Nông nghiệp trồng lúa, mà chủ yếu là lúa nước, đã trở thành đặc trưng kinh tế của khu vực Đông Nam Á. Lúa được coi là linh hồn trong lao động sản xuất và sinh hoạt văn hóa tinh thần của cư dân khu vực này. Có thể nói, chính nghề nông trồng lúa nước đã nảy sinh hầu hết các lễ hội cổ truyền ở Đông Nam Á, trong đó có lễ hội giữ hồn lúa.
Nguồn gốc của lễ hội giữ hồn lúa
Là cư dân của những quốc gia nông nghiệp, người Đông Nam Á mang đậm nét văn hóa nông nghiệp lúa nước. Từ xa xưa, họ đã có quan niệm: mọi vật bao giờ cũng có hai phần, phần xác và phần hồn. Mỗi cây lúa cũng vậy, đều có hồn lúa trú ngụ. Hồn sẽ mang lại sinh khí, giúp cho cây lúa tươi tốt, đâm bông, trổ hạt. Giống như con người, cây lúa sẽ chết nếu phần hồn dời bỏ nó. Và theo đó, nghi lễ giữ hồn cho cây lúa đã xuất hiện rất tự nhiên như bao tín ngưỡng khác của cư dân nông nghiệp nơi đây.
Hồn của vạn vật là cái gì đó rất mơ hồ. Hình dạng hồn của mỗi vật được nhận thức một cách khác nhau do quan niệm của hoàn cảnh sống, do cảm nhận của giác quan. Với người dân nông nghiệp Đông Nam Á, hồn lúa luôn hiện lên với hình tượng của người phụ nữ. Có nhiều cách lý giải về điều này. Có ý kiến cho rằng, kinh tế cơ bản của cư dân nơi đây là trồng trọt, người phụ nữ đã đóng vai trò quan trọng ở buổi ban đầu trong cuộc sống hái lượm và trồng trọt. Với công việc đó, người phụ nữ đã đảm nhận vai trò to lớn, được trân trọng với sự hình thành chế độ mẫu hệ (1). Có lẽ thế nên hồn lúa, sinh khí sự sống của cây lúa, đã hóa thân vào họ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu về văn hóa Đông Nam Á lại có kiến giải: chức năng người phụ nữ là sinh sản, duy trì nòi giống. Điều đó cũng có ở cây lúa. Và như thế, người phụ nữ chính là biểu tượng thiêng liêng của hồn lúa… (2). Dù là cách lý giải nào thuyết phục, thì cũng đều có một điểm chung, đó là sự trân trọng hồn lúa như hình ảnh người mẹ không thể thiếu trong các gia đình nông nghiệp Đông Nam Á. Với mỗi nơi, cách gọi về hồn lúa là khác nhau. Có thể đó là thần lúa, nữ thần lúa, có nơi đặt tên là mẹ lúa, hoặc công chúa mặt trời…
Là tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng giữ hồn cây lúa cũng có rất nhiều truyền thuyết giải thích về sự ra đời của nó. Truyền thuyết Malaysia có kể về sự thần kỳ của hạt lúa khi tự lăn về nhà, chui vào nồi để con người chỉ việc nấu thành cơm. Khi nấu cơm, không được mở vung, tự khắc cơm sẽ chín. Việc mở vung trong quá trình nấu là một điều cấm kỵ. Bởi lúa gạo là con gái, nên người đàn ông tuyệt đối không được nấu cơm. Thế rồi một hôm, người mẹ phải đi làm và nhắc nhở con ở nhà về những điều cấm kỵ khi nấu cơm. Tuy nhiên, người con đã không thực hiện lời dặn dò của mẹ. Khi vung nồi mở ra, một cô bé rất xinh đẹp xuất hiện rồi ngay lập tức biến mất, chỉ để lại một hạt gạo nhỏ. Từ khi đó, tất cả những công việc đồng áng (cày cấy, gieo hạt, gặt hái, phơi thóc, quạt sạch và mang vào nhà), con người đều phải tự mình làm.
Câu chuyện về thần lúa của người Khơme cũng có nhắc đến sự thần kỳ của hạt lúa buổi ban đầu khi đến với con người. Truyền thuyết Khơme kể rằng: khi xưa, lúa chín, tự khắc bay về nhà, con người không phải gặt hái. Một hôm, hai vợ chồng nọ cãi vã nhau, làm thần lúa khó chịu. Thế rồi, người bỏ đi. Người Khơme tìm mọi cách, nhưng đều bị thần lúa từ chối. Nạn đói đã xảy ra. Thật may mắn, một thày cúng đã mời được vị thần này quay trở lại. Nhưng cũng từ đó, thóc lúa cũng không tự bay về nữa… (3).
Nhiều truyền thuyết khác ở các nước Đông Nam Á cũng có cốt truyện như hai truyền thuyết trên. Với nội dung như thế, con người muốn răn dạy thế hệ sau phải biết quý trọng thành quả lao động của mình, sống thủy chung, có trước, có sau… Và, khi đã tin rằng cây lúa có hồn như vạn vật khác, con người đã nảy sinh tư tưởng sùng bái. Họ cầu khấn để hồn lúa ở lại với cây lúa, với cuộc sống của họ. Trong không khí trang trọng, linh thiêng, họ cầu được mùa, thì thầm những điều mong muốn, khẩn cầu thần lúa ban cho họ một cuộc sống no đủ, an lành…
Lễ hội giữ hồn lúa ở các quốc gia Đông Nam Á
Để giữ hồn cho cây lúa, đương nhiên nghi lễ này sẽ được tiến hành vào đầu mùa gieo hạt hoặc đầu mùa gặt. Cư dân Đông Nam Á quan niệm, đây là thời điểm hồn lúa rất dễ bay đi do thay đổi chỗ ở.
Ở Malaysia và Singapor, hồn lúa được gọi là công chúa mặt trời. Sau các nghi lễ long trọng ở ngoài đồng, công chúa mặt trời được rước về nhà trong một khung cảnh lộng lẫy. Trong lễ hội này, người ta tuyển chọn một cô gái đẹp, cho mặc xiêm y màu vàng (biểu tượng cho hạt lúa chín), bố trí ngồi trên chiếc xe dán giấy trang kim sặc sỡ, xung quanh cô là rất nhiều bó lúa được xếp như là những đóa hoa. Chiếc xe chở cô gái, biểu tượng của công chúa mặt trời, được đi đầu đoàn xe chở lúa. Trên tay cô gái là một bó lúa được gặt từ thửa ruộng thiêng. Khi về đến sân đập, cô gái sẽ chia bó lúa (thường là 7 nhánh) cho các bà mẹ trong làng. Những người phụ nữ này mang các nhánh lúa được chia, bọc trong một chiếc khăn sạch và bỏ vào giỏ riêng. Giỏ được coi như một chiếc nôi để hồn lúa nằm. Sau đó, họ cẩn thận đặt chiếc giỏ ấy vào kho thóc của gia đình.
Tại Thái Lan, vào khoảng tháng chín âm lịch, khi mà cây lúa bắt đầu ngậm đòng kết hạt, người Thái bắt đầu chọn ngày làm lễ cầu nữ thần lúa. Lễ hội diễn ra rất tưng bừng, náo nhiệt, được tổ chức khá công phu ở ngoài đồng. Người ta lấy rơm, kết lại thành hình một người phụ nữ rồi đặt ở ngoài đồng cùng lụa là, các lễ vật khác: bánh chuối, trứng và một nắm cơm; còn có thêm cả phấn, nước hoa và lược. Họ quan niệm, nữ thần lúa cần trang điểm, chải chuốt bộ tóc mượt mà. Cũng có nơi, họ mặc thêm bộ quần áo mới may cho người rơm. Họ cầu mong nữ thần lúa sinh sản nhiều lúa, sao cho thóc đầy vựa, cơm đầy nồi.
Đến mùa thu hoạch, lễ hội được tổ chức cả sân đập và kho chứa lúa. Sau khi cúng, người ta đặt đồ cúng cùng người rơm trên đống lúa vừa gặt. Khi lúa đã được chuyển hết về sân đập, người nông dân nơi đây còn ùa đi tìm nhặt những bông lúa rơi vãi và còn sót lại ở ngoài đồng. Các nghiên cứu về văn hóa dân gian Thái Lan cho rằng, sở dĩ người dân Thái có hành động như vậy vì sợ chính những bông lúa rơi vãi ấy có chứa thần lúa của họ, và nếu không tìm, người sẽ lạc đường. Nếu thần lúa lạc đường, thì năm sau, vị thần này sẽ không đến phù hộ cho cây lúa của họ đâm bông, trổ hạt nữa. Vừa nhặt thóc rơi, họ vừa khấn: “Cầu mong thần lúa đừng đi lạc, mong người hãy về nhà kho, nơi sung sướng, hãy nuôi sống con cháu của người”(4).
Các nghi lễ ở sân đập lúa cũng giống như ngoài đồng. Tại đây, người ta khẩn cầu thần lúa tha thứ cho những hành động, mà theo họ là đã làm cho thần lúa đau đớn. Sau khi xong xuôi, mọi người ăn uống, vui chơi ngay trên sân đập. Trước khi cất thóc vào kho, người dân Thái còn dựng một chòi lễ bằng tre, lợp rơm, trên có cắm một vài bông lúa. Trong chòi có bệ đặt tượng Phật, cùng đồ lễ và một bình chứa, thóc rơi vãi ngoài đồng. Các vị sư được mời đến tụng kinh, vẩy nước thiêng vào bình thóc và vào thóc giống (lấy từ thửa ruộng thiêng) để tăng sức sống cho thần lúa. Sau cùng là lễ thức đóng cửa kho chứa thóc. Nghi lễ tiến hành giống như lễ cất thóc.
Lễ hội vun thóc trên sân ở Lào, còn gọi là Bun khun khảu nay lan, được tổ chức vào tháng ba, để tạ ơn các thần và tổ tiên đã phù hộ cho vụ mùa bội thu. Ngày hội vun thóc còn là dịp để người ta làm phúc, làm việc thiện. Họ hy vọng, những điều tốt làm được sẽ giúp Thần Lúa cảm động mà mang tới cho họ một mùa màng bội thu vào năm sau, cho lúa trong kho múc ăn không vơi, đong ra không cạn.
Khi mùa màng đến, họ vun thóc thành đống lớn trên sân. Các tác giả cuốn Lịch sử Lào (Viện nghiên cứu ĐNA, 1995) cho biết: Trong ngày hội này, các nhà chuẩn bị các đồ cúng, dâng lên thần lúa, như bún, bánh, đồ xôi cùng hương hoa và vài âu nước lạnh. Gia chủ sẽ lấy chỉ trắng giăng thành nhiều vòng quanh đống thóc, rồi mời các vị tăng sư và họ hàng tới dự. Cũng giống như Thái Lan, các vị sư được mời đến đọc kinh và vẩy nước thiêng. Nước thiêng còn lại sẽ được gia chủ đem vẩy ở ruộng, vẩy lên trâu bò và các công cụ… Sau đó, gia đình làm lễ cúng tổ tiên. Khi các nghi thức xong xuôi, mọi người cùng ăn uống vui vẻ và trò chuyện trên sân đập lúa. Buổi tối các nhà dâng hương lên chùa và nghe tụng kinh, còn ngoài sân đập lúa, thanh niên vui đùa, ca hát (5).
Sau hội vun thóc trên sân, thóc được chuyển vào kho bằng một lễ rước rất náo nhiệt. Trên chiếc xe đầu tiên, người ta chở một hình nhân bằng rơm cùng các lễ vật, rồi tiếp theo là xe chở thóc. Khi tới kho, người ta đặt hình nhân vào kho. Đóng cửa kho xong, người ta treo các cành lá cầu may ở cửa kho thóc. Lễ rước kết thúc bằng các bài hát vui nhộn.
Cũng vào tháng ba, lễ tạ ơn hồn cây lúa được tổ chức ở Campuchia. Lễ hội bao gồm: hội dâng lửa, hội vun đống thóc và hội rước thóc. Hội dâng lửa và vun đống thóc được tổ chức ngay ngoài ruộng hoặc trong làng hay trên sân chùa. Người ta vun một đống thóc to ở giữa ruộng hoặc bãi, sân, rồi đốt một đống lửa để làm lễ và sau đó vui hội (6).
Bên cạnh đó, người Campuchia còn có lễ rước lúa ra đồng. Lễ hội này được tổ chức rất lớn với quy mô quốc gia. Họ quan niệm, thần lúa là những bông lúa dài, mẩy hạt, chọn từ thửa ruộng thiêng của năm trước. Các bông lúa này sẽ được buộc vào một cây mía to, đủ ngọn, mong muốn những cây lúa sau này sẽ tươi tốt như mía. Những hạt lúa thiêng có hồn lúa trú ngụ, được một đoàn xe cùng với voi chở về các vùng trồng lúa. Sau đó, lúa thiêng được trộn với lúa giống để truyền sức mạnh của hồn lúa cho những hạt lúa sắp gieo. Người dân ở khắp nơi trên đất nước Chùa Tháp tin tưởng vào một vụ mùa bội thu, bởi trong các hạt thóc đem gieo đều có hồn lúa trú ngụ. Trong tiếng cồng chiêng rộn ràng, một người trong trang phục lễ hội, ôm cây mía có buộc những bông lúa, trịnh trọng ra đồng. Dân làng có nhiệm vụ reo hò thật to để đánh thức hồn lúa đang ngủ trong kho hãy tỉnh dậy. Với những lời cầu khẩn thành tâm của mình, dân làng tin thần lúa khi tỉnh dậy sẽ mau chóng bay khắp cánh đồng, nhập hồn vào những hạt lúa mới gieo để chúng nảy mầm và lớn nhanh.
Cũng như các dân tộc Đông Nam Á khác, tín ngưỡng thờ mẹ lúa có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Từ xa xưa, người Việt quan niệm, mẹ lúa là người đại diện cho toàn công xã. Về tín ngưỡng thờ mẹ lúa, có thể tìm đọc thêm trong cuốn Sáu mươi lễ hội truyền thống Việt Nam (1992). Tín ngưỡng thờ mẹ lúa cũng là một trong những biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực, cầu mong cho mọi vật sinh sôi, nảy nở. Đó chính là ngày hội xuống đồng (hội vào mùa) ở đồng bằng Bắc Bộ. Một minh họa điển hình ở làng Quắc Tước, Đồng Lạc, Yên Lập, Vĩnh Phúc. Vào ngày 1-5 âm lịch, người dân đã dậy rất sớm và kéo nhau đến thửa ruộng trước cửa đình làng để làm lễ xuống đồng. Làm lễ xong, những người được chọn đóng vai mẹ lúa sẽ bước xuống thửa ruộng đã cày sẵn, cắm những cây mạ đầu tiên trong tiếng reo hò của dân làng. Người dân còn lấy cây nêu cắm vào khoảng giữa mới cấy. Cây nêu được làm bằng một cành tre nhỏ còn đủ lá ngọn, trên treo những hình vòng tròn tượng trưng cho mặt trời, tua tre hình bông lúa. Sau khi làm nghi thức xong ở thửa ruộng, người dân ùa xuống ruộng và té nước, ném đất vào nhau để lấy may (7).
Lễ trình nghề nông và lễ rước mạ ở xã Bồ Sao, Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc diễn ra vào ngày 15-5 âm lịch. Ở nghi lễ trình nghề nông, có các vai: người cày bừa, người quẩy mạ cấy. Trong lễ rước mạ, người ta đặt bó mạ lên kiệu rước từ nhà ra đền, theo nghi lễ rước thần với tán lọng, cờ quạt cùng trống chiêng. Người chủ lễ rước dẫn đầu đoàn chức sắc (mặc áo the, khăn xếp), cung kính bước theo sau kiệu mạ. Đám rước tới sân đình được dân chúng chờ sẵn, hò reo chúc mừng. Người chủ trì nâng mâm mạ lên bàn thờ làm lễ, rồi đem con mạ xuống cấy ở thửa ruộng đã cày bừa sẵn trước đền (8).
Các dân tộc miền núi có lễ cúng cơm mới sau khi thu hoạch vụ mùa. Dân tộc Mường trong khi thu hoạch, họ chọn ba cây lúa nương trĩu bông, hạt mẩy. Họ đào cả gốc đem về treo cạnh bếp để giữ vía lúa. Ở Gia Lai, Kon Tum, dân tộc Ba na có lễ hội mừng lúa mới. Lễ hội được tổ chức đầu mùa thu hoạch, cầu mong ruộng nương càng nhiều thóc lúa.
Trong ngày lễ nông nghiệp, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức. Trò tung cầu, cướp cầu thấy được tái hiện ở nhiều nơi. Quả cầu gồm hai trái: trái chiêm và trái mùa, to bằng sọ dừa, làm bằng gỗ và được sơn son thếp vàng. Người ta tin rằng, khi quả cầu tung lên mà lọt vào hố phía tây (lúa mùa) thì năm ấy được mùa lúa tháng mười, còn lọt vào hố phía đông (lúa chiêm) thì được mùa lúa tháng năm. Trò đúc tượng thấy ở nhiều nơi, trong đó tiêu biểu ở làng Phù Diễn, Tam Nông, Vĩnh Phúc. Ngày hội, một số trai tráng khỏe mạnh, cởi trần, đóng khố, trát bùn lên người rồi được đón về ngồi giữa sân đình. Mỗi người được choàng một mảnh chiếu và đặt lên đầu một bó mạ. Những người được đóng vai trong các nghề khác nhau cầm dụng cụ biểu diễn nghề nghiệp của mình. Cây lúa khổng lồ được tạo nên bởi những bó mạ thực, cùng sinh lực và ý chí con người (đóng thành tượng). Biểu tượng về vị phúc thần ấy, theo các nhà nghiên cứu văn hóa, vừa trở nên cụ thể (gần hiện thực cuộc sống), nhưng lại vừa mang ý nghĩa tượng trưng cầu phúc thần mùa màng… (9).
Có thể thấy, từ ngàn xưa, người Đông Nam Á đã tôn thờ thần lúa, coi vị thần này là linh hồn của mọi sinh hoạt trong cuộc sống. Các nhà nghiên cứu văn hóa đều thống nhất khi cho rằng: vòng đời của cây lúa đã làm nảy sinh hầu hết những lễ hội nông nghiệp của các dân tộc nơi đây. Mỗi quốc gia dân tộc Đông Nam Á đều có lễ hội thờ thần lúa với những nét độc đáo riêng, tạo nên sự thống nhất trong tính đa sắc màu của tín ngưỡng giữ hồn lúa ở khu vực Đông Nam Á.
_______________
1. Trần Bình Minh, Những tương đồng giữa các lễ hội cổ truyền Đông Nam Á, Hà Nội, 2000, tr.52.
2. Ngô Văn Doanh, Vũ Quang Thiện, Phong tục các dân tộc Đông Nam Á, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1997.
3. Mai Ngọc Chừ, Văn hóa Đông Nam Á, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998, tr.127.
4. Phua Anuman Rajadhou, Văn hóa dân gian Thái Lan, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1989.
5. Viện Đông Nam Á, Lịch sử Lào, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998, tr.187.
6. Nhiều tác giả, Văn hóa lễ hội của các dân tộc ở Đông Nam Á, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1992.
7, 8, 9. Thạch Phương, Lê Trung Vũ, Sáu mươi lễ hội truyền thống Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 2008.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 331, tháng 1-2012
Tác giả: Bùi Thị Ánh Vân
Các dân tộc miền núi có lễ cúng cơm mới sau khi thu hoạch vụ mùa. Dân tộc Mường trong khi thu hoạch, họ chọn ba cây lúa nương trĩu bông, hạt mẩy. Họ đào cả gốc đem về treo cạnh bếp để giữ vía lúa. Ở Gia Lai, Kon Tum, dân tộc Ba na có lễ hội mừng lúa mới. Lễ hội được tổ chức đầu mùa thu hoạch, cầu mong ruộng nương càng nhiều thóc lúa.
Trong ngày lễ nông nghiệp, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức. Trò tung cầu, cướp cầu thấy được tái hiện ở nhiều nơi. Quả cầu gồm hai trái: trái chiêm và trái mùa, to bằng sọ dừa, làm bằng gỗ và được sơn son thếp vàng. Người ta tin rằng, khi quả cầu tung lên mà lọt vào hố phía tây (lúa mùa) thì năm ấy được mùa lúa tháng mười, còn lọt vào hố phía đông (lúa chiêm) thì được mùa lúa tháng năm. Trò đúc tượng thấy ở nhiều nơi, trong đó tiêu biểu ở làng Phù Diễn, Tam Nông, Vĩnh Phúc. Ngày hội, một số trai tráng khỏe mạnh, cởi trần, đóng khố, trát bùn lên người rồi được đón về ngồi giữa sân đình. Mỗi người được choàng một mảnh chiếu và đặt lên đầu một bó mạ. Những người được đóng vai trong các nghề khác nhau cầm dụng cụ biểu diễn nghề nghiệp của mình. Cây lúa khổng lồ được tạo nên bởi những bó mạ thực, cùng sinh lực và ý chí con người (đóng thành tượng). Biểu tượng về vị phúc thần ấy, theo các nhà nghiên cứu văn hóa, vừa trở nên cụ thể (gần hiện thực cuộc sống), nhưng lại vừa mang ý nghĩa tượng trưng cầu phúc thần mùa màng… (9).
Có thể thấy, từ ngàn xưa, người Đông Nam Á đã tôn thờ thần lúa, coi vị thần này là linh hồn của mọi sinh hoạt trong cuộc sống. Các nhà nghiên cứu văn hóa đều thống nhất khi cho rằng: vòng đời của cây lúa đã làm nảy sinh hầu hết những lễ hội nông nghiệp của các dân tộc nơi đây. Mỗi quốc gia dân tộc Đông Nam Á đều có lễ hội thờ thần lúa với những nét độc đáo riêng, tạo nên sự thống nhất trong tính đa sắc màu của tín ngưỡng giữ hồn lúa ở khu vực Đông Nam Á.
_______________
1. Trần Bình Minh, Những tương đồng giữa các lễ hội cổ truyền Đông Nam Á, Hà Nội, 2000, tr.52.
2. Ngô Văn Doanh, Vũ Quang Thiện, Phong tục các dân tộc Đông Nam Á, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1997.
3. Mai Ngọc Chừ, Văn hóa Đông Nam Á, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998, tr.127.
4. Phua Anuman Rajadhou, Văn hóa dân gian Thái Lan, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1989.
5. Viện Đông Nam Á, Lịch sử Lào, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998, tr.187.
6. Nhiều tác giả, Văn hóa lễ hội của các dân tộc ở Đông Nam Á, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1992.
7, 8, 9. Thạch Phương, Lê Trung Vũ, Sáu mươi lễ hội truyền thống Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 2008.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 331, tháng 1-2012
Tác giả: Bùi Thị Ánh Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét