóat sang An Nam. Ch’en, một người đỗ bằng chin-shih [tiến sỉ?, chú của người dịch] năm 1238, đã bị giáng cấp làm một chức quan nhỏ tại Quảng Đông bởi sự phê bình của ông nhắm vào Chia Ssu-tao (1213-1275), một chính khách bị chỉ trích nặng nề nhất của triều Nam Tống. Khi ấu chúa chạy đến thành phố Quảng Châu, Ch’en đã nhanh chóng gia nhập triều đình và được bổ nhiệm làm Đại Thần phụ trách Nhân Viên. Sau khi có sự sụp đổ của nhà Tống, Ch’en đã tỵ nạn tại An Nam và đã được tiếp đón ân cần bởi vua Trần Khoan [? tên húy của vua Trần Thánh Tông là Hỏang, chú của người dịch] (tức Trần Thánh Tôn, 1258-1278) (14) [*a, xem chú *a của người dich]. Khi ông Ch’en từ trần, ông có để lại một bài thơ với các dòng chữ bày tỏ tấm lòng hòai vọng cố hương của ông:
“Khi tôi chết tôi sẽ quay về như một linh hồn từ An Nam.
Khi sống tôi là một thần tôi bất khuất của triều đình nhà Nam Tống”.
Nhà vua Nam cũng là một nhà thơ nổi tiếng, được nói có làm một bài thơ ai điếu cho ông ta [*b, xem chú của ngườI dịch].
Ch’en được cho rằng là có viết một tác phẩm nhan đề Erh-wang pen-mo [Nhị Vương Bản Mộc?, chú của người dịch], trình bày số phận của hai vị hòang đế sau cùng của nhà Tống. Bản văn này được chuyển về Trung Hoa từ An Nam xuyên qua một sứ giả của Mông Cổ hồi năm 1281. Tuy nhiên, Jao Tsung-I, một học giả hiện đại, nghi ngờ rằng bản văn này là một sự ngụy tạo của các văn gia nhà Nguyên (Mông Cổ). Một thập kỷ sau đó, con trai của ông tên Ch’en Wen-sun, bỏ trốn sang phía Mông Cổ và bị kết tội bởi người An Nam là đã chỉ huy quân thù tiến đánh An Nam vào năm 1284. Vô cùng tức giận, nhà vua nói trên đã ra lệnh dùng búa đập nát quan tài của Ch’en Chung-mei.
Tseng Yen-tzu [*c, xem chú của người dịch] là một quan chức cao cấp khác chạy trốn sang An Nam. Tseng, đậu bằng chin-shih năm 1250, đã được bổ nhiệm về đô sát viện tại Lei-chou nằm 1275. Khi hòang triều triệt thóai về thành phố Quảng Đông, ông tự động ra trình diện và được bổ nhiệm làm ủy viên tỉnh Quảng Tây. Trong một cuộc hải chiến với quân Mông Cổ, ông bị gió thổi bay trên sàn tàu nhưng được cứu thóat bởi thủy thủ đòan. Sau đó ông đã lên chiếc thuyền của Su Liu-I và đã đến được An Nam một cách an tòan. Giống như Ch’en Chung-mei, ông được dành cho một sự tiếp đón nồng hậu bởi người An Nam. Khi quân Mông Cổ tiến chiếm An Nam, ông và ông Su Liu-I [*d, tức Tô Lưu Nghĩa, theo An Nam Chí Lược đã bị đàn em giết tại Trung Hoa chứ không có qua An Nam, xem chú của người dịch], đều bị bắt giữ. Trong thời gian tỵ nạn tại An Nam, ông có làm một số bài thơ ca ngợi phong cảnh của xứ sở này; các bài thơ này được phổ biến rộng rãi trong giới học giả bản xứ.
Trong Quyển viết về An Nam trong Yuan-shih (Nguyên sử), có ghi nhận rằng khi quân Mông Cổ chế ngự An Nam, họ đã bắt được hơn bốn trăm quan chức nhà Tống tỵ nạn. Tuy nhiên, có thể đã có một số lượng lớn hơn các quan chức nhà Tống chạy sang tỵ nạn tại An Nam và các nước láng giềng khác.
Sau khi có sự sụp đổ của nhà Nam Tống, một vài quan chức trung thành có phóng ra một sự kháng cự cứng rắn chống lại quân Mông Cổ với sự liên minh của người An Nam tại vùng biên giới Trung Hoa-An Nam. Thí dụ, Huang Sheng-hsu, một thổ quan, thuộc châu Shang-ssu chou, tỉnh Quảng Tây, đã đẩy lui nhiều cuộc xâm nhập của quân Mông Cổ vào lãnh địa của ông ta hồi năm 1292 với sự trợ giúp của người An Nam. Sau hai năm đấu tranh, phe trung thành sau cùng bị đập tan. Huang chạy trốn sang Giao Chỉ (Bắc Việt ngày nay) và đã được che chở bởi một ông hòang bản xứ cương quyết từ chối không chịu giao nạp ông ta cho quân Mông Cổ. Từ năm 1297 trở đi, ông Huang có phóng ra các cuộc đột kích rời rạc từ căn cứ của ông vào phía nam tỉnh Quảng Tây, như không thu gặt được mấy sự thành công [*e] .
Sử ký biên niên của An Nam thế kỷ mười ba, quyển Đại Việt Sử Ký Tòan Thư, có lưu giữ những tài liệu về các dân tỵ nạn nhà Tống tại An Nam. Theo quyển sử này, đã có ba sự kiện quan trọng trong lịch sử di dân của người Trung Hoa sang Việt Nam xảy ra trong thập kỷ cuối cùng của nhà Nam Tống:
1. Tháng Mười Hai năm 1263, Huang Ping, một “thổ tù” từ Ssu-ming chou [châu Tư Minh?, chú của người dịch], tỉnh Quảng Tây, xuất cảnh sang An Nam, cùng với một đòan vào khỏang hai ngàn người, và có đem theo các phẩm vật tiến cống để tặng các ông hòang bản xứ [*f] .
2. Tháng Mười, năm 1274, một đòan tỵ nạn dân nhà Tống đáp vào vịnh Lacat-nguyên [?], An Nam. Họ đến trong một đòan gồm 30 chiếc thuyền mang theo gia đình và sản phẩm để trao đổi, chính yếu là vải vóc và dược liệu của Trung Hoa. Họ được đón tiếp nồng nhiệt bởi các thẩm quyền địa phương và được cấp cho những khu định cư đặc biệt tại kinh đô Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Những người tỵ nạn này có biệt danh là “hui-chi: hồi kê” (trở về từ đất nhiều gà lùn: return from the land of poultry) bởi vì người Trung Hoa thời Tống mệnh danh Chàm là “Chi-kuo” (xứ gà vịt: kingdom of poultry) [*g].
3. Trong năm 1285, một người Trung Hoa nào đó có tên là Chao Chung (Triệu Trung) được thuật lại là đã trợ giúp Hòang Thân Trần Nhật Canh [?,đúng ra là Trần Nhật Duật, chú của người dịch], trong việc đẩy lui một cuộc xâm lăng của Mông Cổ tại Hàm Tử Quan. Triệu [Trung] là một người tỵ nạn nhà Tống đã được tuyển mộ bởi Hòang Thân vào đội quân riêng của ông. Ông cùng binh sĩ đã mặc quân phục chiến đấu của nhà Tống. Khi quân Mông Cổ nhìn thấy đòan quân, họ đã sửng sốt nghĩ rằng các lực lượng Tống có thể đã đến giúp người An Nam ở đó, và hậu quả là tinh thần họ đã suy giảm và các cuộc tấn công của họ đã bị nới lỏng [*h].
Một tập tạp ghi thời nhà Minh, Cho-ying-t’ing-pi-chi viết bởi Tai Kuan, bao gồm một sự tường thuật về các người tỵ nạn thuộc nhà Tống tại xứ Chàm. Theo quyển sách này, một viên chức cao cấp nhà Tống nào đó có tên Shen Ching-chih đã chạy sang xứ Chàm sau khi có sự sụp đổ của nhà Tống và đã đưa ra một lời thỉnh cầu lên ông hòang xứ Chàm hãy gửi sự trợ giúp để cứu vãn hòang triều. Ông hòang này nhận thức rằng mình không đủ sức để can thiệp, đã tỏ ý rất tiếc phải từ chối. Khi ông Shen mất đi, ông hòang có làm một bài thơ bày tỏ nỗi đau buồn của ông. Tuy nhiên, sự tường thuật này đáng bị nghi ngờ, bởi không có vết tích gì về vị “quan chức cao cấp” như thế trong bất kỳ tài liệu nào của nhà Tống. Hơn nữa, câu chuyện được nói có cùng một cốt truyện về ông Ch’en Chung-mei, một quan chức nhà Tống quan trọng mà sự tường thật về cuộc đời đã được nêu ra ở trên. Ngòai ra, những câu thơ đầu tiên của bài thơ được nói là viết bởi vị vua Chàm lại giống hệt như những dòng thơ được viết bởi vị quốc vương An Nam để tưởng niệm quan chức được đề cập tới sau [tức Ch’en Chung-mei, chú của người dịch]. Bởi thế, tôi [tác giả bài viết này, chú của người dịch] nghi ngờ rằng Shen có thể chỉ là một nhân vật cấp thấp trong nhóm người tỵ nạn, và câu chuyện về người này rất có thể là bản chuyển dịch dân gian câu chuyện về cuộc đời của Ch’en Chung-mei.
Tập Nguyên sử có gồm hai sự tường thuật về các hành động hào hiệp của một số người tỵ nạn nhà Tống nào đó tại xứ Chàm. Câu chuyện thứ nhất liên quan đến việc làm sao mà một ông hòang xứ Chàm, theo lời cố vấn của một “man-tzu” nào đó, đã bắt giữ một sứ giả của Mông Cổ được phái đến nước Xiêm đã tình cờ đi ngang qua lãnh địa của ông hòang hồi năm 1282. Rất có thể người này là một kẻ tỵ nạn dân nhà Tống, bởi “man-tzu” là từ ngữ của Mông Cổ để chỉ người Trung Hoa sinh sống tại miền Nam Tống đã bị khuất phục. Sự tường thuật thứ nhì kể lại làm thế nào mà một ông hòang khác của xứ Chàm đã sử dụng một cư dân Trung Hoa, có lẽ là một người tỵ nạn thuộc nhà Tống có tên là Tseng Yen, để trù họach một mưu kế nhằm bóp nghẹt một cuộc xâm lăng của Mông Cổ trong cùng năm đó, gây ra bởi sự từ chối của ông hòang không chịu tuyên hứa trung thành với nhà Nguyên (Mông Cổ). Các lực lượng bản xứ không cách nào đối xứng được với quân Mông Cổ, và họ đã triệt thóai lên vùng đồi núi. Ông hòang đã gửi ông Tseng đó đóng vai như một kẻ chỉ điểm chạy sang phe Mông Cổ trong một mưu toan xô đẩy quân Mông Cổ rơi vào bẫy. Không may kế họach đó bị đổ bể và ông Tseng đã bị bắt giữ.
Sự kề cận về địa dư và mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung Hoa với An Nam và xứ Chàm, như giữa quốc gia bá quyền và các chư hầu đã là hai yếu tố chính làm nền tảng cho sự di dân. Yếu tố địa dư có tính cách quan trọng hơn. Vào lúc khi mà phần lớn đất đai trong lục địa Trung Hoa đã mất vào tay Mông Cổ và thẩm quyền nhà Tống bị thu nhỏ lại vùng ven biển, hòang gia không có giải pháp nào khác hơn là chạy về phía nam bằng đường biển. Lại nữa, với sự truy kích gắt gao của quân Mông Cổ, không có nơi trú náu nào khác hơn ngọai trừ đi đường biển xuống hướng tây nam của tỉnh Quảng Đông. Khi cứu xét về sự kề cận địa dư, An Nam và Chiêm Thành (Chàm), hãy còn ở xa tầm áp lực của quân Mông Cổ, có vẻ là nơi ẩn náu an tòan duy nhất. Về yếu tố thứ nhì, sự kết buộc chặt chẽ lâu đời giữa Trung Hoa và các vương quốc Việt Nam như giữa quốc gia bá chủ - chư hầu, cũng đóng một vai trò đáng kể. Nhiều thành tố đã phải góp phần vào việc củng cố mối quan hệ ràng buộc này, chẳng hạn như: sự liên hệ chủng tộc, sự thuận tiện về chính trị, sự cam kết tinh thần về một trật tự quốc tế theo tinh thần Khổng học, các đặc quyền mậu dịch béo bở dưới hình thức các phái bộ mang phẩm vật tiến cống, và nhiều thành tố khác. Chính vì mối quan hệ bá chủ-chư hầu này mà người tỵ nạn Trung Hoa đã xem những vương quốc này tại vùng Đông Nam Á như là những nơi có thể ẩn náu trong những thời buổi có sự xáo trộn xã hội và chính trị. Có lẽ cũng chính vì cùng lý do này mà triều đình nhà Tống đã nhận thức rằng việc triệt thóai sang An Nam và xứ Chàm là một giải pháp khả thi.
Cử chỉ thân mật mà các vị vua bản xứ dành cho các người tỵ nạn đời nhà Tống cũng có thể được hiểu trong bối cảnh này. Một mặt, là một chư hầu của một đế quốc vĩ đại, có vẻ đối với họ việc cung cấp nơi ẩn náu cho hòang gia nhà Tống trong những thời kỳ khủng hỏang là một công tác danh dự. Mặt khác, chính họ là hậu duệ của Trung Hoa [nói riêng các vua đời nhà Trần, xem chú thích 30 và chú thích *i của người dịch bên dưới], họ có khuynh hướng nghiêng về phe người Trung Hoa và xác định người Mông Cổ là kẻ thù của họ. Sau hết, sự nhận thức về mối đe dọa quân sự lơ lủng trên đầu từ Mông Cổ và sư lo sợ rằng các người dân du mục này có thể, không như người Trung Hoa, sẽ áp đặt nền trực trị trên họ chứ không phải duy trì nguyên trạng như các nước bá chủ - chư hầu, đã thúc dục họ đi đến việc bảo vệ hòang gia nhà Tống và ngay cả việc liên minh với những kẻ trung quân Trung Hoa chống lại kẻ thù chung.
Trong một khía cạnh khác của cuộc di dân nhà Tống, sự lựa chọn địa phương để đổ bộ và tái định cư cũng là một vấn đề đáng cứu xét về mặt lịch sử. Từ những tài liệu rời rạc có được, rõ ràng là phần lớn các người tỵ nạn đến từ vùng ven biển, đặc biệt là những người từ tỉnh Phúc Kiến vốn đã tham gia vào trong họat động mậu dịch hải ngọai, đã cập bến Việt Nam bằng đường biển. Nhiều phần là họ các đi theo hải trình đương thời và đã cập bến vào những hải cảng ở An Nam hay Chiêm Thành mà họ đã quen thuộc qua kinh nghiệm mậu dịch. Các hải lộ có vẻ là khá thuận tiện, bởi đã có việc ghi nhận rằng khi thuận gió, một chiếc thuyền đi từ thành phố Quảng Châu (Canton) có thể sẽ tới xứ Chàm trong tám ngày. Khi cứu xét về đường bộ, các khu vực biên giới của Bắc Việt có vẻ là các địa điểm thuận tiện cho sự xâm nhập của người tỵ nạn. Bản chất của khu định cư thực dân Trung Hoa đương có và khả tính cho họat động mậu dịch mang đến một lý lẽ khác cho sự lựa chọn địa điểm và sự tái định cư trong cuộc di dân tỵ nạn. Người ta cũng có thể ức đóan về sự kiện rằng các người tỵ nạn Trung Hoa đã được cấp phát các khu vực tái định cư đặc biệt tại Hà Nội nhiều phần là để khuyến dụ các kẻ khác đến gia nhập. Các hải cảng thương mại nơi mà các thương nhân Trung Hoa đã có kinh nghiệm lâu năm trong việc trao đổi với các người dân bản xứ có vẻ là một địa điểm được ưa thích khác cho sự tái định cư người tỵ nạn. Bản chất của khu định cư thực dân Trung Hoa hiện hữu và các cơ hội thương mại có được vì thế đã là các yếu tố quan trọng trong việc định hình nhãn quan của các người tỵ nạn Trung Hoa tại An Nam và Chiêm Thành [lúc bấy giờ].
Cuộc di dân tỵ nạn đời nhà Tống đã tác động một cách đáng kể trên sự phát triển các thuộc địa Trung Hoa và tầm ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa gia tăng tại Việt Nam. Giống như các cuộc di dân tỵ nạn khác trong lịch sử, các người Trung Hoa đời nhà Tống đã xuất cảnh sang An Nam và xứ Chàm với hy vọng ban đầu là tìm kiếm một nơi ẩn náu tạm thời và sẽ trở về Trung Hoa sau rốt. Không may, niềm hy vọng của họ bị giảm dần với sự chinh phục của Mông Cổ trên vùng lục địa Á Châu và các vương quốc lân bang. Với thời gian trôi qua, tư thế của họ đã thay đổi từ tạm thời sang thường trực, và từ người tỵ nạn sang dân thường trú. Như Wada Hisanori đã nhận xét, làn sóng di dân thời nhà Tống này đã đặt nền móng cho sự định cư thực dân Trung Hoa có tính cách thường trực hơn tại Việt Nam. Lý do là vì sự chinh phục Trung Hoa bởi một chủng tộc xa lạ đã làm tiêu tán hy vọng về một sự hồi hương sau rốt về quê quán trong lòng người tỵ nạn. Chính như thế, các dân tỵ nạn đời Tống nhất thiết đã có một tác động đáng kể trên ảnh hưởng gia tăng của Trung Hoa tại Việt Nam. Không giống với những triều đại trước đó, khi mà các người Trung Hoa đến định cư tại An Nam, Chiêm Thành và các quốc gia Đông Nam Á khác phần lớn là các thương nhân, các người chạy trốn hay các hạng người khác thuộc tầng lớp xã hội dưới thấp, lần này nòng cốt của số người tỵ nạn được tuyển chọn từ nhóm người thượng lưu thuộc gia đình hòang tộc và giới sĩ phu học giả. Sự cư trú của lớp người học thức và tỵ nạn chính trị như Ch’en Chung-mei và Tseng Yen-tzu nhất định đã góp phần vào việc cải thiện phẩm chất và nâng cao vị thế xã hội và chính trị của các cư dân Trung Hoa tại Việt Nam và nhất thiết đã góp phần vào sự phát huy văn hóa Trung Hoa (34)[*j]. Khi nhìn dưới hai yếu tố này, cuộc di dân đời nhà Tống sang Việt Nam xứng đáng được xem là một giai đọan đáng kể trong lịch sử quan hệ Hoa-Viêt.
-------
Chú thích:
*b: Sách An Nam Chí Lược dẫn trên, các trang 285 - 286 có ghi lại bài thơ nhà vua Trần Thánh Tông vãn điều Trần Trọng Huy [ở đây lại dịch là Trần Trọng Huy, thay vì Trần Trọng Vi như đã ghi ở chú *a nêu trên, người dịch chép nguyên văn để người đọc tham chiếu cho đầy đủ, chú của người dịch] như sau:
Tam thế Trần Thánh Vương vãn Tống thần Trần Trọng Huy (Tống vong, nhập An Nam tốt)
Thống khốc Giang nam lão cự khanh,
Xuân phong thu lệ vị thương tình,
Vô đoan thiên thượng biên niên nguyệt,
Bất quản nhân gian hữu tử sinh.
Vạn lũy bạch vân già cố quốc,
Nhất đôi hòang nhưỡng cái hương danh.
Hồi thiên lực lượng tùy lưu thủy
Lưu thủy nan đầu cộng thái bình.
Bản dịch:
Trần Thánh Vương (tam thế) vãn điếu Trần Trọng Huy, tôi nhà Tống
(nhà Tống mất, Trần Trọng Huy lánh qua An Nam rồi tạ thế).
Than khóc Giang Nam lão cự khanh,
Gió xuân gạt lệ xót xa tình.
Bỗng dưng con tạo ghi năm tháng,
Chẳng quản ngườI ta có tử sịnh
Mây trắng muôn trùng che cố quốc,
Đất vàng một nấm lấp phương danh.
Chống trời lực lượng theo giòng nước,
Giòng nước trôi xuôi cứ thái bình.
*c: tức Tăng Uyên Tử, sách An Nam Chí Lục dẫn trên, trang 185, có ghi tiểu sử nhân vật này như sau:
Tự là Quảng Trưng, người Vũ Châu, thi đậu khoa Canh Tuất (1250), niên hiệu Thuần Hữu (1241-1252), đời Tống Lý Tông, do chức Thị Tụng ra làm Tri Huyện Long Hưng, kiêm chức An Vũ, lại được vời làm Lâm An Phủ Dõan, coi việc Tham Chính Phủ. Mùa xuân năm Ất Hợi (1275) do chức đài đoan biếm ra Lôi Châu. Niên hiệu Chí Nguyên năm Bính Tý (1276), đại binh vào Hàng Châu, ấu chúa ra hàng. Nhị Vương vượt biển đến Quảng Châu. Uyên Tử yết kiến, được cho làm Quảng Tây Tuyên Úy Sử, kiêm quản Lôi Châu. Năm Mậu Dần (1278) làm chức Thị Độc, gia phong Kim Tử Quang Lộc đại phu. Lúc Ích Vương bại trận ở Nhai Sơn, Tham Chính là Tú Phu ôm Quảng Vương nhảy xuống biển. Uyên Tử nhảy theo, nhưng được người nhà vớt lên khỏi chết, bèn ở nhờ trong thuyền của Tô Lưu Nghĩa. Bọn Mã Vượng giết Lưu Nghĩa, đem Uyên Tử chạy qua An Nam, rất được Trần Thánh Vương trọng đãi. Mùa đông năm Giáp Thân (1284), niên hiệu Chí Nguyên, đại binh [quân Nguyên, chú của người dịch] vào An Nam, Uyên Tử đem chúng qui phục. Sau không biết chết ở đâu.
*d: tức Tô Lưu Nghĩa, có con là Tô Cảnh Do, sách An Nam Chí Lược dẫn trên, các trang 185-186, có ghi về cha con nhà ông như sau:
Tô Cảnh Do: con của Tô Lưu Nghĩa, An-vũ-Sứ nhà Tống. Năm Bính Tý (1276) hiệu Chí Nguyên, quan binh vào Lâm An, Nhị Vương chạy xuống phía Nam, lúc ấy ngưòi cha làm Sách Ứng Đại Sứ Quảng Đông và Quảng Tây, gia hàm Thiếu Bảo. Sau trận thua tại Nhai Sơn, vua Tống bị chôn vào bụng cá. Lưu Nghĩa bị bọn Vương Phục, Mã Vượng giết chết. Chúng tôn Khả Văn Kiệt lên làm trưởng, bắt vợ Lưu Nghĩa gả cho Văn Kiệt. Lúc ấy Cảnh Do mới mười tuổi, Văn Kiệt dẫn chúng chạy qua An nam, Cảnh Do kêu oan cho cha với Thánh Vương nhà Trần, Vương khiến Kiểm Pháp Quan Đinh Củng Viên tra xét, Văn Kiệt lo lót rất hậu, Củng Viên tâu với Vương rằng: “ấy là việc xảy ra lúc chúng nó chưa về phụ với ta, bất tất cật vấn làm gì.” Mùa đông năm Giáp Thân (1284), niên hiệu Chí Nguyên, quan binh vào An Nam, Văn Kiệt đem chúng ra hàng, Cảnh Do lại đem việc ấy tố cáo với Trấn Nam Vương [Thái Tử nhà Nguyên, tên Thóat Hoan, chú của người dịch], Vương thương xót, khiến người dò hỏi ra sự thực, bèn chém Văn Kiệt. Cảnh Do theo quân về Bắc, được cho về làng cũ.
*e: Huang Shenh-hsu: tức Hòang Thánh Hứa. Sách An Nam Chi Lược dẫn trên, nơi các trang 103-105, có đề mục liên hệ: “Quan Bình Chương là Lưu-Nhị-Bạt-Đô đánh yên giặc Hòang-Thánh-Hứa rồi gửi thư cho vua An Nam” ghi chép nguyên văn bức thư này và được dịch ra nơi các trang nêu trên.
*f: Đại Việt Sử Ký Tòan Thư, bản dịch do Viện Khoa Học Xã Hội xuất bản năm 1998, Tập II, trang 33 có ghi nguyên văn như sau: “Thổ quan phủ Tư Minh (thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) nước Tống là Hòang Bính dâng sản vật địa phương và đem 1,200 bộ thuộc sang quy phụ.”
*g: Đại Việt Sử Ký Tòan Thư, sách dẫn trên, Tập II, trang 39 có ghi lại sự kiện này và nguyên văn bản dịch như sau:
*i: Về lai lịch nhà Trần, sách Đại Việt Sử Ký Tòan Thư đã dẫn trên, Tập II, trang 7, đã ghi như sau:
KỶ NHÀ TRẦN
THÁI TÔNG HÒANG ĐẾ
Họ Trần, tên húy là Cảnh, trước tên húy là Bồ, làm Chi hậu chính triều Lý, được Chiêu Hòang nhường ngôi, ở ngôi 33 năm (1226-1258), nhường ngôi 19 năm, thọ 60 tuổi [1218-1277] băng ở cung Vạn Thọ, táng ở Chiêu Lăng . ….
Trước kia, tổ tiên vua là người đất Mân (có người nói là người Quế Lâm), có người tên là Kinh đến ở hương Tức Mặc (sau là xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định cũ, nay thuộc Nam Hà), phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp. Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, đời đời làm nghề đánh cá . Vua là con thứ của Thừa, mẹ họ Lê, sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần, Kiến Gia thứ 8 triều Lý (tức năm 1218) . Vua mũi cao, mặt rộng, giống như Hán Cao Tổ . Khi mới 8 tuổi, làm Chi hậu chính chi ứng cục triều Lý. Vì có chú họ là Trần Thủ Độ làm Điện Tiền chỉ huy sứ, nên vua được vào hầu trong cung. Chiêu Hòang thấy vua thì ưa.
Năm Ất Dậu [1225], mùa đông, tháng 12, ngày 12 Mậu Dần, nhận thiện vị của Chiêu Hòang, lên ngôi hòang đế, đổi niên hiệu là Kiến Trung.
Tính đến vua Trần Thái Tông, tổ tiên gốc Trung Hoa của nhà Trần đã đến định cư tại Việt Nam được 5 đời, tức ít nhất từ 50 năm cho đến 100 năm, vì thế có thể nói là đã Việt hóa hòan tòan rồi. Nên nhớ Nhà Trần là triều đại đương cự và đánh lại Trung Hoa nhiều hơn bất kỳ triều đại nào trong lịch sử Việt Nam.
*j: Vì hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa cùng chịu ảnh hưởng của nền văn hóa chung vùng Đông Á, nên khó có thể biện biệt ra đâu là những hậu quả của cuộc tỵ nạn và định cư của người nhà Tống tại Việt Nam hồi thế kỷ 13 . Chúng ta có thể còn kiểm điểm được một vài dấu tích như các khu cư trú dân gốc Trung Hoa tại các phố Hàng Bồ, Hàng Buồm, Khu Khâm Thiên ở Hà Nội, các khu người Hoa tại Hải Phòng, Quảng Yên, Quảng Ninh, hay các tỉnh giáp biên giới như Lạng Sơn và Lào Cai cho mãi đến năm 1978… Một vài nhà nghiên cứu đưa ra nhận định rằng môn học Tử Vi có thể đã được du nhập vào Việt Nam cùng với cuộc di dân cuối triều Tống này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét