SONGKRAN – LỄ HỘI MỪNG NĂM MỚI CỦA THÁI LAN
ThS. Phan Anh Tú
(ĐHQG TP.HCM)
Trong những ngày đầu tháng Tư Dương lịch, người dân theo Phật giáo Nam tông tại các quốc gia Đông Nam Á lục địa lại rôm rả chuẩn bị lễ hội đón mừng năm mới của họ. Theo truyền thống lễ hội diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 04 hàng năm.
Lễ hội có tên gọi khác nhau ở mỗi quốc gia như Lào gọi là Pi Mày Lao, Miến Điện là Thingyan, Thái Lan là Songkran, Campuchia và Khmer Nam Bộ là Chom Chnam Thmay. Tuy nhiên, chúng lại được tổ chức cùng một mốc thời gian với các hoạt động văn hóa mang màu sắc chung của Phật giáo Nam tông. Ở Thái Lan, lễ hội Songkran được tổ chức hoành tráng với qui mô rộng lớn trên khắp quốc gia. Thông qua dịp này, Thái Lan muốn quảng bá hình ảnh du lịch của đất nước họ nhằm thu hút một lượng lớn du khách nước ngoài đến tham quan, vui chơi và tham gia các lễ hội.
Sư sãi chuẩn bị đón Tềt Trẻ em tham gia lễ hội
Truyền thuyết của lễ hội Songkran bắt nguồn từ câu chuyện đấu trí giữa thần Pha Rom, vị thần Sáng tạo trong đạo Bà La Môn và hoàng tử Thonmibol, đại diện cho Phật giáo Nam tông. Thần Pha Rom bị thua cuộc buộc phải cắt đầu tự sát, rồi đầu thần được lưu lại trong một tòa tháp thiêng trên ngọn núi Meru. Hàng năm, bảy người con gái của thần cùng với chư tiên có nhiệm vụ rước đầu cha đi ba vòng quanh núi và ngày đó được xem là ngày đầu năm theo Phật lịch.
Nàng Songkran, con gái của thần Pha Rom Nàng Songkran và các nàng tiên, con gái của
thần Pha Rom
Mặt khác, lễ hội cũng là một hoạt động văn hóa liên quan đến chu kỳ phát triển nông nghiệp ở Đông Nam Á. Tháng Tư là giai đoạn cuối mùa khô, đầu mùa mưa nên té nước là một nghi lễ không thể thiếu trong lễ hội Songkran của người Thái Lan. Do lễ hội diễn ra vào mùa nóng nhất trong năm nên người ta té nước vào nhau để làm dịu bớt cái nóng oi bức của mùa hè. Hơn nữa, tục té nước cũng giúp cho người tham dự tăng thêm niềm vui trong ngày đầu năm. Trong ý nghĩa tâm linh, té nước hành động cầu mưa, biểu hiện cho hình ảnh của con rắn Naga, vị thần mưa đang phun nước xuống trần gian. Nước còn có ý nghĩa khác làm trôi đi những xui xẻo bất hạnh của năm cũ để năm mới gặp nhiều may nắm, thành công hơn.
Người dân té nước vào nhau trên đường phố
Ngoài các hoạt động mang tính cộng đồng, Songkran còn là dịp để người Thái Lan đi chùa lễ Phật hay tỏ lòng hiếu thảo của mình với ông bà, cha mẹ. Trong chùa người ta thường mang nước đến tắm tượng Phật nhằm cầu chúc cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, gia đình hạnh phúc. Ngoài ra, người dân Thái còn có tục đắp núi cát trong sân chùa. Tập tục này mang đậm màu sắc triết lý Phật giáo là một hạt cát biểu trưng cho một lời cầu nguyện cứu rỗi một linh hồn. Núi cát còn biểu hiện cho ngọn núi Tudi, nơi tu hành của Đức Phật và là ngọn núi ngăn không cho mây bay đi, do vậy con người sẽ có mưa mà trồng lúa. Trong gia đình, con cháu sẽ nấu nước thơm tắm cho ông bà, cha mẹ như một hành động tỏ lòng tri ân người có công sinh thành và nuôi nấng mình. Những tập tục này là hoạt động chung của các dân tộc theo Phật giáo Nam tông. Người Khmer Nam Bộ hiện nay vẫn còn duy trì những phong tục tương tự như người Thái Lan nhưng họ không phổ biến tục té nước. Vào dịp Chom Chnam Thmay, người Khmer Nam Bộ thường tổ chức đua ghe Ngo như một hoạt động tôn vinh nước và cầu mong một vụ mùa bội thu.
Voi tham gia té nước Rửa tay cho sư
Tóm lại lễ hội Songkran của người Thái Lan, cũng như lễ hội mừng năm mới của các dân tộc khác theo Phật giáo Nam tông đều mang đậm dấu ấn văn hóa nông nghiệp lúa nước. Thời điểm diễn ra lễ hội thường là lúc giao thời giữa mùa khô và mùa mưa vì vậy các hoạt động của cư dân phần lớn nhằm vào hai mục đích, tạ ơn vụ mùa đã qua và cầu xin may mắn cho vụ mùa tới. Tuy Phật giáo Nam tông có ảnh hưởng chi phối đến nhận thức của cư dân Đông Nam Á lục địa nhưng rõ ràng các nghi lễ nước trong lễ hội chính là bằng chứng thiết thực về tục sùng bái nước trong xã hội nông nghiệp thời cổ còn tồn tại đến ngày nay.
Đắp núi cát trong sân chùa Đi chùa tắm Phật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét