DƯỚI TÁN RỪNG GIÀ BORNEO
ThS. Nguyễn Ngọc Thơ
(Đại học Quốc gia Tp.HCM)
(Đã đăng trên Báo Tuổi Trẻ cuối tuần, 1/2008)
Hòn đảo Borneo lớn nhất Đông Nam Á (743,330 km2) với những cánh rừng nhiệt đới rậm rạp bao đời nay luôn chứa đựng nhiều bí ẩn về một quá khứ hào hùng của văn minh bản địa cổ xưa bên trong nó. Dưới những tán rừng già ấy có một cộng đồng cư dân vẫn miệt mài gìn giữ và bồi đắp cho truyền thống văn hóa nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á suốt mấy ngàn năm nay, đó là cộng đồng dân tộc Dayak.
Đảo Borneo
Đảo Borneo bao gồm nước Brunei, hai bang Sabah và Sarawak của Malaysia và 4 tỉnh phía Tây, Trung, Đông và Nam Kalimantan của Indonesia, được thế giới biết đến như một hòn đảo đa sắc tộc, đa văn hóa song vẫn thống nhất nguồn gốc. Cộng đồng Dayak là một thí dụ điển hình.
Cộng đồng Dayak gồm hàng trăm sắc tộc khác nhau cư trú rải rác khắp đảo Borneo, họ nói hàng trăm phương ngữ Dayak khác nhau nhưng tất cả đều thuộc ngữ hệ Nam Đảo (Austronesien). Một số sắc tộc chính có thể kể nhưBakumpai và Dayak Bukit ở phía nam, Ngajus, Baritos, Benuaqs ở phía đông, Kayan và Kenyah ở vùng trung tâm đảo, Ibans, Embaloh, Kayan, Kenyah, Penan, Kelabit v.v. ở vùng Sarawak (Malaysia). Ngoài ra còn có các sắc dân Ahe, Jagoi, Selakau, Bidayuh và Kutais. Tổng số dân Dayak trên toàn đảo hiện khoảng 2,2 triệu người.
Mẫu trang phục và nhà dài Tây Kalimantan Mẫu trang phục và nhà dài Trung Kalimantan
Theo nghiên cứu lịch sử, Dayak là nhóm cư dân bản địa Borneo lâu đời. Tổ tiên của họ đã di cư từ lục địa ra đảo từ hơn 3000 năm trước hoặc sớm hơn. Xã hội Dayak bắt đầu khởi sắc khi nghề luyện kim được truyền đến hòn đảo này vào cách nay khoảng 2450 năm.
Về kinh tế truyền thống, những nhóm Dayak sống giữa cánh rừng già nhiệt đới thì chủ yếu săn bắt, các nhóm ven biển làm nghề chày lưới, trong khi phần đông làm ruộng lúa nước ven sông, làm rẫy, trồng cọ trên những ngọn đồi thấp v.v.. Các nghề thủ công, nghề gốm, nghề dệt thổ cẩm, nghề đúc kim loại cũng là các thành tựu kỹ thuật - kinh tế quan trọng.
Chiến binh già Thế hệ Dayak tương lai
Mặc dù cộng đồng Dayak đa sắc tộc, đa văn hóa song vẫn có chung những đặc trưng Dayak nhất định. Họ gần như có chung tôn giáo Kaharingan (dạng Hindu giáo đã bản địa hóa theo thuyết đa thần ở Borneo), có chung một số phong tục dân gian như tục cưới hỏi, tục tang ma (đặc biệt là tục cải táng), tục chữa bệnh bằng ma thuật (shaman), tục xăm mình, tín ngưỡng phồn thực, các phong tục lễ hội dân gian v.v..
Trong truyền thống, cư dân Dayak sinh sống trong những căn nhà dài với nhiều tên gọi khác nhau như rumah panjang, rumah bubungan, rumah panjar, rumah ba’anjung v.v., nhiều thế hệ sinh sống chung, cùng nhau gìn giữ truyền thống văn hóa qua thời gian. Tuy vậy, hiện các ngôi nhà dài thưa dần theo nhịp sống hiện đại hóa.
Nhà dài Dayak
Trong các lễ hội truyền thống, ngoài năm mới ra, lễ hội Gawai Dayak vào đầu tháng 6 hàng năm là một phong tục khá đặc biệt. Sau mùa gặt, người Dayak mở hội để tạ ơn thần thánh đã hào phóng ban tặng cho họ một mùa bội thu, để tưởng nhớ tổ tiên ông bà, để dạy cho thế hệ sau những giá trị văn hóa sống, và để gắn kết cộng đồng với phương châm “thống nhất trong đa dạng”. Những lúc ấy, người Dayak tụ họp dưới những căn nhà dài, bày lễ vật dâng cúng, đánh trống khua chiêng tạo nên một không khí vô cùng sống động. Những truyền thuyết, thần thoại được kể râm ran, xen vào đó là điệu nhạc véo von với những điệu múa ngajat vừa mạnh mẽ song cũng rất đỗi dịu dàng.
Cô dâu Dayak ngày cưới
Tạm biệt cộng đồng Dayak, tạm biệt một Đông Nam Á thu nhỏ. Với ai chưa một lần đến với Borneo, những cánh rừng già trên đảo luôn là những điều bí ẩn thôi thúc tìm về với thuở bình minh của văn hóa Đông Nam Á bản địa.
Những điệu múa ngajat mạnh mẽ...
... song cũng rất đỗi dịu dàng!
Tài liệu tham khảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét